Khám phá

Na Uy từng ngăn Hitler chế tạo bom nguyên tử

Cùng với Anh, Na Uy đã theo đuổi chiến dịch đầy khó khăn, gian khổ ngăn chặn việc cung cấp D2O cho chương trình sản xuất bom nguyên tử của Đức.

Cuộc chinh phục châu Âu và dị tật 'của quý' của Hitler / Tiết lộ những sự thật bất ngờ về vợ của trùm phát xít Hitler

Nước nặng cho dự án hạt nhân

Trong thời kỳ Thế Chiến II, nước nặng (2H2O hay D2O) được sản xuất bởi nhà máy duy nhất ở châu Âu lúc đó, tại làng Vemork gần thị trấn Ryukan, tỉnh Telemark (Na Uy). Nhà máy được Tổng cục Thủy điện Na Uy xây dựng năm 1934 theo dự án của Pháp, tại một địa điểm khó tiếp cận - một mặt là tường núi dốc cao 200m của núi Gaustatoppen, bên kia là vách đá dốc đứng. Nhờ có nhiều thác nước với thác chính là Ryukanfossen ("Thác Smoky"), người ta đã có thể xây dựng một nhà máy thủy điện công suất khá lớn bên cạnh để cung cấp điện giá rẻ cho dây chuyền sản xuất nước nặng. Đến năm 1938, nhà máy đã sản xuất 40kg D2O, năm 1939 - 120kg.

Ngày 17/12/1938, các nhà vật lý người Đức Otto Hahn và Fritz Strassmann đã chứng minh khả năng phân hạch hạt nhân nguyên tử, mở ra khả năng chế tạo bom nguyên tử - công việc đòi hỏi một lượng lớn D2O. Ngày 9/4/1940, ngay sau khi Na Uy bị chiếm đóng, một nhóm chuyên gia Đức gồm 500 nhà khoa học và kỹ sư đã được gửi đến nhà máy ở Vemork nhằm đẩy nhanh tiến độ. Đến cuối năm 1941, Đức đã nhận được 360kg D2O nguyên chất từ Na Uy, một năm sau - 800kg. Viên Toàn quyền phụ trách Na Uy - Josef Antonius Heinrich Terboven, được bổ nhiệm vào vị trí này vào ngày 19/4/1940 - đã yêu cầu tăng sản lượng năm lên 10.000kg.

na uy tung ngan hitler che tao bom nguyen tu hinh 1
Nước nặng được sản xuất lại nhà máy gần thị trấn Ryukan (Na Uy); Nguồn: rg-rb.de

Nhà máy chiến lược này được bảo vệ bởi các phân đội phòng không, các trạm kiểm soát không phận bằng âm thanh và hình ảnh; các chốt bảo vệ có lính gác cùng các ổ súng máy được đặt cả trên khuôn viên của nhà máy nước nặng, trạm thủy điện, và trên cây cầu treo trước khi vào nhà máy; toàn bộ khuôn viên được bao quanh bởi hàng rào thép gai và con đường duy nhất vào ban đêm trong trường hợp báo động, được chiếu sáng bởi đèn pha công suất lớn; ống dẫn nước đến nhà máy thủy điện được bảo vệ bởi các bãi mìn - điều cho phép người Đức hy vọng vào sự bất khả xâm phạm của mục tiêu quan trọng này.

Chiến dịch «Grouse»

Mùa hè năm 1941, sau khi tình báo Anh đánh hơi được sự tồn tại của nhà máy sản xuất nước nặng ở Na Uy, việc loại bỏ dây chuyền sản xuất và nguồn nước nặng tích trữ ở đây trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Đồng minh trong giai đoạn này, nhằm ngăn chặn nước Đức phát xít chế tạo vũ khí nguyên tử. Công tác thăm dò và trinh sát sơ bộ đã được thực hiện, Thủ tướng Anh đã ra lệnh cho Không quân nước này chuẩn bị ném bom mục tiêu.

Tuy nhiên, các chuyên gia đã thuyết phục Sir Winston Leonard Spencer-Churchill rằng, đánh bom sẽ không đạt được mục tiêu mong muốn vì đường dẫn nước nặng nồng độ cao nằm trong hầm ngầm dưới lòng đất; việc phá hủy nhà máy chỉ có thể với sự trợ giúp của các chiến dịch trên mặt đất. Một chiến dịch đặc biệt được giao cho Bộ Chỉ huy thống nhất các chiến dịch của Anh và Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt của Na Uy.

Một nhóm lớn các chuyên gia đã tham gia vào quá trình chuẩn bị chiến dịch mang mật danh “Grouse” (“Gà gô”). Einar Skinnarland - một kỹ sư xây dựng, người biết nhà máy này như lòng bàn tay - cũng được cơ cấu vào nhóm. Viên kỹ sư này tham gia một khóa huấn luyện đặc biệt ở Anh, và ngày 29/3/1942, đã nhảy dù xuống miền đất băng giá Hardangervidda để khảo sát thực địa, sau đó, đến nơi làm việc, giải thích vắng mặt do bị ốm… mà không bị người Đức mảy may nghi ngờ.

