Một nhóm các nhà địa chất của Đại học Rochester (Hoa Kỳ) đã phát hiện ra hóa thạch của một loài chim mới. Hóa thạch này có đến 90 triệu năm tuổi. Đây chính là loài chim có niên đại lâu đời nhất mà con người từng tìm thấy ở khu vực Bắc bán cầu.
Loài chim này được các nhà khoa học đặt tên là Tingmiatornis arctica. Những phần xương hóa thạch còn lại cho thấy, loài chim nàycó hình dạng lai giữa mòng biển và chim cốc. Kích thước của nó khá lớn và có sải cánh đến hơn một mét.
Cái tên Tingmiatornis bắt nguồn từ từ "Tingmiat" có nghĩa là “giống loài biết bay” trong tiếng Inuktitut. Ngôn ngữ này được cư dân sử dụng phổ biến ở vùng trung tâm và phía đông Bắc Cực thuộc Canada. Loài Tingmiatornis có hàm răng sắc nhọn và các đặc tính cơ thể cho phép nó lặn trong nước biển để săn bắt cá khá dễ dàng,
Cùng với các hóa thạch khác từ những cuộc thám hiểm trước đó, chim Tingmiatornis đã giúp vẽ nên một bức tranh khá hoàn thiện về hệ sinh thái 90 triệu năm trước ở vùng Bắc Cực thuộc Canada. Nó cũng cung cấp thêm bằng chứng về sự nóng lên toàn cầu mạnh mẽ mà các nhà khoa học tin rằng đã diễn ra trong suốt thời điểm đó. Thậm chí điều này cũng giúp chúng ta dự đoán được tương lai của quá trình biến đổi khí hậu hiện nay.
Việc xây dựng hồ sơ về quá trình diễn biến của khí hậu trong lịch sử sẽ giúp cho các nhà khoa học xác định loài và các hệ sinh thái khác nhau bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Sự phân bố của các loài trên những lãnh thổ khác nhau cũng có thể giúp dự đoán tương tự.
"Trước khi tìm thấy hóa thạch này, chúng tôi cũng đã nghĩ rằng môi trường vào thời điểm đó khá ấm áp nhưng vẫn có băng theo mùa”,John Tarduno - Chủ tịch của Sở khoa học môi trường Trái đất và là nhà khoa học hàng đầu tại Đại học Rochester cho biết: "Nhưng khi tìm thấy Tingmiatornis, chúng tôi đã kết luận rằng đó là một thời kỳ rất ấm. Vì nguồn thức ăn của chim và cả một phần hệ sinh thái không thể tồn tại trong băng giá được”.
Khi nghiên cứu hồ sơ hóa thạch và trầm tích, nhóm nghiên cứu xác định rằng Tingmiatornis arctica đã sống trong một môi trường núi lửa cùng với nhiều chi loài khác như rùa, champsosaurs (cá sấu cổ đại) và nhiều loài bò sát khác. Bắc Cực lúc đó khác xa với những gì mà bạn nhìn thấy ngày hôm nay.
“Lúc đó, Bắc Cực không có băng”, theo lời Richard Bono -một thành viên khác của nhóm nghiên cứu cho biết.
Hóa thạch Tingmiatornis arctica đã được tìm thấy trên tàn tích dung nham. Các vụ phun trào núi lửa sẽ thải vào bầu khí quyển một lượng lớn carbon dioxide. Điều này gây ra hiệu ứng nhà kính và từ đó khiến cho các loài chim lớn như Tingmiatornis arctica phát triển mạnh.
"Các yếu tố sinh thái như nguồn thức ăn, môi trường nước ngọt và khí hậu ấm áp đã biến khu vực này thành nơi sinh sống tuyệt vời cho loài Tingmiatornis arctica", John Tarduno, trưởng khoa Khoa học Môi trường và Trái Đất, trường Đại học Rochester, giải thích.