Khám phá

Lộ diện khuôn mặt tổ tiên lâu đời nhất của loài người

Chiếc hộp sọ hoàn chỉnh thuộc về tổ tiên lâu đời nhất của loài người sống cách đây 3,8 triệu năm mới được phát hiện ở Ethiopia. Nghiên cứu này có thể làm sáng tỏ lịch sử tiến hóa của loài người.

Hóa thạch thằn lằn 300 triệu năm tuổi được tìm thấy ở Canada / Khu rừng hóa thạch lâu đời nhất thế giới vừa được tìm thấy ở New York

Chú thích ảnh
Khuôn mặt tổ tiên lâu đời nhất của loài người. Ảnh: CNN

Phân tích chi tiết về hộp sọ lâu đời nhất của tổ tiên loài người ở Ethiopia đã được công bố trên tạp chí Nature ngày 28/8.

Các nhà nghiên cứu làm việc trong Dự án Nghiên cứu Cổ sinh vật học Woranso-Mille tại bang Afar (Ethiopia) đã tìm thấy nhiều mảnh vỡ trong phần còn lại của hộp sọ thuộc loài Australopithecus anamensis sau khi phát hiện ra hàm trên vào ngày 16/2/2016.

Hộp sọ được gọi là MRD, đại diện cho tổ tiên đầu tiên của loài người có tên Australopithecus anamensis, sống từ 3,9 đến 4,2 triệu năm trước. Nó xuất hiện từ thời tổ tiên của chúng ta từ trên cây xuống mặt đất để đi bằng hai chân. Là thành viên lâu đời nhất được biết đến của chi Australopithecus, anamensis có hộp sọ dài và nhỏ cũng giống như tổ tiên đầu tiên lâu đời khác của loài người. Các nhà khoa học cũng xác định chúng sở hữu một khuôn mặt nhô ra và xương gò má hướng về phía trước.

Chú thích ảnh
Hộp sọ anamensis. Nguồn: CNN

Hộp sọ còn có một chiếc răng nanh lớn, nhưng vẫn tương đối nhỏ so với răng nanh của loài afarensis.
Hộp sọ MRD đã được tìm thấy tại một địa điểm cách nơi tìm trục vớt bộ xương Lucy 54km về phía Bắc. Nhóm các nhà địa chất, cổ thực vật học, cổ nhân loại học đã xác định niên đại của hộp sọ bằng cách nghiên cứu môi trường sống tại nơi hộp sọ được tìm thấy.

Theo kênh CNN (Mỹ), hộp sọ này thuộc về tổ tiên của loài Australopithecus afarensis tìm thấy trong bộ xương Lucy nổi tiếng và được cho là loài đã sinh ra chi của chúng ta. Afarensis xuất hiện sau đó và được xác định niên đại từ 3,8 triệu năm trước.

 

Chú thích ảnh
Khuôn mặt đã được tái tạo hoàn chỉnh. Nguồn: CNN

“Tôi không thể tin vào mắt mình, tôi đã phát hiện ra phần còn lại của khối hóa thạch. Đó là một khoảnh khắc đáng nhớ và ước mơ đã trở thành hiện thực. Đây là một trong những bằng chứng quan trọng nhất mà chúng tôi tìm được từ trước đến nay”, ông Yohannes Haile-Selassie, tác giả nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên và Đại học Case Western Reserve cho biết.

Theo tác giả nghiên cứu Beverly Saylor, Giáo sư địa chất và trầm tích tại Đại học Case Western Reserve, hộp sọ anamensis có khả năng thuộc về một người đàn ông được mang đến một con sông sau khi qua đời và bị chôn vùi bởi lớp trầm tích tại vùng đồng bằng.

“MRD sống gần một hồ nước lớn ở khu vực khô ráo. Chúng tôi mong muốn thực hiện nhiều nghiên cứu hơn trong các mỏ này để tìm hiểu môi trường của mẫu vật, mối quan hệ với biến đổi khí hậu và ảnh hưởng của nó đến sự tiến hóa của loài người nếu có”, ông Naomi Levin, đồng tác giả của nghiên cứu từ Đại học Michigan cho biết.

Anamensis và hậu duệ, Lucy cùng tồn tại trong khoảng thời gian ít nhất 100.000 năm. Khám phá này thách thức quan niệm từ lâu về tiến hóa tuyến tính, trong đó một loài biến mất và được thay thế bằng một loài mới. Anamensis có niên đại từ 4,2 đến 3,8 triệu năm trước, được cho là tổ tiên của Lucy nhưng vẫn tồn tại sau khi nhóm Lucy tách khỏi nhánh này.

Một số đặc điểm của hộp sọ này cũng xuất hiện ở một số loài sau đó, trong khi những đặc điểm khác lại có liên quan chặt chẽ với người nguyên thủy lâu đời hơn. “MRD là sự kết hợp của những đặc điểm khuôn mặt và hộp sọ trong giai đoạn nguyên thủy”, ông Haile Selassie nói.

 

Anamensis và afarensis sống ở các khu vực gần nhau, vì vậy các nhà địa chất đang xem xét liệu họ sống tách biệt nhau hay không. Bang Afar là một khu vực địa hình phức tạp và đa dạng, cảnh quan nơi đây có những ngọn đồi cực kỳ dốc, núi lửa, lòng dung nham và rãnh nứt có thể dễ dàng cô lập các quần thể.

Chú thích ảnh
Địa hình khu vực bang Afar (Ethiopia). Nguồn: CNN

“Chúng tôi vẫn nghĩ rằng hai loài này có mối quan hệ hậu duệ tổ tiên, những phát hiện mới này cho thấy hai loài thực sự sống cùng nhau ở bang Afar trong một thời gian khá lâu. Nó thay đổi suy nghĩ của chúng tôi về quá trình tiến hóa và đưa ra những câu hỏi mới, liệu những loài này có tranh giành thức ăn hay lãnh thổ hay không?”, chuyên gia Stephanie Melillo thuộc Viện Nhân chủng học tiến hóa Max Planck, đồng tác giả nghiên cứu nói.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm