Kỳ bí thuật chế những mũi tên kịch độc trên dãy Trường Sơn
Lý do Bao Công - Bao Thanh Thiên da đen, có vầng trăng trên trán / Cặp chim cánh cụt đồng tính có con gái
Đồng bào Ba Na ở làng Đồng (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) ngày nay vẫn còn khắc ghi những chiến tích và huyền thoại về mũi tên độc Brăm chi ngăng. Loại chất độc này được chiết xuất từ mủ của loài cây được mệnh danh là cây thần độc. Từng bảo vệ buôn làng khỏi nanh vuốt của thú dữ, sự xâm lăng của quân thù, mũi tên độc và cây thần độc được coi là “bùa hộ mệnh” của đồng bào nơi đây.
Huyền thoại diệt trừ gấu dữ
Làng Đồng nằm giữa vùng núi xa xôi, nơi giáp ranh giữa 3 tỉnh Phú Yên, Bình Định, Gia Lai. Con đường ngắn nhất đến đây là xuất phát từ quốc lộ 19C tại xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân theo đường đất, băng qua dãy núi La Huyên, thuộc dãy Trường Sơn hùng vĩ. Phải mất gần 1 giờ đồng hồ chúng tôi mới vượt qua được núi La Huyên, đặt chân đến nơi này. Xa xôi cách trở nên đồng bào nơi đây đa phần sống tự cung tự cấp, tách biệt với đồng bằng.
Theo người dân ở đây, nói đến những huyền thoại thì đầu tiên phải nói đến cây Lon chi ngăng, tức cây thần độc. Theo đó, núi La Huyên hùng vĩ trải dài chừng 10 cây số đến phía Nam thì bị chắn bởi dãy Konclo. Đây chính là nơi ẩn mình của loài cây Lon chi ngăng, loài cây tạo nên “bùa hộ mệnh” Brăm chi ngăng, tức mũi tên độc nổi danh. Điều đặc biệt, núi rừng ở đây trùng trùng điệp điệp nhưng loài Lon chi ngăng chỉ mọc ở dãy Konclo. Tổ tiên người Ba Na lý giải rằng, con cá bơi dưới suối, cây cối mọc trên rừng, còn cây thần độc chỉ mọc ở rừng thiêng mà thôi.
Cây Lon chi ngăng.
Kể về sức mạnh, chiến tích và huyền thoại của dân làng với nhựa cây này, già làng Ma Tao (81 tuổi, ở làng Đồng) bồi hồi nhớ lại: “Thời ông nội tôi sống cách đây hàng trăm năm, vùng đất này có một con gấu ngựa dữ tợn. Khi gặp người dù xa hay gần, nó lập tức xông thẳng vào vật ngã, giày xéo cho đến chết, rồi móc đi đôi mắt. Năm nào dân trong vùng cũng có một vài người chết vì nó. Tương truyền, vì loài gấu ngựa có mắt xuôi nên chúng ghét con người có đôi mắt ngang, chúng mới kị thế”.
Cũng theo cụ Ma Tao, thời đó có một già làng tên Ma Ngeo đi rừng đốn cây gặp phải gấu ngựa và ông đã bị chết thảm. Thấy cha đi rừng không về, ông Ma Bá vào rừng tìm thì thấy xác cha, không còn đôi mắt. Ngay đêm hôm đó, già làng đã tổ chức họp dân bàn cách tiêu diệt con gấu ngựa thành “tinh” này.
Ma Bá, tay cung thiện xạ của làng đã xung phong, thề tiêu diệt bằng được con gấu ngựa, trước là để trả thù cho cha, sau là phòng hậu họa cho dân làng. Ngay hôm sau, Ma Bá vác cây cung to, có cánh dài hai thước, mang sau lưng ống tên tẩm độc làm từ nhựa cây Lon chi ngăng, lầm lũi vào rừng sâu. Gần một tuần băng rừng lội suối, lên ghềnh, xuống thác, Ma Bá đã tìm ra khu rừng nơi con gấu thường ẩn trú.
Ông Bá tìm một chỗ kín mai phục. Hôm đó mặt trời vừa đứng bóng, con gấu ngựa màu nâu xám xuất hiện, cách Ma Bá chừng 100m. Ông bình tĩnh, nhẹ nhàng giương cung, lắp tên, trườn người ra hét to “gấu dữ”. Con gấu nghe thấy tiếng người lập tức lồng lên, cất chân trước, bờm dựng đứng. Ma Bá giương cung lên, nhắm vào nách bên trái gấu ngựa.
Khi nghe tiếng tên đã trúng vào ức trái của gấu, Ma Bá lách người khỏi nơi trú ẩn và cứ thế, vừa giương cung, lắp tên, vừa bắn, vừa di chuyển, chạy qua, lách lại theo kiểu chữ chi. Ông vẫn nghe sau lưng tiếng gầm gừ, bổ nhào chụp đuổi của gấu. Bắn cho đến lúc sờ ống tên sau lưng không còn mũi nào, Ma Bá bèn quăng cung bỏ chạy một mạch về làng. Hôm sau thanh niên cả làng theo Ma Bá vào rừng thì thấy con gấu đã chết, trên người phủ đầy mũi tên.
Già làng Ma Tao kể về “bùa hộ mệnh” của làng mình.
Đẩy lùi giặc ngoại xâm
Những bậc cao niên ở làng Đồng kể lại, một thời gian dài sau khi diệt gấu ngựa, dân làng lại phải đối mặt với một kẻ thù mới nguy hiểm gấp trăm gấp ngàn lần, đó là thực dân Pháp. Nhắc lại thời hào hùng, già Ma Tao chậm rãi kể: “Thời kháng chiến chống Pháp, súng ống chưa có nhiều. Khi giặc Pháp tràn vào bản làng để cướp bóc, giết hại bà con, người làng đã tìm cách đánh trả”.
Đàn ông trai tráng trong làng được cử đi lấy mủ cây Lon chi ngăng mang về chế tạo chất độc để làm nên thứ vũ khí mà giặc Pháp không thể nào ngờ tới. Khi đã có mũi tên độc, dân làng thành lập các đội quân gồm những trai tráng trong làng với những tay cung, nỏ thiện xạ. Đội quân này mai phục trên các ngọn đồi, ẩn mình trên cây, trong bụi rậm, chờ bọn giặc mắt xanh mũi lõ đi qua là bắn.
“Cung nỏ của mình đã bắn trúng tên giặc nào thì ít phút sau chúng đau đớn quằn quại, lăn ra chết. Mỗi lần thấy đồng đội chết không chảy máu, cả toán quân Pháp kinh hoàng bỏ chạy. Chúng hoang mang không biết vì sao đạn đồng đạn sắt của mình lại thua một mũi tên vót từ cây rừng”, già Ma Tao kể.
Sau giặc Pháp, thì đến giặc Mỹ. Những nhóm trai bản được tuyển chọn, nhờ các chiến sĩ cách mạng huấn luyện lối đánh du kích. Vũ khí chủ yếu vẫn là mũi tên tẩm chất độc làm từ cây Lon chi ngăng ở núi thiêng. Brăm chi ngăng tuy là vũ khí thô sơ nhưng uy lực mà nó tạo ra không kém gì súng đạn. “Giặc Mỹ cao to, nhiều súng ống nhưng sợ trúng mũi tên độc của mình lắm. Biết mình dùng chất độc nên nó rất cảnh giác. Nhưng mình có cán bộ cách mạng chỉ dẫn nên vẫn đánh được giặc, nhiều giặc Mỹ đã phải bỏ mạng vì trúng độc cây Lon chi ngăng”, già Ma Tao kể.
Đến ngày đất nước sạch bóng quân thù, cuộc sống dân làng Đồng trở về yên bình. Từ đó, mũi tên độc chỉ được sử dụng để xua đuổi thú rừng làm hại buôn làng. Càng về sau, số người sử dụng đến chất độc của loài cây Lon chi ngăng ngày càng ít. “Ngày xưa mình đánh Pháp, đánh Mỹ, trong làng thanh niên trai tráng được ông bà dạy cho cách dùng độc. Còn sau này đất nước hòa bình, chất độc ít được sử dụng, cách bào chế chất độc dần thất truyền”, già Ma Tao bộc bạch.
