Heinz Guderian - Người may mắn vì bị lãng quên
Phát hiện bất ngờ về trùm Hitler / Đội quân lính đánh thuê của Hitler trong Thế chiến thứ II
Tròn 75 năm trước, ngày 20-11-1945, "phiên tòa lớn nhất lịch sử" - Tòa án Nuremberg xét xử các tội phạm chiến tranh người Đức trong Đại chiến thế giới lần thứ hai, do phe Đồng minh (Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp) thắng trận tổ chức và thiết lập - chính thức bắt đầu. Tất cả mọi nhân vật đầu não của chế độ Đức Quốc xã còn sống đều bị điệu ra trước vành móng ngựa, và hầu hết trong số đó bị tuyên án tử hình. Tuy nhiên, trong danh sách những kẻ bị dẫn ra pháp trường, không có tên của "cha đẻ tư tưởng chiến tranh cơ giới Đức" - Heinz Guderian (1888 - 1954).
Dưới cái bóng của Rommel
Nhắc đến những chiến thắng lẫy lừng và sức tấn công khủng khiếp của những vòng xích xe tăng Đức Quốc xã trong Đệ nhị Thế chiến, hầu hết mọi người đều sẽ nghĩ ngay đến và nói về "con cáo sa mạc" - Thống chế Erwin Rommel. Cũng chính vì thế, ít ai nhớ đến người sáng lập, đặt nền móng, cũng là người trực tiếp chỉ huy những chiến dịch đầu tiên mang tính "khai sơn phá thạch".
Người đó là Heinz Guderian. Ông không hoàn toàn là một tư lệnh chiến trường vang danh như Rommel, mà lại mang dáng dấp của một nhà tư tưởng quân sự, một sĩ quan tham mưu kiệt xuất nhiều hơn. Nói một cách ngắn gọn, không có Heinz Guderian thì không có binh chủng Tăng - Thiết giáp Đức Quốc xã (Panzerwaffe). Thậm chí, có thể học thuyết "chiến tranh chớp nhoáng" (Blitzkrieg) của quân đội Đức Quốc xã còn khó có thể hoàn thiện đến thế.
Từng luôn là người tiên phong. |
Heinz Guderian đã ôm ấp những ý tưởng, và đào sâu suy nghĩ của mình về việc kiến tạo nên Panzerwaffe từ thập niên 1920, khi nước Đức thua trận trong Đệ nhất Thế chiến (1914-1918) còn chưa được phép (thực ra là chẳng bao giờ được phép) thành lập quân đội riêng. Năm năm chiến tranh đó, từ xuất phát điểm là một sĩ quan truyền tin, ông trở thành một sĩ quan hậu cần, rồi một sĩ quan tham mưu thuộc các phòng tác chiến. Ông nhìn thấu tầm quan trọng cốt lõi của công tác tiếp vận trên chiến trường, cũng như cảm nhận được sâu sắc nhu cầu hiện đại hóa - cơ giới hóa nhằm tăng cường tính cơ động cho quân đội Đức, nếu có cơ hội được "phục hận".
Có lẽ cần nói thêm ở đây, thất bại trong Đại chiến thế giới lần thứ nhất vẫn còn khiến đông đảo tầng lớp người dân và quân nhân Đức không "tâm phục khẩu phục". Họ cho rằng quân đội đã bị "đâm sau lưng" bởi sự hèn nhát của những chính trị gia, và các điều khoản khắc nghiệt mà phe chiến thắng áp đặt lên nước Đức càng khiến họ uất hận. Tâm lý ấy mở đường cho Adolf Hitler tiến lên vũ đài chính trị, đồng thời cũng thu phục và áp chế được rất nhiều sĩ quan cao cấp trong quân đội. Heinz Guderian không phải là ngoại lệ.
Sử dụng thành thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, Guderian dễ dàng tiếp cận các tài liệu nghiên cứu về xe tăng và cơ giới hóa quân đội của các cường quốc thắng trận. Từ đó, thông qua một số buổi luyện tập, ông hình thành tư tưởng quân sự riêng của mình. Năm 1929, ông khẳng định: Xe tăng không nên tiếp tục đóng vai trò yểm trợ bộ binh. Ngược lại, xe tăng cần phải được tái tổ chức thành các đơn vị nòng cốt của lục quân, với bộ binh tùng thiết nếu cần, với không quân yểm trợ, với mọi thành phần hậu thuẫn như pháo binh hay bộ binh cũng đều nhất thiết phải được cơ giới hóa (để theo kịp tiến độ tác chiến của thiết giáp). Và một điều quyết định: Mọi xe tăng đều phải được gắn điện đài (radio), nhằm bảo đảm tuyệt đối về trao đổi thông tin thuận lợi để phối hợp tác chiến.
Phe tướng lĩnh thủ cựu, quen với các tư tưởng chiến thuật truyền thống, phản đối dữ dội. Không bỏ cuộc, nhưng Guderian cũng gặp rất nhiều khó khăn, cho đến tận khi nhận được sự ủng hộ của…Adolf Hitler - người rất thích các ý tưởng táo bạo.
Sấm sét Blitzkrieg
Năm 1933, đảng Quốc xã của Hitler lên nắm quyền ở Đức. Năm 1935, chính phủ ấy tuyên bố xé bỏ Hòa ước Versailles - hòa ước đầu hàng của nước Đức sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Tháng 10-1935, Guderian cùng đại tá Oswalt Lutz được Hitler giao thành lập ba sư đoàn thiết giáp Đức đầu tiên. Năm 1936, Guderian được phong Thiếu tướng. Năm 1938, ông tiếp tục được thăng lên Trung tướng, đích thân chỉ huy những đoàn xe tăng Đức tràn sang sáp nhập nước Áo. Lúc đó, Panzerwaffe đã được tổ chức đến những đơn vị theo cấp quân đoàn thiết giáp (Panzerkorps) hoặc Binh đoàn thiết giáp (Panzerarmee), sẵn sàng đảm nhiệm vai trò tấn công cơ động cấp chiến dịch.
Nỗi lo lắng khi thị sát mặt trận phía Đông, trong mùa đông nước Nga. |
Tháng 8-1939, Guderian được chỉ định làm Tư lệnh Panzerkorps số 19, chuẩn bị đánh chiếm"hành lang Đông Phổ" vốn đang thuộc Ba Lan. Chỉ trong bốn ngày (từ ngày 1 đến ngày 5-9), nhiệm vụ đã hoàn thành, với tổn thất rất nhỏ (150 sĩ quan, 700 lính thương vong). Suốt chiến dịch đánh Ba Lan sau đó, đơn vị do Guderian chỉ huy luôn dẫn đầu những mũi xung kích trọng yếu, minh chứng cho mệnh đề "binh cốt thần tốc" của chiến lược Blitzkrieg. Chỉ trong một tháng, Ba Lan bị "bình định". Guderian nhận Huân chương Thập tự Hiệp sĩ, như "thành quả của cuộc đấu tranh để xây dựng binh chủng thiết giáp hiện đại của tôi".
Quay mũi nhọn sang Tây Âu, từ 4 sư đoàn, Panzerwaffe được củng cố và tăng cường gấp rút thành 10 sư đoàn tăng thiết giáp. Lúc đó, Rommel mới chỉ là Thiếu tướng, chỉ huy sư đoàn thiết giáp số 7. Một lần nữa, Guderian "nhận vai chính". Ông, với kiến thức địa lý của một sĩ quan tham mưu ngày trước, chính là người vạch đường đánh vòng qua phòng tuyến Maginot bất khả xâm phạm của Pháp, theo đường Ardenes. Ông, kiên quyết không dừng truy kích tàn quân Pháp, sẵn sàng va chạm với thượng cấp là đại tướng Von Kleist. Ngày 20-5-1940, quân đoàn do ông chỉ huy là đơn vị đầu tiên tiếp cận eo biển Manche, rồi quay về kiến tạo thế hợp vây để bức hàng gần như toàn bộ quân đội Pháp sau trận Dunkerque.
Không có gì ngạc nhiên khi sau chiến dịch này, Guderian nhận quân hàm Đại tướng. Vị cha đẻ của Panzerwaffe hoàn toàn xứng đáng, thậm chí là với quân hàm Thống chế.
Vấn đề là, điều ấy không bao giờ đến.
Thất sủng
Giai đoạn đầu tiến đánh Liên Xô, những thắng lợi như chẻ tre của quân đội Đức Quốc xã vẫn mang đậm dấu ấn của Guderian. Tuy nhiên, đến mùa thu năm 1941, cả những sự thiếu hụt về tiếp tế lẫn những mệnh lệnh thay đổi trọng tâm chiến sự liên tục được đưa ra từ Hitler đã khiến đà tiến ấy khựng lại, chưa kể đến sức kháng cự vô cùng anh dũng của Hồng quân Liên Xô, khi "sau lưng đã là Moskva".
Guderian nhìn nhận được nhiều khía cạnh thực tế của vấn đề, nhưng chính vì thế, dần dần ông trở thành "cái gai trong mắt" Hitler. Ông ra tận hỏa tuyến để bay về Berlin báo cáo rằng quá nhiều lính Đức chết rét trong xe tăng, trong khi xe tăng không thể nổ máy nổi bởi cái lạnh kinh khủng của mùa đông nước Nga, và không ít lần xin triệt thoái nhằm dưỡng sức quân. Song, lần nào cũng vậy, câu trả lời từ nhà độc tài nước Đức là: "Không được lùi một bước".
Người kiến tạo các lực lượng cơ giới Đức Quốc xã. |
Lính đói rét, xe tăng thiếu xăng dầu, Blitzkrieg xem như bị khai tử, ở Moskva, ở Leningrad, ở Stalingrad. Guderian không thể làm gì hơn. Ông xung đột với Thống chế Von Kluge - Tư lệnh Cụm Tập đoàn quân trung tâm của Đức, và bị bãi nhiệm, rồi bị rút về hậu tuyến, giao nhiệm vụ…phát triển sản xuất xe tăng, cũng như huấn luyện các đơn vị cơ giới. Nỗ lực cuối cùng của vị tướng đánh đâu thắng đó đầu Đệ nhị Thế chiến là việc cố can ngăn Hitler đừng quyết tử với Hồng quân tại Vòng cung lửa Kursk, nhưng tất nhiên là vô nghĩa.
Kể từ đó đến khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, không bao giờ Heinz Guderian còn cơ hội tiếp cận quyền chỉ huy trực tiếp các đạo quân nữa. Hơn thế, ông còn không ngừng mâu thuẫn và tranh cãi gay gắt với Hitler, đến nỗi bị "buộc phải nghỉ phép 6 tuần", kể từ tháng 3-1945. Ngày 30-4-1945, Berlin thất thủ. Ngày 10-5, Guderian bị quân đội Mỹ bắt làm tù binh, và bị giam cầm đến tận năm 1948.
Song, có lẽ chính là nhờ đã đối đầu một cách kiên định đến như vậy với Hitler, Heinz Guderian thoát khỏi mọi cáo trạng (ít ỏi) tại phiên tòa Nuremberg. Ông được đánh giá là chỉ làm "bổn phận quân nhân".
Guderian thậm chí từng xung đột với cả Rommel (lúc đó đã là Thống chế nhờ các chiến công ở mặt trận Bắc Phi), về cách bố trí lực lượng phòng ngự đón đánh Cuộc đổ bộ Normandy của quân Đồng minh năm 1944. Rommel muốn thiết giáp đóng sát bờ biển để áp đảo quân đổ bộ bằng hỏa lực, nhưng Guderian cho rằng như vậy thì xe tăng sẽ phải chiến đấu trên cát - điều kiện không hề thuận lợi. Hitler là người đưa ra giải pháp trung gian, với một vị trí ở giữa hai lựa chọn. Sau khi được trả tự do, Heinz Guderian trở về nhà năm 1950, viết sách và đóng góp tư tưởng quốc phòng cho chính phủ CHLB Đức. Ông qua đời năm 1954 do suy tim. |
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giải mã về sinh vật bí ẩn cao 8m xuất hiện tại rừng rậm Nam Mỹ, từng bị nghi là người ngoài hành tinh
Việt Nam phát hiện loại gỗ quý hiếm bậc nhất thế giới, trị giá hơn 600 tỷ đồng, là gỗ gì?
Loài thằn lằn giống rắn hồi sinh kì diệu sau 40 năm bị tuyệt chủng khiến các nhà khoa học kinh ngạc
Vị tướng mạnh nhất Tam Quốc không phải là Lữ Bố hay Triệu Vân mà là hắn
Tôn Ngộ Không thành Phật mới hay có một nữ yêu khiến ngay cả Như Lai cũng phải kiêng dè, cung kính, nàng là ai?
Vị đại tướng đốt toàn bộ bản kiểm điểm của các cán bộ, là huyền thoại được đích thân Bác Hồ đặt bí danh