Khám phá

Một bộ tộc Ấn Độ săn bắt rắn khổng lồ ở Florida

Mỗi buổi sáng, 2 thợ săn rắn Masi Sadaiyan và Vadivel Gopal thuộc bộ tộc Irula của Ấn Độ rời khỏi nhà để đến công viên quốc gia Everglades miền nam bang Florida (Mỹ) săn bắt một số loài rắn to lớn nhất thế giới.

Gặp phải ‘quái thú có áo giáp sắt’, rắn hổ mang cực độc đành phải giả chết để tránh bị tấn công / Giải đáp bí ẩn về cách loài rắn Chrysopelea bay trong không trung

Masi Sadaiyan và Vadivel Gopal là dân bắt rắn chuyên nghiệp, chỉ sử dụng xà beng và dao rựa. Loài trăn khổng lồ Myanmar (gọi là trăn đất) là mối đe dọa cho quần thể động vật có vú nhỏ cũng như tính đa dạng sinh học trong công viên Everglades. Năm 2005, một con trăn Myanmar khổng lồ cố nuốt trọn một con cá sấu đến mức bị nổ bụng và cả 2 cùng chết.

Kể từ khi những con trăn Myanmar được phát hiện trong đời sống hoang dã cách đây hơn 2 thập niên, các chính quyền cố gắng tìm bắt chúng song không mấy thành công. Người ta sử dụng mọi biện pháp có thể được: dùng con trăn này để dụ con trăn khác vào mùa giao phối, dùng mồi tẩm độc hay thậm chí trao tiền thưởng cao cho bất cứ ai bắt được trăn khổng lồ.

Năm 2016, khoảng 1.000 người tham gia cuộc thi săn trăn khổng lồ kéo dài 1 tháng và kết quả là họ bắt được 106 con. Tháng 1-2017, hai thợ săn bộ tộc Irula bắt được 27 con trăn trong đó có 1 con trăn cái dài 5 mét trong khu căn cứ tên lửa bỏ hoang ở Key Largo bang Florida.

Masi Sadaiyan (trái) và Vadivel Gopal bắt được con trăn cái dài 5 mét trong khu căn cứ tên lửa bỏ hoang ở Key Largo bang Florida.

Frank Mazzotti, nhà sinh học Đại học Florida lãnh đạo nhóm nhà nghiên cứu điều tra về loài trăn Myanmar, cho biết: "Hai thợ săn Masi Sadaiyan và Vadivel Gopal làm được một công việc khó tin. Họ có biệt tài xác định nhanh chóng nơi trăn ẩn náu. Thậm chí, họ có thể nhìn thấy con trăn khi nó núp bên dưới lớp cỏ rậm".

Tờ Miami Herald cho rằng, người bộ tộc Irula sở hữu những kỹ thuật săn bí mật. Còn nhà nghiên cứu loài bò sát Rom Whitaker mô tả người bộ tộc Irula là "những thợ săn rắn giỏi nhất" thế giới: "Họ di chuyển thật chậm, tập trung quan sát những con lộ hay con đê là những nơi trăn thường nằm phơi nắng. Người bộ tộc Irula tin rằng những tảng đá hay bụi cỏ cao nằm dọc theo con đê là những địa điểm săn trăn lý tưởng nhất".

Hai thợ săn rắn chuyên nghiệp Masi và Vadivel thường đi sang nhiều nước để bắt rắn theo yêu cầu từ các chính quyền. Vừa qua, hai thợ săn này được Ủy ban Bảo tồn Đời sống hoang dã và cá Florida trả gần 70.000 USD cho 2 tháng bắt rắn. Đôi khi họ làm việc cả vào ban đêm. Tháng 7-2016, Masi Sadaiyan và Vadivel Gopal bay đến Thái Lan để giúp các nhà khoa học cấy thiết bị phát tín hiệu radio lên thân loài bò sát phục vụ nghiên cứu và cuối cùng họ bắt được 2 con rắn hổ chúa.

Ở Ấn Độ, Masi và Vadivel là thành viên một hợp tác xã bắt rắn lấy nọc bán cho các phòng thí nghiệm khoa học. Ấn Độ là quê hương của 50 loài rắn độc và những vết cắn của chúng giết chết khoảng 46.000 người mỗi năm tại nước này - chiếm gần một nửa số vụ chết do rắn độc cắn trên toàn thế giới.

Người bộ tộc Irula được chính quyền cấp phép bắt rắn.

Người bộ tộc Irula có truyền thống săn bắt rắn và thằn lằn để lột lấy da bán ra thị trường cho đến khi loại hình kinh doanh này bị chính quyền Ấn Độ cấm từ năm 1972. Một thập niên sau đó, họ chung tay thành lập một hợp tác xã gần thành phố Chennai miền nam Ấn Độ chuyên bắt các loài rắn độc - chủ yếu là hổ mang, cạp nong, hổ lục - để lấy nọc độc bán cho các phòng thí nghiệm.

 

Hiện nay, nọc rắn độc của hợp tác xã được bán cho 7 phòng thí nghiệm để bào chế huyết thanh kháng nọc rắn. Năm 2016, hợp tác xã - bao gồm 370 thành viên, trong đó có 122 phụ nữ - bán được lượng nọc rắn trị giá 30 triệu rupee (khoảng 446.500 USD), so với năm 1982 chỉ 6.000 rupee. Họ được chính quyền Ấn Độ cấp giấy phép để săn bắt 8.300 con rắn/năm với quy định mỗi con rắn phải được trả về tự nhiên sau 4 lần lấy nọc trong 1 tháng. Hiện nay, 1 gram nọc rắn hổ bán với giá 23.000 rupee - cao hơn giá năm 1983 gần 8 lần. Một thợ săn rắn bộ tộc Irula kiếm được khoảng 8.000 rupee mỗi tháng.

Một thành viên bộ tộc Irula cho biết: "Chúng tôi nghèo và không được học hành gì. Chúng tôi cũng không có đất canh tác. Do đó, rắn là nguồn kiếm sống cho chúng tôi". Tuy nhiên, phần đông con cái của người bộ tộc Irula muốn di chuyển đến các thành phố lớn để làm việc trong các công ty. Có lẽ, Masi và Vadivel thuộc thế hệ thợ săn bắt rắn cuối cùng của cộng đồng bộ tộc Irula quy tụ 116.000 con người.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm