Hình phạt 'tàn khốc' nhất khi bị phát hiện gian lận thi cử thời phong kiến
Dòng họ quyền lực, hùng mạnh nhất Trung Quốc, có vị ‘thiên cổ nhất đế’ lừng danh ai cũng biết / Dòng họ mang chân mệnh thiên tử, có nhiều người làm vua nhất lịch sử phong kiến Việt Nam
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm 1070, vua Lý Nhân Tông cho thành lập Văn Miếu, một năm sau cho lập Quốc Tử Giám (trường đại học đầu tiên của nước ta). Đến năm 1075, vua cho tổ chức kỳ thi tuyển chọn người tài đầu tiên, được gọi là "Minh kinh bác học". Kể từ đây, nền khoa cử Việt Nam chính thức ra đời.
Sau thời Lý, các triều đại phong kiến tiếp tục hoàn thiện nền giáo dục nước nhà. Phần lớn triều đại đều có một số cải cách về nội dung giáo dục và thi cử để phù hợp hơn. Tuy nhiên, điểm chung là dù bất cứ triều đại nào, việc giáo dục và thi cử dưới thời phong kiến vẫn luôn tồn tại những quy định nghiêm khắc.
Sách Khâm địnhĐại Nam Hội điển sự lệ cho biết, triều Nguyễn quy định thí sinh không được mang tài liệu vào trường thi, không được nói chuyện ồn ào, lộn xộn, cấm ngồi không đúng chỗ quy định, tự ý vứt bỏ hoặc sửa chữa bảng tên, cấm kê khai gian lận tên tuổi, cấm nộp bài trễ hạn. Nếu vi phạm, sĩ tử sẽ bị phạt rất nặng.
Người bị phát hiện mang tài liệu vào phòng thi sẽ bị gông (cùm) một tháng, sau đó bị đánh 100 roi. Nói chuyện ồn ào, cả thí sinh lẫn các vị quan đốc học, giáo thụ và huấn đạo ở địa phương có thí sinh vi phạm đều bị truy tội.
Chưa kể, bài thi có những quy định rắc rối và ngặt nghèo hơn, chủ yếu là những lỗi về hình thức mà thí sinh phải tránh như lỗi khiếm tị (tránh chữ húy). Chữ húy ở đây chính là tên của tất cả đời vua, hoàng hậu, kể cả ông bà tổ tiên vua, con vua, vợ vua. Bài phạm húy chắc chắn sẽ bị đánh hỏng.
Sau khiếm tị là lỗi khiếm trang và khiếm đài. Khiếm trang nghĩa là bài thi thiếu phần tao nhã, dùng những từ thô tục về ngữ nghĩa và âm luật, thiếu tôn kính với các từ tôn nghiêm. Đang hành văn mà gặp những từ tôn kính như thiên, địa, đế, hậu thì phải tự động sang hàng và đài (nâng cao lên trong dòng chữ), nếu không sẽ mắc lỗi khiếm đài.
Trước thời gian thi bốn tháng, những người muốn dự thi phải ghi danh tại địa phương để xem xét tư cách đạo đức, lý lịch. Những người đang chịu tang cha hoặc mẹ, đang chịu tang ông bà nội mà đương sự là người phải lo việc thờ phụng không được tham gia kỳ thi. Những người bất hiếu, không hòa thuận với anh em cũng không được thi.
Những người thân thuộc với kẻ phạm tội cũng không được thi. Phụ nữ càng bị cấm. Chính vì lý do này nên xuyên suốt thời kỳ phong kiến, Việt Nam chỉ có duy nhất một tiến sĩ nữ là Nguyễn Thị Duệ. Bà đã cải trang thành nam giới và đi thi đỗ vào thời nhà Mạc.
Các quan trong ngành giáo dục thời phong kiến dính đến gian lận thi cử có thể bị xử phạt nặng gấp nhiều lần dân thường. Tương truyền, Cao Bá Quát một lần chấm thi, có một bài tuyệt hay, nhưng bị “phạm húy”, ông thấy tiếc cho thí sinh nên chỉnh lại một vài chỗ. Sự việc sau đó bị phát hiện, Cao Bá Quát bị bắt giam và suýt bị chém đầu.
Năm 1673 dưới triều vua Lê Gia Tông, quan Tham chính Vũ Cầu Hối cùng phủ doãn Ngô Sách Dụ nhận tiền bạc gửi gắm thí sinh đi thi. Sự việc bị điều tra, cả hai ông bị cắt hết chức tước, bắt làm nô lệ.
Kỳ thi năm 1696, Lê Hi, một quan Tham tụng gửi gắm con mình trong kì thi Hương cho Sách Tuân, nhưng vẫn bị trượt. Sách Tuân ngầm đưa quyển thi của con Lê Hi cho các khảo quan duyệt lại lần nữa, sửa từ bị đánh trượt sang lấy đỗ. Phó đô ngự sử Ngô Hải biết chuyện nhưng không tâu báo.
Sự việc bị phát giác, Sách Tuân bị xử giảo (thắt cổ chết). Ngô Hải bị bãi chức, các quan phúc, giám khảo đều bị phạt. Lê Hi là chủ mưu nhưng là quan to thì lại thoát tội.
Năm 1775, trong kỳ đệ tứ khoa thi Hội dưới thời vua Lê Hiển Tông, con trai nhà bác học nổi tiếng Lê Quý Đôn là Lê Quý Kiệt,đã đổi quyển thi cho một thí sinh khác tênĐinh Thì Trung. Khi sự việc bị phát giác, Thì Trung bị đày ra Yên Quảng, Quý Kiệt bị tước bỏ học vị cho về làm thứ dân, rồi bắt giam vào ngục cửa Đông, một thời gian sau mới được thả.
End of content
Không có tin nào tiếp theo