Không phải Mã Siêu, đây mới thực sự là võ tướng từng suýt có cơ hội lấy đầu Tào Tháo
Biết Lưu Bị sẽ là kỳ phùng địch thủ sau khi có Ích Châu, sao Tào Tháo và Tôn Quyền không tìm cách triệt hạ? / Hóa ra đây là lý do Tào Tháo phải xây 72 ngôi mộ
Sinh thời, Tào Tháo từng là một nhân vật khét tiếng Tam Quốc, cũng từng tham gia không ít các cuộc chiến nổi bật vào thời kỳ này.
Thế nhưng người xưa có câu đao kiếm vô tình, phàm là người đã không ngại xông pha nơi trận mạc thì ắt sẽ có lúc phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm.
Tào Tháo cũng không phải ngoại lệ. Và sự thực là trong cuộc đời chinh chiến của mình, ông đã không ít lần rơi vào cảnh ngàn cân treo sợi tóc.
Năm xưa khi dẫn binh đi chinh phạt Đổng Trác, Tào Tháo từng bị thuộc hạ của Đổng tặc là Từ Vinh đánh bại. Bấy giờ may có Tào Hồng tình nguyện nhường ngựa, ông mới có thể thoát khỏi hiểm cảnh.
Trong "Tam Quốc diễn nghĩa" nói riêng, Tào Tháo cũng từng có tới mấy lần suýt bị vong mạng.
Tiêu biểu trong số đó phải kể tới sự kiện ở trận Đồng Quan khi ông bị Mã Siêu đánh tới mức phải cắt râu, vứt áo để trốn chạy. Thế nhưng đây chỉ là những tình tiết được đề cập trong tiểu thuyết, thật giả khó bề phân biệt.
Tuy nhiên Tào Tháo trong lịch sử quả thực đã từng có một lần tưởng như tận mạng. Thậm chí dù thoát chết trong lần đó, ông cũng đã mất đi con trưởng, cháu trai và một vị ái tướng.
Và nhân vật suýt chút nữa đã có thể lấy đầu Tào Tháo khi ấy chính là Trương Tú.
Hé lộ thân thế nhân vật từng lấy mạng cả con trưởng, cháu trai và ái tướng của Tào Tháo
Trương Tú (? – 207) là một tướng lĩnh quân phiệt thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Hoa. Ông là người gốc Tổ Lệ, cháu ruột của Phiêu kỵ tướng quân Trương Tế - bộ tướng một thời của Đổng Trác.
Năm xưa nhờ lập được chiến công khi đi theo chú mình chinh chiến, Trương Tú cũng dần được thăng tới chức Kiến Trung Tướng quân, tước hiệu Tuyên Uy hầu.
Sau này, Trương Tể trong một lần giao chiến cùng với quân của Lưu Biểu đã bị trúng tên mà chết. Trương Tú từ đó tiếp quản thế lực của chú và trở thành thống lĩnh. Sau khi liên minh với Lưu Biểu, Trương Tú trú đóng tại Uyển Thành.
Tháng giêng năm Kiến An thứ 2 (năm 197), Tào Tháo xuất quân đánh Trương Tú. Bấy giờ, nhân vật này đã quyết định đem quân đầu hàng.
Khi ấy, Tào Tháo vì lòng háo sắc nên đã nạp thím của Trương Tú, tức vợ của Trương Tế vào hậu cung của mình.
Trương Tú vì vậy mà đem lòng oán hận. Tào Tháo biết được đối phương bất mãn, liền bí mật sắp xếp kế hoạch trừ khử.
Thế nhưng âm mưu bại lộ, Trương Tú đã cho quân đánh lén doanh trại của Tào Tháo ngay trong đêm.
Trận chiến lần ấy đã khiến quân Tào thất bại nặng nề. Con trưởng Tào Ngang, cháu trai Tào An Dân đều chết trận.
Nếu không nhờ có con trưởng Tào Ngang nhường ngựa, lại có thêm mãnh tướng Điển Vi liều mạng bảo vệ, Tào Tháo có lẽ đã sớm chết trong tay Trương Tú vào lần ấy.
Ngoài ra, còn có một giả thuyết khác về sự kiện Trương Tú làm phản và cho quân đánh lén.
Theo đó, Trương Tú năm xưa từng có một thân tín tên Hồ Xa Nhi được coi là đệ nhất dũng sĩ trong quân ngũ. Tào Tháo vì yêu thích sự kiêu dũng của người này, liền ban cho vàng bạc châu báu.
Thế nhưng Trương Tú biết được, cho rằng Tào Tháo cố tình mua chuộc Hồ Xa Nhi để ám sát mình, vì vậy quyết tâm làm phản.
Tuy nhiên bất kể nguyên nhân thực sự là gì thì sự việc Tào Tháo suýt chút nữa vong mạng dưới tay nhân vật này cũng là sự thật.
Thoát khỏi sự trả thù của Tào Tháo, kết cục của Trương Tú rốt cục ra sao?
Ở vào thời điểm trước khi trận Quan Độ diễn ra, Viên Thiệu từng phái sứ giả tới lôi kéo Trương Tú, muốn thế lực này trở thành đồng minh của mình.
Trương Tú khi ấy cũng có ý muốn liên minh, thế nhưng bị mưu sĩ Giả Hủ ngăn lại, khuyên rằng nên đầu hàng Tào Tháo.
Bấy giờ, Trương Tú nói:
"Viên Thiệu mạnh hơn, Tào Tháo yếu hơn, lại có thù oán với ta, liệu có thể nương nhờ được hay không?".
Sau một hồi cất công thuyết phục, Giả Hủ cuối cùng cũng khuyên được Trương Tú tình nguyện hàng Tào.
Thời điểm Trương Tú đầu hàng cũng là giai đoạn mấu chốt trong chiến dịch Quan Độ giữa hai phe Tào – Viên.
Vì vậy, sự quy thuận của Trương Tú vừa giúp Tào Tháo giải trừ một mối lo, đồng thời cũng tăng thêm lực lượng cho phe cánh của mình.
Để chúc mừng sự gia nhập của Trương Tú, Tào Tháo còn mở yến tiệt thết đãi. Thậm chí, ông còn gạt bỏ thù riêng, chẳng những phong cho Trương Tú chức Dương Vũ Tướng quân mà còn đồng ý để con gái của đối phương gả cho con trai của mình.
Sau một thời gian phụng sự dưới trướng họ Tào, tới năm 207, Trương Tú qua đời, thụy hiệu là Định hầu. Tuy nhiên cho tới ngày nay, cái chết của nhân vật này vẫn là một điều nghi hoặc đối với giới sử gia.
Có giả thuyết cho rằng, năm xưa vì muốn lấy lòng con lớn của Tào Tháo là Tào Phi, Trương Tú đã ngỏ ý muốn mới Tào Phi tới chơi.
Nào ngờ Tào Phi nổi giận mà nói rằng:
"Ngươi đã giết anh ta (ý nói Tào Ngang chết trong trận Uyển Thành), sao còn dám mặt dày đến gặp ta?".
Trương Tú sợ sau này bị Tào Phi hãm hại, bèn cố ý tự sát. Cuộc đời của một nhân vật từng suýt lấy mạng Tào Tháo cũng vì vậy mà chấm dứt tại đây.
Qulishi cho rằng, Tào Tháo cả đời nhung mã, chinh chiến vô số, nhiều lần trải qua hung hiểm, thế nhưng người từng thực sự có trong tay cơ hội lấy đầu ông có lẽ cũng chỉ có một mình Trương Tú trong trận Uyển Thành năm đó mà thôi…
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ai được xem là ‘nhà thơ của làng cảnh Việt Nam’ ? Có bài thơ người Việt nào cũng thuộc
Nhà thơ 'lười' nhất lịch sử: Cả đời chỉ sáng tác một bài hai câu thơ, được truyền muôn đời
Bài toán hóc búa của thầy giáo Việt Nam trong đề thi Olympic: Độ khó khiến nhiều nước muốn loại bỏ
Thầy giáo đầu tiên ở Việt Nam mở trường phổ thông dân lập: Từng ra đề cho Olympic toán học quốc tế