Khám phá

Lữ Phụng Tiên: Chân dung “chiến thần vô địch” trong Tam quốc

“Nhân trung Lữ Bố, mã trung Xích Thố” – Đó là câu nói của người đương thời khi nhắc đến mãnh tướng đứng đầu và chiến mã có một không hai trong Tam quốc diễn nghĩa.

Sự thật gây 'sốc' về Tôn Quyền, đế vương 'khủng' bậc nhất thời Tam Quốc / 5 bài học kinh doanh sâu sắc từ Tam Quốc Diễn Nghĩa đến nay vẫn còn nguyên giá trị

Lữ Bố (hay còn gọi là Lã Bố), tự Phụng Tiên, người Cửu Nguyên (nay thuộc Bao Đầu, Nội Mông Cổ), là một dũng tướng nổi tiếng thời hậu Hán trong Tam quốc chí. Ông được miêu tả ‘đầu đội kim quan, mình mặc chiến bào thêu trăm hoa, ngoài phủ giáp thú diện liên hoàn, khí vũ hiên ngang, uy phong lẫm liệt’. Với cây Phương Thiên Họa kích trong tay, ông đã gieo rắc bao nỗi kinh hoàng cho quân địch suốt cuộc đời chinh chiến trên lưng ngựa.

Lúc trẻ, Lữ Bố nhận thứ sử Kinh Châu là Đinh Nguyên làm cha nuôi và theo người này chiến đấu chống giặc Khăn Vàng. Sau này chứng kiến tài năng phi thường của Bố, Đổng Trác sai Lý Túc dùng vàng bạc châu báu và ngựa Xích Thố để dụ dỗ. Thế là Lữ Bố giết Đinh Nguyên và mang đầu sang hàng Đổng Trác. Từ đó thế lực của Trác càng mạnh hơn, thỏa sức làm điều ác.

Với sự phò tá của Lữ Bố, Đổng Trác trở thành một thế lực rất khó bị đánh bại.

“Nghĩa sĩ” Tào Tháo lập mưu ám sát vị thái sư họ Đổng nhưng thất bại, bèn viết hịch kêu gọi các chư hầu cùng liên minh lại chống Đổng Trác. 17 lộ chư hầu hưởng ứng, tôn Viên Thiệu làm minh chủ liên quân, kéo binh về Lạc Dương đánh Đổng Trác, mở đầu cho màn ra mắt của một “chiến thần”. Sở dĩ gọi như thế vì Lữ Bố là nhân vật duy nhất trong Tam quốc có thể một mình đại chiến với nhiều danh tướng khác, khiến quần hùng phải khiếp vía với sức mạnh và võ nghệ vô song.

Hổ Lao quan, Lữ Bố chiến tam anh

Khi tiên phong của quân đồng minh là Tôn Kiên đánh vào Dĩ Thủy quan, Hoa Hùng xung phong đi đầu, đánh bại quân của Kiên và chém liền 2 đại tướng, làm cho liên minh chư hầu thất thế. Giữa lúc này Quan Vũ xin xuất chiến, chém chết Hoa Hùng khiến quân Đổng Trác bại tẩu.

Đổng thái sư phải tự mình dẫn đại quân đến Hổ Lao quan, giao cho Lữ Bố 30 vạn quân đóng trại trước cổng thành. Lúc này tám lộ chư hầu kéo tới, trong lúc giao chiến, Bố dùng kích giết chết 2 danh tướng là Phương Duyệt và Mục Thuận, đánh gãy tay Vũ An Quốc, khiến các chư hầu sợ hãi lui quân.

Khi Công Tôn Toản xông ra, mới đánh với Lữ Bố được vài hiệp đã thua trận bỏ chạy, nhưng không thể nhanh bằng ngựa Xích Thố. Lúc Bố sắp đâm Toản thì Trương Phi xuất hiện, kịp thời giải cứu. Phi và Bố đánh nhau hơn 50 hiệp, lúc Phi sắp thất thế thì Quan Vũ múa đao xông vào trợ chiến. Nhưng đánh thêm 30 hiệp nữa mà cả Phi và Vũ vẫn không thắng được Bố. Thấy thế, Lưu Bị cầm song kiếm xông vào, và thế trận đổi thành 3 đánh 1. Đánh một lúc nữa thì Lữ Bố kiệt sức, phải phi ngựa chạy về trận.

 

Lưu – Quan – Trương phải hợp sức để chống Lữ Ôn Hầu.

Đánh Tào quân, Lữ Bố đơn thân cự sáu đại tướng

Trong trận chiến nhằm chiếm lại thành Bộc Dương từ tay Lữ Bố, Tào Tháo mang theo một đội quân hùng hậu, trong đó có 2 đại tướng sức địch muôn người là Điển Vi và Hứa Chử.

Mưu sĩ Trần Cung khuyên Lữ Bố nên chờ các tướng tụ họp đầy đủ rồi hãy ra trận nhưng Bố không nghe, một mình mang quân ra cự Tào Tháo. Đầu tiên, Tháo sai Hứa Chử ra đánh với Bố, đánh một lúc không thắng được lại sai Điển Vi ra tiếp ứng. Hai người tả hữu giáp công vẫn không xong, Tháo lại sai tiếp Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Uyên, Nhạc Tiến, Lý Điển cùng xông vào. Thế là sáu viên đại tướng vây lại đánh một mình Lữ Bố. Tất nhiên, Bố không phải là thần thánh để có thể thắng được sáu danh tướng nên phải rút lui.

Cũng trong trận này, Lữ Bố trúng mai phục của Tào Tháo. Sáu viên tướng kể trên lại kéo ra bao vây một mình Bố, nhưng một lần nữa Bố lại thoát thân không mấy khó khăn.

Lữ Phụng Tiên luôn một mình tung hoành sa trường mà không hề sợ hãi.

Trong Tam quốc chí, hấp dẫn nhất là những trận chiến một chọi một của các danh tướng. Quan Vũ hay Triệu Vân đã rất nhiều lần lấy mạng tướng địch từ những cuộc đối đầu đó, nhưng chưa có ai một mình lại cầm cự được với 3 hay thậm chí là 6 tướng lĩnh nổi danh như Lữ Bố. Có thể nói những viên tướng mạnh nhất thời này cũng chỉ ngang với Quan Vũ hay Trương Phi, nhưng một mình Lữ Bố lại chống được cả Vũ và Phi cùng lúc, qua đó thấy được năng lực chiến đấu của ông như thế nào. Và suốt đời tung hoành chiến trận, Lữ Bố cũng chưa từng chịu một vết thương, dù là nhỏ nhất.

 

Xuyên suốt lịch sử Trung Hoa, Hạng Vũ thời tiền Hán và Lữ Bố thời hậu Hán được đánh giá là 2 chiến binh mạnh nhất. Đáng buồn, đây đều là những nhân vật hữu dũng vô mưu. Nhưng con người có ai là toàn diện?

Lữ Bố có một điểm mạnh nhưng lại đi kèm với quá nhiều điểm yếu. Vì danh lợi ông giết Đinh Nguyên để theo Đổng Trác, vì nhan sắc ông lại giết Đổng Trác rồi lưu lạc một mình. Khi đứng đầu một phương ông lại không nghe những lời khuyên của Trần Cung để rồi thất bại bởi Tào Tháo. Nổi danh là kẻ phản bội, cuối cùng ông lại chết vì bị phản bội, có chăng đó cũng là báo ứng của số phận. Nhưng, dù đóng vai kẻ xấu thì Lữ Bố cũng là một nhân vật phản diện khiến người ta phải nhắc đến, phải khiếp sợ vì năng lực của một “chiến thần vô địch” trong các trận đánh.

Cặp đôi trai tài gái sắc của thời hậu Hán.

Và người ta thường nói ‘anh hùng sánh mỹ nhân’, chắc hẳn không ai phủ nhận Lữ Bố – Điêu Thuyền là cặp đôi đẹp nhất thời kỳ này. Anh hùng giữa vạn người sánh đôi với một trong “Tứ đại mỹ nhân” Hoa Hạ, hẳn Lữ Bố cũng không có gì tiếc nuối.

1
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm