Khám phá

Hitler chết, khối tài sản khổng lồ của trùm phát xít đang ở đâu?

Trước khi chết, Hitler lập di chúc và phân chia khối tài sản của ông ta.

Giống chuối xanh biếc kì lạ tưởng sản phẩm của photoshop nhưng lại có thật 100%, được trồng ở 1 nơi rất gần Việt Nam / Loài chim cải trang giỏi nhất thế giới: Cả ngày duy trì một tư thế như thể bị đóng băng!

Ngày 30/4/1945, Adolf Hitler – Quốc trưởng của Đức Quốc xã – tự sát trong một căn hầm dưới lòng đất (còn gọi là Fuhrerbunker) ở Berlin. Hầm trú ẩn được xây dựng sâu và kiên cố bên dưới phủ Thủ tướng Đức Quốc xã.

Hitler chuyển hẳn tới Fuhrerbunker sinh sống kể từ ngày 16/1/1945, biến nơi này thành trung tâm chỉ huy của Đức Quốc xã cho tới những ngày cuối cùng của Thế chiến II. Cũng tại Fuhrerbunker, Hitler kết hôn với người tình là Eva Braun vào ngày 29/4/1945 (chưa đầy 40 giờ trước khi 2 người tự sát).

Trong hồi ký cá nhân, Albert Speer – kiến trúc sư được Hitler giao nhiệm vụ xây phủ thủ tướng – kể lại, “Quốc trưởng” ra lệnh cho ông phải xây dựng tòa nhà một cách chóng “nhưng kiên cố”.

Speer được trao một tấm séc trắng và “Quốc trưởng” căn dặn: “Tiền bạc không phải vấn đề”.

Phủ thủ tướng mới của Đức Quốc xã khởi công vào tháng 1/1938, đến đầu năm 1939 thì hoàn thành. Công trình này tiêu tốn khoảng 90 triệu Reichsmarks (tương đương với khoảng 426 triệu USD thời nay), theo Grunge.

Đây chỉ là một ví dụ nhỏ cho thấy quyền lực của Hitler đối với kho bạc của Đức Quốc xã. Trước khi chết, ông ta sở hữu khối tài khổng lồ và dùng tiền để thỏa mãn mọi ý muốn của mình.

Hitler chết, khối tài sản khổng lồ của trùm phát xít đang ở đâu? - 2

Hitler có thể sở hữu bất kỳ món đồ nào trong kho tàng của Đức Quốc xã (ảnh: The Daily Beast)

Khối tài sản khổng lồ của Hiter

Năm 1889, Hitler sinh ra trong một gia đình không mấy khá giả ở Braunau am Inn (thị trấn ngày nay thuộc Áo, gần biên giới nước Đức). Thời gian sống ở Vienna (Áo) với tư cách là một họa sĩ, Hitler nghèo khó và phải vật lộn để kiếm sống.

Theo nhà sử học người Anh Ian Kershaw, Hitler quá thất vọng với hoàn cảnh của mình. Ông ta bắt đầu đổ lỗi cho người Do Thái. Trước khi Hitler nhậm chức Thủ tướng Đức năm 1933, người Do Thái nắm nhiều quyền lực về kinh tế và chính trị ở Đức.

Năm 1923, trong khoảng thời gian bị giam 9 tháng vì âm mưu lật đổ chính phủ Đức, Hitler đã hoàn thành cuốn sách “Mein Kampf” (Cuộc đấu tranh của tôi). Nội dung chủ yếu của cuốn sách là tư tưởng bài Do Thái của Hitler.

Theo Daily Mail, cuốn hồi ký khét tiếng của Hitler được xuất bản đầu tiên vào năm 1924 và có giá 12 Reichsmarks. Cơ hội kiếm tiền bằng “Cuộc đấu tranh của tôi” trở nên rõ ràng hơn khi Hitler được bầu làm thủ tướng vào năm 1933.

 

Đến năm 1939, cuốn sách đã được dịch sang 11 thứ tiếng với hơn 5.200.000 bản được bán ra khắp thế giới. Tất cả quan chức của Đức Quốc xã đều phải mua cuốn “Cuộc đấu tranh của tôi”. Chính phủ Đức thậm chí còn dùng cuốn sách làm quà cưới cho các cặp đôi.

Với mỗi cuốn sách được bán ra, Hitler thu 10% tiền bản quyền.

Thời điểm sách bán chạy nhất, trung bình mỗi năm Hitler kiếm được khoảng 12 triệu USD tiền bản quyền. Sau khi Thế chiến II kết thúc, bang Bavaria (Đức) giữ bản quyền cuốn “Cuộc đấu tranh của tôi” trong 70 năm và không cho phép xuất bản lại.

Theo Grunge, Hitler cũng kiếm được rất nhiều tiền từ bản quyền hình ảnh. Chân dung của ông ta được chụp và in lên những con tem. Đối với tiền lương và tiền từ các nhà tài trợ cho đảng Quốc xã, Hitler chỉ coi đó là “số lẻ”.

Hitler chết, khối tài sản khổng lồ của trùm phát xít đang ở đâu? - 3

Phủ thủ tướng của Hitler (ảnh: Grunge)

 

Ngay cả khi bị mắc kẹt trong Fuhrerbunker và Đức Quốc xã dần lụi tàn, Hitler vẫn được coi là một trong những người giàu nhất hành tinh, theo Grunge.

Ngoài phủ thủ tướng được hoàn thành vào năm 1939, Hitler còn sở hữu hàng loạt dinh thự riêng. Ông ta có một ngôi nhà lớn ở bang Bavaria và một căn hộ ở thành phố Munich (Đức). Hitler cũng đầu tư rất nhiều tiền để xây dựng một dinh thự ở thành phố Poznan (Ba Lan).

Ở vùng nông thôn Berchtesgaden (bang Bayern, Đức), Hitler chi khoảng 200 triệu USD để xây dựng một khu phức hợp gồm 30 phòng, bên trong trải đầy thảm Ba Tư, các bức họa quý giá và những món đồ tạo tác đắt tiền. Cơ ngơi này được cho là nơi Hitler sẽ sử dụng khi “nghỉ hưu”.

Thêm vào đó, Hitler không cần nộp thuế. Đúng hơn là không ai nghĩ tới việc thu thuế của Quốc trưởng, theo Grunge.

Theo Business Insider, trong Thế chiến II, quân đội Đức đã cướp hàng nghìn bức tranh và các món đồ cổ quý giá ở châu Âu. Phần lớn trong số đó được cất giữ tại Ngân hàng Trung ương Đức (thời Đức Quốc xã) và Hitler có quyền sở hữu cá nhân đối với bất kỳ vật phẩm nào mà ông ta thích.

 

Hitler chết, khối tài sản khổng lồ của trùm phát xít đang ở đâu? - 4

Bức chân dung quý bà Adele Bloch-Bauer I của danh họa Gustav Klimt bị quân đội Đức đánh cắp trong Thế chiến II có giá 135 triệu Usd (ảnh: Daily Mail)

Godfrey Barker – nhà sử học nghệ thuật người Anh – cho rằng, Hitler yêu thích hội họa và trong Thế chiến II, trùm phát xít đã tích lũy được một bộ sưu tập trị giá hàng trăm triệu USD.

“Trái tim đang đập của ông ta hướng đến nghệ thuật. Hitler thường tổ chức các bữa tiệc tối lại Berchtesgaden (thị trấn thuộc bang Bayern). Các sĩ quan tới dự, trao đổi thoải mái về nghệ thuật và không một lời nào được nói về những vụ thảm sát”, ông Barker nói.

Theo ông Barker, bộ sưu tập của Hitler có hơn 8.500 bức tranh và khoảng 3.000 trong số đó có giá hàng triệu USD/bức.

 

Một số ước tính có phần khoa trương cho rằng, ở thời điểm quyền lực đỉnh cao, Hitler kiểm soát khối tài sản trị giá 1.000 tỷ USD. Ông ta có thể là một trong những người giàu nhất lịch sử nhân loại.

Trong một bài viết vào năm 2002, New York Times (báo Mỹ) nhận xét: “Hitler yêu tiền và chết trong sự giàu có”.

Năm 1945, lực lượng Đồng minh kết luận, khối tài sản của Hitler trị giá khoảng 800.000 USD theo thời giá hiện nay – con số có vẻ khá khiêm tốn, theo The Daily Beast.

Hiện nay, nhiều chuyên gia khẳng định rằng, Hitler sở hữu số bất động sản, bộ sưu tập nghệ thuật và tiền mặt trị giá hơn 6 tỷ USD, theo Grunge.

Theo các tài liệu được giải mật nhiều thập kỷ sau khi Hitler chết, một cuộc điều tra của OSS (tiền thân của CIA Mỹ) đã phát hiện nhiều tài khoản bí ẩn mở rải rác khắp châu Âu vào những năm 1940. Số tiền trong các tài khoản này trị giá hơn 350 triệu USD và được cho là thuộc về Hitler.

 

Ông Kenneth Yormark – chuyên gia tài chính tại New York (Mỹ) – cho rằng, có bằng chứng về các tài khoản của Hilter mở tại Thụy Sĩ và Hà Lan, nhưng chúng không được chuyển lại cho những người thừa kế của Hitler.

“Họ có quyền đòi một phần trong số tiền đó. Về mặt lý thuyết, các ngân hàng phải cố gắng tìm ra chủ hữu hợp pháp của số tiền”, ông Yormark nói.

Di chúc cuối cùng của Hitler

Theo History, Hitler chết trong Fuhrerbunkertại Berlin vào ngày 30/4/1945. Một ngày trước khi chết, trùm phát xít đã để lại di chúc.

Trong di chúc, Hitler chỉ trích phe Đồng minh, kể cả một số cấp dưới mà ông ta cáo buộc là nguyên nhân khiến Đức Quốc xã sụp đổ.

 

“Sau khi tôi qua đời, những gì thuộc về tôi, bất kể giá trị là bao nhiêu, cũng thuộc về đảng Quốc xã. Nếu đảng không còn tồn tại thì chúng thuộc về nhà nước. Và nếu nhà nước cũng bị phá hủy, thì bất kỳ quyết định nào từ tôi cũng không còn giá trị gì nữa”, Hitler viết trong di chúc.

Di chúc của Hitler được mang ra khỏi Fuhrerbunkerbởi Martin Bormann – trợ lý trung thành của trùm phát xít. Trong di chúc, Hitler cho phép Bormann lấy bất cứ thứ gì trong khối tài sản của ông ta.

Tất nhiên, lực lượng Đồng minh không cho phép di chúc của Hitler được thực hiện. Khi Bormann mang di chúc ra khỏi Fuhrerbunker, nó đã bị lực lượng Đồng minh tịch thu. Di chúc của Hitler hiện được lưu trữ trong hầm an ninh của Cục Lưu trữ Quốc gia Mỹ.

Hitler chết, khối tài sản khổng lồ của trùm phát xít đang ở đâu? - 5

Paula Hitler – em gái của Hiler (ảnh: History)

 

Người thừa kế duy nhất của Hitler

Theo Grunge, Hitler không có con cái. Vào thời điểm Hiler chết, người em gái Paula Hitler là thành viên còn sống cuối cùng trong gia đình trực hệ của ông ta.

Sau khi Thế chiến II kết thúc, Paula Hitler bị tình báo Mỹ bắt giữ để thẩm vấn. Paula cho biết, mặc dù yêu mến anh trai và nhận được hỗ trợ tài chính, nhưng bà chỉ gặp Hitler 1 – 2 lần trong suốt khoảng thời gian từ năm 1935 đến năm 1945.

Paula không có tư tưởng bài Do Thái và cũng không giữ bất cứ chức vụ nào trong chính quyền Quốc xã. Trong một cuộc thẩm vấn vào tháng 6/1946 của giới chức Mỹ, Paula nói rằng bà không tin anh trai đã ra lệnh sát hại hàng triệu người.

Paula đã dành 12 năm cuối đời mình để đòi quyền thừa kế một số di sản của Hitler. Bà được công nhận là người thừa kế hợp pháp của Hitler vào tháng 2/1960. Bốn tháng sau, Paula qua đời.

 

Theo History, Paula được quyền nhận một phần tiền bản quyền cuốn sách "Cuộc đấu tranh của tôi" và một số bất động sản đứng tên Hitler.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm