Khám phá

Mẫu hóa thạch người tiền sử thách thức thuyết tiến hóa hiện nay

Một mẫu hóa thạch có niên đại 7,2 triệu năm tuổi thuộc về người tiền sử đang khiến các nhà khoa học phải cân nhắc khả năng sự phân tách nòi giống con người diễn ra ở khu vực Đông Địa Trung Hải chứ không phải như giả định hiện nay là ở châu Phi.

Hóa thạch thằn lằn 300 triệu năm tuổi được tìm thấy ở Canada / Khu rừng hóa thạch lâu đời nhất thế giới vừa được tìm thấy ở New York

Mới đây, các nhà khoa học quốc tế do Đại học Toronto (Canada) đứng đầu đã đưa ra một giả thuyết mới cho sự khởi đầu của lịch sử nhân loại sau khi tiến hành phân tích các mẫu hóa thạch mới trên, được phát hiện tại khu vực Balkans và có niên đại 7,2 triệu năm tuổi.
Mẫu hóa thạch hàm dưới được tìm thấy ở Pyrgos Vassilissis, Hy Lạp.
Ông Jochen Fuss, người cùng tham gia nghiên cứu, nói: "Chúng tôi rất ngạc nhiên về kết quả nghiên cứu bởi trước đây chúng ta đều cho rằng người tiền sử chỉ có thể đến từ vùng hạ Sahara ở châu Phi".

Cho đến nay, giới khoa học vẫn giả định rằng loài khỉ lớn và loài người đã phân tách từ 5-7 triệu năm trước và người tiền sử đầu tiên xuất hiện ở châu Phi.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích 2 mẫu hóa thạch Graecopithecus freybergi thuộc họ người hominid - một mẫu hàm dưới tìm thấy ở Pyrgos Vassilissis, Hy Lạp và một mẫu răng tiền hàm trên tìm thấy ở Azmaka, Bulgaria.

Tờ Daily Mail đưa tin rằng bằng phương pháp scan, các nhà khoa học đã dựng được cấu trúc hình ảnh bên trong của hóa thạch và chứng minh rằng nguồn gốc của mẫu răng tiền hàm trên bị pha trộn nhiều.

Trong khi đó, hàm dưới (hay “El Graeco” - cách gọi của các nhà khoa học) có các đặc điểm nguồn gốc bổ sung về răng, cho thấy Graecopithecus freybergi có thể thuộc nòi giống người tiền sử.

Giáo sư Madelaine Böhme, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết: “Trong khi loài khỉ lớn có 2 hoặc 3 nguồn gốc riêng biệt và tách rời, nguồn gốc của Graecopithecus tập trung và bị pha trộn một phần - đặc trưng của người hiện đại và một số người tiền sử bao gồm người Ardipithecus và Australopithecus”.

Kết quả phân tích cho thấy các mẫu hóa thạch Graecopithecus có niên đại 7,24 và 7,175 triệu năm - cao hơn vài trăm nghìn năm so với người tiền sử được cho là lâu đời nhất đến từ châu Phi đó là người Sahelanthropus xuất hiện ở Chad từ 6-7 triệu năm trước.

Giáo sư David Begun, đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết thêm: "Niên đại này cho phép chúng ta đưa ra giả thuyết rằng người-tinh tinh đã chia tách từ khu vực Địa Trung Hải."

Các nhà nghiên cứu tin rằng những thay đổi đáng kể của môi trường có thể đã ảnh hưởng đến sự tiến hóa của người tiền sử.

Theo đó, căn cứ vào phân tích địa chất của các trầm tích nơi tìm thấy hai mẫu hoá thạch trên, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng sa mạc Sahara ở Bắc Phi xuất hiện cách đây hơn 7 triệu năm trước.
Sử dụng kỹ thuật scan, các nhà khoa học có thể quan sát phần chân răng của hóa thạch.
Kết quả phân tích cũng cho thấy, mặc dù nằm cách xa Sahara, nhưng các mẫu phân tích urani, thori và các đồng vị chì trong các hạt bụi riêng lẻ lấy tại khu vực trên cho thấy chúng có niên đại từ 0,6-3 tỷ năm, đồng thời có nghĩa rằng chúng có nguồn gốc ở Bắc Phi. Ngoài ra, bùn lắng cũng có hàm lượng cao các loại muối khác nhau.

