Khám phá

Hình ảnh tái dựng vua Ai Cập cổ đại gây "sốc"

Ẩn giấu sau chiếc mặt nạ vàng Tutankhamun, hiện thân của vua Ai Cập cổ đại đầy quyền lực và uy nghiêm, thực tế hoàn toàn trái ngược với những lời ca ngợi về vị pharaoh này trong nhiều thế kỷ.

Bí ẩn muôn đời về pharaoh nổi tiếng nhất Ai Cập / Mối tình luân hồi ngàn năm của một người phụ nữ Anh và vua Ai Cập

Các nhà khoa học đã dựa trên một kỹ thuật được gọi là “khám nghiệm tử thi ảo”, được xây dựng bằng cách sử dụng 2.000 hình ảnh chụp cắt lớp vi tính (CT) quét trên xác ướp để dựng lại nhân dạng vị pharaoh nổi tiếng.

Hình ảnh vua Tutankhamun được tái dựng bằng kỹ thuật 3D.

Hình ảnh vua Tutankhamun được tái dựng bằng kỹ thuật 3D.

Theo hình ảnh 3D này, vua Tutankhamun là một người có nhiều bệnh tật, ốm yếu và què quặt hơn những gì có thể hình dung được qua chiếc mặt nạ vàng tuyệt đẹp.

Đây là hình ảnh chi tiết nhất từ trước đến nay về cơ thể cũng như khuôn mặt của vị vua trẻ. Ông có một chân bị biến dạng, một bên hông bị dị tật và có vấn đề đối với hệ thần kinh.

Giả thuyết trước đây từng cho rằng vị vua 19 tuổi này có thể đã chết do hậu quả từ một tai nạn xe ngựa. Nhưng bản tái tạo hình ảnh ảo lại cho thấy một kịch bản hoàn toàn khác.

“Điều quan trọng là nhìn vào khả năng đi xe ngựa của anh ta. Chúng tôi đã kết luận anh ta không thể làm được việc đó, đặc biệt là với một chân bị dị dạng, anh ta không thể đứng mà không có giúp đỡ”, Albert Zink, người đứng đầu Viện nghiên cứu xác ướp ở Italia, nói trên tờ The Independent của Anh cho biết.

Theo Ashraf Selim, một bác sĩ chuyên về X-quang của Ai Cập, thì vua Tut "cũng có cả bệnh Kohler hay bệnh thoái hóa xương ở tuổi vị thành niên, khiến ông vô cùng đau đớn”.

Trên thực tế, có khoảng 130 cây gậy được tìm thấy trong ngôi mộ chứa đầy kho báu của vua Tut, hỗ trợ giả thuyết cho rằng vị pharaoh trẻ tuổi này đã phải dựa vào gậy để đi lại.

 

Hình ảnh tái dựng vua Ai Cập cổ đại gây sốc  - ảnh 2
Mặt nạ vàng nổi tiếng của vua Tutankhamun.

Nhà khoa học Zink còn cho rằng, cái chết lúc còn quá trẻ của pharaoh có thể là do tình trạng thể lực yếu ớt – hậu quả của các khiếm khuyết di truyền từ cha mẹ, vốn là anh chị em ruột.

Trong năm 2010, một nghiên cứu di phả hệ của dòng họ vua Tutankhamun được quốc tế tiến hành cho thấy, cha mẹ ruột của vua Tut được xác định là anh chị em ruột. Cũng theo nghiên cứu này, các nhà khoa học khẳng định vị vua xấu số đã bị bệnh sốt rét, một chân bị gãy ở phần trên đầu gối ngay trước khi ông qua đời.

"Thật khó để nói liệu bệnh sốt rét có thể là một yếu tố nghiêm trọng trong nguyên nhân dẫn đến cái chết (của vua Tut) hay không", Zink nói.

Vị pharaoh trẻ tuổi đã khiến các nhà khoa học đau đầu kể từ khi xác ướp và lăng mộ của ông được nhà khảo cổ học người Anh Howard Carter phát hiện vào ngày 22/11/1922, tại Thung lũng các vị vua.

Người ta chỉ biết một vài sự kiện về cuộc đời của vua Tutankhamun. Ông lên ngôi vào năm 1332 trước Công nguyên, ở tuổi thứ 9, và cai trị cho đến lúc qua đời ở tuổi 19.

 

Là độc đinh cuối cùng, cái chết của ông đã kết thúc triều đại thứ 18 của dòng họ được cho là lớn nhất của gia đình hoàng gia Ai Cập. Sau đó, một nhà cầm quân đã lên ngôi trị vì thay thế.

Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin của Tạp chí Discovery, tạp chí khoa học nổi tiếng nhất thế giới.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm