Khám phá đặc biệt về di chỉ trận đánh quan trọng tiêu diệt Nguyên Mông
Bi kịch của Nữ hoàng cuối cùng Hawaii / Hậu cung gò bó, nhiều ghen tuông, đố kỵ của cung phi triều Nguyễn
I. Xác định vị trí đồn Đại Mang và địa danh A Lỗ xưa
Sách Đại Việt sử ký toàn thư có ghi: "Ngày 20 hai vua tiến đánh Đại Mang Bộ. Tổng quản giặc Nguyên là Trương Hiển đầu hàng. Hôm đó, ta đánh bại giặc ở Tây Kết, giết và làm bị thương rất nhiều, chém đầu Nguyên soái Toa Đô. Nửa đêm Ô Mã Nhi trốn qua cửa sông Thanh Hóa, hai vua đuổi theo nhưng không kịp, bắt được hơn 5 vạn dư đảng giặc đem về. Ô Mã Nhi chỉ còn một chiếc thuyền vượt biển trốn thoát".
Ở phần chú thích sách này có ghi: "Đại Mang Bộ là tên bến trên sông Hồng nhưng chưa rõ ở đâu".
Sách: Đại Việt sử ký tiền biên của sử gia Ngô Thì Sĩ ghi: “Vua cùng Thượng hoàng tiến quân đánh vào đồn Đại Mang. Tổng quản nhà Nguyên là Trương Hiển đầu hàng”. Nhưng sách này cũng không cho biết rõ bến Đại Mang nằm ở địa phương nào.
Sách: "Cuộc kháng chiến chống xâm lược Nguyên - Mông thế kỷ XIII (Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm đã cho chúng ta thấy rõ hơn về căn cứ Đại Mang Bộ trên đất A Lỗ. Sách này ghi: "Các cứ điểm của giặc (quân Nguyên) đóng dọc khúc sông Hồng chảy qua Hưng Yên ngày nay. Chiếm được phòng tuyến này, quân Trần có thể thực hiện việc cắt đứt con đường nối Toa Đô và Thoát Hoan, đồng thời có thể tiến đánh chiếm Thăng Long".
Rõ ràng trận đánh đồn Đại Mang là một trận chiến then chốt, rất quan trọng. Nếu thắng trong trận này quân ta mới có thể đánh Tây Kết, Hàm Tử, Thăng Long được.
Quang cảnh nền đất chùa Giỗ xưa. |
"Trong tháng 4 năm Ất Dậu, Hưng Đạo Vương đã đem quân tấn công đồn Đại Mang (A Lỗ). Đồn này nằm gần chỗ sông Hồng nối với sông Luộc. Có lẽ đây là cứ điểm đầu tiên trên phòng tuyến của quân Nguyên trên sông Hồng nối với sông Luộc ngày nay. Viên tướng Nguyên giữ đồn này là Vạn Hộ Lưu Thế Anh đã phải rút chạy". "Cũng cùng ngày hôm đó và trong tháng 4 âm lịch, một loạt các đồn trại khác của giặc trên sông Hồng bị quân ta tấn công" ở Tây Kết, cửa Hàm Tử, Chương Dương và thành Thăng Long.
Theo GS. Hà Văn Tấn: Sách "Kinh thế Đại điển tự lục" và sách "An Nam chí (Nguyên)" chép rằng: "Sông Hải Triều phân lưu từ sông A Lỗ, sông Hải Triều là sông Luộc. Vậy sông A Lỗ là đoạn sông Hồng chảy qua chỗ nối với sông Luộc. Do đó, chúng tôi (Hà Văn Tấn - Phạm Thị Tâm) xác định đồn A Lỗ mà "Kinh thế Đại Điển Tự Lục" chép là ở gần chỗ này".
Nhưng ông Hà Văn Tấn cũng không chỉ rõ được địa danh A Lỗ hiện nay nằm ở địa phương nào.
Qua tìm hiểu được biết, hiện nay ở khu vực xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà còn tồn tại địa danh A Lỗ (Làng Nỏ) đã từng chứng kiến quân dân thời Trần tập kích để tiêu diệt quân Nguyên - Mông.
Theo thần tích, thần phả và tư liệu điền dã do cụ Phạm Thám, 97 tuổi, làng Xuân Lôi, Hồng Minh, và các cụ già trong xã, thì khu vực làng Thâm Động có lăng mộ và đền thờ 7 vị vua thời Trần. Trước đây đất làng Thâm Động nhìn sang bên kia sông là đến đò Hữu Bị (tỉnh Hà Nam) và một bên đất thuộc tỉnh Hưng Yên, một bên thuộc Thái Bình. Cửa sông Phạm Lỗ, tức A Lỗ ngày nay mà các tài liệu xưa thường gọi là cửa Tuần Vường.
Ngày trước, cả làng có 600 mẫu ruộng thì 300 mẫu giao cho đền Thái Lăng (nơi thờ vua Trần) và 300 mẫu giao cho dân làng cày cấy hàng năm đóng góp cúng tế ở đền Vua và không phải nộp thuế cho triều đình.
Vì nằm sát bến sông, khi dòng nước bị thay đổi do bão lụt, triều dâng, dẫn đến đất bên Thâm Động bị lở và bồi sang Hà Nam, phần đất còn lại được cắt sang làng Phú Hiếu (trước đây có con sông Giai chảy từ cầu Lê - xã Tiến Đức qua thôn Phú Hiếu xã Độc Lập) đến làng Gạch (Cổ Trai - Hồng Minh) rồi chảy ra sông Trà Lý ở cửa sông thuộc làng Phú Nha - Thâm Động.
Qua nhiều lần vỡ đê do phù sa bồi vào nên cửa sông bị lấp, vì thế dòng sông bị uốn dòng chảy ra sông Tịnh.
Trước đây, cánh đồng Lỗ thuộc vùng A Lỗ nằm sát cửa Phạm Lỗ (tức cửa A Lỗ). Do đất bên bờ sông bị lở, dòng chảy lại bị nắn dòng nên đất A Lỗ bị lở và bồi sang phía bờ bên kia thuộc đất của huyện Lý Nhân (Hà Nam). Hiện tại ở chân đê phía trong đồng còn lại nền của ngôi chùa Giỗ - chùa làng Lỗ. Tương truyền chùa được xây dựng sau chiến thắng Nguyên - Mông, nhằm để tưởng nhớ và giỗ trận những người chiến sĩ và nhân dân đã hi sinh khi đánh giặc ở đồn Đại Mang.
Vết tích gạch cổ chùa Giỗ xưa. |
Hiện tại trong nền đất của khu vực chùa Giỗ xưa, người ta đã tìm được những viên gạch, ngói thời Trần. Chùa Giỗ cách lăng Thâm Động khoảng 1km. Theo các tài liệu và các cụ già trong làng, làng A Lỗ (làng Nỏ) – trước đây do sông nắn dòng, lụt lội triền miên nên bị lở hết đất, dân làng viết đơn trình với vua nhà Nguyễn (triều vua Minh Mệnh): "Dân vô sở cư, thần vô sở hưởng, tử táng tại trung hà" (Dân không có đất ở nên khi có người chết phải đem táng ở giữa sông). Sau đó triều đình nhà Nguyễn đã cắt ruộng công điền cho dân cư vào ở làng Đồng Lỗ (thôn Nỏ ngày nay).
Trước đây khu vực này chưa có đê, hoặc nếu có cũng chỉ là đê thấp chủ yếu để ngăn nước dâng chứ chưa có đê kiên cố như sau này. Vào thời vua Minh Mệnh nước lụt dâng lên tràn khắp vùng. Đến thời vua Triệu Trị mới tổ chức đắp đê để ngăn nước triều dâng, phòng chống lụt bão. Phải chăng vì thế nên mới đổi tên từ A Lỗ ra Phạm Lỗ (các cụ già ở địa phương giải thích: do đất làng A Lỗ bị nước cuốn trôi phạm vào nhà cửa và ruộng đồng nên khi vua Minh Mạng cho chuyển làng vào phía trong đồng – làng có tên mới là làng Phạm Lỗ).
Ngay gần cửa A Lỗ xưa, sau này nhà Trần đã xây dựng hành Cung Lỗ Giang để Khâm Từ Hoàng Hậu về sống và tu hành ở đó. Một câu hỏi đặt ra liệu có phải xuất phát từ ý nghĩa của từ ghép: Giang là sông và Lỗ là cửa sông A Lỗ thời Trần, vì thế hành cung này mới có tên là Hành Cung Lỗ Giang (lấy tên vùng đất cửa sông A Lỗ và làng A Lỗ để đặt tên cho Hành Cung là Hành Cung Lỗ Giang). Rất có thể giả thiết trên là đúng.
Qua quá trình tìm hiểu các tài liệu và thực địa thị sát ở sông Hồng, sông Luộc, cửa sông Tam Tỉnh, cửa sông Phạm Lỗ cho thấy: Đoạn sông Luộc chảy đến gần sông Hồng thì tách nhánh. Ngã ba cửa sông này chính là khu vực cửa sông A Lỗ xưa.
Điều đó hoàn toàn khớp với những gì mà Đại Việt sử ký toàn thư và "Kinh thể Đại Điển Tự Lục", "An Nam chí (Nguyên)" đã ghi và giáo sư Hà Văn Tấn đã tìm hiểu, phân tích, nhưng ông cũng chỉ dừng lại ở việc xác định đồn Đại Mang theo "Kinh thể Đại Điển Tự Lục" chép là ở gần chỗ này: "Vậy sông A Lỗ là đoạn sông Hồng chảy qua gần chỗ sông Hồng nối với sông Luộc”.
Qua các tư liệu lịch sử và tư liệu điền dã cùng với các chuyến đi thực tế cho thấy, tại cửa sông Phạm Lỗ từng có địa danh là bến Đại Mang, như vậy không còn nghi ngờ gì nữa phần lớn khu vực đồn Đại Mang xưa đã bị nước thủy triều, lụt lội tràn qua cuốn đi. Qua các trận lụt kinh khủng vào thời các triều đại phong kiến trước đây như lời tấu của dân làng A Lỗ vào triều vua Minh Mạng chúng ta tin rằng Đại Mang Bộ (bến Đại Mang xưa) nơi có đồn của giặc Nguyên đóng trên đất A Lỗ chính là khu vực thuộc làng A Lỗ (làng Nỏ) xã Hồng Minh, Hưng Hà ngày nay. Tuy nhiên như đã phân tích ở trên, do sông đổi dòng và có sự lấn dòng nên nhiều khả năng khu vực đồn Đại Mang xưa đã bị lở và bồi sang đất Hà Nam ngày nay.
II. Địa điểm bí mật tập kết quân áp sát đồn giặc của vua Trần và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thuộc địa phương nào?
Qua các tài liệu lịch sử, cho chúng ta biết khi quân đội nhà Trần bất ngờ tấn công căn cứ tiền tiêu A Lỗ của giặc Nguyên trên sông Hồng thì quân Nguyên trở tay không kịp và viên tướng Nguyên giữ đồn là Vạn Hộ Lưu Thế Anh đã vội vàng rút chạy, tướng Trương Hiển phải đầu hàng quân ta.
Một câu hỏi được đặt ra, để giữ được bí mật việc điều quân và áp sát đồn giặc thì nơi tập kết quân của Hưng Đạo Vương phải ở rất gần khu vực A Lỗ. Vậy địa điểm tập kết của vua và các tướng cùng quân đội nhà Trần ở đâu? Đây là câu hỏi không dễ gì giải đáp một sớm một chiều được.
Qua khảo sát ở các xã Độc Lập, Chí Hòa, làng Tịnh Xuyên, Hồng Minh, Bạch Đằng, Hồng Giang, Hồng Châu, Hồng Việt, Thăng Long… đã cho chúng ta nhiều gợi ý quan trọng về địa điểm tập kết đóng quân của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn trước khi tấn công quân Nguyên vào năm 1285.
Chúng ta đều biết, để chống lại sức mạnh của quân Nguyên với vũ khí cung nỏ, giáo dài, thiện chiến và hạn chế điểm mạnh của kỵ binh giặc, vua quan nhà Trần và Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã tận dụng tối đa địa hình sông ngòi chằng chịt của nước ta để khi lui có thể bảo toàn được lực lượng, khi tấn công có thể khiến giặc bất ngờ. Binh pháp của Hưng Đạo Vương đã chỉ rõ: "Lấy đoản binh để chế trường trận, lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh…".
Quang cảnh nơi diễn ra trận đánh đồn Đại Mang. |
Từ những suy nghĩ trên chúng tôi xác định địa điểm tập kết quân của Hưng Đạo Vương phải rất thuận tiện cả đường bộ và đường thủy và không thể không ở sát ven sông Trà Lý và gần khu vực làng A Lỗ - nơi có đồn Đại Mang của quân Nguyên. Có gần mục tiêu như vậy mới tạo được yếu tố bất ngờ để quân thủy, bộ cùng áp sát tấn công địch ở căn cứ đồn Đại Mang trên đất A Lỗ.
Qua khảo sát ở xã Hồng Châu, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, tiếp xúc với các cụ già trong làng được biết, tương truyền vào thời Trần, Hưng Đạo Vương đã đóng quân ở khu vực thuộc các xã Hồng Châu, Hồng Giang, Bạch Đằng ngày nay, để tấn công giặc Nguyên tại căn cứ đồn Đại Mang (thuộc đất A Lỗ). Vì thế, sau khi Người mất dân làng ở nhiều nơi trong vùng đã lập đền thờ để tướng nhớ tới Người.
Tìm hiểu thực tế tại các địa danh nói trên, các con đường thủy, bộ ở trong xã Hồng Châu, Hồng Giang, Bạch Đằng, Hồng Việt, Hồng Minh đã cho thấy, trước đây ở xã Hồng Châu có đền thờ Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tại bến Đáy và đền thờ các vua Tiền Lý Nam Đế, rồi đền thờ tướng Trương Định (tên húy, còn tên thật chưa rõ) thời Trần. Đáng tiếc, các ngôi đền này đã bị phá vào năm 1962 - 1963. Hiện bài vị, ngai thờ của Đức thánh Trần đã được đưa về để trong một cung nhỏ tại chùa Bơn (Hồng Việt). Ngai thờ và bài vị của tướng Trương An Định được đưa về để ở miếu thờ Thổ Thần nằm sát sông bến Đáy thuộc xóm Đông Hương, thôn An Liêm (làng Bơn), xã Hồng Châu.
Ở xã Bạch Đằng và một số xã quanh vùng hiện vẫn còn đền thờ Hưng Đạo Vương. Đáng chú ý ở các địa phương này còn lưu giữ tên của các địa danh (tướng truyền) có liên quan tới Hưng Đạo Vương và quân của người khi đóng quân, khi hành quân, tấn công căn cứ đồn Đại Mang trên đất A Lỗ. Đó là các địa danh: Cầu Quân (tương truyền xưa kia nhân dân bắc cầu tre cho quan quân nhà Trần đi đường bộ vượt qua cánh đồng Long Xà (Hồng Châu), Bạch Đằng, Chí Hòa, Hồng Minh để bất ngờ tấn công căn cứ đồn Đại Mang.
Ngoài ra còn có địa danh cống Ba Vạn (tương truyền nơi đây xưa kia là khu vực có 3 vạn quân và thủy quân nhà Trần ém thuyền từ khúc sông (xã Hồng Giang), đến khu vực sông thuộc xã Hồng Châu và cửa Ba Vạn (xã Hồng Việt), để có thể ra sông Trà Lý (ở khu vực xã Hồng Giang hoặc Tịnh Xuyên (Hồng Minh).
Trước đây trong khu vực các xã trên có con sông tên là sông Cửu Long, sông này có đường ra sông Diêm và cũng có đường ra sông Trà Lý (sau này quan thượng thư Dương Quy Chính cho đào kênh Sa Lung cắt thằng từ xã Chí Hòa, Hồng Việt, Thăng Long ra cầu Kim Bôi rồi đổ ra sông Tiên Hưng, chảy ra sông Riêng rồi ra cửa biển Diêm Điền). Nay con sông cổ xưa nhiều đoạn đã bị lấp vào năm 1980 để nhân dân trồng lúa.
Theo các tài liệu và tư liệu điền dã tìm hiểu được ở chùa Bơn thôn An Liêm và xã Hồng Châu cho thấy, để chuẩn bị cho cuộc tiến công chiến lược vào vị trí tiền tiêu của giặc Nguyên vào mùa hè năm 1285, Hưng Đạo Vương đã điều quân theo đường sông Diêm bí mật tiến về áp sát phòng tuyến của quân Nguyên do Vạn Hộ Lưu Thế Anh chỉ huy đang trấn giữ căn cứ Đại Mang (A Lỗ) - với ý đồ ngăn chặn sự tiến công của quân ta từ sông A Lỗ, sông Luộc vào sông Hồng tới kinh thành Thăng Long.
Để tạo yếu tố bất ngờ cho trận A Lỗ được toàn thắng, Hưng Đạo Vương đã cho đóng quân tại các làng ven sông Trà Lý. Trại Bơn là nơi gần căn cứ A Lỗ, nơi đây là địa điểm Hưng Đạo Vương hội các tướng. Bến Đáy tương truyền là nơi Hưng Đạo Vương đóng đại bản doanh và cũng tiện cho việc quan sát, nắm tình hình giặc để đảm bảo cho việc tấn công bất ngờ, đánh chiếm A Lỗ, mở đường cho quân đội nhà Trần tiến theo sông Hồng đánh Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương và giải phóng kinh thành Thăng Long.
Qua khảo sát thực tế tại xã Hồng Châu cho thấy từ chùa Bơn có con đường đi sang xã Bạch Đằng.
Sông Trà Lý đoạn chảy qua sát xã Hồng Giang ngày nay, từ xưa vẫn có cửa sông, sau này mới làm cống, chảy qua cầu Quân, lượn qua miếu thờ tướng Trương An Định (xã Hồng Châu), qua làng Bơn, làng Quán, qua đền thờ Hai Bà Trưng đến ngã ba Vạn (Hồng Việt) thì tách làm hai nhánh. Một nhánh chảy qua Chí Hòa, lên Tịnh Xuyên (xã Hồng Minh) và lại đổ ra sông Trà lý ở cửa cống Tịnh Xuyên. Còn nhánh kia từ ngã Ba Vạn (Hồng Việt) chảy qua Thăng Long ra sông Cầu (Kim Bôi) rồi đổ ra sông Tiên Hưng và chảy xuống cống Trà Linh (Thái Thụy) ra biển Đông.
Vật liệu thời Trần tìm thấy ở chùa Giỗ, nơi xảy ra trận đánh Đại Mang. |
Nếu tính từ điểm tập kết thủy quân của nhà Trần tại các xã thuộc Hồng Châu, Bạch Đằng, Hồng Việt, Hồng Giang thì từ cống Lấp (Hồng Giang) hiện nay theo đường chim bay đến cửa sông Phạm Lỗ (địa phận A Lỗ - Hồng Minh) chỉ 1 - 1,5km đường thủy. Còn nếu đi từ Hồng Châu theo đường bờ sông Trà Lý ngày nay thì khoảng 4km là tới điếm Yên Lại (xã Hồng Minh). Nếu theo đường bộ, từ vị trí chùa Bơn, bến Đáy (theo truyền thuyết) qua cầu Quân, qua thôn Quyết Thắng, qua cánh đồng Long Xà thuộc địa phận Hồng Châu, Bạch Đằng, Chí Hòa là tới cánh đồng xã Hồng Minh và tới làng A Lỗ chỉ khoảng 1 - 1,5 km theo đường chim bay. Nếu tính đi đường bộ khoảng 3 - 4km là tới đồn Đại Mang trên đất A Lỗ xưa.
Qua các tư liệu lịch sử và tư liệu khảo cổ học, đã cho biết khi quân Nguyên đem quân thủy bộ tấn công Thiên Trường, hai vua và quan quân chạy ra cửa biển Vạn An rồi không rõ đi về đâu. Điều này cho thấy có sự trùng khớp với căn cứ bí mật thời Trần trên đất Thụy Hồng (Thái Thụy). Thực tế qua các tư liệu lịch sử, khảo cổ học cho biết trong hai cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã xây dựng căn cứ bí mật tại Thụy Hồng (Thái Thụy ngày nay). Điều đó rất có lý như các tài liệu lịch sử đã ghi: "Hai vua và các quan ra đến cửa biển Vạn An rồi không rõ đi về đâu".
Chúng tôi đặt giả thiết, rất có thể khi quân ta từ căn cứ bí mật Thụy Hồng theo đường thủy ra sông Diêm về khu vực sông Tiên Hưng và từ đó bí mật tập kết vào các xã ven sông sát căn cứ của địch (như Hồng Giang, Bạch Đằng, Hồng Châu) rồi từ đó chia thành 2 đạo quân thủy bộ bất ngờ trong đêm tấn công căn cứ A Lỗ, hạ đồn Đại Mang, mở đường cho các trận đánh tiếp theo trong cùng ngày 20, cùng tháng 4 âm: Tây Kết, Chương Dương, Hàm Tử và giải phóng kinh thành Thăng Long.
III. Tầm quan trọng của trận chiến Hạ Đồn Đại Mang
Có thể nói trận Hạ Đồn Đại Mang triệt phá căn cứ tiền tiêu của giặc ở A Lỗ là trận đánh cực kỳ quan trọng của Hưng Đạo Vương.
Quân đội thời Trần vận dụng linh hoạt chiến thuật áp sát mục tiêu lợi dụng địa hình chằng chịt sông ngòi, cây cối rậm rạp để cơ động linh hoạt quân thủy, bộ. Địa hình này vừa dễ giấu quân lại vừa đảm bảo được yếu tố tấn công bất ngờ, khiến cho kẻ địch có nằm mơ cũng không thể ngờ rằng quân đội nhà Trần đang ở ngay sát nách chúng.
Cuộc chiến nổ ra lúc gần sáng ngày 20 tháng 4 âm lịch, lại càng khiến cho quân địch bất ngờ hơn, đến nỗi Vạn hộ hầu Lê Thế Anh phải vội vàng tháo chạy không kịp chống đỡ. Tướng Trương Hiển buông giáo xin hàng.
Trận chiến Hạ Đồn Đại Mang trên đất A Lỗ là một trận đánh vô cùng quan trọng, nó mở đầu cho toàn bộ chiến dịch tổng phản công tiếp theo của quân đội nhà Trần, tấn công Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, giải phóng kinh thành Thăng Long, đánh đuổi Thoát Hoan và quân Nguyên phải tháo chạy về nước (1285).
Một vấn đề đáng chú ý đó là việc giữ bí mật tuyệt đối trong việc chuyển quân, áp sát đồn giặc của vua quan thời Trần ngày đó. Qua sự việc trên cho chúng ta thấy được Hưng Đạo Vương và các vua quan nhà Trần đã gắn bó mật thiết với nhân dân, các làng xóm, trang ấp trong vùng, nhờ đó không những được nhân dân ủng hộ mà việc giữ bí mật che mắt địch đã được quân dân thời Trần thực hiện triệt để cho đến khi trận đánh giành thắng lợi.
Bài học người chèo thuyền là dân, sức dân là sức biển, "Nương sức dân làm kế gốc rễ lâu bền", từ hội nghị Diên Hồng cho đến các trận đánh tập kích đồn Đại Mang, trận phục kích thuyền giặc trên cửa biển Đại Bàng, sau này là trận Bạch Đằng Giang, các vua quan nhà Trần và Hưng Đạo Vương luôn vận dụng linh hoạt, sâu sắc tinh thần đoàn kết gắn bó với nhân dân và linh hoạt trong các chiến lược, chiến thuật đánh địch. Vì thế với binh lực yếu hơn, đất nước nhỏ bé hơn, tiềm lực kinh tế yếu kém hơn kẻ địch nhưng Vương Triều Trần đã 3 lần đánh bại giặc Nguyên Mông - đội quân hùng mạnh nhất trên thế giới vào thế kỷ thứ 13 như sử sách trong và ngoài nước vẫn từng ca ngợi.
Phải chăng tư tưởng dựa vào dân, nương sức dân, đoàn kết với nhân dân của cha ông xa xưa là tiền đề cho tư tưởng quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu… tình nghĩa quân dân như cá với nước mà Đảng ta, quân đội ta đã và duy trì thực hiện cho tới ngày nay.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
200 năm sau khi bị chôn nhầm vì ngất xỉu lúc sinh con, cảnh tượng bên trong quan tài của người phụ nữ khiến hậu thế bàng hoàng
Như người ta thường nói: “Khi tre nở hoa, hãy di chuyển ngay lập tức”. Khi tre nở hoa đáng sợ thế nào?
Sự thật cặp vợ chồng mang gỗ lăng mộ đế vương về làm tủ, khiến 4 đứa con dính lời nguyền chết thảm
Lão nông đào được khúc gỗ kì dị, tưởng gỗ quý sắp phát tài nào ngờ con trai vừa thấy đã báo cảnh sát
Tôn Ngộ Không thành Phật mới hay có một nữ yêu khiến ngay cả Như Lai cũng phải kiêng dè, cung kính, nàng là ai?
Việt Nam phát hiện loại gỗ quý hiếm bậc nhất thế giới, trị giá hơn 600 tỷ đồng, là gỗ gì?