Mỹ nhân đáng sợ nhất trong truyện Kim Dung là ai?
Trong tiểu thuyết Kim Dung có không ít nhân vật nữ đặc sắc, từ Hoàng Dung, Tiểu Long Nữ cho đến Triệu Mẫn. Nhưng lợi hại và tham vọng nhất lại là một người khác.
Cao thủ “hoàn mỹ” nhất võ lâm trong truyện kiếm hiệp Kim Dung / Cổ Cự Cơ và vợ tiêu tốn 130.000 USD để có con
Hình tượng nữ giới dưới ngòi bút của Kim Dung có rất nhiều điểm độc đáo và sâu sắc. Khác với tiểu thuyết võ hiệp của nhiều tác giả khác, nữ nhân trong truyện Kim Dung không tồn tại để làm nền cho các hiệp khách nam nhi, không phải là thứ gia vị để câu chuyện thêm phần hấp dẫn. Phần lớn có cá tính, giá trị và mục tiêu riêng.
Bốn nhân vật nữ chính quan trọng nhất là Hoàng Dung (Xạ điêu anh hùng truyện, Thần điêu hiệp lữ), Tiểu Long Nữ (Thần điêu hiệp lữ), Triệu Mẫn (Ỷ Thiên Đồ Long ký) và Nhậm Doanh Doanh (Tiếu ngạo giang hồ).
Hoàng Dung thông minh lanh lợi, kiến thức phi phàm, đồng thời có chút ngang bướng kiêu ngạo và tùy hứng, vừa là tiên nữ trong mắt Quách Tĩnh, vừa là “tiểu yêu nữ” đối với Giang Nam thất quái. Tiểu Long Nữ ngây thơ chất phác nhưng lạnh lùng như khối băng, có chút vô tình vì lớn lên trong Cổ Mộ cô quạnh, nhờ tình cảm nóng bỏng của Dương Quá mà trái tim được sưởi ấm.
Trong khi đó, Triệu Mẫn thông minh, có tài thao lược, nhưng vì tình yêu với Trương Vô Kỵ sẵn sàng đánh đổi tất cả. Còn Nhậm Doanh Doanh là thánh cô Ma giáo, thủ đoạn tàn nhẫn, nhưng cũng sẵn sàng vì Lệnh Hồ Xung hi sinh tính mạng. Và cả 4 đều là những nữ hiệp có võ công lợi hại không kém gì bậc nam nhi.
Hình vẽ minh họa các nhân vật trong truyện Kim Dung, được trưng bày tại cuộc triển lãm về Kim Dung ở Bảo tàng Di sản Hong Kong hồi năm 2017. Thứ hai từ trái sang là Hoàng Dung. Ảnh: SCMP. |
Tuyến nữ phụ cũng để lại nhiều ấn tượng với độc giả mê truyện Kim Dung. Mai Siêu Phong luyện Cửu Âm chân kinh, hóa thành ma nữ, nhưng rất yêu chồng và cuối đời sám hối với thầy. Xích Luyện tiên tử Lý Mạc Sầu vì thất tình mà trở thành tàn ác, đến chết vẫn đặt câu hỏi “tình ái là gì”.
Diệt Tuyệt sư thái tưởng như là một nữ hiệp đức cao vọng trọng, nhưng thực tế là kẻ tàn bạo, vô lý, tàn nhẫn với tất cả mọi người, thậm chí với chính bản thân mình. Khang Mẫn nhìn bề ngoài là mỹ nữ yếu đuối đáng thương, nhưng hóa ra rất đáng sợ, sẵn sàng bán thân mình để hãm hại Tiêu Phong.
Cô gái đáng thương hay diễn viên tài ba?
Có một nữ nhân vật gây ra nhiều tranh cãi, bất đồng trong cộng đồng độc giả mê truyện Kim Dung. Đó là Chu Chỉ Nhược (Ỷ Thiên Đồ Long ký). Có nhiều người cho rằng nàng bất đắc dĩ nghe lời sư phụ, buộc phải lừa dối Trương Vô Kỵ, rồi lại bị chàng phụ tình nên oán hận, do đó đáng được thông cảm.
Những người khác thì hoàn toàn không thích Chu Chỉ Nhược vì cách nàng đối xử với Trương Vô Kỵ. Nhưng trên thực tế, không thể nhìn trưởng môn trẻ tuổi của phái Nga Mi theo một cách đơn giản, một chiều như vậy.
Chu Chỉ Nhược là con gái một người lái đò trên sông Hán Thủy. Ông bị quân Nguyên sát hại khi đưa Thường Ngộ Xuân qua sông. Khi đó, Trương Tam Phong đang dẫn Trương Vô Kỵ tìm thầy chữa độc Huyền Minh thần chưởng liền ra tay cứu giúp. Chưởng môn Võ Đang gửi Chu Chỉ Nhược tới phái Nga Mi và cô bé trở thành đệ tử của Duyệt Tuyệt sư thái.
Nữ diễn viên trẻ Chúc Tự Đan vào vai Chu Chỉ Nhược trong Ỷ Thiên Đồ Long ký bản 2018. |
Khi Trương Vô Kỵ gặp lại Chu Chỉ Nhược, cô bé ngày nào đã trở thành một thiếu nữ vô cùng xinh đẹp, được Diệt Tuyệt sư thái ưu ái dạy Cửu Dương công. Khi đó, Chu Chỉ Nhược đấu với Ân Ly và bại trận. Trương Vô Kỵ chất phác thuần hậu tưởng rằng cô bị thương, trong lòng không khỏi lo lắng.
Chỉ Ân Ly nhận ra là Chu Chỉ Nhược khéo léo giả bại để đánh lừa sư tỷ Đinh Mẫn Quân. “Nàng ta còn ít tuổi mà tâm kế đã quá lợi hại”, Ân Ly nhận xét. Khi các đại môn phái tấn công Minh giáo trên Quang Minh đỉnh, Chu Chỉ Nhược tiếp tục thể hiện tài diễn kịch cao siêu.
Khi giao đấu với vợ chồng chưởng môn Côn Luân và hai tiền bối Hoa Sơn, Trương Vô Kỵ bị lép vế. Bốn đại cao thủ sử dụng Lưỡng Nghi kiếm pháp và Lưỡng Nghi đao pháp biến ảo, về căn bản thâm sâu hơn Càn Khôn Đại Na Di tâm pháp chàng mới học.
Chu Chỉ Nhược thông thạo nguyên lý Kinh Dịch, tương kế tựu kế giảng giải cho Trương Vô Kỵ, giúp chàng dễ dàng đánh bại đối thủ mà Duyệt Tuyệt sư thái không mảy may nghi ngờ, quần hùng Trung Nguyên cũng không hề biết.
Sau đó, trên hoang đảo, Chu Chỉ Nhược dùng thủ đoạn tàn độc, đánh thuốc mê Trương Vô Kỵ và Tạ Tốn, ám hại Ân Ly, đuổi cổ Triệu Mẫn, lén lấy Đồ Long đao và Ỷ Thiên kiếm, âm thầm luyện tập Cửu Âm chân kinh.
Trương Vô Kỵ do nam diễn viên Tăng Tuấn Hy thủ vai trong Ỷ Thiên Đồ Long ký bản 2018. Trong truyện, Vô Kỵ thật thà trung hậu dễ dàng bị Chu Chỉ Nhược đánh lừa. |
Nhưng trong đêm đính hôn với Trương Vô Kỵ, Chu Chỉ Nhược vẫn có thể nói với chàng những lời ngọt ngào: “Thiếp chỉ là đứa con gái vô dụng, yếu đuối lại ngu xuẩn. Đừng nói Triệu cô nương thông minh tuyệt đỉnh, ngay cả so với người có tâm cơ sâu sắc như Tiểu Chiêu, thiếp cũng không bằng cái móng tay. Chỉ Nhược của chàng chỉ là một con bé khờ khạo, thật thà, chẳng lẽ đến giờ chàng chưa biết sao?”.
Trương Vô Kỵ đương nhiên là không biết. Tại Đại Đô, Chu Chỉ Nhược một lần nữa diễn kịch khi phát hiện Trương Vô Kỵ gặp Triệu Mẫn. Nàng ta ngồi khóc trước mặt Hàn Lâm Nhi, chờ đến khi Trương Vô Kỵ trở về mới giả bộ treo cổ tự sát, khiến chàng giáo chủ Minh giáo vừa hổ thẹn, vừa hối hận.
Có tài diễn kịch như Chu Chỉ Nhược, cả chùm tiểu thuyết Kim Dung chỉ có mình nàng ta. Rất có thể, nếu sống trong thời hiện đại, Chu Chỉ Nhược thừa sức trở thành một ngôi sao điện ảnh tiếng tăm.
Tham vọng hoàng hậu
Nhiều người có thể lập luận rằng Chu Chỉ Nhược buộc phải lừa dối Trương Vô Kỵ vì đã lập lời thề độc với Diệt Tuyệt sư thái. Sư phụ đã ra lệnh, thậm chí dùng cái chết để gây sức ép, đệ tử buộc phải nghe theo. Nhưng sự thật đâu phải là vậy, Duyệt Tuyệt cấm Chu Chỉ Nhược yêu thương Trương Vô Kỵ, nhưng nàng vẫn quyết lấy chàng. Những lời của sư phụ đã khuất đâu có ý nghĩa gì.
Trong cuốn Bàn về các nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung (NXB Hội nhà văn - 2003), nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc Trần Mặc đánh giá trên thực tế Chu Chỉ Nhược là một người có tham vọng chính trị to lớn. Tham vọng ấy không dừng lại ở chức chưởng môn phái Nga Mi mà Duyệt Tuyệt sư thái đã truyền lại cho nàng.
Trang bìa một tập bộ Ỷ Thiên Đồ Long ký tiếng Hoa. |
Bằng chứng là khi Bành Oánh Ngọc phân tích cho Trương Vô Kỵ về việc không nên ám sát hoàng đế Đại Nguyên, Chu Chỉ Nhược nói: “Bành đại sư nói không sai chút nào… Một khi đại sự của chúng ta thành công, người ngồi trên ghế rồng ở lầu hoa chính là Trương giáo chủ”.
Hàn Lâm Nhi vỗ tay reo lên: “Khi đó Trương giáo chủ sẽ là hoàng đế, Chu cô nương là hoàng hậu nương nương”. Kim Dung viết: “Chu Chỉ Nhược hai má đỏ bừng, thẹn thùng cúi đầu, nhưng ánh mắt long lanh không giấu được vẻ sung sướng”. Khi Trương Vô Kỵ khẳng định không muốn làm hoàng đế, Chu Chỉ Nhược tỏ ra rất thất vọng.
Sau đó, Kim Dung còn bồi thêm chuyện Trương Vô Kỵ đến thành Hào Châu, được các tướng Minh giáo ra ngoài thành nghênh tiếp. “Chu Chỉ Nhược cưỡi ngựa đi sau Trương Vô Kỵ, nhìn sang hai bên, thấy quang cảnh tuy không hoa lệ huy hoàng như cuộc đại du hoàng thành của hoàng đế hoàng hậu ở kinh đô, nhưng cũng phần nào thỏa nguyện bình sinh”.
Như vậy, có thể thấy Chu Chỉ Nhược là một cô gái tài trí bất phàm, có tham vọng to lớn, không hề bị động nghe theo lời sư phụ mà cực kỳ chủ động và toan tính. Tình cảm của nàng dành cho Trương Vô Kỵ được bao nhiêu thật khó nói, Kim Dung không mô tả rõ, có lẽ chính bản thân nàng cũng không xác định được.
Có một điều chắc chắn là đối với Chu Chỉ Nhược, Trương Vô Kỵ chính là một khoản đầu tư có khả năng sinh lãi cao. Kết hôn với giáo chủ Minh giáo, nàng không chỉ là giáo chủ phu nhân đứng trên vạn người, mà còn có cơ hội trở thành hoàng hậu, bậc mẫu nghi thiên hạ. Khi bị Triệu Mẫn phá đám cưới, dự án đầu tư có nguy cơ sụp đổ, Chu Chỉ Nhược lập tức hạ độc thủ với nàng.
Tác giả Kim Dung đã thay đổi đoạn kết Ỷ Thiên Đồ Long ký trong bản chỉnh sửa, đưa Chu Chỉ Nhược gặp lại Trương Vô Kỵ. |
Đến lúc Chu Chỉ Nhược bắt cóc Triệu Mẫn, gài Trương Vô Kỵ nói thật về tình cảm của mình, chúng ta lại thấy một lần nữa những toan tính thâm sâu của nàng. Chính Trương Vô Kỵ cũng hoảng vía, hiểu nếu chàng vì cảm thương mà nói những lời tình tứ với Chu Chỉ Nhược thì chắc chắn Triệu Mẫn sẽ bỏ đi mãi mãi.
Với một cô bé mồ côi, xuất thân từ làng chài, những gì Chu Chỉ Nhược làm được quả là đáng kinh ngạc. Rõ ràng trong số các nhân vật nữ trong truyện Kim Dung, Chu Chỉ Nhược là người có tâm cơ sâu sắc nhất, toan tính nhất, lợi hại nhất. Đáng tiếc cho nàng ta là đã thất bại, mọi âm mưu và tham vọng quyền lực đều sụp đổ.
Trong bản Ỷ Thiên Đồ Long ký cũ, Kim Dung viết Chu Chỉ Nhược xuất gia, còn Trương Vô Kỵ sống hạnh phúc với Triệu Mẫn. Nhưng ở bản chỉnh sửa, ông lại viết Chu Chỉ Nhược đến nhà của Vô Kỵ và Triệu Mẫn, “đòi nợ” vì chàng đã nhận lời làm một việc cho nàng, hàm ý rằng có thể cả ba sẽ cùng chung sống.
Kim tiên sinh quả thật đã quá nương tay với Chu Chỉ Nhược và có phần ác với Trương Vô Kỵ - Triệu Mẫn. Bởi sống cùng một nữ nhân tâm cơ đáng sợ như Chu Chỉ Nhược, cuộc hôn nhân của Trương Vô Kỵ và Triệu Mẫn liệu có thể kéo dài được bao lâu?
Theo Hiếu Trung/Zing
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo