Khám phá

Lịch sử Trung Hoa động loạn trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung

Phần lớn các bộ truyện của Kim Dung đều có quy mô to lớn, khí thế hùng hậu nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa bối cảnh lịch sử rõ ràng và câu chuyện truyền kỳ.

Những nhân vật phản diện "khét tiếng" trong phim kiếm hiệp Kim Dung / Những cuộc tỷ thí nổi tiếng trong tiểu thuyết Kim Dung, Cổ Long

Rất nhiều tác phẩm của Kim Dung lấy bối cảnh là những thời kỳ Trung Quốc động loạn, rối ren. Điều đó cũng dễ hiểu, bởi “loạn thế xuất anh hùng”. Tương tự như Lương Vũ Sinh, Kim Dung kết hợp chặt chẽ giữa lịch sử và truyền kỳ, khéo léo hòa trộn yếu tố thực và hư, tạo nên được những câu chuyện vô cùng hấp dẫn, sinh động, không đi vào lối mòn như các tác giả tiểu thuyết võ hiệp khác.

Kim Dung vừa qua đời sau thời gian dài bạo bệnh.

Kim Dung vừa qua đời sau thời gian dài bạo bệnh.

Tác phẩm đầu tay Thư kiếm ân cừu lục đăng trên Tân văn báo tại Hong Kong năm 1955 kể câu chuyện tổ chức Hồng Hoa hội với tôn chỉ “phản Thanh phục Minh” chống lại triều đình Càn Long. Tác giả khéo léo mô tả Càn Long và Trần Gia Lạc, hội chủ Hồng Hoa hội, là anh em ruột. Vua Càn Long và Trần Thế Quan ở Hải Minh - cha của Trần Gia Lạc trong Thư kiếm ân cừu lục - đều là nhân vật có thật trong lịch sử.

Vừa kỳ vừa thực

Chiêu thức “hai thực ôm một hư” khiến độc giả tò mò, lập tức bị cuốn hút. Sang đến Bích huyết kiếm, nhân vật chính là con trai của Vương Sùng Hoán, danh tướng thời Minh. Trong sách có rất nhiều nhân vật lịch sử khác như vua Sùng Chinh, lãnh tụ khởi nghĩa Lý Tự Thành, đại Hán gian Ngô Tam Quế, thủ lĩnh Mãn Thanh Hoàng Thái Cực...

Tương tự, Tuyết Sơn phi hồ và Phi hồ ngoại truyện cũng lấy bối cảnh thời nhà Thanh, kéo dài từ cuộc khởi nghĩa của Lý Tự Thành cho đến thời vua Càn Long. Hồ, Miêu, Phạm, Điền là hậu duệ 4 vệ sĩ của Lý Tự Thành, nhưng thay vì chống Thanh lại hận thù nhiều năm vì mâu thuẫn riêng.

Xạ điêu anh hùng truyện là tác phẩm giúp Kim Dung khẳng định vị thế “minh chủ võ lâm”, vừa kỳ vừa thực. Truyện lấy bối cảnh cuối thời Nam Tống và những năm đầu đế quốc Mông Cổ hình thành. Thành Cát Tư Hãn Thiết Mộc Chân là một nhân vật quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến cuộc đời Quách Tĩnh.

 

Thậm chí một số nhân vật đậm chất truyền kỳ như Trung Thần Thông Vương Trùng Dương hay Khưu Xử Cơ cũng có thật. Sách Trường Xuân chân nhân Tây du ký của Khưu Xử Cơ đến nay vẫn còn. Quách Tĩnh lớn lên ở thảo nguyên Mông Cổ, được Thành Cát Tư Hãn hứa gả con gái trước khi trở lại quê nhà, gặp duyên kỳ ngộ trở thành đại cao thủ võ lâm.

Tiểu thuyết Kim Dung có sự kết hợp khéo léo giữa giang sơn và giang hồ.

Không chỉ lo báo thù nhà, Quách Tĩnh còn rơi vào cảnh phải lựa chọn đứng về phe nào, xứ Mông Cổ đã nuôi dưỡng chàng hay quê hương Đại Tống trong cuộc chiến sớm muộn cũng phải xảy ra giữa hai dân tộc.

Đến Thần điêu hiệp lữ, chuyện tình đầy trắc trở giữa Dương Quá và Tiểu Long Nữ diễn ra trong bối cảnh đế chế Mông Cổ ngày càng hùng mạnh, đe dọa thôn tính Nam Tống. Tại thành Tương Dương, Dương Quá cùng vợ chồng đại hiệp Quách Tĩnh chung sức chống cuộc tấn công của Đại Hãn Mông Kha.

 

Phần cuối của Xạ điêu tam bộ khúc là Ỷ Thiên Đồ Long ký. Kim Dung đưa độc giả đến với giai đoạn triều Nguyên đã cai trị Trung Quốc gần 100 năm. Câu chuyện cuộc đời của Trương Vô Kỵ và giai thoại về kiếm Ỷ Thiên và đao Đồ Long có sự kết nối chặt chẽ với cuộc nổi dậy của Chu Nguyên Chương và sự ra đời của nhà Minh.

Đúc lịch sử và truyền kỳ vào một lò

Thiên long bát bộ, tác phẩm dài nhất và được Kim Dung đầu tư viết trong thời gian lâu nhất, đưa độc giả ngược về thời Bắc Tống với cuộc chiến tranh giữa nhà Tống và các quốc gia láng giềng như Đại Lý, Liêu, Thổ Phồn và Tây Hạ, thêm cả chuyện gia tộc Mộ Dung âm mưu khôi phục nước Đại Yên.

Nhà văn Trần Mặc, tác giả cuốn Võ hiệp ngũ đại gia, mô tả Thiên long bát bộ không khác gì một bộ Lục quốc diễn nghĩa. Đoàn Dự, Tiêu Phong và Hư Trúc vừa là nhân vật giang hồ, vừa là lãnh đạo giang sơn. Đoàn Dự sở hữu võ công Lục mạch thần kiếm vô địch thiên hạ là vua Đại Lý.

Tiêu Phong từng là bang chủ Cái Bang, sau này trở thành Nam Viện đại vương của Liêu quốc. Còn Hư Trúc từ hòa thượng Thiếu Lâm thành truyền nhân Tiêu Dao phái, rồi đột ngột trở thành phò mã nước Tây Hạ.

 

Cũng có một số tiểu thuyết của Kim Dung không đề cập rõ ràng bối cảnh lịch sử, như Tiếu ngạo giang hồ, Liên thành quyết hay Hiệp khách hành. Nhưng Lộc đỉnh ký thực sự đúc truyền kỳ và lịch sử vào một lò.

Thời Khang Hy, tưởng như xã hội nhà Đại Thanh yên ổn, nhưng thực tế có không ít sóng ngầm. Khi Khang Hy còn thơ bé, gian thần Ngao Bái lũng đoạn triều đình. Ngoài Bắc Kinh, đại Hán gian Ngô Tam Quế âm mưu tạo phản. Trong khi đó, tổ chức giang hồ Thiên Địa hội vẫn quyết tâm “phản Thanh phục Minh”.

Đa số nhân vật trong truyện là người thật việc thật thời nhà Thanh, như vua Khang Hy, Thuận Trị, Ngao Bái, Ngô Tam Quế, Trần Cận Nam... Giữa những động loạn đó, gã tiểu lưu manh Vi Tiểu Bảo tình cờ bị bắt vào hoàng cung, nhờ số đỏ và bản lĩnh đúc kết được từ lầu xanh mà trở thành hồng nhân bên cạnh hoàng thượng.

Trong Xạ điêu anh hùng truyện, Quách Tĩnh và Hoàng Dung đứng về phía nhà Tống chống lại quân xâm lược Mông Cổ.

 

Kim Dung đặt tên truyện là Lộc đỉnh ký, mượn điển tích thời xưa các bậc quân vương giành lấy thiên hạ như bắt hươu (lộc), tranh đỉnh. Trong truyện, núi Lộc Đỉnh ở Hắc Long Giang là nơi chôn kho báu khổng lồ của các vua nhà Thanh. Vi Tiểu Bảo là người duy nhất biết được vị trí kho báu.

Trong các tác phẩm của Kim Dung, lịch sử là cái khung để ông xây dựng cốt truyện và diễn biến câu chuyện. Đó là một lịch sử đa sắc, nhiều biến động. Ở đó, Kim Dung thể hiện rõ tinh thần yêu nước, đôi lúc cho thấy chủ nghĩa Đại Hán, niềm tự hào về một quốc gia lớn mạnh.

Theo nhà văn Vũ Đức Sao Biển, người dành nhiều thời gian nghiên cứu tiểu thuyết Kim Dung, "Kim Dung khéo léo gắn tác phẩm của mình vào hoàn cảnh lịch sử Trung Quốc, xây dựng các nhân vật hư cấu bên cạnh nhân vật lịch sử có thật, trích dẫn nhiều văn bản trong lịch sử. Vì vậy, tác phẩm của ông lung linh màu sắc hư cấu bên cạnh màu sắc hiện thực".

1
Theo news.zing.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm