Khoảng 16 đến 23% phụ nữ ở Kyrgyzstan bị bắt cóc để lấy chồng. Tỷ lệ này cao hơn nhiều ở dân tộc Kyrgyz với 1/3 số đám cưới là do bắt cóc.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Demography cho biết những đứa trẻ được các cô dâu bị bắt cóc sinh ra cũng nhẹ cân hơn những đứa trẻ được sinh trong các cuộc hôn nhân bình thường từ 80 đến 190 g.
Giáo sư kinh tế Charles Becker, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết thể chất nhỏ bé của trẻ có thể là do chấn thương tâm lý mà người mẹ phải chịu đựng từ hôn nhân. Ngoài ra, người Kyrgyz dường như không kỳ thị nhiều đối với việc bắt cóc cô dâu.
"Bước tiếp theo của chúng tôi là tìm hiểu tại sao việc bắt cóc lại được ngầm chấp nhận ở một quốc gia từng có một nữ tổng thống", ông cho biết.
Theo tổ chức từ thiện toàn cầu Girls Not Brides, gần 10% các cô gái ở Kyrgyzstan kết hôn trước 18 tuổi. Trung tâm hỗ trợ phụ nữ ở Kyrgyzstan cho biết mặc dù Kyrgyzstan đã có luật cấm cướp vợ vào năm 2013 và cấm tảo hôn vào năm 2016 nhưng gần 20.000 phụ nữ và trẻ em gái vẫn bị bắt cóc để kết hôn mỗi năm.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Duke của Mỹ cho biết tục bắt cóc cô dâu cũng xảy ra ở các nước như Armenia, Ethiopia, Kazakhstan, Nam Phi và đặc biệt phổ biến ở các vùng nông thôn của Trung Á dù là bất hợp pháp.
Tập tục này được gọi là "ala kachuu" có nghĩa là "cướp và chạy trốn", theo đó người đàn ông sẽ bắt cô gái về nhà rồi ép cô đồng ý kết hôn bằng cách viết thư chấp thuận và quàng "khăn cưới" lên đầu cô.
Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc, trong nhiều trường hợp, chú rể sẽ hãm hiếp cô dâu, khiến cô không dám về nhà vì xấu hổ.
"Sau khi bị bắt cóc, những phụ nữ này không còn được coi là trinh nữ. Thêm vào đó, họ có thể bị cho là cứng đầu và nổi loạn nếu chống lại cuộc hôn nhân", Reuters trích dẫn bản báo cáo.