Khám phá

Lá bùa hình con rắn và vụ thảm án kinh hoàng chưa có lời giải ở làng Vũ Đại

Sau vụ án mạng, người ta phát hiện trong ba lô của hung thủ một lá bùa vẽ hình con rắn đang há miệng, thè lưỡi, nhìn rất quái dị.

Lạ kỳ loài rắn có vảy cứng như rồng trong truyền thuyết / 5 loài rắn khổng lồ ở Ấn Độ

Bài liên quan

Làng Vũ Đại trong những câu chuyện của nhà văn Nam Cao nổi tiếng cả nước. Ngôi làng ấy đã đổi tên thành làng Đại Hoàng từ lâu. Nay làng Đại Hoàng thuộc xã Hòa Hậu (Lý Nhân, Hà Nam), nằm cạnh sông Hồng, giáp Thái Bình và Nam Định.

Làng Vũ Đại gắn với câu chuyện về Bá Kiến và Chí Phèo đầy buồn tủi, đau xót, còn cái tên làng Đại Hoàng thì gắn với một thảm án có lẽ là kinh hoàng hiếm thấy trong lịch sử tội ác. Toàn bộ 4 mạng người chết thảm chưa rõ nguyên nhân.

Thảm án ấy xảy ra cách nay đã hơn 30 năm, nhưng mỗi lần nhắc đến, người dân làng Đại Hoàng vẫn rùng mình sợ hãi. Câu chuyện khủng khiếp ấy đã ám ảnh người dân quá nặng nề, mà thời gian nửa kiếp người vẫn chưa xóa được.

PV tìm về làng Đại Hoàng, lật lại vụ án thảm khốc và hết sức bí ẩn năm xưa, để mong tìm được phần nào lời giải cho câu chuyện kinh hãi này.

Ký ức hãi hùng

Con đường về làng Đại Hoàng rộng thênh thang. Nhà cụ Bá Kiến, biểu tượng của sự giàu có, xa hoa và tàn ác, giờ nhỏ xíu, lọt thỏm trong vườn chuối, cỏ mọc lút gối. Ngôi nhà ấy giờ chỉ bằng gian bếp của người nông dân làng Đại Hoàng.

Con ngõ nhỏ ngoắt ngoéo, cỏ mọc rậm rạp, xuyên qua những mảnh vườn nhỏ, cây cối um tùm dẫn đến ngôi nhà từng xảy ra thảm án năm xưa.

Những người chỉ đường bảo ngôi nhà ấy bỏ hoang, người thì bảo thi thoảng có người ở. Dân làng không nắm rõ, vì 30 năm nay, từ khi thảm án xảy ra, chẳng mấy ai dám đặt chân đến con ngõ ấy, chứ đừng nói đến chuyện vào ngôi nhà lúp xúp, giữa mảnh vườn hoang để xem có ai đến ở hay không. Nhiều lắm những lời đồn kỳ quái, ma rợn, bùa ngải liên quan đến mảnh đất u ám, đau thương đó.

Ngôi nhà gỗ lim cổ khá nhỏ, mái ngói, cửa khép hờ. Vườn lơ thơ cây cối. Mảnh sân nhỏ sạch sẽ, gọn gàng. Chúng tôi gọi cửa, hai người đàn ông lồm cồm bò dậy. Cụ ông gầy còm, tóc bạc như cước nằm một giường, con trai cụ nằm một giường. Căn nhà nhỏ, nhưng trống hoác, vì chẳng có vật dụng gì đáng giá. Chỉ có 3 cái ghế, nên người đứng, người ngồi. Dường như, lâu lắm rồi, mới có khách lạ ghé ngôi nhà này, nên hai cha con cụ Trần Đức Thạc tỏ ra ngạc nhiên.

Ông Trần Đức Thạc

Ông Trần Đức Thạc

Chúng tôi hỏi lại vụ án năm xưa, xảy ra đúng tại ngôi nhà này, cụ Thạc lần mò tìm mấy nén nhang, tay run rẩy đánh lửa xoèn xoẹt châm nhang lên cái bàn thờ trống hoác tràn ngập bát hương với những chân hương lạnh lẽo. Mái tóc bạc trắng, người cao lênh khênh, nhưng gầy còm như cây sậy trước gió, gợi cho người đối diện sự cảm nhận về một con người cả đời long đong, vất vả, và mang nặng u sầu đến tận lúc mái tóc bạc phơ.

Cụ Thạc trầm ngâm, nghĩ nhiều hơn nói. Mãi cụ mới nhả được câu, mà nước mắt thì cứ chực chảy ra. Cụ Thạc bảo: “Tôi là anh cái Hoàn. Tôi là thứ 3 trong nhà. Năm nay tôi cũng 80 rồi. Cái Hoàn nhà tôi là em út. Số nó đúng là quá khổ cháu ạ. Chồng nó là người ở làng Tảo Môn, xã Nhân Hòa.

Em gái tôi sinh năm 1946. Tuổi 30 mới lấy được chồng. Thế nhưng, nó lại lấy ngay phải thằng chồng ngỗ ngược. Tôi chỉ biết đó là một thằng ngỗ ngược, nóng tính, nhưng lý do gì nó giết em gái tôi, giết cả 2 đứa cháu của tôi, thì tôi không thể nào giải thích được. Mấy chục năm nay, hành động tàn ác của nó, sự mất mát của gia đình tôi, cứ ám ảnh tôi mãi, không sao gỡ ra khỏi đầu tôi được.

Hôm vụ án xảy ra, tôi đang ở nhà mình mãi Hải Phòng. Nhận được điện báo, tôi về ngay, nhưng về đến nơi, thì em tôi, hai cháu tôi đã được dân làng, họ hàng đào sâu chôn chặt rồi. Sau đó, tôi lại ra Hải Phòng, ngôi nhà này bỏ hoang, không ai dám ở.

 

Năm 2011, con trai tôi bán nhà ở Phủ Lý về đây ở, rồi đưa tôi về. Bố con tôi mời thầy cúng làm lễ cẩn thận lắm. Tôi cũng bốc bát hương thờ mấy mẹ con cái Hoàn. Sự việc cụ thể thế nào, tôi nắm cũng không rõ lắm. Tôi chỉ biết rằng, thằng Sửu chém chết cả em gái tôi và 2 đứa cháu tôi. Nó cũng tự mổ bụng mình để trả giá rồi…”.

Nói đến đây, cụ Thạc rưng rưng, không nói được thêm nữa. Ký ức ấy quá đau đớn, nên cụ cứ nghẹn ngào. Cụ quay sang người con trai, bảo đi tìm ông Bình.

Cảnh tượng man rợ

Vừa xong ngụm trà, thì người đàn ông có làn da rám nắng, gầy còm nhom có mặt trong nhà. Ông giới thiệu là Trần Đức Bình, anh họ của chị Trần Thị Hoàn, nạn nhân trong vụ án đau lòng. Ông bảo, ông là người chứng kiến gần như tường tận vụ án đau lòng ấy và bao nhiêu năm nay, những hình ảnh đau xót cứ canh cánh bên lòng.

Nhấc cặp kính lão dày cồm cộp, lau những hạt bụi trên mắt kính như một thói quen, ngước nhìn bàn thờ với những nén nhang cháy đỏ, ông bắt đầu thuật lại câu chuyện rúng động cả vùng quê.

 

La bua hinh con ran va vu tham an kinh hoang chua co loi giai o lang Vu Dai hinh anh 2

Ông Trần Đức Bình chỉ chỗ Trần Văn Sửu ngồi mổ bụng và chết

Ông Bình chậm rãi kể: “Cái Hoàn, em họ tôi tuổi Tuất. Vợ chồng nó cãi cọ thế nào thì tôi không biết, không nắm rõ lắm. Nhưng vụ án xảy ra thì tôi tường tận gần như tất cả. Tôi vẫn nhớ như in, chính xác là ngày mùng 7/10 âm lịch năm 1981, lúc 5 giờ 15 chiều, bỗng dân làng chạy rầm rập loan tin cái Hoàn bị giết.

Hôm đó, mới đầu Đông, nhưng trời khá lạnh, mưa lất phất, tôi đang ở nhà ngoại, bế cháu thứ 2, thì bỏ cháu chạy về. Về đến ngõ, thấy dân quân vây kín ngõ. Tôi đòi vào, nhưng các đồng chí ấy không cho vào, bảo tên Sửu đang như chó điên, nếu xông vào sẽ không đảm bảo an toàn tính mạng hai đứa trẻ. Các đồng chí dân quân bảo cái Hoàn đã chết rồi.

Nghe tiếng hai đứa trẻ khóc, tôi sốt ruột quá, nên chạy về nhà tôi. Nhà tôi cách nhà cái Hoàn có mỗi bức tường rào cao đến thắt lưng và vườn mía, nên tôi luồn lách chạy sang. Vừa chui qua vườn mía, tôi đã gặp em tôi nằm chết ở vườn mía, ngay trước nhà nó. Nó nằm ngửa, hai chân co quắp, hai tay cũng co quắp trong thế giơ lên chống đỡ. Miệng nó vẫn còn há ra, mắt vẫn mở to, mang bộ dạng rất sợ hãi.

Nhìn em mình như vậy, tôi bủn rủn tay chân, tưởng như không bước nổi nữa, nhưng nghĩ đến hai đứa cháu ở trong nhà, tôi đã xông đến. Thấy tôi, ông Thức xã đội phó cũng tiếp cận ngôi nhà cùng tôi. Tôi và ông Thức đẩy cửa ngó vào trong thì ôi thôi, hai đứa cháu của tôi cũng đã chết.

 

Thằng Minh, mới 18 tháng tuổi, chập chững biết đi nằm dưới nền nhà, máu chảy lênh láng thành vũng. Lúc chiều thấy nó khóc, bà chị tôi dóc cây mía, chặt thành khúc nhỏ cho nó nhai. Nhưng giờ, cháu nó nằm trên vũng máu, những bã mía nổi lều phều.

Cháu Hường, khi đó mới 4 tuổi, đã chết trong tư thế dựa vào nách bố nó. Thằng Sửu ngồi trên giường, dựa lưng vào mép tường chỗ cửa sổ, một chân gác lên giường, một chân thả xuống đất. Mắt nó trợn ngược nhìn tôi. Tôi nhìn nó bằng ánh mắt căm hờn, đay nghiến nó: “Thằng khốn nạn. Tao không ngờ mày lại tàn ác như thế này!”.

Tôi vừa chửi xong, nó rú lên một tiếng man rợ và đứng bật dậy. Tôi thấy ruột nó xổ ra khỏi bụng, lòng thòng ra ngoài. Nó cầm con dao cắt ruột thành 3 đoạn, rồi ngã phịch xuống chết luôn. Mắt nó trợn ngược. Sự việc là như vậy, đau xót và khó hiểu lắm cháu ạ. Chú không hiểu hành động của nó là thú tính trỗi dậy hay ma xúi, quỷ đưa nữa”.

La bua hinh con ran va vu tham an kinh hoang chua co loi giai o lang Vu Dai hinh anh 3

Ngôi nhà nơi từng xảy ra án mạng thảm khốc, chưa có lời giải

Theo ông Bình, hành động của Trần Văn Sửu là vô cùng khó hiểu, ngoài dự đoán của mọi người, nên lực lượng dân quân, công an bị vô hiệu hóa. Chẳng ai có thể nghĩ, bố có thể ra tay sát hại con như thế, để mà can thiệp nhanh chóng.

 

Ngay chập tối hôm đó, công an tỉnh, công an huyện có mặt đầy đủ. Ông Bình tuy ít tuổi, nhưng là trưởng họ, nên phải lo lắng mọi việc. Cái chiếu được trải ra nền nhà. Ông Bình và ông Hải, một người trong họ được chỉ định giúp đỡ lực lượng khám nghiệm hiện trường. Xác chị Hoàn được hai ông khiêng vào nhà. Chị Hoàn nằm giữa, xác hai cháu đặt hai bên.

Ông Bình và ông Hải hì hục mãi mà không khiêng nổi xác hung thủ Trần Văn Sửu trong tư thế ngồi chết trên giường, dựa lưng vào mép tường và cửa sổ. Cuối cùng, họ phải vần cái xác kinh khủng đó lăn xuống đất, rồi kéo tuột ra ngoài. Khỏi phải nói cái hình ảnh đồng chí trung tá công an nhồi ruột lại cho hung thủ Trần Văn Sửu kinh hãi và ám ảnh đến mức nào.

Sau khi khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, đồng chí trung tá công an đã dựng lại diễn biến vụ việc cho ông Bình và những người có mặt nghe. Chị Hoàn đã phải chịu đựng 4 nhát dao vào bụng, phía dưới ngực. Tuy nhiên, chị vẫn chống chọi, chạy thoát ra ngoài. Tên chồng tàn ác không buông tha, đuổi theo đâm một nhát vào lưng, chém một nhát vào bắp tay.

Khi chị Hoàn mất máu nhiều, không chống cự được nữa và ngã xuống vườn mía phía trước nhà, thì hắn vung dao chém một nhát vào trán. Cú chém cuối cùng đã đoạt mạng chị ngay lập tức. Hai cháu Minh và Hường đều nhận 2 nhát dao chí tử vào đầu. Hắn giết cháu Minh khi cháu đang ngồi chơi dưới nền nhà. Cháu Hường sợ quá, chạy lên giường ôm bố, thì bị hắn giết luôn.

Giết xong hai con, Trần Văn Sửu đã sử dụng chiếc dao bầu dùng chọc tiết lợn tự đâm hai nhát dưới 2 bên ngực, và rạch một đường cắt ngang rốn từ dưới lên. Cú rạch mạnh và sâu đó khiến ruột chảy lòng thòng ra ngoài.

 

Khám nghiệm hiện trường xong, đồng chí trung tá công an thốt lên một câu, mà ông Bình nhớ như in đến tận bây giờ: “Suốt gần 30 năm trong nghề, chưa bao giờ tôi gặp vụ án dã man như thế này. Tiếc rằng thủ phạm đã chết, nên khó có thể tìm ra được chính xác động cơ gây án”.

La bua hinh con ran va vu tham an kinh hoang chua co loi giai o lang Vu Dai hinh anh 4

Ông Trần Văn Thạc, anh trai nạn nhân Trần Thị Hoàn đã về ngôi nhà này sinh sống sau 30 năm bỏ hoang

Lá bùa bí ẩn

Cái chết tang thương của 3 mẹ con chị Hoàn gây xúc động lớn cho người dân trong vùng. Cả làng đến giúp đỡ, làm tang cho gia đình xấu số này. Khi đó gia đình rất nghèo, nên chẳng mua nổi cỗ áo quan tử tế. Mọi người hạ cây sung lớn trong làng, xẻ làm 2 chiếc áo quan. Chiếc hòm đựng quần áo cũ kỹ dùng làm quan tài đặt xác cháu Minh vào. Không còn gỗ, nên đành phải tháo mấy cánh cửa mục, đóng lại, đặt xác Trần Văn Sửu vào đó.

Gia đình hung thủ đến khênh quan tài Sửu về làng Tảo Môn chôn, còn gia đình, dân làng đưa xác 3 mẹ con chị Hoàn ra nghĩa địa, nước mắt chứa chan.

 

Hỏi về nguyên nhân xảy ra thảm án kinh hãi này, ông Bình trầm tư suy nghĩ. Dường như đó cũng chính là câu hỏi mà mấy chục năm nay ông vẫn đang bế tắc trong việc đi tìm lời giải.

Theo lời ông Bình, kẻ thủ ác Trần Văn Sửu sinh năm 1949, tuổi con Trâu, kém chị Hoàn 3 tuổi. Ngày đó, chị Hoàn tuy đã 30 tuổi, gái quá lứa, nhưng nhan sắc không đến nỗi nào. Chị làm nghề buôn gạo, buôn cám. Thời kỳ đó, lái buôn là nghề mạt hạng, nên chẳng mấy người thèm nhòm ngó.

La bua hinh con ran va vu tham an kinh hoang chua co loi giai o lang Vu Dai hinh anh 5

Bàn thời gia tiên và 3 mẹ con chị Trần Thị Hoàn

Trong quá trình buôn bán, thì gặp Trần Văn Sửu. Gia cảnh Trần Văn Sửu cũng phức tạp. Bản thân Sửu không nghiện ngập, không rượu chè, nhưng nóng tính. Sửu từng có thời gian đi bộ đội, đóng quân ở Vị Xuyên, Hà Giang, nhưng rồi Sửu đào ngũ.

Ở nhà một thời gian, Sửu lại theo thanh niên trong làng đi xây dựng kinh tế mới, làm công nhân ở nông trường trên Than Uyên (Lai Châu bây giờ). Tuy nhiên, làm công nhân ở đây được chưa đầy năm thì Sửu bỏ về.

 

Theo lời ông Bình, sau khi trốn khỏi nông trường, về sống với vợ con, Sửu rất tu chí làm ăn. Sửu đi buôn gạo, buôn cám cùng vợ. Khi vợ đẻ con thứ 2, không đi buôn được, thì Sửu đi buôn thay vợ. Hồi chị Hoàn mới đẻ bé Minh, Sửu còn đi buôn lạc từ mãi Quỳnh Lưu, Nghệ An về chợ Bến.

Công việc buôn bán tuy vất vả, nhưng cuộc sống của vợ chồng Sửu không đến nỗi nào, nếu không nói là có của ăn của để.

Ông Bình cho biết: “Mặc dù Sửu là kẻ nóng tính, có máu côn đồ, nhưng sống ngay cạnh nhà vợ chồng nó, tôi cũng không thấy chúng nó đánh nhau bao giờ. Chỉ thi thoảng thấy chúng nó cãi cọ nhau một chút mà thôi. Thời gian đó, hai đứa cãi cọ nhau quanh chuyện nấu rượu.

Khi đó, Nhà nước cấm nấu rượu, nhưng thằng Sửu cứ nấu lén, nấu trộm. Cái Hoàn ngăn chồng không được, nên tỏ ra không vui, thành ra cãi cọ đôi chút. Mà chuyện cãi cọ thì gia đình trẻ nào chẳng có, đâu đến mức phải xảy ra hậu quả kinh hoàng như thế?

Trước hôm xảy ra án mạng 2 ngày, tôi có nghe chuyện cái Hoàn phải nằm ở trạm y tế xã mấy ngày vì xảy thai. Nó từ trạm y tế về hôm mùng 5, thì mùng 7 xảy ra án mạng. Tôi cũng không rõ chuyện xảy thai này có liên quan gì đến án mạng không, nhưng tôi nghĩ mãi mà không thể tìm ra sự liên quan nào cả. Con người có hung ác thế nào, mâu thuẫn vợ chồng có nặng nề ra sao, thì cũng đâu đã đến mức giết cả vợ, cả con, rồi tự sát như thế?

 

Nói chung, đến bây giờ tôi cũng không thể trả lời được câu hỏi này. Người dân trong làng, rồi cả gia đình, họ hàng nhà tôi đều đồn đoán thằng Sửu yêu đương, bồ bịch khi ở miền núi, nên bị bỏ bùa, mới bỗng dưng thành con ác thú như thế. Mọi người đồn đoán vậy, nhưng tôi thì không tin lắm chuyện bùa ngải”.

Đem câu chuyện vụ án tàn khốc sang nhà ông Trần Văn Xuyên, trưởng thôn 15, xã Hòa Hậu, ông Xuyên cũng lắc đầu không thể giải mã được vụ án mạng kỳ lạ này. Ông Xuyên cũng chỉ thuật lại được những tình tiết vụ án như lời kể của ông Trần Văn Bình mà thôi. Tuy nhiên, theo ông Xuyên, thì chuyện Trần Văn Sửu giết vợ con có thể có sự tính toán, chuẩn bị từ trước.

La bua hinh con ran va vu tham an kinh hoang chua co loi giai o lang Vu Dai hinh anh 6

Ông Trần Văn Xuyên, trưởng thôn 15

Mấy ngày trước khi xảy ra án mạng, người dân kể rằng, ngày nào Sửu cũng mang dao sang nhà ông Tạng để mài. Ngày đó, nhà ông Tạng có xưởng mộc, có 2 viên đá mài. Hàng xóm thi thoảng vẫn mang dao sang nhà ông Tạng mài nhờ, nên không ai để ý.

Sau này, khi sự việc xảy ra, mọi người mới nhớ đến chuyện ngày nào Sửu cũng mài dao, với thái độ lầm lỳ, thì quả thực không bình thường. Dân làng không giải thích được chuyện này, nên đã đồn thổi rằng Sửu bị đàn bà dân tộc ở miền núi bỏ bùa, nên mới lú lẫn, biến thành con thú khát máu như vậy.

 

Sau khi dò hỏi từ nhiều nguồn tin, chúng tôi được chỉ dẫn đến nhà bà Nguyễn Thị T., từng là cán bộ phụ nữ xã thời đó. Bà T. cũng nhớ rành mạch các chi tiết rùng rợn của vụ án mạng thương tâm này.

Theo bà T., sự việc đồn đoán Trần Văn Sửu bị bỏ bùa xuất phát từ việc khi mọi người dọn dẹp đồ đạc, đã phát hiện một cái túi nhỏ giấu trong ba lô của Sửu. Gỡ cái túi nhỏ cỡ bao diêm đó ra, thì thấy một lá bùa vẽ hình con rắn đang há miệng, thè lưỡi, nhìn rất quái dị.

Sau này, một người đồng ngũ với Sửu hồi đóng quân ở biên giới mới kể rằng, Sửu đã bị một cô gái người dân tộc thiểu số ở Hà Giang bỏ bùa. Theo lời kể của người đồng ngũ này, thì hồi đóng quân ở Vị Xuyên, mặc dù đã có vợ con ở quê, song Sửu lại phải lòng một cô gái bản địa. Sửu giấu nhẹm chuyện đã có vợ ở quê, tính lợi dụng tình cảm như kẻ qua đường với cô gái Dao này.

Sống với cô gái như vợ chồng chừng 1 năm, thì Sửu đào ngũ. Hôm chia tay, Sửu mới nói thẳng là đã có vợ và con ở quê, không thể đến với cô được nữa. Cô gái đã cầu xin Sửu rằng, chỉ cần thi thoảng Sửu lên thăm cô là được. Tuy nhiên, Sửu đã từ chối, nói rằng đã về quê thì sẽ không gặp lại được nữa.

Cô gái khóc rống lên trong đêm tối, rồi bảo: “Nếu anh đã phụ tình em như thế, thì anh cũng sẽ chẳng được yên thân. Dù sao anh và em cũng đã có chút nghĩa vợ chồng, đêm nay em sẽ làm bữa cơm để chia tay mãi mãi”.

 

Nói rồi, cô gái gạt nước mắt, bắt 4 con vịt, đập chết tươi. Cô làm thịt cả 4 con vịt theo cách không bình thường. Cô dùng dao đâm nhiều nhát vào thân những con vịt tội nghiệp, rồi chặt ngang đầu, khiến óc vịt bắn tung tóe. Ăn xong bữa cơm chia tay, cô gái chạy vào rừng rồi mất hút, Sửu đuổi theo nhưng tìm mãi không thấy.

Đem chuyện này kể với người bạn đồng ngũ, người này đã có 8 năm đóng quân ở Vị Xuyên thốt lên rằng, Sửu đã bị bỏ bùa, khó mà thoát được tử nạn. Người đồng ngũ của Sửu tin rằng, 4 con vịt bị cô gái dân tộc giết ứng với 4 mạng người Sửu ra tay tước đoạt. Lá bùa giấu kín trong chiếc ba lô cùng với lời nguyền đã biến Trần Văn Sửu thành một ác thú, không kiểm soát được hành vi man rợ của mình.

Câu chuyện về lá bùa chẳng có cơ sở khoa học nào cả. Tuy nhiên, người dân trong vùng lại coi đó là lời giải cho vụ án đau thương này, khi mà cơ quan pháp y và điều tra đã không tìm được manh mối, không tìm ra được động cơ giết vợ, con và tự sát một cách man rợ của sát thủ Trần Văn Sửu. Và, vụ án mạng kinh hoàng ở làng Vũ Đại, với lá bùa bí ẩn, mãi mãi là câu chuyện không có lời giải đáp.

Theo Phạm Dương Ngọc/VTC News
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm