Ly kỳ sứ thần Việt được vua Thanh ban biển vàng khen thưởng
Trong lịch sử ngoại giao của các triều đại phong kiến Việt Nam có nhiều vị sứ thần khiến phương Bắc nể phục. Tuy nhiên được vua “Thiên triều” ban biển vàng khen thưởng thì không mấy được như sứ thần Phạm Kim Kính.
Trăn vua 'bất lực' nhìn kỳ đà cắn nát thân mình / Kinh khủng đàn kiến "ăn thịt người" khiến vua sư tử "run bắn"
Quê hương và gia thế vị sứ thần họ Phạm
Sứ thần Phạm Kim Kính còn có tên khác là Phạm Đình Kính, quê ở làng Vĩnh Lại, tên nôm là làng Si, xã Cổ Sư, huyện Thiên Bản, phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam (nay là thôn Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).
Ông nội của Phạm Kim Kính là Phạm Phúc Quảng (còn gọi là Phạm Đức Quảng), một võ tướng có công trong đánh giặc, giữ yên biên cương phía Nam, lại có công chiêu dân, lập ấp ở vùng Ma Linh (sau đổi là Minh Linh, thuộc phía Bắc tỉnh Quảng Trị ngày nay). Cha của Phạm Kim Kính là Phạm Thuần Hậu làm Thừa chính sứ Lạng Sơn, có công giúp dân khắc phục cảnh đồng chiêm chũng, mở trường khuyến khích việc học tập.
Theo sách Nam Định tỉnh địa dư chí của Đốc học Nam Định thời Nguyễn là Nguyễn On Ngọc soạn cho biết: “Ông của Phạm Kim Kính là Phạm Đức Quảng, trước làm Tán vị công thần, Đặc tiến phụ quốc Thượng tướng quân, phong tặng Đặc tiến kim tử vinh lộc đại phu. Cha của Phạm Kim Kính là Phạm Thuần Hậu, trước làm Quang tiến thân lộc đại phu, Trinh Nghĩa nam, tặng Cung hiển đại phu, sau tặng thêm Đặc tiến Lễ bộ Tả thị lang, Cẩm Phú hầu, kim tử vinh lộc đại phu, Hộ bộ Tả thị lang, Trinh Nghĩa hầu”.
Phạm Kim Kính sinh ngày 16 tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1669), tuy nhiên trong sách Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược do Khiếu Năng Tĩnh, tiến sĩ thời Nguyễn soạn thì ông sinh năm Qúy Hợi (1683) và kèm theo giai thoại lạ như sau: “Ông là người xã Cổ Sư, huyện Thiên Bản, trước khi ra đời thân phụ, thân mẫu mơ thấy có ông già cho một cái gương; đến giờ Tý ngày 16 tháng Giêng năm Qúy Hợi (1683) La phu nhân sinh ra ông, thân phụ bèn đặt tên cho là Kim Kính (gương sáng)”.
Phạm Kim Kính có một bài thơ nói về quê của ông như sau:
Tự Tượng Lâm lai Tây Hán tiên,
Chí Thiên Bản địa lập trang điền.
Ngũ gia hải xứ giai nông hộ,
Thiên tải bần trung tạo hiếu nguyên.
Cự Hán, Bạch công tiêu đại kính,
Phong thần Đinh chủ tác tiền xuyên.
Hữu công ư quốc ư dân tại,
Vạn cổ thanh danh nhật nguyệt huyền.
Nghĩa là:
Từ Tượng Lâm về thời Tây Hán,
Đến vùng Thiên Bản lập trang điền.
Năm nhà nơi biển đều cày cấy,
Ngàn thuở trong nghèo giữ hiếu hiền.
Chống Hán, Bạch công nêu nghĩa lớn,
Phong thần Đinh chúa định ngôi trên,
Với dân với nước công lao lớn,
Rực rỡ thanh danh nối tiếp truyền.
(Dương Văn Vượng dịch)
Vinh quy bái tổ. (Hình minh họa – Nguồn: dogoxuavanay.vn). |
Từ nhỏ Phạm Kim Kính là người học giỏi có tiếng, ngoài 20 tuổi ông thi đỗ Hương cống, do được tập ấm của cha nên được bổ làm một chức quan nhỏ. Năm Qúy Mùi (1703) triều đình mở kỳ thi Sĩ vọng để tuyển chọn những người có danh vọng trong giới sĩ phu, ông dự thi và là một trong 20 người trúng tuyển, sau đó được bổ làm Tri phủ Nghĩa Hưng.
Năm Canh Dần (1710) đời Lê Dụ Tông, triều đình mở khoa thi Hội, ông khi đó ngoài 40 tuổi tham gia ứng thí và đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.
Phạm Kim Kính làm quan trải nhiều chức vụ, sau lên đến chức Lễ bộ Thượng thư, Tham tụng, rồi Binh bộ Thượng thư kiêm Đông các đại học sĩ Nhập thị kinh diên.
Ông có công mở chợ, đào sông, khơi ngòi, bắc cầu, sửa chùa, dạy nghề đan cót cho dân làng, phát triển kinh tế quê hương. Khi về trí sĩ, ông được phong tước Lại quận công. Ông nổi tiếng giỏi thơ văn, là người có danh vọng, được các sĩ phu đương thời kính trọng.
Một vị quan có tiếng trong triều là Phạm Khiêm Ích và cũng là người bạn đỗ cùng khoa với Phạm Kim Kính có bài bằng chữ Nôm ca ngợi ông như sau:
Mấy người quan cách lại như ông,
Biết cảnh dân cùng nỗi khổ chung.
Lương thiện lấy đâu cơm áo đủ,
Thấp hèn nào được sử kinh thông.
Bào đỏ xênh xang người thẹn bóng,
Lầu cao chót vót bước xem ngông.
Tâu vua chẳng xét than đời loạn,
Về với quê hương chốn ruộng đồng.
Phạm Kim Kính mất tại quê hương vào ngày 22 tháng 11 năm Đinh Tị (1737). Sau khi mất, triều đình nghĩ đến công lao đã truy tặng ông hàm Thiếu bảo, phong làm phúc thần làng Vĩnh Lại.
Sứ thần dâng biểu. (Hình minh họa – Nguồn: trithucvn.net). |
Năm Quý Mão (1723) Phạm Kim Kính được cử làm Phó sứ trong đoàn sứ bộ sang phương Bắc mừng vua Thanh Thế Tông (tức Ung Chính) lên ngôi. Sách Đại Việt sử ký tục biên cho biết: “Sai sứ sang nhà Thanh. Chính sứ là Phạm Khiêm Ích, sang mừng vua Thanh mới lên ngôi, Phó sứ là bọn Nguyễn Huy Nhuận, Phạm Đình Kính”.
Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục viết rõ hơn như sau: “Quý Mão, năm thứ 4 (1723). (Thanh, Thế Tông, năm Ung Chính thứ nhất)… Tháng 10, mùa đông… Sai sứ thần sang nhà Thanh. Chánh sứ là Phạm Khiêm Ích sang mừng việc Thanh Thế Tông lên ngôi; phó sứ là bọn Nguyễn Huy Nhuận và Phạm Đình Kính sang dâng lễ tuế cống và tạ ơn việc nhà Thanh ban cho lụa hoa”.
Chuyến đi sứ này kéo dài trong 3 năm, trong thời gian ở phương Bắc, đoàn sứ thần đã làm rất tốt việc bang giao, làm vẻ vang cho đất nước. Đầu năm Bính Ngọ (1726) đoàn sứ thần về nước, được vua Thanh trọng đãi ban thưởng, cấp thuyền để đi, lại gửi tặng vua Lê 4 chữ ngự đề do tự tay Ung Chính viết: “Nhật Nam tế độ” (Đời đời nối ngôi vua ở nước Nam) và 3 bộ sách quý là Bội văn vận phủ, Uyên giám loại hàm và Cổ văn uyên giám.
Chân dung vua Ung Chính (Thanh Thế Tông).(Hình minh họa – Nguồn: vi.wikipedia.org). |
Sách Nam Định tỉnh địa dư chí thì viết: “Sinh thời, ông có danh vọng lớn đối với các sĩ phu, đi sứ Trung Quốc đối đáp thông minh, được Thiên triều khen thưởng. Vua Thanh ban cho ông biển vàng đề 4 chữ: “Vạn thế vĩnh lại” và một câu đối như sau:
Mưu đồ tư tựu, sứ hồ sứ hồ kiêm ngũ phủ,
Dực vi minh thính, thần tai thần tai khâm tứ lân.
Nghĩa là:
Mưu tính hỏi bàn, sứ kia sứ kia gồm năm phủ,
Giúp làm tai mắt, tôi ấy tôi ấy kính bốn phương.
Vua Thanh lại ban cho ông áo hoa hột vàng để khi về thêm tôn vinh”.
Đoàn sứ thần. (Hình minh họa – Nguồn: khamtrai.vn). |
Sau này bàn luận công trạng phụng mạng đi sứ, thăng Khiêm Ích chức tả thị lang bộ Hộ, tước Thuật quận công; Nguyễn Huy Nhuận chức tả thị lang bộ Hình, tước Triệu quận công; Phạm Đình Kính chức hữu thị lang bộ Binh, tước Lại khê hầu”.
Đến cuối năm Kỷ Dậu (1729) triều đình lại cử sứ bộ sang nhà Thanh, một lần nữa Phạm Đình Kính được cử làm thành viên, tuy không giữ vai trò chính nhưng ông đã có nhiều ý kiến giúp cho chuyến đi sứ lần này đạt kết quả tốt. Khi trở về nước, ông cùng thành viên đoàn sứ bộ được ban thưởng, năm Qúy Sửu (1733) xét thấy Phạm Đình Kính có nhiều công trạng, triều đình đã thăng cho ông chức Binh bộ Thượng thư, Tham tụng kiêm Đông các đại học sĩ Nhập thị kinh diên, được gần gũi bàn việc cơ mật với vua chúa.
Theo kienthuc.net.vn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo