Khám phá

Kinh ngạc khu rừng với những ‘cây thần’ khổng lồ ngọn chìm trong mây

Chúng chẳng khác gì những “cây thần” trong bộ phim viễn tưởng Avatar, với phần ngọn chìm trong mây.

Hà mã ngăn cản cá sấu, cứu linh dương thoát chết / Tắc kè khoe tuyệt kỹ săn mồi 'thần sầu' giữa sa mạc

Sau khi báo điện tử VTC News đăng bài viết về cây vân du khổng lồ, không ai dám đến gần, ở xã Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La), thì nhận được thông tin từ một lâm tặc giải nghệ, rằng khu rừng Trạm Tấu, phía trong dãy núi ngăn cách giữa Sơn La và Yên Bái, có cả khu rừng toàn những cây vân du khổng lồ. Nhận được tin báo, phóng viên đã tìm ngay lên vùng đất mờ sương này, để đi tìm loài vân du, thứ cây khổng lồ, tưởng như chỉ có trong những câu chuyện huyễn hoặc.

Nhìn trên bản đồ vệ tinh, đại ngàn Trạm Tấu toàn núi cao, rừng sâu. Đây là phần đuôi của dãy Hoàng Liên Sơn, nơi có quần thể pơ-mu rất lớn và có lẽ còn nguyên vẹn nhất. Đồng bào quanh vùng đã khai thác pơ-mu, đinh, hương, vân du từ mấy chục năm nay, nhưng sở dĩ rừng còn nhiều gỗ, là vì rừng quá hiểm trở, không đưa máy móc vào khai thác được.


Tác giả dưới gốc một cây vân du khổng lồ

Cùng lương y Phạm Văn Thanh đo thân cây vân du

Cùng lương y Phạm Văn Thanh đo thân cây vân du

H. là người Thái, ở bản Mường Chiến, vốn là lâm tặc, chuyên xẻ gỗ thuê cho đám đầu nậu đất Yên Bái. Tuy nhiên, mấy năm nay, H. bỏ nghề, vì làm rừng vất vả, mà sống chết chẳng biết thế nào. Giờ H. vẫn là lâm tặc, nhưng không đốn hạ cây gỗ, mà khai thác dược liệu. Để có nguồn dược liệu lâu dài, thì phải giữ được rừng.

H. bảo, đám lâm tặc ở Yên Bái đã mò sang tận bản Tốc Tác Trên của xã Chiềng Công (huyện Mường La) và tìm cách khai thác những cây vân du khổng lồ, tuổi có lẽ phải tính bằng ngàn năm. H. muốn tôi vào rừng, chỉ cho tôi biết những cây khổng lồ đó, trước khi nó bị đốn hạ.

Cây vân du cao vọt khỏi tán rừng

Cây vân du cao vọt khỏi tán rừng

Ngọn chìm trong mây, không nhìn thấy

Ngọn chìm trong mây, không nhìn thấy

Đứng ở xã Ngọc Chiến, nhìn lên dãy núi xanh thẫm án ngữ trước mặt, chìm nghỉm trong mây, mà nếu không có quyết tâm ghê gớm, sẽ dễ nản lòng. Theo lời H., đi qua được dãy núi ấy, cũng phải mất một ngày. Từ đây, sẽ phải đi qua trùng điệp những dãy núi nữa, mới vào được dải núi có loài vân du khổng lồ to mấy người ôm.

Tìm thêm người dẫn đường, thuê thêm người mang đồ ăn, túi ngủ, chúng tôi lên đường từ tờ mờ sáng. Đêm ngủ trên mây ngàn lạnh cóng ở độ cao khoảng 2.500m so với mặt nước biển. Khu vực Mù Cang Chải, Trạm Tấu là đuôi dãy Hoàng Liên Sơn, nhưng lại có những ngọn núi cao chất ngất, chẳng kém Fansipan là mấy. Đỉnh U Bò giáp với Sơn La cao tới 3.000m so với mặt nước biển. Những đại ngàn phần đuôi Hoàng Liên Sơn có lẽ còn nguyên vẹn nhất bởi sự cách trở xa xôi.

Nhưng cây vân du khổng lồ sống cô độc trên những vạt núi

Nhưng cây vân du khổng lồ sống cô độc trên những vạt núi

Thân già cỗi nứt nẻ như ruộng hạn

Thân già cỗi nứt nẻ như ruộng hạn

Cắt rừng cuốc bộ đến ngày thứ 2, thì chúng tôi đến một thung lũng kẹp giữa hai dãy núi hùng vĩ. Khu rừng đẹp như cổ tích hiện ra trước mắt. Xa xôi, hiểm trở như thế, mà vẫn thấy dấu chân người, những hố đào còn nham nhở. H. bảo, toàn là đám săn dược liệu tìm vào rừng đào bới suốt ngày đêm. Mùa này tam thất hoang đang nẩy chồi, thất diệp nhất chi hoa mọc lá, nên người Mông, người Dao ở quanh vùng kéo hàng đoàn vào rừng sâu đào bới.

Từ tán rừng xanh thẫm, vọt hẳn lên cao là những tán vân du in trên nền trời xanh thẳm. Những đám mây bị gió đẩy đến đã nuốt chửng những tán cây vĩ đại ấy. Thân cây vân du như những dũng sĩ thẳng tắp hiên ngang, vỏ mốc thếch, nứt nẻ, bong tróc. Trông thân chúng, chẳng khác gì mặt ruộng mùa khô nứt toác, lại giống như dũng sĩ bị thiêu đen sì.

Dù đã chết một phần thân, nhưng cây vân du vẫn hiên ngang sống

Dù đã chết một phần thân, nhưng cây vân du vẫn hiên ngang sống

Đứng dưới gốc cây, thấy con người nhỏ bé làm sao. Ngước cổ nhìn lên, chẳng thấy ngọn đâu cả. Chúng chẳng khác gì những “cây thần” trong bộ phim viễn tưởng Avatar, với phần ngọn chìm trong mây.

Dưới đất, những chiếc lá vàng rụng xuống, nhỏ li ti, bề ngang như hạt trấu, dài độ đốt ngón tay. Cây thì to, mà lá thì nhỏ. Nhìn lá, đích thị chúng là vân du, một loài rất hiếm, trong sách đỏ, bị khai thác tận diện, có nguy cơ tuyệt chủng rất cao.

Điều khá đặc biệt, là loài vân du không mọc san sát nhau, mà mỗi vạt núi chỉ có 1-2 cây. Chúng là loài khổng lồ nhưng lại có cuộc sống cô độc. Ngàn năm qua, chúng vẫn lặng lẽ như thế.

Cây to, nhưng lá nhỏ xíu

Cây to, nhưng lá nhỏ xíu

Từ thung lũng có cả trăm cây vân sam khổng lồ ngàn năm tuổi, cuốc bộ chừng nửa ngày, thì đến bản Tốc Tác Trên thuộc xã Chiềng Công, huyện Mai Sơn, giáp với khu rừng bảo tồn Tà Xùa.

Trên mỏm núi cao ngất, cách bản Tốc Tác Trên độ 1 giờ đi bộ, có cây vân du khổng lồ. Chúng tôi lấy thước ra đo, thấy chu vi thân tới 6m. Trong khi chúng tôi chụp ảnh, ngắm nghía cây, thì H. chạy xuống bản Tốc Tác Trên gọi người quen lên, là Vàng A Thái, công an viên của bản và Vàng A Ga, là dân quân.

Cả hai đều bảo, không biết cây này có từ khi nào, nhưng đời các cụ kể rằng, từ khi các cụ còn nhỏ nó đã to lớn như vậy rồi. Tuy nhiên, người Mông ở đây gọi nó là thông chua, chứ không gọi là vân du. Theo lời Thái, thì chính mấy kiểm lâm ở Sơn La gọi tên nó như vậy.

Cây vân du gần bản Tốc Tác Trên có chu vi thân 6m

Cây vân du gần bản Tốc Tác Trên có chu vi thân 6m

Ga và Thái cũng chẳng ngại ngần mà kể rằng, dân bản đã họp mấy lần và có ý định bán cây vân du này. Mặc dù cây vân du ở trong rừng hoang, chẳng thuộc về đất của ai, và nó nằm trong sách đỏ, cấm khai thác, nhưng dân bản vẫn bàn bạc để bán.

Theo thông tin mà chúng tôi nhận được, thì một đầu nậu ở xã Chiềng Hoa đã trao đổi với dân bản, trả giá hàng trăm triệu đồng cho cái cây đó. Dân bản chỉ việc nhận tiền, chia nhau và im lặng khi chúng ròng cáp từ bản lên mỏm núi, rồi đốn cây, xẻ gỗ, thả xuống bản bằng cáp và tời.

Việc trả cho bản hàng trăm triệu, tiền mua cáp hàng trăm triệu, rồi chi phí nhân công, lót tay... cũng đủ biết riêng cái cây vân du này có giá trị cao như thế nào. Theo H., với đường kính thân gần 2m, cao 30m, thì đám lâm tặc xẻ được vài chục chiếc sập khủng. Với giá trăm triệu/chiếc sập, thì cây vân du này mang lại cho chúng vài tỷ đồng.

Lâm tặc đang có ý định xẻ cây vân du này

Lâm tặc đang có ý định xẻ cây vân du này

Việc lâm tặc đã “dọn đường” đốn hạ cây là có và chuyện dân cùng cán bộ bản đã họp bàn bạc về chuyện bán hay không, cũng đã xảy ra. Chúng tôi đề nghị Kiểm lâm tỉnh Sơn La, cùng Kiểm lâm tỉnh Yên Bái, chính quyền địa phương lập tức vào cuộc, để bảo vệ những cây vân du khổng lồ hiếm có ở Việt Nam này trước lòng tham của bọn lâm tặc.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm