Khám phá

Hồ sơ thất lạc về trận "Võ sĩ giác đấu" duy nhất ở thế kỷ XX

Những cuộc đấu sinh tử giữa con người và dã thú, cứ tưởng như chỉ xuất hiện ở thời La Mã cổ đại, lại diễn ra đúng một lần trong lịch sử thế giới hiện đại. Để chứng tỏ sức mạnh tuyệt đối của con người giữa thiên nhiên, một đấu sĩ Indonesia đã tay không đương đầu với một con sư tử. Dù vậy kết quả cuộc đấu lại khiến tất cả đều lắc đầu ngán ngẩm.

Võ sĩ giác đấu La Mã bị đối xử ra sao sau khi chết? / Giải mã võ sĩ giác đấu lừng danh nhất mọi thời đại

Tái hiện hình ảnh lịch sử

Tàn tích của đấu trường Colosseum ở Rome là minh chứng sống về cuộc chiến của những võ sĩ giác đấu thời La Mã cổ đại. Trước cả trăm ngàn người ngồi xem trên khán đài, họ bị ném vào bãi đất trống đấu một mất một còn với thú hoang. Những cuộc chiến khốc liệt như vậy tưởng như không bao giờ diễn ra cho đến năm 1968. Một võ sĩ người Indonesia có tên Bandot Lahardo tự tin nói ông có thể dùng tay trần hạ gục dã thú, và ông sẵn sàng làm điều đó trước khán giả.

Vậy Bandot Lahardo là ai? Xuất thân từ một vùng quê nghèo ở vùng Tây Java, ông kiếm kế sinh nhai bằng cách làm việc trong một đoàn xiếc địa phương. Từ một chân chạy vặt, ông dần lên sân khấu biểu diễn bằng những màn khoe cơ bắp bên cạnh muông thú. Khoác một con trăn nặng 30kg lên vai là tiết mục phổ biến nhất. Dĩ nhiên Lahardo luôn phải cho "bạn diễn" ăn no trước giờ trình diễn để tránh sự cố đáng tiếc xảy ra. Đến cuối thập niên 50 của thế kỷ trước, ông bắt đầu xuất hiện trên phim truyền hình.

Tuyên bố thách thức dã thú của võ sĩ giác đấu Lahardo đến vào năm ông đã 39 tuổi. "Trước đây tôi từng đánh chết một con hổ và hai con bò tót ở miền Đông Java, vì thế tôi không sợ gì cả. Lần này tôi sẽ đấu tay đôi với sư tử. Mời mọi người cùng đến sân vận động chứng kiến cảnh tượng con người chinh phục thiên nhiên", Lahardo dõng dạc nói trên đài phát thanh Indonesia. Các tờ báo địa phương vào cuộc càng tăng thêm sự hiếu kỳ cho người dân xứ vạn đảo. Ai cũng muốn xem một con người có thể hạ gục muông thú như thế nào.

Những trận boxing giữa gấu và người khá phổ biến ở thế kỷ XIX.

Trong lịch sử La Mã cổ đại, ngay cả những võ sĩ giác đấu cũng không dám làm thế khi đối đầu với dã thú. Họ thường chỉ ra trận với kiếm, khiên và áo giáp nai nịt kín người. Đó là cách tốt nhất để tăng nguy cơ sống sót trong cuộc đấu một mất một còn với đối thủ là một con sư tử dài tới 3 mét và nặng 400kg. Tìm hiểu kỹ về lịch sử, Lahardo tăng sức tò mò cho dân chúng Indonesia lên cao trào khi khẳng định ông sẽ chỉ dùng tay không đánh sư tử.

Khán đài chật kín

"Lahardo đối đầu sư tử" trở thành đề tài được quan tâm số một tại Indonesia vào đầu tháng 9/1968. Mọi người đổ xô tìm hiểu về Lahardo, về thực hư chuyện diễn viên kiêm nghệ sĩ xiếc này từng đánh hổ như thế nào. Anh ta to khỏe đến đâu mà dám hạ sư tử bằng tay không? Trận đấu sẽ diễn ra ở đâu khi có cả trăm ngàn người muốn theo dõi? Nếu con sư tử được chọn đối đầu với Lahardo tấn công khán giả thì sao? Các biện pháp nhằm đảm bảo an ninh sẽ được tiến hành như thế nào?

Mọi thứ dần được tiết lộ cho đến trước ngày trận quyết đấu diễn ra. Sân vận động Bung Karno ở thủ đô Jakarta, vốn là nơi tổ chức những trận bóng đá, được chọn để tiến hành cuộc chiến một mất một còn giữa Lahardo với sư tử. Một trăm ngàn vé vào xem được bán hết sạch chỉ trong nháy mắt. Không ít quan chức Indonesia cũng tìm cách để có một suất VIP theo dõi trên khán đài. Chẳng ai muốn bỏ lỡ cuộc đấu có một không hai này cả, bởi họ biết cơ hội xem một cuộc đấu tương tự sau này là gần như bằng không.

Vì tổ chức trên một sân bóng đá nên thể thức cũng diễn ra giống như... một trận bóng. Đơn vị tổ chức cho biết họ sẽ nhốt Lahardo và con sư tử vào cùng một cái lồng lớn đặt ở giữa sân. Trận đấu diễn ra trong vòng 90 phút cho đến khi một bên ngã xuống. Đơn vị an ninh đứng bên ngoài lồng có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho khán giả. Họ cũng được nhận chỉ thị ngầm là nếu thấy Lahardo có nguy cơ mất mạng khi đối đầu với sư tử, họ phải lao vào can thiệp càng sớm càng tốt để ngăn thảm họa diễn ra.

Kênh truyền hình quốc gia Indonesia nóng lòng muốn truyền hình trực tiếp trận đấu nhưng ý tưởng này bị dập ngay từ trong trứng nước. Một vài người lo sợ chuyện đó có thể gây tiền lệ xấu sau này. Sẽ ra sao nếu có một Lahardo thứ hai công khai thách thức đối đầu với muông thú? Việc không có một đơn vị nào tiến hành ghi lại hình ảnh cuộc đấu giữa Lahardo và sư tử là một phần nguyên nhân khiến công chúng chỉ biết đến chuyện này sau hơn 5 thập niên.

Thước phim hiếm hoi duy nhất ghi lại cảnh Lahardo đánh sư tử năm 1968 được ghi lại bởi một camera màu quay từ khán đài sân vận động. Có vẻ là một khán giả đã không bỏ lỡ cơ hội chộp lấy cảnh tượng hiếm có trên rồi giữ lấy làm của riêng. Cuối cùng, sau khi ở tuổi gần đất xa trời, người này mới chia sẻ đến tất cả công chúng. Câu chuyện võ sĩ giác đấu thời hiện đại ở Indonesia là có thật chứ không phải huyền thoại được tô vẽ bởi truyền miệng.

Kết thúc không ngờ

Trong số 100 ngàn khán giả đến sân Bung Karno xem cuộc đối đầu giữa Lahardo và sư tử có cả Ngoại trưởng Indonesia Adam Malik. Trên khán đài danh dự, ông đeo kính râm nhìn quanh đám đông rồi ngó xuống cái lồng khổng lồ đặt giữa sân vận động. Ngài Ngoại trưởng và những người khác đều kỳ vọng vào cuộc đấu sinh tử một mất một còn giữa Lahardo và sư tử chuẩn bị diễn ra trong ít phút nữa. Ông đã nhìn thấy Lahardo qua ảnh: cao lớn, lực lưỡng. Hẳn là con sư tử còn to lớn gấp bội

Nhưng sự thật ngay sau đó khiến tất cả mọi người đều thất vọng. Dường như để đảm bảo an toàn cho bản thân, Lahardo không dám mang một đối thủ to lớn vào đánh tay đôi. Thay vì chọn một con sư tử đực khỏe mạnh, bờm rậm rạp, Lahardo quyết định đánh nhau với một con sư tử cái chưa đến tuổi trưởng thành. Nhìn qua thước phim hiếm hoi được ghi lại, "đấu thủ" này chỉ dài trên dưới một mét và nặng khoảng 40kg. Trông nó chỉ lớn hơn con mèo lớn một chút và hoàn toàn không có gì nguy hiểm.

"Nó bé hơn tôi nghĩ", "Tưởng sư tử phải to lắm chứ",... Hàng loạt lời xì xào vang vọng khắp bốn góc khán đài sân Bung Karno. Con sư tử được dẫn vào trong lồng giáp mặt Lahardo. Ai cũng nghĩ đến một cuộc đấu chóng vánh sắp diễn ra với phần thắng nghiêng về diễn viên xiếc kia, nhưng cuối cùng diễn biến trận đấu còn khiến họ thất vọng bội phần. Dường như "nàng" sư tử cái kia sinh trưởng trong điều kiện nuôi nhốt, bị giam cầm quá lâu nên quên đi bản năng dã thú. Nó gần như chỉ đi quanh lồng mà không đoái hoài gì đến Lahardo cả.

Cả trăm ngàn người ngao ngán trước cảnh tượng họ đang chứng kiến. Những gì họ muốn xem là một cuộc đấu sinh tử, chứ không phải hai đối thủ uể oải đi bộ lướt qua mặt nhau. Họ liên tục hò reo, huýt sáo chê bai ban tổ chức. Ngay cả ngài Ngoại trưởng cũng hùa theo đám đông. Tình hình căng thẳng tới mức nhân viên an ninh đứng ngoài lồng nhận chỉ thị gõ vào song sắt để làm con sư tử bực mình. Họ tin đó là cách tốt nhất để chọc giận dã thú.

Nhưng cuối cùng chẳng có gì diễn ra cả. Con sư tử chỉ lao vào vả thành lồng đúng một lần rồi lại đi bộ. Phía bên trong, Lahardo dùng đủ các chiêu trò khiêu khích nhưng chẳng thể khiến đối phương chú ý. Con sư tử tuy bé nhưng dường như nó cũng chẳng coi một diễn viên xiếc là đối thủ xứng tầm. Không thể khiến con sư tử giao chiến suốt 90 phút, các nhân viên an ninh phải dẫn nó ra ngoài trong vô vàn lời chê bai của khán giả.

Để đền bù cho những người mua vé vào xem, ban tổ chức dẫn một dã thú thứ thiệt vào đánh tay đôi. Đối thủ lần này là một con bò tót. Lahardo gào lên khiêu khích nhưng điều đó chẳng thể khiến ông mạnh hơn. Con bò tót lao thẳng vào ông, dùng sừng huých vào ngực. Lahardo may mắn thoát chết trong gang tấc. Ông chỉ bị thương nhẹ nhưng cú lao của con bò khiến ông hết hồn vía, phải gọi nhân viên an ninh vào can thiệp. Lúc này mọi người mới biết hóa ra chuyện đánh hổ, đánh bò của Lahardo chỉ là bịa đặt.

Những cuộc đấu giữa người và muông thú khác trong lịch sử

Khoảng 100 năm trước trận quyết đấu giữa Lahardo và sư tử, nhiều gánh xiếc ở châu Âu và Mỹ thu bộn tiền nhờ tổ chức đấu boxing giữa người và gấu. Con gấu bị rọ mõm, bịt kín móng vuốt ở chân rồi được đeo găng bước vào lồng thi đấu với người thật.

Bị vô hiệu hóa mọi vũ khí lợi hại nhất nên mọi cuộc đấu gấu - người đều diễn ra hòa nhã như một trận giao hữu. Sau này những người châu Âu đến Australia và tạo ra biến thể đấu boxing giữa người và chuột túi.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm