Hồi môn khi công chúa lấy chồng
Cầu thang bí mật bên bờ sông Nile: "Khuê phòng" công chúa 3.500 tuổi / Xả stress với cảnh sắc thanh bình của ‘nàng công chúa ngủ trong rừng’ ở Kon Tum
Thời Lê sơ, đời vua Lê Nhân Tông, nhà vua gả chị gái lớn là Vệ Quốc trưởng công chúa (mới 10 tuổi, lại bị câm) cho Lê Quát, con trai Thái úy Lê Thụ. Khi Lê Thụ đã sắm lễ cưới, những kẻ cầu cạnh muốn ngoi lên, tranh nhau cúng của cải để mưu phú quý, đến nỗi gấm thêu, lĩnh là, vóc lụa bán ở ngoài phố hết nhẵn cả.
Lê Thụ lại bắt quan lại các trấn, lộ, huyện phải sắm đủ cả trâu, dê các thứ. Nhưng họ đều bắt quân lính và dân chúng đóng góp để mong lấy lòng viên Thái úy, khiến dân tình khổ sở.
Đầu thời Nguyễn, năm 1825, vua Minh Mạng định lệ thưởng tư trang đi lấy chồng cho các hoàng nữ và công nữ. Theo đó, công chúa do hoàng hậu sinh ra đi lấy chồng, được thưởng cho tư trang giá trị lên tới 50.000 quan tiền, trưởng công chúa (chị, em gái vua) và công chúa đều được 30.000 quan, con gái hoàng thái tử 8.000 quan, con gái các hoàng tử tước công 5.000 quan, cháu gái hoàng thái tử 3.000 quan, cháu gái các hoàng tử tước công 2.000 quan, con gái trưởng công chúa và con gái các công chúa 3.000 quan.
Mức hồi môn cho công chúa, công nữ sau này giảm dần. Năm Minh Mạng thứ 8 (1827), nhà vua định lại lệ thưởng tiền sắm đồ cưới cho các công nữ con hoàng tử trở xuống, con vợ cả, con vợ lẽ được hưởng các mức khác nhau.
Theo đó, với hoàng tử cùng các tước công chi gần, con gái cả con vợ cả thưởng 5.000 quan; con gái thứ con vợ cả mỗi người 3.000 quan; con gái cả con vợ lẽ cũng 3.000 quan; con gái thứ con vợ lẽ mỗi người 2.000 quan. Cháu gái cả hoàng thái tử con vợ cả được 3.000 quan; các cháu gái thứ con vợ cả, đều 2.000 quan;
Cháu gái cả con vợ lẽ cũng 2.000 quan; các cháu gái thứ con vợ lẽ đều 1.000 quan. Hoàng tử và các tước công chi gần, cháu gái cả con vợ cả 1.500 quan, con vợ lẽ 1.000 quan, còn đều 700 quan; con gái cả của trưởng công chúa 2.000 quan, con gái thứ đều 1.000 quan.
Các vị tước công chi xa, con gái cả con vợ cả 2.500 quan, con vợ lẽ 2.000 quan, các con gái khác đều 1.000 quan.
Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), triều Nguyễn bắt đầu đặt chức Phò mã đô úy, trật Tòng tam phẩm, phàm ai lấy công chúa đều được trao chức này. Trước đó, chồng công chúa hoặc cho làm chức Vệ úy, hoặc vẫn lĩnh hàm ấm thụ.
Công chúa Thuyên Hoa - em gái vua Thành Thái. Ảnh tư liệu.
Năm 1836, lệ thưởng tiền tư trang cho các công nữ khi đi lấy chồng lại được vua Minh Mạng điều chỉnh. Trưởng nữ của hoàng tử và thân công do vợ cả đẻ ra, thưởng tiền 3.000 quan; thứ nữ con vợ cả và trưởng nữ do vợ lẽ đẻ ra, đều 2.000 quan; còn các thứ nữ khác đều 1.000 quan.
Trước năm Minh Mạng thứ 21 (1840) con gái của trưởng công chúa, công chúa khi đi lấy chồng còn được cho tiền trang sức, con gái trưởng là 2.000 quan tiền, con gái thứ 1.000 quan tiền. Đến năm này, lệ này bị bãi bỏ.
Những cuộc cưới xin của các công chúa nhà Nguyễn còn được Léon Sogny, chánh mật thám Trung kỳ, ghi lại trong một bài báo đăng trên Tập san Hội Đô thành hiếu cố (B.A.V.H) năm 1934, trong đó có nhiều chi tiết đặc biệt. Theo Sogny, theo truyền thống của nhà Nguyễn, khi một cô công chúa đến tuổi cập kê, nhà vua sẽ chỉ dụ cho bộ Lại và bộ Binh lập danh sách các con, cháu và chắt các công thần thuộc nhất và nhị phẩm trong hệ thống quan lại.
Danh sách đó ghi họ tên, tuổi và quê quán các chàng trai trẻ, được dâng lên vua cùng tờ tấu chi tiết. Những người được chọn phải đạt tối thiểu 16 tuổi, không có dị tật, thông minh và dễ coi. Khi nhận được danh sách đó, hoàng thượng ra chỉ dụ chỉ định một vị hoàng thân làm nhiệm vụ chủ hôn, một vị đại thần làm “chiếu liệu” (người ra lệnh).
Theo ông Sogny, sau khi vua Thiệu Trị băng hà (1847), triều đình phải để tang. Vua Tự Đức phải để tang ba năm, nên trong thời gian đó, trong triều hoàn toàn không được tổ chức hôn lễ nào.
Sang năm Tự Đức thứ tư (1851), có không dưới 30 công chúa trong số con gái của vua Minh Mạng và Thiệu Trị chưa lấy chồng. Trong số đó, có những công chúa không còn trẻ trung gì và đã quá tuổi đào tơ từ lâu. Do đó, Sogny đã nghe kể lại các câu chuyện rằng lúc đó, phần lớn các con của các đại thần có khả năng được chọn vào danh sách làm phò mã, đã phải chạy khỏi kinh thành, do vị trí phò mã đó không lấy gì làm hứng thú, vì ngoài vấn đề tuổi tác, thì một số bà công chúa cũng không phải là người sắc nước hương trời.
Do số con em của các công thần không đủ, người ta đã phải mở rộng đến con các quan tam phẩm, và cách thức làm như sau: Viết tên các công tử vào giấy rồi rút thăm. Cô công chúa rút ra bất kỳ một tờ nào, trúng tên ai thì sẽ lấy người đó. Tất nhiên sẽ có những trường hợp gây thất vọng.
Bài viết của Sogny cho biết các phò mã sẽ được nhận nhiều quyền lợi xứng đáng từ triều đình, như được lĩnh 3.000 quan tiền để mua một nhà ở gọi là phủ hay đệ, 30.000 quan để mua quần áo, đồ trang sức và đồ dùng.
Các vật dụng cần sắm là: Một bộ triều phục cho phò mã, một cái mũ có 5 con phượng gắn san hô và kim cương, một cái đai nạm vàng, một đôi hoa tai bằng vàng, một cái hộp nhỏ bằng vàng đựng đồ trang điểm, một cái gương có khung cẩn xà cừ và vàng, một cái hộp nạm vàng và xà cừ đựng đồ uống trà, một cái ống nhổ bằng vàng, nhiều tấm gấm thêu và lụa cải hoa, những đôi hài thêu và bít tất… Sau đó là bàn ghế, tủ, bát đĩa và đồ dùng làm bếp. Ngoài ra, phò mã còn sắm cả một chiếc thuyền bồng và nhiều vật dụng khác.
Người phò mã còn được cấp 50 tên lính để hầu cận, do một viên đội chỉ huy và do triều đình trả lương.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Khúc gỗ đen xì có giá hơn cả 'nghìn lượng vàng', tại sao lại đắt như vậy?
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