Kỳ lạ quả chuông độc bản 3 lần vùi mình dưới đáy biển sâu
12 thành phố và thị trấn kỳ lạ nhất trên thế giới bạn nên đến thăm một lần trong đời / Sinh vật kỳ lạ có thể dễ dàng thoát khỏi hàm cá mập, bí mật nằm ở đâu?
Nếu một lần từng đặt chân đến một ngôi chùa bất kể đâu trên quê hương Việt Nam, bạn sẽ đều nhìn thấy hình ảnh chiếc chuông, nghe tiếng chuông vọng lại từng hồi... Chuông chùa là pháp khí quan trọng của mỗi ngôi chùa. Thông thường, tiếng chuông dùng báo hiệu đến giờ tụng kinh hoặc sử dụng trong các dịp lễ, Tết đặc biệt. Tiếng chuông chùa trong niềm tin của con người là thứ giúp thức tỉnh những điều tốt đẹp nhất. Chùa Vân Bản cũng là một nơi để bạn tìm tới những giá trị ấy.
Chùa Vân Bản là một di tích cổ thời Lý-Trần, vị trí chùa cổ ở đâu trên đất Đồ Sơn có lẽ vẫn chưa tìm được câu trả lời chính xác. Các cụ cao niên ở Đồ Sơn cho rằng chùa Vân Bản gần khu vực Vạn Bún. Có người còn nói vị trí chùa Vân Bản có phía Đông và Tây đều giáp biển, phía Nam giáp núi Ngang (Hoành Sơn) và bị giới hạn ở phía Bắc bởi núi Tiên và núi Độc. Đến nay chùa không còn nhưng quả chuông từng được treo trong chùa vẫn thu hút sự quan tâm của thời đại.
Một quả chuông cổ, đặc biệt nhất ở chỗ thời gian nó ‘ẩn cư’ dưới đáy biển còn dài hơn thời gian ngự trong chùa...
Chuông cổ độc bản vớt dưới biển Đồ Sơn
Xoay quanh một cổ vật luôn có nhiều câu chuyện đi theo về nguồn gốc xuất xứ. Chuyện về quả chuông độc bản của chùa Vân Bản cũng vậy.
Theo thông tin từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, chuông đồng cao 127cm, đường kính miệng 80cm. Quả chuông đúc theo tỉ lệ rất đẹp, thân chuông nổi rõ đường gờ chỉ đúc nổi chia thân chuông làm 4 ô trên và 4 ô dưới.
Miệng chuông đúc nổi 52 băng cánh sen kép. Chuông đồng có 6 núm gõ hình hoa sen nở mãn khai ở giao điểm các đường gờ nổi giữa thân và miệng chuông. Núm đánh chuông hình tròn, diềm miệng chuông trang trí hoa cúc thanh thoát.
Quai chuông được đúc với hình tượng đôi rồng đấu lưng vào nhau, đầu ngoảnh về hai phía. Đây là mô típ thường thấy trên chuông đồng truyền thống, dân gian hay gọi là “Bồ Lao” - 1 trong 9 đứa con của rồng.
Vảy rồng đúc nổi, cổ rồng uốn gập, đầu cong ngẩng lên, hai chân trước choãi bám vào mặt chuông. Thân rồng uốn hình vòng cung, phía trên điểm búp sen. Đầu rồng to, mũi thú, miệng ngậm ngọc - họa tiết tiêu biểu trang trí của thời Trần.
Kể từ khi quả chuông đồng được vớt lên từ biển Đồ Sơn (Hải Phòng) năm 1958, cổ vật này đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu văn hóa và lịch sử uy tín như Trần Huy Bá, Đào Duy Anh,...
Bài minh văn bằng chữ Hán khắc trên chuông gồm 16 cột, 250 chữ, chữ theo thể hành (ô 1 sáu cột, ô 2 mười cột). Nhưng do chuông cổ đã nhiều lần "lặn ngụp" nên nhiều chỗ bị mờ khó đọc, từ đó mà cũng gây nên nhiều tranh cãi trong giới nghiên cứu về niên đại của quả chuông.
Lưu lạc nhiều năm chuông chùa Vân Bản vẫn tìm về với nhân gian
Khi được vớt lên từ biển Đồ Sơn, đã có nhiều câu chuyện dân gian được truyền miệng về quả chuông cổ vùi mình dưới đáy biển sâu đến mấy trăm năm như vậy. Tương truyền, lần đầu tiên, chuông treo ở chùa Vân Bản (Đồ Sơn) trên đỉnh núi Rồng cao hơn 90m so với mực nước biển. Sau khi chùa bị phá hủy, chuông lăn xuống biển. Sau này, chuông được người ngư dân vớt được ở bến đò Họng, rước về chùa Nam gần đó.
Vài trăm năm sau, chùa đổ, chuông lăn xuống biển dưới chân núi Tháp. Đến giờ, ở Đồ Sơn người ta vẫn còn truyền miệng rằng:
“Lý gia truyền được mấy đời
Chùa tan, tháp đổ, chuông rơi Nò Hầu”.
Chùa tháp Tường Long nhìn từ trên cao.
Câu thơ này nói về nơi đặt quả chuông chùa Vân Bản đầu tiên, đó là tháp Tường Long. Khi tháp đổ, chuông lăn xuống khe Nò Hầu. Sau đó, chùa Vân Bản được người dân dựng lại ở ven núi. Quả chuông được vớt lại và đem treo trong chùa.
Chùa Tường Long.
Nhiều lần biến động lịch sử sau đó, giặc Minh phá hoại nhiều công trình văn hóa lẫn lịch sử nước ta lúc bấy giờ, quả chuông lại “ẩn náu” dưới đáy biển để tự “bảo vệ” mình.
Khi đất nước đã hòa bình, quả chuông tìm lộ diện bằng cách lọt lưới một ngư dân ở biển Đồ Sơn. Từ ngày ấy đến nay, chuông cổ quý giá được đưa về Bảo tàng Lịch sử Quốc gia để bảo quản.
Thăng trầm ngụp lặn bấy lâu mà quả chuông cổ không bị nước biển ăn mòn, vẫn giữ được nguyên vẹn. Cả thế kỷ nằm dưới đáy biển mà chuông vẫn giữ được gần như nguyên bản. Điều này chứng tỏ kỹ thuật đúc chuông lúc bấy giờ của ông cha ta rất xuất sắc.
Cụ Đào Duy Anh trong bài viết trên tạp chí “Nghiên cứu lịch sử số 13” cho rằng niên đại của chuông có thể là ngay khi tháp Tường Long vừa xây xong năm 1058, cũng có thể là giữa triều Lý. Tuy nhiên, PGS.TS Ngô Đức Thọ cho rằng chữ Bính ở đây không phải chỉ năm, mà chỉ hướng, Bính là hướng Nam, được viết dưới dạng kiêng húy cuối thời Lý, đầu thời Trần. Nhiều văn bản thời Trần khi mô tả ruộng đất đã thay chữ Bính và các từ có vị trí chỉ hướng Nam. Theo ông, chuông cổ Vân Bản có niên đại thời Trần vào thế kỷ 13.
Trong quá trình tìm hiểu, các nhà nghiên cứu còn phát hiện trên thân chuông có chữ “Bính”. Nhìn về sử cũ, Bính ở đây nếu là năm thì có thể là năm Bính Thìn (niên hiệu Thuận Thiên thứ 7, 1016, đời Lý Thái Tổ), nếu Bính Tuất (năm 1226, năm Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, lập ra triều Trần). Năm 1963, tác giả Trần Huy Bá cho rằng, chuông được đúc năm 1076 và đưa ra kết luận: "Như vậy, có thể là quả chuông đó đúc ra đã gần 900 năm nay và đã nằm sâu dưới biển trong hơn 700 năm trước khi được đưa vào viện bảo tàng". Nhưng dường như, những giả thuyết này vẫn chưa thuyết phục.
Đến khi... minh văn trên thân chuông được chụp rập rõ ràng hơn. Minh văn nói về nhà sư tu khổ hạnh Hướng Tâm và Cư sĩ Đại Ố đã có công khai phá sơn lâm, mở mang đất đai dựng chùa Vân Bản và những người cúng dường đất cho chùa là Thị vệ nhân dũng Nguyễn Văn Kịp và vợ Chu Thị Trãi cùng anh vợ là Chu Lâm. Minh văn còn cho biết lai lịch chuông do vị quanTả bộc xạ họ Tạ cúng tiến vào chùa.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư, ở mục Quan chức chí, Phan Huy Chú ghi: "Năm Trùng Hưng thứ nhất (1285) đặt chức Tả bộc xạ". Chức bộc xạ bắt đầu đặt ra từ đời Trần Anh Tông, có chức Tả (bộc xạ) và Hữu (bộc xạ).
Sau nhiều tranh cãi của các cuộc nghiên cứu, thông tin chính thức từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, chuông cổ chùa Vân Bản được đúc trong thời Trần. Thông tin này cũng được đính kèm trong quyết định của Thủ tướng Chính Phủ khi công nhận chuông chùa Vân Bản là Bảo vật quốc gia đợt 2 theo Quyết định số 2599/QĐ-TTg ngày 30/12/2013.
Đặc trưng chuông thời Trần rất hiếm và cũng chỉ có hai hiện vật trở thành bảo vật quốc gia chính là chuông chùa Vân Bản được phát hiện ở Đồ Sơn (Hải Phòng) được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia bảo quản và chuông chùa Bình Lâm ngự tại chùa Bình Lâm, xã Phú Linh, huyện Vị Xuyên (Hà Giang) bảo quản.
Chuông chùa Vân Bản không chỉ mang trong mình sự thăng trầm cùng lịch sử mà còn phản ánh trình độ đúc chuông của người xưa, mang nhiều giá trị nghệ thuật, văn hóa của thời Trần thế kỷ 13…
End of content
Không có tin nào tiếp theo