Khoảng 2% bộ gen của những người không sống ở châu Phi có nguồn gốc từ người Neanderthal, trong khi có rất ít bằng chứng cho thấy điều ngược lại.
Một bài báo mới đăng trên tạp chí Palaeo Anthropology đề xuất rằng việc hòa huyết với người Homo sapiens có thể đã làm giảm sự giao phối giữa người Neanderthal với nhau, dẫn đến sự tuyệt chủng của họ.
Cho đến nay, tuy chỉ có 32 bộ gen của người Neanderthal đã được giải trình tự, bỏ ngỏ khả năng việc không tìm thấy DNA của người Homo sapiens trong bộ gen của người Neanderthal là do việc lấy mẫu ngẫu nhiên, các tác giả bài báo vẫn hy vọng rằng những tiến bộ trong công nghệ giải trình tự gen sẽ xác quyết giả thuyết này bằng cách tạo ra thêm nhiều bộ gen.
Tác giả của bài báo là GS Chris Stringer, Trưởng nhóm nghiên cứu về Sự tiến hóa của loài người ở Bảo tàng Lịch sử tự nhiên, London, cùng đồng nghiệp là TS Lucile Crété.
Chris nói, "Chúng tôi cho rằng nếu người Neanderthal thường xuyên giao phối với người Homo sapiens thì hành vi này sẽ dẫn tới sự tuyệt chủng của họ, khiến dân số của họ giảm dần cho tới khi biến mất."
Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa người Neanderthal và Homo sapiens
Khoảng 600.000 năm trước, người Neanderthal và người Homo sapiens sống tách biệt và tiến hóa ở những khu vực rất khác nhau trên thế giới.
Hóa thạch của người Neanderthal được phát hiện trên khắp châu Âu và châu Á, đến tận miền nam Siberia. Người ta tin rằng họ đã trải qua ít nhất 400.000 năm để tiến hóa trong môi trường này, thích nghi với khí hậu chủ yếu là lạnh hơn so với ngày nay. Trong khi đó, tổ tiên Homo sapiens của loài người chúng ta lại tiến hóa ở châu Phi. Hiện tại vẫn chưa chắc chắn liệu người Homo sapiens có phải trực hệ của tông người hominin châu Phi cổ đại, hay là kết quả của sự pha trộn giữa các nhóm khác nhau trải khắp lục địa. Từ dữ liệu di truyền, dường như hai loài gặp nhau lần đầu khi người Homo sapiens thi thoảng rời khỏi châu Phi khoảng 250.000 năm trước.
Rào cản ngôn ngữ có thể sâu sắc hơn do các thuộc tính riêng của cả hai loài. So sánh người Neanderthal và người Homo sapiens cho thấy họ có bộ não và bộ máy phát âm khác nhau. Bộ gen của người Neanderthal cũng cho thấy gần 600 gen biểu hiện khác nhau giữa hai loài, nhất là những gen liên quan đến khuôn mặt và giọng nói.
Điểm khác biệt nổi bật khác là trán: trán người Neanderthal có gờ xương mày nhô ra có thể dùng để biểu đạt những tín hiệu trong giao tiếp xã hội. Tuy nhiên, những tín hiệu mà gờ xương này cố truyền tải có thể đã mất đi ở tổ tiên chúng ta. Một số nghiên cứu cho rằng gờ xương mày nhỏ đi cho phép người Homo sapien chuyển sang dùng lông mày để truyền đạt những tín hiệu tức thời, tinh vi hơn.
Dù thế nào, những cuộc gặp này cuối cùng đã dẫn đến việc hai loài giao phối với nhau, nhưng chính xác điều này diễn ra như thế nào vẫn còn là bí ẩn.
Việc giao phối giữa người Neanderthal và người Homo sapiens
Chúng ta biết rằng loài người chúng ta đã lai với người Neanderthal kể từ khi bộ gen đầu tiên của người Neanderthalđược giải trình tự.
Tuy nhiên, các gen của người Neanderthal tồn tại trong chúng ta ngày nay không phải là kết quả của những tương tác hiếm hoi giữa hai bên khi người Homo sapien rời châu Phi lần đầu. Thay vào đó, chúng đến từ những cuộc di cư lớn hơn nhiều mà người hiện đại sơ khai tiến hành vào khoảng 60.000 năm trước.
Việc giao phối vào thời điểm này có thể là kết quả khi hai bên tìm hiểu nhau hoặc có thể theo cách kém thân thiện hơn. Những cuộc chạm trán giữa những nhóm tinh tinh, họ hàng gần nhất còn sống của chúng ta, cho thấy bằng chứng của cả hai loại hành vi.
Việc lai giống có thành công hay không phụ thuộc vào chính cặp đôi phối giống. Cho đến nay không có bằng chứng về sự di truyền của người Homo sapiens trong bộ gen của người Neanderthal Muộn có niên đại từ 40–60.000 năm trước. Điều này có thể là do bản thân quá trình lai giống, như một số loài chỉ có thể sản sinh đời sau theo những hướng nhất định. Chẳng hạn, cây Capsella rubella có thể thụ phấn cho hạt của cây Capsella grandiflora, nhưng không diễn ra chiều ngược lại.
Người hiện đại thiếu DNA ty thể (di truyền qua nữ giới) từ người Neanderthal. Đây được cho là bằng chứng về việc chỉ đàn ông Neanderthal và phụ nữ Homo sapiens mới có thể giao phối, nhưng cũng có một số bằng chứng cho thấy khả năng sinh sản ở đàn ông lai có thể kém hơn so với phụ nữ lai.
Do tình trạng ít người Neanderthal giao phối với nhau hơn và quy mô nhóm vốn đã nhỏ và rải rác, sự lai giống vượt ra ngoài các nhóm thuộc họ Neanderthal có thể đã đẩy loài người này đến chỗ suy giảm. Tuy vậy, cho tới nay vẫn chưa đủ bằng chứng để xác quyết đâu là nguyên nhân.
“Chúng tôi không biết liệu việc di truyền rõ ràng chỉ có một chiều là do quá trình lai tạo đã diễn ra nhưng không thành công, hay do những bộ gen của người Neanderthal mà chúng tôi có không mang tính đại diện,” Chris nói.
"Khi có thêm nhiều bộ gen của người Neanderthal được giải trình tự, chúng ta có thể xem liệu có DNA hạt nhân nào từ người Homo sapiens được truyền cho người Neanderthal hay không, và chứng minh được liệu ý tưởng này chính xác hay không", Chris nói.
Những nghiên cứu trong tương lai cũng có thể khám phá các câu hỏi tương tự về một tông người hominin khác là người Denisovan, như thế chúng ta sẽ hiểu rõ hơnvề cách giống loài của chúng ta tương tác với các họ hàng gần nhất như thế nào.
Theo Phương Anh/Khoa học & Phát triển