Khám phá

Khám phá ngôi đền được cho là của 'người ngoài Trái đất': Cách xây dựng khiến các nhà khoa học 'đau đầu' tìm lời giải

DNVN - Ngôi đền Kailasa tại bang Maharashtra, Ấn Độ từ lâu đã trở thành chủ đề thu hút sự tò mò của giới khảo cổ và những người yêu kiến trúc cổ đại. Điều khiến ngôi đền này trở nên đặc biệt chính là việc nó được chạm khắc hoàn toàn từ một khối đá duy nhất – một kỳ công mà cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể giải mã hoàn toàn.

Vì sao nước biển thường có màu xanh? / Loài ếch sở hữu 'skill hồi sinh' thần thánh: Đóng băng toàn thân, tim ngừng đập, phổi ngưng thở khi đông đến, băng tan thì tỉnh dậy

Ngôi đền Kailasa nằm trong quần thể hang động Ellora nổi tiếng, là công trình thứ 16 trong tổng số 34 ngôi đền và tu viện tại đây. Kiến trúc ngôi đền cao 32,6 mét, được tạc từ mặt đá núi nguyên khối, dù mặt đá nghiêng từ phía sau ra phía trước. Với quy mô rộng lớn và cấu trúc phức tạp, đền Kailasa được xem là một trong những đỉnh cao kiến trúc đá của Ấn Độ cổ đại.

Theo truyền thuyết địa phương, vào thời kỳ trị vì của một vị vua thuộc vùng Maharashtra, nhà vua lâm trọng bệnh. Hoàng hậu đã cầu khẩn thần Shiva cứu chữa và thề sẽ nhịn ăn cho đến khi hoàn thành một ngôi đền dâng lên vị thần. Kiến trúc sư Kokasa đã nhận lời và cam kết xây xong ngôi đền trong vòng một tuần để hoàng hậu không phải chịu cảnh tuyệt thực quá lâu. Ông đã bắt đầu từ đỉnh núi và khắc dần xuống, biến khối đá khổng lồ thành một công trình kiến trúc kỳ vĩ và tinh xảo.

Cận cảnh ngôi đền. Ảnh: Pinterest.

Cận cảnh ngôi đền. Ảnh: Pinterest.

Ngôi đền mang đậm phong cách kiến trúc Dravidian, với hình chóp vuông và nhiều chi tiết chạm khắc cầu kỳ. Cấu trúc gồm ba tầng chính, một sân đền hình móng ngựa rộng 82 x 46 mét, một tháp Gopuram ở lối vào, cùng hai hàng cột cao 30 mét khắc đầy các vị thần. Trung tâm sân là khu thờ thần Shiva – vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo, biểu tượng của sự hủy diệt và tái sinh. Phía trước chính điện là tượng bò thần Nandi – linh vật cưỡi của Shiva.

Bên trong đền, không gian được thiết kế với các cột đá, cửa sổ và phòng thờ. Ở trung tâm chính điện là một linga đá khổng lồ – biểu tượng thiêng liêng của thần Shiva. Các bức tượng hai bên lối vào khắc họa tín đồ của thần Shiva và Vishnu – vị thần bảo vệ, cũng là một trong Tam vị nhất thể của đạo Hindu. Nhiều tác phẩm điêu khắc tại đây mô tả các câu chuyện thần thoại, trong đó có các bức tượng voi tạo cảm giác như ngôi đền đang được nâng trên lưng chúng.

Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, để xây dựng ngôi đền này, người xưa phải loại bỏ khoảng 400.000 tấn đá. Nếu thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, công trình sẽ cần đến 20 năm với điều kiện thợ phải làm việc 12 giờ mỗi ngày, mỗi giờ xử lý 5 tấn đất đá. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa ai có thể giải thích được kỹ thuật nào đã giúp người cổ đại tách và đẽo đá từ núi đá cao hơn 30 mét với độ chính xác gần như tuyệt đối. Chính điều này đã dẫn đến nhiều giả thuyết kỳ bí, trong đó có tin đồn rằng đền Kailasa có thể là công trình do “người ngoài Trái đất” tạo nên.

Dù có nhiều giả thuyết được đưa ra, phần lớn giới khảo cổ hiện nay vẫn cho rằng ngôi đền được xây dựng dưới triều đại vua Rashtrakuta Krishna I (trị vì từ năm 756 đến 773), và một số phần được hoàn thiện sau đó. Một giai thoại nổi tiếng khác liên quan đến ngôi đền là vào năm 1682, vua Aurangzeb của vương triều Hồi giáo từng huy động hàng ngàn người nhằm phá hủy Kailasa. Tuy nhiên, sau ba năm nỗ lực, họ chỉ có thể phá hỏng một vài bức tượng, còn toàn bộ ngôi đền gần như vẫn nguyên vẹn. Cuối cùng, Aurangzeb buộc phải từ bỏ ý định này. Người Hindu tin rằng chính thần linh đã bảo vệ ngôi đền khỏi sự hủy hoại.

 

Ngày nay, đền Kailasa không chỉ là biểu tượng về kỹ thuật xây dựng và nghệ thuật điêu khắc, mà còn là kho tàng tri thức phong phú của nền văn minh Ấn Độ cổ đại. Một trong các phiến đá tại đây khắc lại thiên sử thi Ramayana, và ước tính còn khoảng 32 triệu chi tiết chạm khắc tiếng Phạn vẫn chưa được giải mã. Đây là minh chứng sống động cho một nền văn minh phát triển vượt bậc và còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn chờ nhân loại khám phá.

Bảo Ngọc (t/h)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm