Lực lượng tăng hùng hậu của Đức Quốc xã bị đánh bại như thế nào trong trận Balaton
Bất ngờ về các phi công “cảm tử” của Đức Quốc xã dùng để đối đầu với Hồng quân / UFO dưới biển Baltic là vũ khí Đức Quốc xã?
Mùa xuân năm 1945, quân đội Liên Xô tiêu diệt các cụm quân địch ở Debrecen và Budapest, tiến về miền Tây Hungary và tạo điều kiện để tiếp tục đà tiến công. Lúc này, đại bản doanh của Bộ Tổng tư lệnh tối cao Liên Xô chỉ thị cho Mặt trận số 2 và số 3 Ukraine thực hiện nhiệm vụ quan trọng nhất: Tấn công theo hướng Vienna (Áo), tiêu diệt cụm Tập đoàn quân phương Nam của Đức Quốc xã và chuyển hướng chiến sự sang miền Nam nước Đức. Nhiều người cho rằng, số phận của quân phát-xít chỉ còn tính bằng ngày, tuy nhiên chúng vẫn chuẩn bị tiến hành đòn tấn công chí mạng.
Mất kiểm soát Hungary đối với Đức Quốc xã đồng nghĩa với việc đánh mất phần lớn nền công nghiệp của chúng. Lúc này, các mỏ dầu cuối cùng ở hồ Balaton cũng đang bị đe dọa. Mặc dù phải bảo vệ Berlin, nhưng Đức vẫn điều động đến đây Tập đoàn quân tăng thiết giáp số 6 thuộc Lực lượng SS. Với sự hỗ trợ của Tập đoàn quân tăng thiết giáp số 2 và Tập đoàn quân dã chiến số 6, Tập đoàn quân tăng thiết giáp số 6 có nhiệm vụ phải đánh bại cánh phía Nam của quân đội Liên Xô và kéo dài cuộc chiến thêm vài tháng.
Các báo cáo của Lực lượng tình báo về việc Đức Quốc xã tập trung phương tiện vũ khí hạng nặng ở khu vực Balaton được giới lãnh đạo Liên Xô đón nhận một cách thận trọng. Tất cả những dự báo đều cho biết, lực lượng quân sự Đức với tính chiến đấu cao phải tập trung lại ở thủ đô Berlin. Tuy nhiên, Nguyên soái chỉ huy Mặt trận số 3 Ukraine Fedor Ivanovich Tolbukhin nhận lệnh không được ngừng việc chuẩn bị tiến công về Vienna, mà phải tổ chức phòng thủ và tiêu diệt kẻ địch. Thuộc quyền quản lý của Mặt trận này có gần 200 chiếc tăng T-34 và Sherman, nhưng không đủ để chống đỡ cuộc tấn công của quân Đức. Ban tham mưu của Nguyên soái Tolbukhin đặt hy vọng vào pháo binh và các binh đoàn bộ binh, bởi những đơn vị này có thể làm suy yếu và ngăn chặn đà tiến công của đối phương.
Ảnh tư liệu. Nguồn: Topwar.ru. |
Trước khi tấn công, hơn 800 xe tăng của Đức và vũ khí cường kích được tập trung ở hồ Balaton. Kế hoạch của quân Đức có tên gọi là “Đánh thức mùa xuân” và tiến hành ba cuộc tấn công đồng thời nhằm giáng đòn chí mạng vào binh sĩ Mặt trận số 3 Ukraine. Chúng sẵn sàng làm tất cả để đạt được mục tiêu này.
Chiến dịch bắt đầu bằng hai đòn tấn công đánh lạc hướng vào rạng sáng ngày 6/3/1945. Tập đoàn quân tăng thiết giáp số 2 của quân đội Đức đã chọc thủng tuyến phòng ngự và tiến vào phía thành phố Kaposvar (Hungary). Cùng lúc, lực lượng đồng minh Đức (các đơn vị Hungary và Bosnia) tấn công từ hướng Nam và chiếm được căn cứ điểm có tầm quan trọng chiến lược trên tả ngạn sông Drava. Đây là điều bất ngờ đối với Bộ tư lệnh của Liên Xô, bởi đòn tấn công chính của quân Đức được dự đoán là từ hướng Bắc. Cuộc tấn công bắt đầu lúc gần 9 giờ sáng. Sau nửa giờ pháo kích dọn đường, những xe tăng hạng nặng bắt đầu xung trận.
Chiến thuật của quân đội Liên Xô được gọi là “Túi hỏa lực”. Quân Đức tiến công mở đường có một tiểu đoàn gồm 2-3 đội pháo, tiểu đoàn này khai hỏa trước nhằm xác định vị trí đối phương và thu hút hỏa lực về phía mình. Tuy nhiên, tại thời điểm xe tăng Đức còn cách hỏa điểm chừng 200 mét, chúng bắt đầu hứng những đòn pháo kích của các đội pháo và pháo tự hành ngụy trang từ các cánh quân. Tấn công phương tiện của kẻ địch từ ba hướng, các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô không những ngăn chặn mũi tiến công bằng xe tăng của lực lượng SS, mà còn gây những tổn thất đầu tiên cho Đức Quốc xã.
Trong khi đó, không gian hẹp giữa hai hồ Balaton và Velence không cho phép Bộ tư lệnh quân Đức tung vào trận toàn bộ Tập đoàn quân tăng thiết giáp số 6. Quân đoàn tăng thiết giáp số 2 của Lực lượng SS chỉ có thể bắt đầu tiến lên vào chiều tối. Lúc đó xe tăng, pháo tự hành và xe vận tải bọc thép của Đức được trang bị các dụng cụ nhìn đêm, thì quân Liên Xô chỉ có tên lửa và đạn pháo sử dụng thuật hỏa công. Sau một ngày đêm chiến đấu, Hồng quân Liên Xô buộc phải bỏ lại khu dân cư quan trọng Seregelyes nằm ở phía đông hồ Velence. Tuy nhiên, việc chọc thủng sâu vào tuyến phòng ngự của đối phương đã không xảy ra. Quân Đức đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình.
Sang ngày thứ hai của chiến dịch, các phương tiện của Đức tiến vào phía Đông khu dân cư Seregelyes, cũng như vào các trận địa của Quân đoàn tăng thiết giáp số 18 của Liên Xô. Lúc đó, Nguyên soái Fedor Tolbukhin ra lệnh tổ chức phản công với sự tham gia của toàn bộ quân dự bị của Quân đoàn, bao gồm 20 xe tăng T-34 đã được tu sửa. Đỡ đòn tấn công của Hồng quân Liên Xô có pháo tự hành của Đức Quốc xã gồm: Nashorn, Marder, Jagdpanther và StuG.
Mãi đến ngày thứ ba của chiến dịch, quân Đức mới chọc thủng được tuyến phòng ngự chính và tiến sát đến phòng tuyến cuối cùng. Lúc này, đội tiền tiêu chỉ còn cách thành phố Dunafoldvar và sông Danube gần 25 km. Nguyên soái Tolbukhin khi đó tăng cường thêm cho Quân đoàn số 18 bằng lực lượng pháo tự hành và điều động đơn vị này sang chặn mũi tấn công của quân Đức. Đây là một trận chiến tử thù. Xe tăng khai hỏa từ những khoảng cách gần và mạng sống của các kíp tăng phụ thuộc vào sự đáp trả và độ chính xác của từng phát bắn. Xe tăng T-34 có hai lợi thế quan trọng: Áp lực riêng lên mặt đất và tốc độ xoay tháp pháo rất tốt. Trong khi các phương tiện của Đức bị sa bùn lầy và xoay pháo chậm, thì xe tăng Liên Xô thường xuyên bắn trúng chúng bằng đạn xuyên thép. Quân Đức tháo chạy, bỏ lại trên chiến trường 10 xe tăng bị phá hủy và 14 chiếc bị bắn hỏng. Đây là chiến thắng xe tăng đầu tiên của Hồng quân Liên Xô trong chiến dịch Balaton.
Tuy nhiên, trên những khu vực khác thì chiến tích lại khiêm tốn hơn nhiều. Kẻ thù tiếp tục tấn công. Nguyên soái Tolbukhin buộc phải cầu viện binh từ Mặt trận số 2 Ukraine, nhưng bị từ chối. Sáng ngày 9/3/1945, quân Đức tấn công theo hướng Tây Nam. Tham gia cuộc tấn công này có đến 450 xe tăng và vũ khí cường kích, cũng như hàng trăm xe vận tải bọc thép, gây đảo lộn cho tuyến phòng ngự của Quân đoàn bộ binh cận vệ số 35 của Liên Xô. Nguyên soái Fedor Tolbukhin ra lệnh tung vào trận toàn bộ quân dự bị của hai Tập đoàn quân đang đóng tại khu vực. Phát hiện thấy xe tăng Liên Xô tiến đến, quân Đức ngăn chặn sự tấn công ồ ạt và bắt đầu tìm kiếm những điểm yếu trong phòng thủ. Thời gian cứ trôi, lực lượng Hồng quân càng lúc càng đông. Các đội pháo binh chiếm lĩnh trận địa, trong khi vẫn đảm bảo lợi thế về quân số. Để giảm thiểu tổn thất, các chỉ huy Lực lượng SS của Đức Quốc xã quyết định hoãn tấn công sang ban đêm, nhưng tất cả diễn ra không theo kế hoạch. Màn đêm buông xuống là lúc quân Đức bắt đầu tấn công, bỗng nhiên những ngọn đèn pha tầm cao của quân đội Liên Xô bật sáng. Những kíp xe tăng của Đức không những không có được lợi thế, mà còn thị lực ngắm mục tiêu bị kém hơn so với lính tăng và pháo thủ đối phương. Vì vậy, ngày hôm đó và những ngày tiếp theo, quân Đức không thể nào tiến vào khu vực sông Danube.
Trận chiến Balaton trở thành chiến dịch phòng thủ lớn cuối cùng của Hồng quân Liên Xô. Quân đội Xô viết không những đẩy lùi cuộc tấn công của lực lượng tăng thiết giáp hùng hậu nhất tại thời điểm đó, mà còn triển khai một chiến dịch tấn công được kết thúc bằng việc quân Đức tháo chạy hoàn toàn khỏi Hungary. Quân đội Đức Quốc xã cạn kiệt nhiên liệu, lực lượng xe tăng của quân phát-xít vì thế cũng chấm dứt sự tồn tại. Trên thực tế, chúng không còn sức mạnh quân sự để tiếp tục bảo vệ Berlin nữa.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giải mã về sinh vật bí ẩn cao 8m xuất hiện tại rừng rậm Nam Mỹ, từng bị nghi là người ngoài hành tinh
Việt Nam phát hiện loại gỗ quý hiếm bậc nhất thế giới, trị giá hơn 600 tỷ đồng, là gỗ gì?
Loài thằn lằn giống rắn hồi sinh kì diệu sau 40 năm bị tuyệt chủng khiến các nhà khoa học kinh ngạc
Vị tướng mạnh nhất Tam Quốc không phải là Lữ Bố hay Triệu Vân mà là hắn
Tôn Ngộ Không thành Phật mới hay có một nữ yêu khiến ngay cả Như Lai cũng phải kiêng dè, cung kính, nàng là ai?
Vị đại tướng đốt toàn bộ bản kiểm điểm của các cán bộ, là huyền thoại được đích thân Bác Hồ đặt bí danh