Thuộc họ Bướm phượng, những chú bướm papilio blumei nổi tiếng với màu xanh sáng độc đáo, nổi bật trên nền cánh nhung đen huyền hiếm gặp trong tự nhiên. Loài bướm này chỉ có thể được tìm thấy ở Sulawesi, một đảo lớn của xứ vạn đảo Indonesia, vì thế đây là một trong những niềm tự hào của địa phương.
Người ta cho dựng biểu tượng bướm papilio blumei trên cổng vào khu du lịch sinh thái Bantimurung, trong vườn quốc gia Bantimurung Bulusaraung trên đảo Sulawesi. Giữa thế kỷ 19, nhà tự nhiên học người Anh Alfred Russel Wallace từng đến làng Bantimurung và ngỡ ngàng trước "vương quốc bướm" rực rỡ ở đây. Song, khu vực này hiện phải đối mặt với nạn săn trộm bướm.
Có những thợ săn bướm trên đảo Sulawesi đã dành phần lớn cuộc đời cho công việc gian khổ, hiểm nguy này. Họ thường trải qua các chuyến đi hàng tháng trời liền, qua hàng trăm dặm. Trong nhiều thập kỷ, một mạng lưới kết nối người cung cấp thông tin, người vận chuyển, người săn bướm ở khu vực rừng núi địa phương với các nhà sưu tập bướm trên toàn cầu được thiết lập.
Công việc săn bắt bướm không hề dễ dàng, có lúc phải đuổi theo đàn bướm vào sâu trong những cánh rừng xa xôi. Ví dụ, loài bướm papilio blumei chỉ sống ở một độ cao nhất định. Muốn bắt được chúng, người ta phải chinh phục những vách đá, thác ghềnh dốc đứng, ẩm ướt nhiều rủi ro. Điều này lý giải vì sao trên thị trường "chợ đen", một số mẫu bướm quý trị giá lên đến cả nghìn USD.
Các "tay" mua bán bướm cũng thường sử dụng trẻ em trên đảo Sulawesi Indonesia cho việc tìm và bẫy bướm. Được trang bị lưới tơ, những đứa trẻ này làm việc từ sáng đến tận chiều hôm sau, tức khoảng thời gian côn trùng hoạt động mạnh nhất, như những người lớn thực thụ.
Ngoài thời gian làm nông, trồng lúa, phụ nữ nội trợ, chăm con nhỏ cũng góp tay sắp xếp những chú bướm bắt được, gói cẩn thận trong các phong bì thủ công bằng giấy sáp nhỏ, gấp hình tam giác. Lý do kinh tế là giải thích đơn giản nhất cho công việc này. Người dân ở đây cần một phương tiện sinh tồn trong cuộc sống. Các gia đình thường làm nông trong một mùa và bắt bướm trong một mùa khác.
Trên thực tế, quy định của Indonesia về việc săn bắt, buôn bán hay xuất khẩu bướm khá phức tạp và có những ngoại lệ khác nhau. Tùy trường hợp cụ thể, người ta mới có thể kết luận việc làm là hợp pháp hay bất hợp pháp. Tuy nhiên chắc chắn rằng, săn bắt bướm papilio blumei trong vườn quốc gia Bantimurung Bulusaraung là bất hợp pháp.
Số lượng bướm thu về được các thợ săn rao bán ngay tại chợ Bantimurung, hoặc chuyển đến những "chủ bướm" người Indonesia để phân phối cho các đại lý trên khắp thế giới. Không thể định giá chính xác cho thị trường "chợ đen" này trên toàn cầu, song con số ước tính có thể lên đến hàng trăm triệu USD mỗi năm.
Tuy nhiên một thực tế phũ phàng là chỉ những chú bướm tinh tế bên dưới lớp kính trưng bày trao đến tay các nhà sưu tập mới có giá trị hàng nghìn USD, thậm chí là một mức giá... trên trời. Trong khi đó, những người săn bướm tại đảo Sulawesi chỉ được trả vài xu ít ỏi cho mỗi con.
Từ năm 1831, phong trào sưu tầm mẫu vật bướm sặc sỡ, sống động bắt đầu dấy lên ở châu Âu, khi cửa hàng thú nhồi Deyrolle tại Paris trưng bày những sản phẩm tự nhiên tinh tế thu hút sự quan tâm của nhiều người. Hiện việc thu thập mẫu vật bướm khá phổ biến ở Nhật Bản. Châu Á, châu Phi và châu Mỹ là những nguồn cung cho các đại lý mua bán, các nhà sưu tập bướm trên toàn thế giới.