Các nhà nghiên cứu cho biết: "Những tài liệu này cho thấy sa mạc Sahara bắt đầu mở rộng cách đây 7,2 triệu năm, sau đó những cơn bão sa mạc đã cuốn những hạt bụi đỏ, mặn đến bờ Bắc của Địa Trung Hải".

Ngoài ra, việc các nhà khoa học tìm thấy nhiều hạt khoáng vốn có nguồn gốc từ đồng cỏ nhiệt đới và thảo nguyên thông qua nghiên cứu các mảnh phân tử của than và hạt thực vật có trong các mẫu trầm tích tại Balkans cho thấy vào thời điểm trước khi sa mạc Sahara phát triển ở Bắc Phi, châu Âu từng là một vùng thảo nguyên rộng lớn. Nghiên cứu này cũng đánh dấu lần đầu tiên các loại cỏ này được phát hiện ở châu Âu.
Đồ họa về khuôn mặt của người tiền sử Sahelanthropus có mặt trên Trái Đất từ 7 triệu năm trước, được phát hiện hóa thạch tại Chad.
Giáo sư Nikolai Spassov, người cùng tham gia nghiên cứu, cho rằng: "Chúng tôi đã tái tạo lại một thảo nguyên, phù hợp với những con hươu cao cổ, linh dương, linh dương và tê giác được tìm thấy cùng với người Graecopithecus".

Giáo sư Böhme nói thêm: "Việc hình thành sa mạc ở Bắc Phi cách đây hơn 7 triệu năm và sự mở rộng của các thảo nguyên ở Nam Âu có thể đã đóng vai trò trung tâm trong việc phân chia nòi giống con người và tinh tinh".

Bà gọi giả thuyết này là “Câu chuyện phía Bắc”, gợi nhớ đến luận điểm trước đây của nhà cổ sinh vật học người Pháp, Yves Coppens, được biết đến với tên gọi “Câu chuyện phía Đông”.
QUÁ TRÌNH TIẾN HÓA PHỨC TẠP CỦA LOÀI NGƯỜI 55 triệu năm trước - Động vật linh trưởng đầu tiên tiến hóa
15 triệu năm trước - Hominidae (loài khỉ lớn) tiến hóa từ tổ tiên của loài vượn.
8 triệu năm trước - Lần đầu tiên loài khỉ tiến hóa. Sau đó, tinh tinh và con người phân tách.
5,5 triệu năm trước - Ardipithecus, người nguyên thủy có chung đặc điểm với tinh tinh và khỉ.
4 triệu năm trước - Vượn người Australopithecines xuất hiện. Chúng có bộ não không lớn hơn của tinh tinh, nhưng có nhiều đặc điểm giống người hơn.
3.9-2.9 triệu năm trước - người Australoipithecus afarensis sống ở Châu Phi.
2,7 triệu năm trước - người Paranthropus sống trong rừng, có hàm răng to để nhai.
2,3 triệu năm trước - người Homo habalis đầu tiên được cho là xuất hiện ở châu Phi.
1,85 triệu năm trước - Bàn tay "hiện đại" đầu tiên xuất hiện.
1,8 triệu năm trước - người Homo ergaster bắt đầu xuất hiện trong hồ sơ hóa thạch.
1,6 triệu năm trước - Rìu tay trở thành sự đổi mới công nghệ lớn đầu tiên.
800.000 năm trước - Người nguyên thủy kiểm soát lửa và tạo ra bếp lửa. Kích thước não tăng nhanh.
400.000 năm trước - người Neanderthal đầu tiên bắt đầu xuất hiện, tỏa rộng khắp châu Âu và châu Á.
200.000 năm trước - người Homo sapiens - người hiện đại - xuất hiện ở châu Phi.
40.000 năm trước - Người hiện đại đến châu Âu.
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm