Không những thế, bà ta còn nói ra những lời không thể tin nổi: “Làm kỹ nữ sướng hơn làm hoàng hậu” khiến hết thảy những bậc “chính nhân quân tử” bao đời nay đều ra sức phỉ báng, coi bà là dâm phụ điển hình trong lịch sử. Đến nay, ở Trung Quốc người ta vẫn chưa hết bàn tán về bà. Người đàn bà nổi danh về tiếng xấu ấy là Hồ Thị, hoàng hậu của hoàng đế Vũ Thành Đế Cao Trạm nhà Bắc Tề.
Hoàng đế xơi chả, hoàng hậu ăn nem
Hồ Thị xuất thân cao quý là điều không ai nghi ngờ. Cha bà tên là Hồ Diên Chi, từng là quan Thượng Thư Lệnh nhà Bắc Ngụy, bà mẹ là con gái họ Phạm Dương Lô – một dòng tộc cao quý ở phương Bắc khi đó. Những đàn ông thời đó cưới được con gái họ Phạm Dương Lô là điều vinh dự chẳng khác ngày nay đàn ông cưới được quận chúa hoàng gia Anh.
Từ nhỏ Hồ Thị đã được mẹ dạy dỗ chu đáo, có được những phẩm chất, phong thái “đại gia khuê tú”. Tương truyền, trước khi Hồ Thị được sinh ra, có một tăng nhân đi ngang qua cửa thốt lên một câu kỳ quái: “Trong hồ lô nhà này có mặt trăng”. Hồ phu nhân quả nhiên sinh hạ con gái, từ khi nhỏ đến khi mười mấy tuổi đã nổi tiếng về sắc đẹp nghiêng thành, tiếng đồn đi xa, Hồ Thị được trở thành vương phi của Trường Quảng Vương Cao Trạm nhà Bắc Tề, bắt đầu cuộc sống cực phẩm phú quý.
Năm Thiên Bảo thứ 7 (556 sau Công nguyên), vào tháng 5, Hồ Thị sinh hạ được con trai Cao Vĩ. Mấy năm sau, Trường Quảng Vương Cao Trạm đăng quang ngôi hoàng đế Bắc Tề, Hồ Thị trở thành hoàng hậu. Tuy nhiên, ngôi báu và cuộc sống xa hoa nơi cung đình đã khiến vợ chồng họ dần xa nhau. Cao Trạm tư thông với chị dâu là Lý Tổ Nga, thường đêm đêm bí mật cho đưa vào cung để mây mưa cùng nhau; Hồ Thị cũng trả thù bằng cách thông gian với quan Cấp sự Hòa Nhĩ Khai.
Cao Trạm biết chuyện vợ gian dâm, không những không tức giận mà còn tạo điều kiện để đôi gian phu dâm phụ có cơ hội gần nhau. Ông ta thăng cấp Hòa Sĩ Khai làm Hoàng Môn Thị Lang, để ông ta dạy kịch cổ cho hoàng hậu. Hoàng đế và hoàng hậu “ông ăn chả, bà ăn nem” ai việc người nấy, cứ tầm hoan hưởng lạc, coi như không có chuyện gì xảy ra.
Hòa Sỹ Khai, tình nhân của hoàng hậu Hồ Thị là môt nhân vật nổi tiếng trong vương triều Bắc Tề, là sủng thần của hai đời hoàng đế. Mặc dù ông ta dâm loạn chốn cung cấm, mọi người đều biết, nhưng hai đời hoàng đế Bắc Tề vẫn rất tín nhiệm, coi như không có chuyện gì xảy ra. Trong chốn cung đình, ở cạnh vua như sống bên Hổ dữ, nhưng Hòa Sỹ Khai vẫn ung dung tự tại, tác oai tác quái khiến người đời sau tấm tắc, coi là kỳ tích.
Tổ tiên Hòa Sỹ Khai là người rợ Hồ ở Tây Vực, sống bằng nghề buôn. Đến đời Hòa An, cha của Hòa Sỹ Khai do được học hành, có chút năng lực nên được giao giữ chức quan Thích Sử ở Nghĩa Châu, Hòa Sỹ Khai được vào học hành đàng hoàng ở Quốc Tử Giám. Năm 550, Cao Trạm được phong Trường Quảng Vương, đưa Hòa Sỹ Khai vào vương phủ làm Tham Quân. Có lẽ do duyên phận, Cao Trạm và Hòa Sỹ Khai rất hợp nhau, gắn bó không rời.
Anh trai Cao Trạm là Văn Tuyên Đế Cao Dương cho Hòa Sỹ Khai là kẻ xấu nên đuổi ra khỏi kinh thành, không cho phép giao du với em trai. Cao Trạm ra sức khẩn cầu xin anh cho đón Hòa Sỹ Khai quay lại. Sau khi Cao Trạm lên ngôi hoàng đế, chức hiệu Thị trung nhanh chóng được phong cho Hòa Sỹ Khai.
Khi mẹ Hòa Sỹ Khai chết, ông ta phải về chịu tang, Cao Trạm sai Võ vệ tướng quân Lã Phần theo đến nhà bảo vệ, đợi đến khi mãn tang mới đưa Hòa Sỹ Khai trở lại kinh. Ngày Hòa Sỹ Khai về triều, Cao Trạm cho xe đón thẳng vào cung, khi gặp mặt cứ nắm mãi hai tay, nước mắt ròng ròng, an ủi hồi lâu rồi mới để Hòa Sỹ Khai về nhà.
Trong chốn riêng tư, hai người bỏ qua lễ nghĩa vua tôi, suốt ngày vui đùa. Hòa Sỹ Khai rót vào tai vua tư tưởng hưởng lạc sống gấp, Cao Trạm nhất nhất nghe theo, kiểu như: “Từ xưa đến nay, bao nhiêu đế vương cũng đều thành tro bụi. Hiền đức như Nghiêu, Thuấn; độc ác như Kiệt, Trụ rốt cục rồi cũng chết, phỏng có khác gì nhau? Nhân lúc ta còn trẻ khỏe, hãy tận sức hưởng lạc, muốn gì làm nấy, sống sướng một ngày bằng cả ngàn năm, thật tốt biết bao. Quốc sự cứ giao cho các đại thần, đừng tự chuốc lấy nỗi khổ vào thân”.
Thế là vị hoàng đế mới 29 tuổi Cao Trạm liền nhường ngôi cho con trai là Tề Hậu Chủ Cao Vĩ, để làm thái thượng hoàng ăn chơi thỏa thích. Hòa Sỹ Khai lấy lòng được Cao Trạm, cũng biết cách lấy lòng Cao Vĩ. Cao Trạm nghiện rượu, cả ngày không rời tay khỏi chiếc chén ngọc, nhưng bị chứng bệnh phổi không thể chữa trị, cứ uống rượu vào là bệnh phát tác. Hòa Sỹ Khai nhiều lần khuyên ông ta bỏ rượu, nhưng Cao Trạm vẫn bỏ ngoài tai. Có một lần, Cao Trạm vừa uống rượu liền ho mãi không dứt, Hòa Sỹ Khai không nói gì cứ khóc ròng, Cao Trạm rất cảm động, từ đó bỏ hẳn rượu.
Cao Trạm dốc sức hưởng lạc được ba năm thỏa thích thì bị ngã bệnh ở cung Càn Thọ, bệnh tình nhanh chóng chuyển xấu. Hòa Sỹ Khai trở thành “đại thần thác cô”. Cao Trạm yêu cầu ông ta bắt chước Y Doãn nhà Thương, Hoắc Quang nhà Hán khi xưa, tận tâm phó tá thiếu đế Cao Vĩ. Khi tắt thở, Cao Trạm còn nắm chặt tay Hòa Sỹ Khai, miệng thều thào “Đừng phụ lòng ta”, đến khi chết vẫn không buông ra. Thế là Cao Vĩ và thái hậu Hồ Thị được ủy thác cho trọng thần Hòa Sỹ Khai.
Bà hoàng dâm ô chốn cung cấm
Sau khi Vũ Thành Đế Cao Trạm chết, Hồ Thị chẳng còn e ngại điều gì, càng công khai gian dâm với Hòa Sỹ Khai. Triều thần phẫn nộ, tới tấp thỉnh cầu Cao Vĩ ban chức đưa Hòa Sỹ Khai ra ngoài kinh. Hồ Thị biết tin, có ý lung lạc các đại thần liền mời mấy quan đại thần như Triệu Quân Vương Cao Duệ, Tư không Lâu Định Viễn…ăn tiệc.
Cao Duệ không chịu nghe theo, khảng khái từ chối ngay trên bàn tiệc: “Hòa Sỹ Khai chẳng qua là lộng thần của tiên đế, là loại cáo chuột. Hắn ra sức nhận hối lộ, dâm loạn, không ai chịu nổi, chúng tôi không thể khoanh tay ngồi nhìn, nhất định phải liều chết can gián”.
Hồ Thị ra sức bảo vệ người tình nên mắng: “Lúc tiên đế còn sống, sao các người không nói gì? Nay nói thế là phụ cô nhi quả mẫu. Các người chỉ việc uống rượu, đừng nói gì nữa”. Cao Duệ tức giận, lớn tiếng chỉ trích Hồ Thị, các đại thần đều ủng hộ ông: “Không đuổi Hòa Sỹ Khai đi thì triều đình không thể yên ổn”. Rồi họ vứt mũ, rũ áo đứng dậy khiến Hồ Thị một phen mất mặt.
Hòa Sỹ Khai khôn ngoan hơn, bèn tâu với Cao Vĩ: “Trong số các đại thần, tiên đế tín nhiệm tôi nhất, nay tiên đế qua đời, bệ hạ điều tôi ra ngoài, khác nào tự chặt vây cánh, e rằng ít lâu sau sẽ có họa phế lập”. Ông ta hiến kế: cứ phong mình làm Đại thần công khanh châu Đường Tái, từ từ sẽ đi nhậm chức sau.
Cao Duệ máy lần đốc thúc Hòa Sỹ Khai rời kinh đi nhận chức, lại sai Lâu Định Viễn cho người gác cửa cung, không cho Hòa Sỹ Khai gặp Hồ Thái hậu. Hòa Sỹ Khai phải dùng gái đẹp và vàng ngọc hối lộ mới được Lâu Định Viễn cho vào cung gặp Cao Vĩ và Hồ Thái hậu. Cao Vĩ thấy các quan can thiệp vào công việc và cuộc sống của mình bèn tìm cớ để giết hại Cao Duệ, những người khác thấy thế không dám làm gì nữa…