Nam Phương hoàng hậu là người duy nhất có tới 3 lần đoạt vương miện trong cuộc thi sắc đẹp Đông Dương, được tổ chức vào thập niên 30 của thế kỷ 20.
Theo nhiều tài liệu, trong số các bà hoàng của chế độ phong kiến Việt Nam, Nam Phương hoàng hậu là người duy nhất có tới 3 lần đoạt vương miện trong cuộc thi sắc đẹp Đông Dương, được tổ chức vào thập niên 30 của thế kỷ 20.
Theo "Quốc sử quán triều Nguyễn", Nam Phương hoàng hậu tên thật là Nguyễn Hữu Thị Lan (1914-1963). Bà là vợ của vua Bảo Đại - vị hoàng đế cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Bà cũng là hoàng hậu cuối cùng của chế độ quân chủ nước Việt.
Theo sách "Nguyễn Phúc tộc thế phả", Nam Phương Hoàng hậu Nguyễn Hữu Thị Lan là con gái của Nguyễn Hữu Hào, cháu ngoại của đại điền chủ Lê Phát Đạt (Huyện Sĩ), một trong 4 người giàu nhất Việt Nam thời bấy giờ.
Theo sách "Nam Phương - hoàng hậu cuối cùng", xuất thân trong gia đình giàu có, danh giá, Nguyễn Hữu Thị Lan sớm được gửi sang Pháp học tập. Khác với những bà hoàng triều Nguyễn khác, Nam Phương Hoàng hậu có tư tưởng tây tiến.
Nguyễn Hữu Thị Lan là hoàng hậu đầu tiên được mặc phẩm phục màu vàng cam, tương tự màu vàng, vốn chỉ để dành riêng cho các bậc đế vương ngày xưa.
Theo các tài liệu lịch sử, ngay sau lễ cưới vua Bảo Đại, Nguyễn Hữu Thị Lan được tấn phong làm hoàng hậu triều Nguyễn. Tên hiệu Nam Phương có nghĩa là "hương thơm của phương Nam", bà vốn sinh ra tại thị xã Gò Công của tỉnh Tiền Giang ngày nay.
Nam Phương Hoàng hậu có 5 người con chung với vua Bảo Đại gồm hoàng thái tử Bảo Long, công chúa Phương Mai, Phương Dung, Phương Liên và hoàng tử Bảo Thăng.
Theo sách "Nam Phương - hoàng hậu cuối cùng", sau khi rới Việt Nam, cựu hoàng hậu sống lặng lẽ tại ngôi làng Chabrignac, một vùng nông thôn nước Pháp. Hoàng hậu Nam Phương qua đời vào ngày 14/9/1963. Hôm đó, bà thấy người mệt mỏi, gọi bác sĩ thì được chẩn đoán viêm họng nhẹ, chỉ cần uống thuốc vài hôm. Nhưng bác sĩ mới đi được vài tiếng thì bà thấy khó thở rồi qua đời ngay trong đêm, khi 49 tuổi.
Theo Hà Sơn/Zing