Các nhà nghiên cứu thuộc Viện Pháp về khảo cổ học Đông phương tại Cairo và Đại học Liverpool (Anh) đã tìm được phần còn lại của một hệ thống nằm trên bờ dốc có niên đại 4.500 năm tuổi.
Địa điểm khai quật là một mỏ đá cổ tên Hatnub, nằm lọt thỏm bên trong sa mạc phía đông thuộc phạm vi sa mạc Sahara ở phía đông sông Nile. Theo trang Live Science, thiết kế của con dốc này cho thấy nó từng được sử dụng để kéo những khối đá lớn lên một con dốc nhờ vào các công cụ như xe kéo và dây thừng.
Dọc theo hệ thống này là hai cầu thang được gia cố bằng các lỗ trụ, điểm nhiều khả năng dùng để buộc dây thừng cách đây nhiều ngàn năm và kéo những khối đá khổng lồ. Thiết kế như vậy giúp giải tỏa phần nào sức nặng đè lên vai những người lao động tại xưởng đá khi cần di chuyển đá để xây kim tự tháp.
“Hệ thống này bao gồm một đường dốc trung tâm, hai bên là cầu thang với vô số lỗ trụ”, theo chuyên gia Yannis Gourdon, đồng chỉ huy sứ mệnh khai quật tại Hatnub.
“Với việc sử dụng xe kéo chở theo khối đá và được buộc vào dây thừng dọc theo các trụ gỗ, người Ai Cập cổ có thể kéo những khối đá (vừa được khai thác) khỏi khu mỏ trên những con dốc nghiêng 20% hoặc hơn (ít nhất 11%)”, các nhà nghiên cứu phân tích.
Đội ngũ chuyên gia cho hay đây là lần đầu tiên họ tìm được một hệ thống con dốc dùng để vận chuyển đá, với các dấu hiệu cho thấy nó có niên đại “ít nhất từ thời pharaoh Khufu trị vì”, tức lọt vào thời điểm đại kim tự tháp Giza được xây dựng. Giới khảo cổ học nhất trí cho rằng công trình này, còn được đặt theo tên pharaoh là kim tự tháp Khufu, được xây trong vòng 20 năm, bắt đầu từ khoảng năm 2560 trước Công nguyên.
Phát hiện mới là một trong những nỗ lực gần đây nhất của các nhà nghiên cứu thế giới nhằm giải mã phần nào những bí ẩn vẫn đang bao phủ các kim tự tháp Ai Cập.