Kỳ bí tục tạc 'chim ma' cho người chết và sự thật về 'rừng ma' ở Ninh Thuận
Chiêm ngưỡng ảnh tuyệt đẹp về chim đạt giải quốc tế 2023 / Top 5 gia tộc giàu nhất Trung Quốc: Vị trí số 1 cực bí ẩn, là hậu duệ của đệ tử Khổng Tử
Để người chết không còn cô đơn
Ông Chamele Tuấn, Trưởng thôn Do (xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận) cho biết: "Trước khi đưa người chết về với khu rừng ma, người làng và dòng họ của người đã khuất phải tạc những cánh "chim ma" cắm trên mái nhà mồ.
Xét về góc độ văn hóa tín ngưỡng, việc tạc "chim ma" với mục đích để người quá cố không còn cô đơn ở thế giới bên kia. Những cánh chim ma ấy được người Raglai gọi với nhiều tên khác nhau. Người thì cho rằng đó là cánh chim cu rừng, người lại bảo cánh quạ…
Khu rừng ma rộng hơn 15ha quanh năm rậm rạp chỉ để dùng cho việc chôn người quá cố. Những câu chuyện xoay quanh khu rừng ma luôn ẩn chứa những điều kì bí. Dường như không có ai dám đi ngang qua khu rừng".
Khu rừng ma của người Raglai ở xã Ma Nới
Lý giải về điều này, ông Chamale Tuấn chỉ nói: "Người Raglai rất "kỵ" vào rừng ma". Trong tâm khảm của người Raglai ở xã vùng sâu Ma Nới một khi không có chuyện liên quan đến khu rừng ma thì không được đặt chân đến. Nếu ai cố tình vi phạm sẽ bị con ma rừng đi theo dấu chân người sống về tận làng quấy rối, làm cho đồng bào bị bệnh tật, gia súc đang khỏe mạnh cũng tự lăn ra mà chết… Để tránh những điềm xấu do rừng ma mang lại, người Raglai phải dời làng đi chỗ khác. Tuy nhiên, việc dời làng rất khó khăn. Vì để tìm được mảnh đất ưng ý có suối chảy, có nương rẫy để tỉa bắp trồng khoai, có thế núi vững vàng để dựa lưng… không thể tiến hành trong một sớm một chiều.
Vì chiều khách đường xa muốn tìm hiểu về tập tục của dân tộc mình, Trưởng thôn Chamale Tuấn đã phá lệ dẫn đường đưa chúng tôi đến khu rừng ma nhuốn màu huyền thoại. Những áng mây chiều đang buông xuống tạo thành không gian mờ ảo bao quanh những ngôi nhà mồ lụp xụp, mục nát của người quá cố. Những nấm mồ không có bia mộ nằm thấp lè tè cách mặt đất chỉ chừng 20cm. Bên cạnh là vô số chum chóe đựng rượu cần, xà gạc (dụng cụ được người Raglai mang trên vai mỗi khi đi rừng), gùi và cả cánh chim ma đã mục.
Ông Chamale Tuấn giải thích: "Người Raglai có tục chia của cho người chết, nên người quá cố vẫn được nhận những món đồ như người còn sống có". Từ khu rừng ma về lại làng, ông Chamale Tuấn bắt đầu nói về thế giới của người đã khuất. Đó là một thế giới hoàn toàn khác với thế giới của con người đang sống. Cõi ma được hiểu theo quan niệm của người Raglai là ở nơi mọi sinh hoạt đều ngược lại với cõi trần thế.
Khu rừng ma "kỵ" sự xuất hiện của con người?
Tục lệ của người Raglai quy định người đã khuất dù già hay trẻ chỉ được để ở nhà an táng đúng một ngày, rồi sẽ được mang ra khu rừng ma chôn cất. Bởi người Raglai không có thói quen liệm xác như nhiều dân tộc khác, do vậy nếu để xác chết trong nhà lâu ngày sẽ bị thối rữa ảnh hưởng đến vệ sinh chung của cả cộng đồng. Khi người đã khuất được đưa ra khu rừng ma, người thân sẽ không bao giờ lui tới để chăm sóc phần mộ kể cả ngày lễ, tết và ngày giỗ. Trước đây, người Raglai làm thủ tục chôn người quá cố rất sơ sài. Khi có người chết họ để vào manh chiếu sau đó quấn bằng những tấm phên đan bằng tre nứa rồi dùng dây rừng quấn lại đem đi chôn.
Người Raglai không đào huyệt sâu và đắp mồ cao như người Kinh hay làm. Những ngôi mộ chỉ cao từ 15-20cm là cùng. Nếu người ở nơi khác đến không để ý có thể giẫm phải bất cứ lúc nào. Thủ tục chôn cất cũng diễn ra nhanh chóng. Họ quan niệm rằng không nên lưu lại lâu ở khu rừng ma vì những linh hồn của người chết theo họ về nhà. Cũng chính vì nỗi lo sợ ấy, nên sau khi hoàn thành xong việc chôn cất cho người quá cố mọi người đều tản ra thành nhiều hướng khác nhau, đặc biệt nhất là không ai được đi lại con đường lúc khiêng người chết đi chôn. Người Raglai tin vào chuyện linh hồn người chết có thể trở về quấy rối bản làng, người thân nên trong làng có ai đau ốm triền miên hay trâu bò chết… đều đổ lỗi do con ma rừng đã gây nên.
Trưởng thôn Chamale Tuấn nói về bí ẩn ở khu rừng ma
Già làng Tà Yên Thiểu H'Lá (60 tuổi) kể rằng: "Trước đây, có một gia đình ngụ ở thôn Ú cũng thuộc xã Ma Nới, thấy khu rừng ma có nhiều cây to cổ thụ bèn xách xà gạc vào rừng đốn gỗ về làm cột nhà. Sau khi dựng nhà được vài tháng bà vợ bị bệnh qua đời, còn đứa con trai 6 tuổi bị té gãy chân. Trước sự việc này, người thôn Do đều cho rằng gia đìnhđó đã bị con ma rừng bắt đền tội do vi phạm điều cấm. Từ đó đến nay, chẳng ai dám chặt cây ở khu rừng ma nữa". Có lẽ câu chuyện trên chỉ là sự ngẫu nhiên, chứ không có chuyện ma mị nào. Tuy nhiên có lẽ nhờ tập tục này mà khu rừng còn được lưu giữ, bảo tồn được vẻ nguyên sinh đến ngày hôm nay.
Chỉ là lo lắng thêu dệt viển vông
Ông Mạn Ngọc Than (người Raglai), nguyên Phó Chủ tịch huyện Ninh Sơn giải thích: "Trước đây, nơi nào có rừng là người Raglai đều có thể chôn người chết, thậm chí cả con đường mòn dẫn vào rừng. Người dân đi làm nương rẫy nếu không để ý đạp phải mộ người chết là chuyện bình thường. Khi phát hiện ra là mộ, có người sợ quá đến nỗi tái xanh mặt mày, số khác lo lắng viển vông không ăn không ngủ được nên dẫn đến đổ bệnh nằm liệt giường. Từ đó trong cộng đồng người Raglai hình thành nên những lời đồn vô căn cứ về khu rừng ma. Ai đi ngang qua khu rừng ma, vô tình bị bệnh, hoặc bị chết vì lý do nào đó đều bị quy là bị linh hồn người chết theo chân về quấy rối".
Bên cạnh đó, ông Chamale Tuấn nói rằng: "Những con chim ma được cắm trên nóc nhà mồ không phải là hiện thân của con gà, con cuốc thường hay xuất hiện trong nghi lễ của người Raglai. Những cánh chim ma ấy được tạc từ sự tưởng tượng của người Raglai nhằm an ủi người quá cố hãy an tâm ra đi, ở trên cao vẫn có nhiều bạn bè như ở dương gian. Mặt khác, những cánh chim xuất hiện ở khu rừng ma còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa sâu sắc. Sự hiện diện của những cánh chim ấy gửi gắm thông điệp rằng những người đang nằm dưới nấm mồ, như cánh chim khuất núi từ đây sẽ dang rộng đôi cánh bay cao bay xa để hòa mình với thiên nhiên, vũ trụ bao la".
Cho đến thời điểm này, người Raglai vẫn có nhiều tranh cãi về con chim ma thường hay xuất hiện ở khu rừng. Nhiều già làng ở xã Ma Nới cho rằng đó là hình ảnh của một con chim công. Có người lại cho rằng "chim ma" là chim bồ câu, loại chim được xem là biểu tượng của hòa bình. Nhiều người khác lại khẳng định những con chim ma ấy cũng có thể là diều hâu, cú mèo hoặc là quạ đen. Vì theo quan niệm của người Raglai, khi thấy sự xuất hiện của chim quạ trong làng sẽ có xui xẻo hoặc chết chóc, nên quạ được xem là giống "chim ma" chuyên mang điềm xấu đến cho buôn làng. Khó có thể nói chính xác hình ảnh con chim ở khu rừng ma thuộc về loài chim gì. Chỉ biết rằng từ bao đời nay, mỗi khi đưa người quá cố về nơi an nghỉ phải tạc "chim ma".
- Video: Kho báu rơi ra từ “tàu ma” 5.000 năm tuổi. Nguồn: Báo Người lao động.End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ở Việt Nam có một bộ tộc bí ẩn: Không mặc quần áo, dùng 'phép thuật' để tránh thai
Tiết lộ về phong tục của bộ lạc nguyên thủy ở châu Phi: Phụ nữ không bao giờ mặc áo, cả đời không tắm, đàn ông được lấy nhiều vợ
Bộ lạc nguyên thủy mạnh nhất thế giới: xé xác dã thú bằng tay, ngồi xổm để sinh con cái
Tể tướng Trung Quốc nạp nhiều thê thiếp hơn cả Hoàng đế, vẫn sống thọ đến 104 tuổi
Danh tướng có chỉ số IQ cao ngất ngưởng ở Tam Quốc: Gia Cát Lượng thua xa, xuất thân danh giá, từng lừa được cả Tào Tháo
Người đàn ông vớt được vật lạ dưới sông, không phải cục vàng, đó là gì?