Huyền thoại về lời tiên tri của Đức Phật dành cho vị vua vĩ đại nhất Ấn Độ cổ đại
Bí ẩn vị hoàng tử được vua Khang Hy yêu quý nhất, từ bỏ cơ hội thành hoàng đế, sống thọ đến già / Hậu duệ vua Chăm và câu chuyện ly kỳ về kho báu hoàng tộc đang nắm giữ
Mảnh đất Ấn Độ pha trộn giữa huyền thoại và lịch sử giống sự tổng hòa muôn vàn màu sắc của ánh nắng chiếu rọi trên sông Hằng. Hơn hai ngàn năm qua đi từ thời Đức Phật tại thế (624 - 544 TCN). Trải qua hơn trăm năm nữa đến thời đại huy hoàng nhất của mảnh đất này, vương triều Maurya(hay còn gọi theo âm Hán Việt là Ma-ta-ga, Vương triều Khổng Tước) dưới thời Ashoka Đại đế (273 -232 TCN).
Hai tên tuổi kỳ vĩ sống cách nhau hơn trăm năm có sự gắn kết phi thường vượt qua thời gian đến ngày nay. Mọi thứ bắt nguồn từ lời tiên đoán của Đức Phật dành cho vị vua sẽ ngự trị sau thời đại của Ngài. Và chúng ta cùng đi ngược thời gian khám phá lời tiên đoán cùng sự ứng nghiệm diệu kỳ đó.
Lời tiên tri của Đức Phật Thích Ca về sự ra đời của Ashoka Đại đế
Khi hoàng tử Ashoka của vương triều Maurya chào đời, Đức Phật Thích Ca đã nhập cõi Niết Bàn được hơn trăm năm. Trong suốt thời gian đó, một lời tiên tri được cho là của Đức Phật đã lan truyền trong dân gian, rằng một trăm năm sau khi Ngài rời khỏi cõi thế nhân, người Ấn sẽ chào đón một vị vua vô tiền khoáng hậu.
"Một trăm năm sau khi ta qua đời có một hoàng đế tên là Ashoka tại xứ Pataliputra. Ông sẽ thống trị một trong bốn lục địa và trang trí Diêm phù đề với tro xương của ta và xây tám mươi bốn ngàn phù đồ (bảo tháp) để đem lại công đức cho chúng sinh.
Ông sẽ cho các nơi đó được kính trọng bởi thần linh cũng như con người. Tiếng tăm của ông sẽ lan đi khắp nơi. Món quà cúng dường của ông chỉ đơn giản thế này: Nhạ Da ném một nắm đất vào chén của Như Lai", trích lời được cho là tiên đoán của Đức Phật Thích Ca.
Suốt trăm năm lời tiên đoán lưu truyền trước khi ứng nghiệm. Bao thế hệ sống hai bên bờ dòng sông Hằng vĩ đại đã háo hức chờ đợi sự chào đời của một đứa trẻ.
Cuối cùng đứa trẻ cũng chào đời với một điềm báo dành cho người phụ nữ mang nặng đẻ đau ra sinh linh bé bòng này. Đó là hoàng phi Dharma của quốc vương Bindusara trị vì vương quốc Maurya. Nếu đó là định mệnh thì đó là vinh quang hay bất hạnh của mẹ con bà?
Bà đã đặt tên Ashoka (âm Hán Việt là A Dục - A Dục Vương) cho đứa trẻ, nghĩa là không còn ưu phiền. Đó là tình mẫu tử lớn lao chở che cho đứa con thơ với ngoại hình xấu xí hơn bạn bè đồng trang lứa.
Ashoka thủa bé vì làn da xù xì thô ráp nên không nhận được sự ưu ái của vua cha. Nhưng ông có được tình yêu thương vô bờ bến của mẹ mình. Và không vì bản thân đã có thêm người con trai thứ đẹp đẽ mà mẫu thân của ông bớt thương yêu, chở che cho nhà vua tương lai. Có thể nói trong thời niên thiếu và trai trẻ của Ashoka thì mẹ là người quan trọng nhất với ông.
Con đường đẫm máu để trở thành Hoàng đế và danh xưng Ashoka Bạo Tàn
Xuất thân không phải hoàng tộc, mẹ con ông hẳn đã chịu thiệt thòi trong xã hội luôn coi trọng đẳng cấp. Hai người có thể đã muốn sống một cuộc đời khiêm nhường yên phận nếu không có lời tiên đoán kia. Và tài năng quân sự của chàng trai trẻ trở thành cái gai trong mắt kẻ khác. Tồn tại trong gia đình đế vương, bắt buộc phải tranh đấu và hoàng tử Ashoka cũng không ngoại lệ.
Một khi bước trên con đường hướng đến quyền thừa kế ngai vàng, bất kể hoàng tử nào cũng khó rút lui. Cuộc chiến giữa các anh em của Ashoka nhanh chóng bắt đầu với nhiều âm mưu. Có thể nói để đi đến cùng con đường tranh đấu, ngoài mệnh lớn định sẵn còn cần sự quyết liệt giành giật. Trong cuộc chiến luôn có nạn nhân và kẻ thua cuộc
Các biên niên sử đều cho thấy Ashoka phải đương đầu với nhiều âm mưu từ người anh trưởng Susim. Tuy nhiên nạn nhân của cuộc tranh đấu này dường như chính là mẹ của Ashoka, hoàng phi Dharma, cái chết của bà được cho là bị ám hại. Nhưng cuối cùng cuộc đối đầu cũng kết thúc bằng cái chết của Susim, và Ashoka giành lấy ngai vàng của vua cha để lại.
Việc giết anh đoạt ngôi tạo ra tiếng xấu cho vị vua trẻ Ashoka. Dù ông có nhận được sự ủng hộ của bao nhiêu triều thần, chắc chắn vẫn có kẻ phản đối ông và hướng về người đã mất. Lấy lý do ngôi vị đáng lẽ ra thuộc về người thừa kế chính thống đã bị giết hại, có không ít kẻ chống lại Ashoka.
Ngồi trên ngai vàng, vị tân vương từng là tướng sĩ chỉ huy trên chiến trường sẽ không cam chịu bị gây khó dễ. Đây là lý do của việc cai quản đất nước một cách độc đoán tàn bạo trong những năm đầu lên ngôi của ông.
Bởi những thay đổi đáng kinh ngạc sau này nên chúng ta ngày nay có thể đặt ra câu hỏi: Phải chăng Ashoka trong thời kỳ mới trị vì, sâu thẳm tâm hồn cũng không phải là người tàn ác như cái danh hiệu người đời tạo lên cho ông? Phải chăng để ổn định triều đình, dẹp yên thế lực chống đối nên Ashoka mới mạnh tay với kẻ khác tới mức người đời ghê rợn?
Bước đường phi thường trở thành Pháp Vương Ashoka - Hoàng đế Phật Giáo
Có lẽ nhà vua sẽ mãi gắn liền với danh xưng Ashoka Bạo Tàn nếu không có bánh xe định mệnh dẫn lối ông đến với Phật Giáo. Để từ đó lời tiên tri của Đức Phật Thích Ca ra đời hơn trăm năm trước cuối cùng được người đời thấy rằng: nó thật sự ứng nghiệm trên bản thân ông, vị vua hùng mạnh nhất trước nay của người Ấn.
Ngày nay dù có những văn bia được soạn bởi chính Ashoka, thì người ta vẫn khó xác định được thật sự nhà vua bắt đầu có sự tiếp xúc và chịu ảnh hưởng của Phật Giáo từ khi nào.
Có thể là thời điểm ông bí mật dưỡng thương khi trải qua âm mưa làm hại của anh trưởng tại một tu viện Phật Giáo. Các tăng sư ở đó đã truyền thụ giáo lý của Đức Phật Thích Ca cho hoàng tử Ashoka. Hoặc là từ tác động của người vợ đầu tiên có tên Devi của ông, bà vốn là một Phật tử có tấm lòng từ bi và cái nhìn sâu sắc.
Nhưng đó chưa đủ để Ashoka thay đổi một cách triệt để. Bằng chứng là chính bà Devi cũng phải bỏ đi khi không thể chịu đựng thêm sự bạo tàn ông gây ra cho kẻ khác. Suốt tám năm sau khi lên ngôi, Ashoka không ngừng có những cuộc chinh phạt mở rộng lãnh thổ. Hậu quả là cảnh tượng khốc liệt trong và sau mỗi cuộc chiến, đặc biệt dành cho bên thua cuộc.
Một vùng đất tiếp theo trở thành nạn nhân của cuộc chinh phạt dưới mệnh lệnh của nhà vua. Bất kể lý do đưa ra cho cuộc chinh phạt này là gì thì nó cũng đều phải đương đầu với sự chống cự quyết liệt của phía bên kia, đó là vương quốc Kalinga.
Đây trở thành chiến dịch quân sự lớn nhất dưới thời Ashoka và trong lịch sử Ấn Độ. Ashoka triển khai đến 600.000 quân bên phía Maurya. Bên phía Kalinga quyết không đầu hàng, cái giá họ phải trả là sự tiêu diệt toàn quân đến 100.000 người. Thành Kalinga hoàn toàn bị phá hủy 10.000 người còn sống bị trục xuất đến nhiều nơi khác.
Trận chiến này đánh dấu việc lãnh thổ của đế chế Mauryan hay Ấn Độ lúc đó được mở rộng tối đa. Kỷ lục đó vẫn tồn tại đến ngày nay chưa vị vua nào, chưa thời kỳ nào có thể vượt qua. Nhưng đây cũng là lúc chính thức chấm dứt sự bành trướng mở rộng lãnh thổ của Ashoka. Sau đó, ông không tiến hành thêm bất cứ đợt chinh phạt nào khác ra xung quanh.
Điều quan trọng đối với cuộc đời của nhà vua và hậu thế mãi mãi sau này. Đó là thảm cảnh tàn khốc mà Kalinga phải chịu dưới chính sự chinh phạt của mình khiến nhà vua thấy sốc. Đây có thể là sự ám ảnh không thể tưởng tượng nổi về sự chết chóc và hủy diệt. Từ đó tạo ra sự đả kích lớn với một người ở sâu trong tâm hồn vẫn luôn tìm kiếm sự tốt đẹp cho mọi người xung quanh.
Ám ảnh khôn nguôi về thứ mà nhà vua đã xác định đó là tội ác do mình gây ra, và để tìm kiếm sự thanh thản trong tâm hồn, cuối cùng Ashoka đã hướng đến đạo Phật.
Ông đã quy y Tam Bảo. Sau đó ông dẫn dắt nhiều người trong gia đình cùng quy y và tu tập với mình. Trong những năm tiếp theo của cuộc đời Ashoka đã nhiều lần có những cuộc hành hương về các vùng đất gắn liền với Đức Phật Thích Ca. Rất nhiều Phật điện, tu viện cùng 84.000 bảo tháp Phật Giáo được Ashoka dựng lên trên khắp vương quốc.
Ý nghĩa và di sản để lại cho hậu thế của Vương quốc Phật Giáo thời Ashoka
Lớp hậu thế chúng ta cũng cần suy xét về vua Ashoka và Phật Giáo. Đây không chỉ là phương pháp giải quyết vấn đề riêng cho bản thân mình của vua Ashoka.
Có lẽ với cương vị nhà cai trị đối mặt với một đất nước chưa bao giờ rộng lớn đến vậy, Ashoka cần tìm ra điều có thể hướng mọi người đến một điểm chung với mình; tạo ra sự gắn kết của bản thân, của vương triều với toàn thể mọi người trên đất nước khi đó. Đây là nguyên nhân và ý nghĩa khách quan của việc tôn sùng, phát triển Phật Giáo mạnh mẽ của Ashoka.
Dù cho vì tâm hồn của chính mình hay sự cần thiết có một tôn giáo phù hợp mang tính hòa giải giữa con người với con người, thì đây cũng bắt đầu thời kỳ nhà vua Ashoka đưa đế chế Mauryan trở thành đất nước Phật Giáo điển hình.
Việc hoằng dương Phật Pháp được nhà vua đẩy mạnh. Ông thi hành nhiều chính sách nhân từ nhất có thể với thần dân của mình.
Nhà vua xây dựng nhiều trung tâm an trí cho người già, người tàn tật, trẻ mồ cô. Ông đẩy mạnh cứu trợ cho người nghèo. Việc ông nhân từ với toàn bộ các tôn giáo khác đang tồn tại ở Ấn Độ cho thấyviệc đề cao tính hòa giải, hòa hợp dân tộc.
Nhưng Ashoka vẫn cai trị đất nước hướng theo đạo Phật một cách đầy lý trí. Ông duy trì sự nghiêm khắc của Pháp trị để cai quản đế quốc. Những cuộc nổi loạn vẫn được dẹp yên bằng bàn tay sắt, Các hình phạt tra tấn vẫn giữ lại chỉ cân nhắc khi sử dụng cho kẻ phạm pháp.
Ashoka dựa vào đạo Phật đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đế chế. Nghệ thuật kiến trúc đạt đến đỉnh cao do việc xây dựng các đền tháp, tu viện Phật Giáo khắp vương quốc.
Một trong những dấu ấn của nhà vua để lại đến ngày nay chính là tuyệt tác nghệ thuật Trụ đá của Ashoka. Bề mặt của những trụ đá này khắc ghi giáo lý phật giáo truyền bá đến dân chúng thể hiện đường lối Đức trị của nhà vua. Đó cũng là hệ thống chữ viết mới. Thành tựu văn hóa quan trọng của Ấn Độ có liên quan mật thiết sự truyền bá của Phật Giáo.
Ông trở thành vị Pháp Vương Phật Giáo thành công nhất lịch sử nhân loại. Danh hiệu tự xưng mới của ông là Devānaṃpriya priyadarśi (hay gọi theo âm hán việt là Thiên Ái Hỉ Kiến) có nghĩa là Người được chư thiên thương, người nhìn sự vật với tấm lònghoan hỉ. Cũng như người đời tôn xưng ông là Ashoka Sùng Đạo, Ashoka Pháp Vương.
Thời đại của ông đã thành công mở ra đại hội Phật Giáo lần thứ ba, từ đây định hình lại Phật Giáo với sự thống nhất của chư tăng về giáo lý, và tạo đà cho sự lan tỏa của tôn giáo này sang các nước xung quanh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
CLIP: Cuộc chạm trán đầy kịch tính giữa sát thủ bò sát và linh miêu, kết cục đầy kịch tính
Trong 'Tây Du Ký', Bồ Đề Tổ Sư và Như Lai ai mạnh hơn? Câu trả lời đã được Ngô Thừa Ân hé lộ
Một con hổ vượt hơn 200 km để đoàn tụ với ‘người yêu cũ’ sau một thời gian xa cách