Khám phá

Khủng long tuyệt chủng vì thảm họa kép

Từ trước tới nay, phần lớn giới khoa học vẫn cho rằng khủng long tuyệt chủng là do hậu quả của việc thiên thạch rơi xuống Trái Đất. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học Mỹ chỉ ra rằng, đó chỉ là một phần nguyên nhân.

Phát hiện mới về tiểu hành tinh khổng lồ khiến khủng long tuyệt chủng / Nghiên cứu mới cho thấy khủng long bạo chúa Tyrannosaurus dựa vào giác quan thứ sáu để "yêu"?

Thảm họa kép

Loài khủng long vốn thống trị Trái Đất trong suốt 160 triệu năm. Tuy nhiên, khoảng 66 triệu năm trước, một thiên thạch khổng lồ có đường kính 10km rơi xuống ngoài khơi bờ biển Mexico, tạo ra miệng hố Chicxulub rộng 200km. Hậu quả là vụ va chạm đã giải phóng một lượng cát bụi và khí độc lớn vào không gian, che phủ cả Mặt Trời làm biến đổi khí hậu, khiến Trái Đất trở nên lạnh giá. Đây được coi là nguyên nhân khiến loài khủng long cùng 75% các loài động vật bị tuyệt chủng.
Tuy nhiên, giả thuyết này bị nhiều nhà khoa học hoài nghi. Họ cho rằng vụ va chạm không thể sản sinh ra đủ lượng khí sulfur và carbon dioxide - mà ta có thể quan sát được trên các phiến đá - để có thể gây ra thảm họa lớn đến như vậy cho Trái Đất.
Mới đây, một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ được công bố trên tạp chí Science cho thấy hoàn toàn có cơ sở để hoài nghi chuyện loài khủng long tuyệt chủng hoàn toàn chỉ do vụ va chạm thiên thạch.
Cụ thể là các chuyên gia tin rằng, khi thiên thạch rơi đã gây ra những tác động địa chất lớn lao và khiến bẫy Deccan – một trong những núi lửa lớn nhất thế giới ở Ấn Độ - phun trào mãnh liệt, giải phóng một lượng cát bụi và khí độc cực lớn vào không gian. Chính lượng khói bụi này mới là tác nhân che phủ cả Mặt Trời làm biến đổi khí hậu, khiến Trái Đất trở nên lạnh giá.
Giáo sư Paul Renne - thuộc Đại học California (Mỹ), người đứng đầu nghiên cứu - cho biết: “Dựa trên số liệu phân tích về dung nham, chúng tôi có thể đưa ra một kết luận chắc chắn rằng việc bẫy Deccan tăng cường hoạt động mạnh và gây ra các tác động lớn trong vòng 50.000 năm đã dẫn tới sự tuyệt chủng của loài khủng long. Như vậy là việc thiên thạch va chạm với Trái Đất và núi lửa phun trào là hai nguyên nhân dẫn đến việc loài khủng long bị tuyệt chủng”.
Khủng long tuyệt chủng là do thiên thạch rơi và núi lửa phun trào
Khủng long tuyệt chủng là do thiên thạch rơi và núi lửa phun trào.

Tác động của núi lửa lớn đến mức nào?

Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học Mỹ đã phân tích các lớp đá tại bẫy Deccan, Ấn Độ và thấy rằng các lớp trầm tích chứa nhiều hóa thạch thuộc ranh giới K-T - thời điểm đánh dấu sự kết thúc của kỷ Phấn trắng và bắt đầu của kỷ Đệ tam - khi khủng long biến mất. Số liệu thu thập được giúp các nhà khoa học có được những bằng chứng rất vững chắc để chứng minh cho giả thuyết của mình.
Họ cho rằng, bẫy Deccan vốn hoạt động từ trước khi thiên thạch rơi xuống Trái Đất. Tuy nhiên, sau sự kiện này, ngọn núi lửa mặc dù không hoạt động thường xuyên như trước nhưng mỗi lần “thức tỉnh”, nó giải phóng số lượng dung nham lớn gấp đôi bình thường, thải ra một lượng khí sulfur và carbon dioxide khổng lồ vào không gian.
Theo các tác giả của nghiên cứu này, sức mạnh hủy diệt của việc núi lửa phun trào lớn gấp bội “mùa đông hạt nhân” (nuclear winter) - hiện tượng khói và bụi do các vụ nổ hạt nhân gây ra, bao trùm Trái Đất - ngăn cản ánh sáng Mặt Trời chiếu xuống khiến nhiệt độ giảm mạnh. Đây chính là nguyên nhân gây ra thảm họa diệt vong cho các loài động vật.
Các tác giả nghiên cứu cho rằng hoạt động của ngọn núi lửa này kéo dài liên tục trong 50.000 năm. Sự phun trào còn tiếp diễn và tăng cường sau thời điểm loài khủng long biến mất. Chính nó làm chậm quá trình phục hồi sự sống cho đến khoảng 500.000 năm sau ranh giới K-T.
“Chúng tôi tin ngọn núi lửa này tăng cường hoạt động mạnh hơn tại ranh giới K-T khiến quá trình phục hồi sự sống trên Trái Đất bị chậm lại. Phải đến khi ngọn núi lửa này tàn lụi, sự sống trên Trái Đất mới dần được khôi phục” - Giáo sư Paul Renne nói.
Trong khi đó, đồng tác giả của nghiên cứu - Giáo sư Mark Richards, một nhà khoa học cũng đến từ Đại học California (Mỹ) - cho biết: “Kịch bản mà chúng tôi đề xuất là vụ rơi thiên thạch kích hoạt, khiến bẫy Deccan gia tăng cường độ hoạt động. Chúng tôi đã đối chiếu giả thuyết này với những nghiên cứu trước đây về sự tuyệt chủng của khủng long và thấy xuất hiện nhiều sự trùng hợp không thể tin nổi. Chúng tôi sẽ nghiên cứu để tìm ra thêm những số liệu có độ chính xác cao chỉ ra sự liên hệ giữa ba sự kiện: Vụ va chạm của thiên thạch và Trái Đất, sự tuyệt chủng của loài khủng long và sự gia tăng hoạt động phun trào của núi lửa. Khi đó mọi người sẽ dần chấp nhận giả thuyết của chúng tôi”.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm