Quá trình tiến hóa của loài rắn là bí ẩn trong nhiều năm qua đối với khoa học. Nhiều nghiên cứu cho thấy loài này từng có các chân nhưng không thể lý giải bộ phận biến mất khi nào.
Số lượng
hóa thạch rắn tiền sử ít ỏi khiến khoa học không thể hiểu rõ quá trình chuyển đổi từ có chân thành không chân ở loài rắn diễn ra từ khi nào. Những tổ tiên của loài này xuất hiện từ kỷ Kỷ Jura Trung, cách ngày nay khoảng 163 - 174 triệu năm.
Trong nhiều năm qua, giới khoa học đưa ra nhiều giả thuyết cho rằng rắn có chân chỉ là một giai đoạn ngắn trước khi loài này thích nghi với môi trường và tiến hóa thành loài không chân như hiện nay, theo CNN.
Tuy nhiên, những hóa thạch rắn tiền sử vừa được phát hiện thời gian qua, đặc biệt là hóa thạch hộp sọ, cho thấy loài này có chân sau trong một giai đoạn rất dài, theo nghiên cứu vừa đăng tải trên tạp chí Science Advances.
Các nhà khoa học đã tìm được 8 hóa thạch hộp sọ của loài rắn tiền sử Najash rionegrina, trong đó có một mẫu vật gần như nguyên vẹn. Các hóa thạch được tìm thấy ở Vùng Cổ sinh vật học La Buitrera ở Patagonia, Argentina. Najash được mô tả có nhiều đặc điểm
tiền sử giống với loài thằn lằn hiện đại.
"Phát hiện của chúng tôi củng cố cho giả thuyết tổ tiên của loài rắn hiện đại có thân và hàm lớn hơn, chứ không phải loài động vật nhỏ luôn chui rúc tìm nơi ấm áp như chúng ta từng nghĩ", Fernando Garberoglio, chủ biên của nghiên cứu, nhận định.
"Nghiên cứu cũng hé lộ rằng những loài rắn đầu tiên vẫn có chân sau trong một thời gian dài trước khi xuất hiện tổ tiên của loài rắn hiện nay không có chân", ông nhận định.
Loài rắn Najash tồn tại gần 70 triệu năm. Điều này cho thấy chân là một bộ phận có ích cho chúng, chứ không phải một giai đoạn chuyển giao trước khi thích nghi với môi trường và tiến hóa thành cơ thể không chân.
Bằng công nghệ tái dựng hình ảnh 3D, các nhà khoa học còn hiểu thêm được những giai đoạn tiến hóa đầu tiên của rắn. Các nhà nghiên cứu cũng phác họa được phần nào mạng lưới mạch máu và hệ thần kinh của chúng.
"Nghiên cứu này là một cuộc cách mạng trong nỗ lực tìm hiểu về xương hàm của rắn và các loài thằn lằn khác. Chúng ta đã hiểu sai trong 160 năm qua và bài viết đã điều chỉnh lại chi tiết quan trọng này. Điều đó dựa trên chứng cứ cụ thể chứ không phải suy đoán", Michael Caldwell, đồng tác giả bài nghiên cứu, chia sẻ.
Các nhà khoa học cho rằng chân trước của tổ tiên loài rắn đã biến mất sớm hơn chân sau. Ngoài ra, nghiên cứu còn giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về hộp sọ của rắn hiện đại và cổ đại.
Theo Tinh Minh/Zing