Khám phá

Không phải Điêu Thuyền, đây mới là "Tam Quốc đệ nhất mỹ nhân" nhưng có kết cục bi thảm

Ai cũng nói rằng Điêu Thuyền là người đẹp nhất thời Tam Quốc, nhưng trên thực tế có một người khác mới xứng đáng với danh hiệu "đệ nhất mỹ nhân" của thời đại này.

Phát hiện hai loài khủng long bạo chúa hoàn toàn mới / Những địa điểm du lịch không nên bỏ lỡ khi ghé thăm Lào Cai

Điêu Thuyền – Người được mệnh danh Tứ đại mỹ nhân của Trung Quốc

Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", Điêu Thuyền là một trong 3 mỹ nhân được nhắc tới nhiều nhất cùng với Đại Kiều và Tiểu Kiều. Hơn nữa, Điêu Thuyền dù sự tồn tại của nàng vẫn còn đang bị nghi ngờ vẫn được người Trung Quốc xưa xếp vào hàng "tứ đại mỹ nhân". Nàng với sắc đẹp được ví như "bế nguyệt" (khiến trăng phải thẹn mà nấp sau mây) được đưa vào danh sách những người đẹp nhất của Trung Quốc bên cạnh Tây Thi, Vương Chiêu Quân và Dương Quý phi.

Không phải Điêu Thuyền, đây mới là

Trong "Tam Quốc diễn nghĩa", Điêu Thuyền là một trong 3 mỹ nhân được nhắc tới nhiều nhất cùng với Đại Kiều và Tiểu Kiều. (Ảnh: Sohu)

Tuy nhiên, theo một số ý kiến trên trang Sohu, Điêu Thuyền chưa đủ tầm để được xếp chung hàng với tứ đại mỹ nhân cũng như là "Tam Quốc đệ nhất mỹ nhân" bởi 2 nguyên nhân.

Thứ nhất, Tây Thi, Vương Chiêu Quân và Dương Quý phi đều là những mỹ nhân được gả cho các vị quân vương của một nước. Họ được cưới hỏi danh chính ngôn thuận. Điêu Thuyền vốn là người hầu hạ bên cạnh Đổng Trác và là người thương của Lữ Bố. Hai người này đều là tình lang của Điêu Thuyền và không ai trong số họ hoàn thành đế nghiệp.

Không phải Điêu Thuyền, đây mới là

Nhiều ý kiến cho rằng Điêu Thuyền không xứng đứng trong danh sách tứ đại mỹ nhân Trung Hoa và không thể là "Tam Quốc đệ nhất mỹ nhân". (Ảnh: Sohu)

Thứ hai, Điêu Thuyền chỉ được biết đến qua bộ "Tam quốc diễn nghĩa" của La Quán Trung. Ngoài ra, vẻ đẹp của nàng không được miêu tả qua những tác phẩm nào khác. Hơn nữa, trong "Tam Quốc diễn nghĩa", tác giả chỉ miêu tả nàng là một mỹ nhân xinh đẹp và giỏi ca múa. Trong khi đó, vẻ đẹp của Dương Quý Phi, Tây Thi và Vương Chiêu Quân đều được chép lại trong rất nhiều áng văn chương thơ phú.

 

Từ 2 yếu tố trên, các ý kiến trên diễn đàn của trang Sohu đã đưa ra một người phụ nữ khác xứng đáng là "Tam quốc đệ nhất mỹ nhân". Vậy mỹ nhân này là ai?

"Tam Quốc đệ nhất mỹ nhân" là ai?

Theo số đông người tham gia diễn đài, đệ nhất mỹ nhân của thời Tam Quốc chính là Hoàng hậu Chân Lạc của Ngụy Văn Đế Tào Phi, hay còn được người đời gọi là Chân Cơ. Bà là một nhân vật hoàn toàn có thật. Bà không chỉ có dung nhan rung động lòng người, mà còn sở hữu phẩm chất đạo đức cao quý.