Bà Mí Thi nói về việc mũi tên độc bị thất truyền sau ngày chồng mình chết.
Thất truyền cách bào chế
Đến bây giờ, dù trong làng có nhiều người biết cây Lon chi ngăng là loài cây có nhựa độc, nhưng công thức bào chế để làm mũi tên đ.ộc thì đã thất truyền. Truyền nhân cuối cùng, người nắm giữ công thức để tạo nên “bùa hộ mệnh” Brăm chi ngăng đó là ông Ma Thìn, người đã mất cách đây 5 năm.
Bà Mí Thi (70 tuổi, vợ ông Ma Thìn) cho biết: “Nhà tôi ba đời truyền cho nhau bài thuốc dùng cây, lá rừng để chữa đau bệnh, nhưng bài thuốc tẩm tên độc thì trong nhà dù đông con nhưng không phải người nào cũng được học cách làm. Ông nội chồng tôi truyền lại cho cha chồng, rồi cha truyền lại cho chồng tôi như cách truyền võ nghệ. Vì nó là thuốc độc chết người, phòng người ở ác, lòng dạ hẹp hòi, sử dụng nó để trả thù vặt, nên những người được chọn để truyền cách bào chế độc dược phải là người ngay thẳng, rộng lượng, tốt bụng, biết thương người, không hiểm ác”.
Theo bà Thi, cây Lon chi ngăng chỉ là một thành phần chính, riêng nhựa của nó thì không thể làm chết người. Muốn chế được chất cực độc phải mất nhiều ngày vào rừng sâu tìm thêm một vài loài bò sát có nọc độc rồi phối lại, ngâm với nước tiểu đựng trong ống tre nứa sắp mục thối ở rừng trong nhiều ngày thì mới thành độc. Khi có được độc dược, bản thân người bào chế cũng phải cẩn thận bí mật trong khâu bảo quản và sử dụng.
Theo tìm hiểu, mặc dù nhà có 3 người con trai nhưng trước đây ông Ma Thìn dứt khoát không truyền bí kíp cho ai. Hỏi về vấn đề này, bà Thi cho rằng: “Ngày trước, chế ra độc dược là để săn thú dữ, chống giặc ngoại xâm bảo vệ dân làng. Ngày nay, thú rừng không đủ cho súng đạn lâm tặc săn bắn thì mình chế thuốc này để làm gì nữa. Thế nên từ ngày ông ấy mất, bài thuốc độc cũng thất truyền”.
Mặc dù giữa vùng núi cao khó khăn trăm bề và dù không còn lấy nhựa cây này để chế biến độc dược, nhưng loài cây Lon chi ngăng vẫn được dân làng bảo vệ như một chứng tích lịch sử. Nó thể hiện tinh thần lao động sáng tạo, khát vọng sống đoàn tụ, tính cộng đồng và lưu giữ các giá trị truyền thống của người đồng bào Ba Na nói riêng, các dân tộc anh em trên dải đất Việt Nam nói chung.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
CLIP: Con non bị sư tử tấn công, trâu rừng kéo theo '500 anh em' tới giải cứu và cái kết
Trong Tây Du Ký, tại sao yêu quái dám ăn Đường Tăng để trường sinh bất tử mà không dám trộm quả nhân sâm của Chân Nguyên Đại Tiên?
CLIP: Kinh hoàng trước cảnh người huấn luyện bị đàn sói tấn công dữ dội
CLIP: Chó đóng vai người hòa giải, 'tung chiêu' ngăn hổ và sư tử cắn nhau nhưng cái kết mới gây chú ý
Thời xưa có nạn đói phải ăn rễ cỏ, nhai vỏ cây, nhưng tôm cá dưới sông đầy tại sao không ăn?
Khách sạn làm bằng muối duy nhất trên thế giới không ngại nắng mưa nhưng không thể chấp nhận hành vi này của du khách