Kiểm lâm dựng hàng rào phòng rắn hổ mây khổng lồ tấn công ở U Minh Hạ
Kinh hoàng chim hồng hoàng xơi tái rắn độc châu Phi / Những sự thật khủng khiếp không thể ngờ về nọc độc rắn
Kỳ 2: Vào “vương quốc rắn khổng lồ’ nghe kiểm lâm kể chuyện rắn hổ mây
Cho dù có sưu tập đủ cả trăm câu chuyện rùng rợn về rắn khổng lồ, cho dù có cả ngàn người kể thao thao bất tuyệt về rắn hổ mây khổng lồ, mà không có được một tấm ảnh, một tiêu bản rắn khổng lồ, thì loài rắn này vẫn mang hơi hướng huyền thoại.
Tuy nhiên, nếu chuyện về loài rắn thân to như cây cau già, được kể ra từ miệng của những cán bộ kiểm lâm đáng kính, thì không phải chuyện bác Ba Phi nữa. Trong số những cán bộ kiểm lâm đáng kính tận mắt hổ mây khổng lồ, có một nhân chứng sống là ông Chín Của, nguyên Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Cà Mau.
Câu chuyện rợn tóc gáy của cựu kiểm lâm
Ông Chín Của có cả cuộc đời làm kiểm lâm, gắn bó với rừng U Minh Hạ. Sau về TP. Cà Mau làm lãnh đạo ngành kiểm lâm, nhưng hàng ngày ông vẫn gắn bó thân thiết với đại ngàn tràm. Về hưu, ông bỏ lại căn nhà ở trung tâm thành phố, về lại U Minh Hạ dựng nhà, làm điền trang sống cuộc đời thanh nhã. Nhắc đến loài hổ mây trong chuyện bác Ba Phi, ông Chín Của to ra không hài lòng. Ông bảo, chuyện bác Ba Phi là chuyện dóc, chuyện hài, nhưng rắn hổ mây khổng lồ là loài có thật, chính mắt ông đã tận mắt, suýt chạm vào cái thân kinh hãi của nó.
Lần ấy, là cuối năm 2002, ông Chín Của lôi cán bộ kiểm lâm dưới quyền là Đỗ Thanh Hóa đi một vòng rừng đặc dụng Vồ Dơi để tuần tra. Khi đó, con đường tuần tra cắt ngang rừng Vồ Dơi vừa được mở rộng tới 8m, để thuận tiện cho việc tuần tra, đi lại, xe bồn cứu cháy rừng kịp thời. Khi gần đến khu vực lõi rừng Vồ Dơi, nơi bầy khỉ hót náo loạn, chim kêu ríu ran, thì bỗng dưng kiểm lâm Hóa phanh xe suýt ngã nhào. Ông Chín Của mắng đổng: “Không biết thằng nào kéo cây chắn đường thế này. Rõ ràng chúng định ám hại kiểm lâm đây”.
Kiểm lâm Hóa dựng xe, cùng sếp tiến lại phía “thân cây” lẫn trong đám cỏ tính kéo ra lấy lối đi. Cách 5m, ông Chín Của la lớn: “Rắn hổ mây, rắn hổ mây!”. Dù làm kiểm lâm đã ngót 30 năm, đi dọc ngang đại ngàn U Minh Hạ, nhưng tuyệt nhiên ông Chín Của vẫn chưa có cơ duyên gặp được rắn hổ mây khổng lồ. Ông cũng như anh em, mới chỉ nghe những người đi rừng kể lại và tin đó là chuyện của bác Ba Phi. Nhưng giờ đây, trước mặt ông, rõ mồn một là con rắn hổ mây khổng lồ, thân to bằng cái phích.
Là kiểm lâm bao năm, nên ông Chín Của chắc chắn nó không phải là trăn. Thân nó hơi vàng mốc, đúng như lời những người đi rừng tận mắt kể lại. Khi đó, mặt cắt không còn giọt máu, đôi chân ông ríu lại. Kiểm lâm Hóa dắt xe quay đầu, luống cuống thế nào ngã chổng vó. Thấy động, con rắn ngóc đầu lên, mở to đôi mắt vàng khè ngó hai người, rồi trườn qua đường, ve vẩy cái đuôi, mất hút trong rừng thẳm. Con đường rộng tới 8m, mà thân nó vắt ngang.
Theo ông Chín Của, nếu hôm đó không phanh xe kịp, đâm vào con rắn, nó nổi giận lôi đình táp một cái thì hai mạng người không còn. Hồi ông gặp con rắn đó, ông đang là Chi cục trưởng Chi cục kiểm lâm Cà Mau, anh Nguyễn Văn Thế mới là Hạt trưởng hạt kiểm lâm Dầu Dơi (khi đó, Vườn quốc gia U Minh Hạ chưa thành lập, mới chỉ có rừng đặc dụng Dầu Dơi và Vồ Dơi). Vì sợ anh em kiểm lâm hoang mang, nên ông Chín Của không kể với ai ngoài anh Thế. Sau này, khi một số anh em kiểm lâm cũng giáp mặt rắn khổng lồ, ông Chín Của mới công bố thông tin.
Cũng từng có ngót 20 năm gắn bó với Vườn quốc gia U Minh Hạ, đặc biệt là cũng từng ngang dọc vùng lõi Vồ Dơi, nhưng anh Nguyễn Văn Thế, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ lại chưa có cơ may được diện kiến loài rắn khổng lồ mang hơi hướng huyền thoại này. Theo anh Thế, rừng U Minh có rất nhiều loài rắn. Rắn nước có nhiều, rắn độc cũng lắm. Riêng rắn hổ chúa loại trên dưới 10 kg thì rất nhiều. Trăn thì có hai loại phổ biến là trăn đất và trăn hoa. Những con trăn nặng cỡ trên dưới 100kg thì có rất nhiều trong U Minh Hạ. Hổ mây cỡ 10 đến 20kg cũng có nhiều, nhưng tuyệt nhiên anh chưa gặp những con rắn khổng lồ, nặng hàng tạ.
Chuyện ông Chín Của và anh Hóa cưỡi xe máy và gặp rắn khổng lồ anh cũng được nghe kể, giống như chuyện gặp rắn khổng lồ mà nhiều người ở vùng Vồ Dơi cũng đã kể. Anh Thế sưu tầm được vô số chuyện kể về rắn khổng lồ, chỉ có điều dịp may được tận mắt vẫn chưa đến được với anh. Theo anh Thế, ngoài ông Chín Của, thì còn có một số đồng chí kiểm lâm nữa tận mắt rắn hổ mây khổng lồ, là anh Võ Văn Vinh và nhóm kiểm lâm ở chốt Cây Gừa.
Anh Võ Văn Vinh là người ở xã Trần Hợi, có tài đi rừng từ bé. Hồi 13, 14 tuổi, các đồng chí kiểm lâm vào U Minh Hạ còn bị lạc trong rừng, nhưng cậu bé Vinh thì không ngóc ngách rừng U Minh Hạ nào là không thuộc. Vinh có thể đi rừng cả tuần, nhưng vẫn nhớ lối ra một cách chính xác. Giờ anh Vinh đã 45 tuổi, chuyện lần đầu tiên gặp rắn hổ mây khổng lồ diễn ra năm 15 tuổi, tức là cách nay đã 30 năm, song anh Vinh vẫn còn nhớ như in. Con rắn kinh khiếp ấy in đậm trong tâm trí của anh, nên không bao giờ anh quên được.
Bữa đó, vào dịp cuối năm, cậu bé Vinh vào khu vực rừng Vồ Dơi để đơm cá, câu lươn. Đến khu vực cỏ lác, tràm thưa, khô ráo, thấy tiếng lợn rừng ăng ẳng, tưởng con lợn dính bẫy nên Vinh tiến lại xem. Bỗng dưng, từ đám cỏ lác cao đến bụng, con rắn khổng lồ dựng thân ngóc đầu, bành mang, thè lưỡi thở phì phì. Nó liên tục phóng xuống mổ con lợn rừng.
Con lợn cũng không vừa, nhe hai nanh nhọn hoắt húc con rắn. Cuộc chiến đấu diễn ra chừng vài phút, thì con lợn lăn quay vì bị trúng độc. Con rắn khổng lồ há miệng táp con lợn, rồi từ từ nuốt chửng. Bọn trăn khổng lồ trong rừng U Minh cũng thường xuyên nuốt lợn, nai, hoẵng, nhưng nuốt cả tiếng mới xong, riêng rắn hổ mây nuốt chửng rất nhanh.
Vinh ba chân bốn cẳng chạy thục mạng khỏi rừng Vồ Dơi. Sau này, cũng có vài lần Vinh gặp rắn hổ mây khổng lồ, nhưng chỉ to cỡ bắp chân, chứ chưa bao giờ gặp lại một con hổ mây to như thế. Nhưng khoảng chục năm trở lại đây, dù nhiều lần dẫn anh em cán bộ khoa học, các nhà nghiên cứu đủ cả ta lẫn Tây vào Vồ Dơi, với máy móc quay phim chụp ảnh hiện đại, nhưng không có thêm cơ hội nào gặp được rắn khổng lồ nữa. Riêng những con hổ mây cỡ trên dưới 20kg thì anh vẫn gặp nhiều.
Vào rừng tìm hổ mây
Anh Nguyễn Văn Thế, Giám đốc Vườn quốc gia U Minh Hạ tạo điều kiện tốt nhất để chúng tôi có được một chuyến xuyên rừng Vồ Dơi, với mục đích đi tìm loài rắn khổng lồ ở U Minh Hạ. Dù cơ may chạm mặt rắn hổ mây khổng lồ chỉ là một phần triệu, song tôi vẫn háo hức lên đường. Dù không gặp được hổ mây to như cây tràm, phóng như bão cuốn trên đọt tràm, song cảm giác được vào “Vương quốc rắn khổng lồ” cũng vô cùng thú vị.
6 giờ sáng, khi mặt trời đỏ lòm ở đường chân trời, tôi và anh Nguyễn Tấn Truyền, cán bộ khoa học của Vườn quốc gia U Minh Hạ, chui qua cổng vườn quốc gia nhằm con đường mòn hướng vào rừng Vồ Dơi. Cuốc bộ đến rạc cẳng, mặt trời treo trên ngọn tràm, thì một cái chòi canh xuất hiện. Tôi hỏi anh Truyền: “Rừng rậm um tùm thế này thì chắc đây là lõi rừng Vồ Dơi rồi anh nhỉ?”. Anh Tấn Truyền cười bảo: “Nhà báo còn phải đi nửa ngày nữa mới đến vùng lõi. Đây mới chỉ là vùng đệm thôi”.
Chúng tôi tranh thủ trèo lên chòi canh. Chòi canh cao bằng ngôi nhà 10 tầng, vọt khỏi tán rừng tràm. Đứng trên chòi canh, nhìn ra tứ phía, chỉ thấy bạt ngàn tràm. Rừng tràm kéo dài đến tận đường chân trời. Ở vùng đồng bằng sông nước mà giữ được một cách rừng rộng đến hơn 50 ngàn héc-ta, trong đó 2.500 ha bảo vệ nghiêm ngặt, không ai được vào, thì quả là kỳ công. Rừng tít tắp, hoang hoải thế này, thì đi tìm con rắn khổng lồ khó khăn có khác gì đi tìm cây kim. Gặp được rắn hay tìm được kim, thì cũng chỉ là cơ may mà thôi, có lẽ khó hơn trúng xổ số giải độc đắc.
Mới chụp được vài kiểu ảnh, anh Truyền đã giục chúng tôi lên đường cho kịp tới chốt kiểm lâm Cây Gừa. Càng vào sâu, rừng tràm càng bạt ngàn, giây leo chằng chịt, bít lối. Chim hót ríu ran, khỉ chuyền cành rào rào khi thấy bóng người. Trời vừa nhập nhoạng tối, thì chúng tôi đến chốt Cây Gừa. Đợt này anh em kiểm lâm viên vào sâu trong rừng tuần tra, vừa đẩy đuổi các đối tượng vào săn bắt thú rừng, vừa kiểm soát tình trạng cháy rừng. Do có hẹn trước từ lãnh đạo, nên anh Tuấn ở lại chốt tiếp chúng tôi.
Kiểm lâm viên Nguyễn Văn Tuấn, sinh năm 1971, quê ở Bến Tre, nhưng theo cha mẹ về U Minh sinh sống từ năm 15 tuổi. Từ đó, anh gắn bó với rừng U Minh Hạ này, nên thuộc rừng lắm. Lớn lên lại làm kiểm lâm, ngang dọc rừng U Minh Hạ, chẳng còn chỗ nào không in dấu chân anh. Bao năm đi rừng không có cơ may giáp mặt hổ mây, nào ngờ, mới đây, khi chuyện về hổ mây cứ rơi dần vào huyền thoại, vì ít người giáp mặt, thì anh và các đồng chí kiểm lâm ở chốt Cây Gừa lại được phen hú vía nhớ đời.
Nhấp ngụm rượu, anh Tuấn kể: “Đêm ấy, 10 năm trước, chừng 8 giờ đêm, khi anh em vừa tan cuộc lai rai, đang ngồi khoanh chân trên chiếc giường độc nhứt, thì nghe tiếng kêu của con chồn. Ở U Minh nhiều chồn lắm, nên tiếng kêu của nó chẳng lạc đi đâu. Nghĩ có kẻ vào rừng đặt bẫy, nên bọn tui lấy đèn pin ra soi thám thính tình hình. Tiếng con chồn kêu bên bờ kinh xáng, cách chốt khoảng 50 mét. Soi ở chỗ con chồn kêu mà chẳng thấy cái bẫy nào, cũng không thấy chồn đâu. Bỗng tiếng con chồn lại kêu ở phía xa.
Nghĩ có con trăn nào bắt chồn, nên tui và Lĩnh, Hải lội vào rừng dọi đèn pin. Đến chỗ bụi tràm cao chừng 10m, cách bờ kinh chỉ 15m, cả ba chúng tui há hốc miệng, chết đứng, không ai dám nhúc nhích. Chiếc đèn pin tui cầm rọi đúng vào đầu con rắn. Cái miệng nó đang ngậm con chồn, đong đưa nhè nhẹ ở lưng chừng cây tràm.
Tui rọi đèn xuống thấp hơn, thấy thân nó hơi ngả màu vàng trắng, thân to như cái phích. Tui tiếp tục dọi đèn đến phía đuôi nó, nhưng chỉ dọi được khoảng 5m thì không thấy nữa, vì thân nó lẫn trong bụi cây, tối thui. Bọn tui nắm tay nhau thật chặt, lùi lại từ từ, rồi ba chân bốn cẳng chạy tháo thân. Tối đó, bọn tui trốn tịt trong trạm, không ai dám ra bìa rừng nữa”.
Theo anh Tuấn, sau khi xảy ra sự việc giáp mặt rắn hổ mây khổng lồ, chốt kiểm lâm Cây Gừa đã về Vườn quốc gia U Minh Hạ báo cáo lãnh đạo gồm anh Nguyễn Văn Thế (giám đốc) và anh Tạ Vũ Linh (phó giám đốc). Lúc đó, anh Tuấn mới biết đến chuyện ông Chín Của và anh Hóa cũng từng chạm mặt hổ mây khổng lồ.
Nơi ông Chín Của và anh Hóa đi tuần gặp hổ mây bò ngang đường cách trạm Cây Gừa, nơi nhóm kiểm lâm này ở khoảng 3.000 mét. Lãnh đạo vườn quốc gia đã động viên anh em tiếp tục yên tâm công tác, bởi loài hổ mây tuy to lớn, nhưng không sát hại người bao giờ cả.
Hai tháng sau vụ rắn hổ mây khổng lồ về sát chốt bắt chồn, thì con hổ mây đó lại bò về “thăm” anh em kiểm lâm. Bữa đó, sau khi nhóm kiểm lâm gồm 6 anh em Thình, Lĩnh, Hải, Khai, Nam, Tuấn ăn cơm tối xong, mọi người uống trà, thì anh Lĩnh nhận nhiệm vụ ra bờ kênh ngay cạnh chốt nhấc rọ đơm cá.
Vừa đi ra bờ kênh, cách chốt 20m, thì anh Lĩnh hét lớn: “Tới nữa anh ơi?”. Anh Tuấn chạy ra khỏi lán hỏi: “Tới gì mày?”, rồi cả nhóm kiểm lâm mỗi người một chiếc đèn pin chạy tới. Một con hổ mây khổng lồ đang bò ở ngay bìa rừng, cạnh bờ kênh. Nhóm kiểm lâm đứng cách con rắn chỉ 10m. Tất cả đèn pin được bật lên xem là rắn hay trăn.
Bỗng nhiên, con rắn cất đầu lên, rồi bành mang thở phì phì. Loài trăn bò dưới đất chỉ dũi dũi đầu, chứ không bao giờ cất đầu cao như thế. Đó chính xác là con rắn hổ mây khổng lồ, lớn tương tự như con mà nhóm kiểm lâm này gặp hai tháng trước. Nhiều khả năng đây chính là con rắn khổng lồ mà các anh đã gặp hôm nó về sát chốt tóm con chồn. Con rắn vừa cất đầu lên, anh Tuấn hét lớn: “Chạy chúng mày ơi!”. Thế là cả nhóm kiểm lâm cùng chạy té tát về chốt.
Lúc đó, nhóm kiểm lâm này mới hiểu vì sao, một số hộ dân sống rải rác trong rừng, cách chốt kiểm lâm Cây Gừa khoảng 2-3 cây số liên tục bị mất chó. Nhiều khả năng con hổ mây này không kiếm được mồi, nên mò về chỗ có người ở để săn chó nuôi. Đàn khỉ lông vàng thường về chốt Cây Gừa anh em kiểm lâm đếm được tới 35 con, nhưng số lượng cứ giảm dần, giờ chỉ còn 13 con. Có thể con hổ mây này đã xơi tái phần lớn đàn khỉ.
Những ngày sau lần gặp hổ mây khổng lồ, đêm nào cũng vậy, anh em kiểm lâm đều nghe thấy tiếng lao xao ở rừng tràm, quanh quẩn chốt kiểm lâm. Biết rằng con hổ mây đang ở gần chốt, nên anh em kiểm lâm sợ hãi không ngủ được. Khi đó, chốt kiểm lâm chỉ dựng tạm bằng mấy chiếc cột, lợp lá tràm, bọc thêm tấm bạt bên trên để chống dột. Mấy kiểm lâm chả khác gì con mồi trước miệng rắn.
Sau vài đêm mất ngủ, anh em kiểm lâm chốt Cây Gừa sợ hãi quá, lại kéo về gặp lãnh đạo Vườn quốc gia U Minh Hạ. Mọi người nhất loạt đòi bỏ chốt, chứ ở đó sợ lắm, con rắn không săn được mồi, đói bụng, thì anh em mất mạng như chơi. Thấy sự việc có vẻ trầm trọng, lãnh đạo Vườn quốc gia U Minh đã làm chuyến khảo sát xuống chốt Cây Gừa.
Các phương án được đưa ra gấp rút, đó là dựng chốt bằng gỗ, có cửa chắc chắn và quây chốt bằng lưới B40. Dựng vách nhà thì anh em kiểm lâm đồng ý, nhưng dựng lưới thì không, bởi lưới B40 chẳng ăn thua gì với con rắn. Nếu nó mò vào chốt, thì tấm lưới chả khác gì cái rọ nhốt anh em kiểm lâm, để nó có thể bình tĩnh thưởng thức từng con mồi. Cứ để nhà trống, nó mải ăn người này, thì người kia còn có cơ hội tẩu thoát.
Ngoài việc dựng nhà chắc chắn, chốt kiểm lâm còn được phân một khẩu súng, do anh Hải quản lý. Tuy nhiên, lãnh đạo quy định rõ, chỉ được dùng súng để bắn dọa, xua đuổi con rắn, trừ khi nó tấn công người. Mỗi kiểm lâm cũng được cấp một con dao mác rất dài và sắc, luôn đeo bên mình để phòng thủ.
Ngoài ra, chốt kiểm lâm Cây Gừa cũng là đơn vị duy nhất ở vườn quốc gia được cấp đèn sạc rất mạnh và máy Icom, để cấp báo khi bị rắn hổ mây tấn công. Tuy nhiên, sau khi được trang bị tận răng, thì con hổ mây khổng lồ đó xuất hiện thưa thớt dần. Anh em kiểm lâm ở đây chưa nhìn thấy nó thêm lần nào nữa.
Đồng hồ điểm 8 giờ đêm, chúng tôi nai nịt lên đường. Đèn pin người cầm tay, người đeo ở đầu. Người cầm dao, người cầm gậy cốt để an lòng, rồi cứ thế đi dọc bờ kênh. Thi thoảng lại có một con đường mòn cứu hỏa cỏ rậm lấp lối dẫn vào trong rừng. Anh Tuấn đi trước soi đèn, vạch cỏ xua rắn, chúng tôi lò dò theo sau. Đi một lát, anh Tuấn lại dừng lại, bảo mọi người im lặng để anh lắng tai nghe.
Tuy nhiên, chẳng thấy sự di chuyển ào ào như bão cuốn của rắn khổng lồ từ xa vọng lại. Rừng đêm yên tĩnh đến lạ thường. Thi thoảng, từ xa vọng đến tiếng nai tác, tiếng chồn kêu nhang nhác tiếng mèo. Rắn hổ mây khổng lồ chẳng thấy đâu, nhưng chúng tôi chụp được vô số hình ảnh về các loại rắn nước, rắn độc to cỡ cổ tay, ngón chân người. Thậm chí, có cả những chú rắn có râu, nhỏ bằng cái đũa, nằm khoanh tròn trên lá khoai nước mặt kệ ánh đèn pin và đèn flash sáng lòa.
Đêm sau, chúng tôi đã nhử rắn hổ mây khổng lồ bằng cách buộc vịt vào dây thả dưới mương cho nó kêu, đêm sau thử bằng con chó cỏ, rồi đêm tiếp treo chú mèo lên ngọn tràm để giả mồi chồn… Thế nhưng, suốt cả tuần mà rắn hổ mây khổng lồ vẫn không xuất hiện.
Anh Nguyễn Tấn Truyền, cán bộ khoa học của vườn quốc gia bảo rằng, anh đã nghe vô vàn chuyện về rắn hổ mây khổng lồ trong rừng U Minh, nhưng bản thân anh, cũng ngang dọc trong rừng mười mấy năm rồi, mà vẫn chưa có duyên gặp được loài rắn này. Anh Truyền chưa tin lắm vào sự tồn tại của nó, nhưng tôi thấy cái cách mà anh em kiểm lâm nghiêm cẩn chuẩn bị cùng chúng tôi luồn rừng tìm rắn, đủ biết sự tồn tại của loài hổ mây khổng lồ là có thật. Chỉ có điều, nó nặng vài tấn, vài tạ, hay vài chục kg, thì còn là một câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp.
Kỳ 1: Những câu chuyện dựng tóc gáy ở U Minh Hạ (CHI TIẾT)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'
Khúc gỗ đen xì có giá hơn cả 'nghìn lượng vàng', tại sao lại đắt như vậy?