Chân Lạc (183 – 221) sinh ra tại huyện Vô Cực, Trung Sơn (nay là huyện Vô Cực, thành phố Thạch Gia Trang của tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Bà là hậu duệ của Thái bảo nhà Hán là Chân Hàm, người đã cưới Khổng thị là con gái Bác Sơn hầu Khổng Quang - cháu 14 đời của Khổng Tử. Cha của Chân Lạc là Chân Dật từng nhậm Huyện lệnh của huyện Thượng Thái, mẹ Trương thị là người Trường Sơn, sinh ba con trai và năm con gái. Xuất thân trong gia tộc quyền quý, mặc dù mất cha từ năm 3 tuổi, Chân Lạc vẫn nhận được sự giáo dục tử tế từ nhỏ đến lớn.

Không phải Điêu Thuyền, đây mới là

Nhiều người cho rằng hoàng hậu Chân Lạc của Ngụy Văn Đế Tào Phi mới xứng là "Tam Quốc đệ nhất mỹ nhân". (Ảnh: Sohu)

 

Chân Lạc không chỉ xinh đẹp tuyệt trần mà còn là một người phụ nữ đức độ thiện lương. Những năm cuối của Đông Hán, thiên hạ đại loạn, bách tính phải sống trong cảnh lầm than. Lương thực không có, nhiều người phải bán cả gia sản để duy trì cuộc sống. Thấy vậy, Chân Lạc đã nói với các anh trai: "Thừa cơ chiến loạn mà bán lương thực giá cao, điều này không hề tốt mà chỉ làm hại đến gia đình chúng ta. Cách làm này dễ khiến dân chúng phẫn nộ, thu hút lòng tham của loạn binh và tặc phỉ, mang lại đại họa khôn lường. Chúng ta nên lấy một phần lương thực trong nhà để chia cho người dân trong thôn, vừa nhận được hảo cảm vừa bảo đảm sự an toàn cho gia đình".

Các anh trai nghe lời em gái và làm theo. Quả nhiên, trong giai đoạn chiến tranh, nhiều gia tộc đã tiêu diệt, chỉ riêng nhà họ Chân vẫn bình an vô sự. Nhan sắc và đức hạnh của Chân Lạc dần được truyền đi xa. Người ta dùng câu "Giang Nam có Nhị Kiều, Hà Bắc có Chân thị" để khen ngợi bà. Ngay cả Viên Thiệu nổi danh một cõi cũng nghe đến danh tiếng của Chân Lạc mà cưới bà cho con trai của mình.

Vào độ giữa thời Kiến An (196 - 220) của Hán Hiến Đế, Chân Lạc kết hôn với Viên Hy, con trai thứ hai của Viên Thiệu.

Thế nhưng, đến năm Kiến An thứ 9 (204), Tào Tháo hạ được Nghiệp Thành, bắt sống gia quyến họ Viên. Chân Lạc sau lại trở thành vợ của con trai thứ của Tào Tháo là Tào Phi - khi đó mới 18 tuổi, còn Chân Lạc đã 22 tuổi.

Không phải Điêu Thuyền, đây mới là

Chân Lạc không chỉ là mỹ nhân có sắc đẹp tuyệt trần mà còn là người phụ nữ lương thiện. (Ảnh: Sohu)

 

Chuyện bà gặp được Tào Phi về sau được thêu dệt nên rất nhiều, đa phần đều nói rằng chính dung mạo của bà đã làm lay động vị công tử họ Tào, và dù bà đã từng là vợ của kẻ thù họ Viên, Tào Phi cùng Tào Tháo cũng vẫn nạp bà làm dâu họ Tào. Sách Thế thuyết tân ngữ có dẫn một câu chuyện rằng, khi thắng trận, Tào Phi dẫn quân xông thẳng vào phủ họ Viên, thấy hai người đàn bà mặt mày lắm lem đang ôm nhau khóc phía sau lưng Lưu phu nhân, hỏi ra thì là con dâu thứ của Viên Thiệu, liền lệnh cho người khác rửa sạch mặt mũi Chân thị để nhìn rõ. Khi Tào Phi nhìn thấy dung mạo thực sự của Chân thị, choáng ngợp và động lòng vì nhan sắc cực diễm lệ, Tào Phi liền nạp Chân thị làm Chính thê, thập phần sủng ái.

Sau khi về làm dâu nhà họ Tào, Chân Lạc không chỉ chăm sóc tận tình cho Tào Phi, mà còn đối xử rất tốt với mẹ chồng. Ngoài ra, bà còn xử lý ổn thỏa mọi việc trong nhà, thậm chí còn khuyên chồng nạp thiếp. Sau khi lấy Tào Phi 8 tháng, bà sinh ra Tào Duệ. Hai người còn có với nhau một con gái, gọi là Đông Hương công chúa.

Thế nhưng, khi có người phụ nữ khác, Tào Phi đã lạnh nhạt với Chân Lạc. Sau đó, Chân Lạc đã gặp phải đại kiếp nạn khiến cho bản thân phải chịu kết cục vô cùng bi thảm. Chính sử ghi lại, tháng giêng năm Kiến An thứ 25 (220), Tào Phi kế thừa Ngụy vương, lập con cả Tào Duệ làm "Vũ Đức hầu". Tháng 6/220, quân Ngụy Nam chinh, Chân phu nhân ở lại Nghiệp Thành. Tháng 10, Hán Hiến Đế bị ép buộc, tiến hành thiện nhượng cho Tào Phi, lập ra Tào Ngụy, sử sách gọi Ngụy Văn Đế. Tháng 6 năm Hoàng Sơ thứ 2 (221), Tào Phi sai sứ giả đến ban chết Chân phu nhân, bà được an táng tại Nghiệp Thành.

Không phải Điêu Thuyền, đây mới là

Tào Phi vừa nhìn thấy nhan sắc của mỹ nhân Chân Lạc đã say đắm và quyết lập bà làm chính thê. (Ảnh: Sohu)

 

Trong "Tam Quốc chí" có thuật lại về cái chết của Chân Lạc rằng, khi Tào Phi xưng Đế, ông lạnh nhạt với chính thất Chân phu nhân, mà lại sủng ái Quý tần Quách Nữ Vương cùng các Lý Quý nhân, rồi Âm Quý nhân, sau đó lại nạp thêm hai con gái của Hán Hiến Đế, dù Chân thị là Chính thất phu nhân cũng không hề được ra chỉ lập làm Hoàng hậu. Chính vì lý do này, Chân phu nhân có sinh oán hận, Tào Phi nghe được, rất giận nên ban chết.

Ngoài ra, cũng có một số ghi chép dã sử cho rằng, Tào Tháo vốn đã chú ý tới sắc đẹp của Chân Lạc. Tiếc rằng, con trai ông là Tào Phi cũng mê mẩn trước Chân Thị. Năm đó, Tào Phi mới 17 tuổi, ông ra sức cầu xin cha được lấy Chân Lạc làm vợ. Trước “sự đã rồi”, Tào Tháo buộc phải chấp thuận hôn sự của Tào Phi. Người đời còn lưu truyền câu chuyện giữa Tào Thực và Chân Lạc. Tào Thực vốn thầm yêu Chân Lạc. Chân Lạc vì bị Tào Phi lạnh nhạt nên trong tâm vô cùng khổ sở, cũng rất muốn có một tri kỷ, tri âm. Tào Thực văn hay chữ tốt, tâm hồn phóng khoáng, lãng mạn, Chân Lạc cũng có lòng yêu thi ca, cái đẹp. Hai tâm hồn dung hòa với nhau nhưng cũng chỉ biết trao gửi qua những cái nhìn lén, cuối mắt đầu ngài mà thôi.

Sau khi Chân Lạc mất, Tào Thực viết “Lạc thần phú”. Có người cho rằng bài phú này chính là Tào Thực ca tụng Chân Lạc. Tương truyền, bình sinh Tào Thực không lúc nào nguôi nghĩ tới Chân Lạc, ngay cả trong mơ cũng gặp nàng.

- Video khám phá Nhạn Môn Quan - cửa ải chỉ chim nhạn mới bay qua được. Nguồn: CCTV.


 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm