Ở Ai Cập cổ đại hàng ngàn năm trước, có một người đàn ông tên là Wahtye tuy không phải thuộc dòng dõi hoàng gia nhưng vẫn được đưa vào an nghỉ ở khu nghĩa trang dành cho vua chúa ở phía tây thành phố Cairo hiện nay. Hãy cùng khám phá bên trong lăng mộ này sau 4.400 năm bị chôn giấu trong bí mật.
Các nhà khảo cổ vừa tiến hành khai quật một ngôi mộ cổ nằm ở khu nghĩa địa hoàng gia của Ai Cập. Ngôi mộ tuy đã được xây dựng từ 4.400 năm trước nhưng vẫn giữ lại nguyên vẹn hầu hết mọi thứ ở bên trong, hé lộ những manh mối thú vị cho chúng ta biết về cuộc sống của hoàng gia thời Ai Cập cổ đại.
“Dù trải qua hơn 4.000 năm, nhưng ngôi mộ vẫn còn gần như nguyên vẹn, nội thất và màu sắc bên trong ngôi mộ vẫn được giữ đúng sau ngần ấy thời gian,” Mostafa Waziri, tổng thư ký của Hội đồng Cổ vật chất tại Ai Cập, chia sẻ với báo giới về cuộc khai quật này.
Ngôi mộ này của Wahtye, một người đã từng hầu cận vua Neferirkare -người trị vì vương triều thứ 5 của Ai Cập cổ đại. Ngoài tên của người quá cố, ngôi mộ còn được ghi khắc những dòng chữ tượng hình, cho thấy ông từng là thầy cúng thanh tẩy của hoàng gia, người giám sát các hoạt động của hoàng gia và được vua Neferirkare tín nhiệm.
“Những gì được khai quật lần này chỉ là khu nhà nguyện bằng đá của ông Wahtye. Khu vực này như nhà viếng, cho phép gia đình và bạn bè đến đặt lễ vật và cúng bái cho người chết. Ngoài ra, còn rất nhiều phần khác của lăng mộ vẫn chưa được hé mở,” Aidan Dodson, nhà Ai Cập học đang công tác tại Đại học Bristol, chia sẻ.
Nhà nguyện bên trong ngôi mộ có kích thước 10 mét (theo hướng bắc nam) và 3 mét (theo hướng đông tây) cùng chiều cao 3 mét. Nó được làm bằng đá tảng và phủ sơn phù điêu, các tác phẩm điêu khắc và chữ tượng hình khắc lên đá. Dù đã trải qua hàng thiên niên kỷ, nó vẫn còn nguyên vẹn và phục vụ tốt cho công tác nghiên cứu.
Các bức phù điêu mô tả ông Wahtye, vợ ông là bà Weret Ptah, cùng mẹ ông là bà Merit Meen và những cảnh sinh hoạt đời thường như săn bắn, chèo thuyền, cúng kiếng và sản xuất hàng hóa như đồ gốm, đồ nội thất hay đồ cúng. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy các bức tượng điêu khắc ông cùng gia đình được lấp đầy 18 hốc đá lớn và 26 hốc đá nhỏ.
“Số lượng lớn các bức tượng và sự đa dạng trong tư thế của chúng cho thấy chúng được tạo ra có mục đích. Người Ai Cập cổ đại tạo ra những bức tượng với mong muốn có cuộc sống sau cái chết được diễn ra giống như vậy. Hoạt động sản xuất cho thấy họ muốn có cái chết vĩnh cửu để sống trọn vẹn ở cuộc đời sau cái chết,” nhà nghiên cứu Dodson cho biết thêm.
Ngôi mộ này chỉ mới được khai quật một phần, vẫn còn rất nhiều điều bí ẩn chưa được khám phá về nó. Các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục thực hiện công việc của mình và dự kiến sẽ công bố những khám phá mới nhất trong tương lai không xa.