 

Với nhiệm vụ nắm thông tin mới về việc sản xuất D2O, công tác bảo vệ và tất cả các động thái của người Đức trong khu vực, Skinnarland đã báo cáo về Luân Đôn: “đang chuẩn bị chuyển tất cả D2O sẵn có về Đức” - thông tin đã tăng tốc chiến dịch “Grouse”. Đầu tiên, một nhóm nhảy dù gồm bốn người Na Uy, trong đó có Knut Haugland - người sử dụng đài liên lạc sóng ngắn - đã được thành lập, có nhiệm vụ tìm nơi để đổ bộ nhóm phá hoại, đón và đưa họ về nhà máy một cách an toàn.

na uy tung ngan hitler che tao bom nguyen tu hinh 2
Chiến dịch “Grouse” đã thất bại do điều kiện thời tiết và địa hình xấu; Nguồn: historygreatrussia.ru

Ngày 18/10/1942, nhóm của Haugland nhảy dù xuống cùng nơi Skinnarland đã nhảy dù trước đó. Nhưng do trời bão, họ đã tiếp đất cách vị trí chuẩn khoảng 15km về phía tây, mất liên lạc vô tuyến, container hàng hóa thất lạc phải đi tìm hàng km trong địa hình đầy tuyết. Các phi công Đức đã phát hiện thấy nhưng nghĩ rằng đó là "thợ săn thổ dân". Đến ngày 6/11, các trinh sát mới đến được điểm hẹn cách Rjukan 30 dặm, ở độ cao 1.500m, mệt mỏi và kiệt sức. Sau khi kết nối vô tuyến với Trung tâm, họ đã gửi tin “Ba con voi hồng” - ám chỉ đã tập kết tại vị trí đã định, chọn và mô tả địa điểm hạ cánh, đồng thời, cảnh báo rằng la bàn máy bay sẽ bị sai lệch do trong vùng có quặng sắt.

Chiến dịch "Freshman"

Việc gửi đội phá hoại chính đã bị trì hoãn do các tranh luận xung quanh kế hoạch hoạt động. Bộ chỉ huy các chiến dịch đặc biệt của Na Uy đã đánh giá tình hình và địa điểm hạ cánh được đề xuất: “Thời tiết thường khủng khiếp, sương mù, không thể đoán trước: một cơn bão bất ngờ có thể tạo ra mùa xuân vào giữa mùa thu. Địa bàn không thể tiếp cận: các đỉnh núi nguy hiểm, sông băng, đầm lầy, suối dốc. Bãi hạ cánh?”. Tuy nhiên, Bộ chỉ huy thống nhất các chiến dịch Anh đã bác bỏ mọi nghi ngờ, băn khoăn.

Cuối cùng, ngày 19/11 (ngày Hồng quân phát động một cuộc phản công gần Stalingrad), nhóm của Haugland đã nhận được một tin nhắn rằng biệt đội có tên “Freshman” trên hai máy bay ném bom Halifax mang theo các tàu lượn Airspeed Horsa đã cất cánh từ căn cứ không quân Scotland Vik hướng tới Na Uy; chuyến đầu tiên "Bertie" lúc 17:15h, chuyến thứ hai "Epil" lúc 17:50h; Freshman bao gồm 34 binh sĩ của đại đội công binh-dù số 9.

 

Theo kế hoạch, dự kiến hạ cánh xuống hồ Mesvatan vốn cung cấp nước cho nhà máy thủy điện, tấn công bất ngờ, giật nổ tất cả các công trình và rút về nước Thụy Điển trung lập. Các nhà khí tượng học dự báo thời tiết tốt ở điểm hạ cánh. Tuy nhiên, một giờ sau khi cất cánh, liên lạc giữa các máy bay bị mất. Nhóm Bertie bay qua Biển Bắc ở độ cao thấp, dưới những đám mây....

Về sau, đống đổ nát của máy bay và tàu lượn được tìm thấy cách bờ biển 20km. Không có hỏa lực phòng không, và thật khó để hiểu chuyện gì đã xảy ra; có lẽ phi công đã không nhận thấy rằng họ đã ở trên đất liền. Máy bay rơi xuống núi, phi hành đoàn tử vong; những người lính nhảy dù còn sống đã cố gắng tản lên núi, mang theo những người bị thương, nhưng họ đã không đi được xa do đụng độ với biệt kích Đức Quốc xã.

Người đứng đầu lực lượng SS và cảnh sát Đức ở Na Uy đã báo cáo về Tổng cục an ninh: “Vào lúc 3 giờ sáng ngày 11/11/2016, một chiếc máy bay của Anh bị rơi ở vùng lân cận Jägerszund. Phi hành đoàn là quân nhân, trong số đó có một người da đen - đã chết. 17 người đã được tìm thấy trong tàu lượn, chắc chắn là các đặc vụ. Ba người chết trong vụ tai nạn, sáu người bị thương nặng, tất cả đều bị lính Đức bắn tại chỗ - điều khiến cuộc điều tra trở nên không thể”. Gần như điều tương tự cũng đã xảy ra với chiếc máy bay thứ hai.

Chiến dịch “Gunnerside”

Những thất bại trên dẫn đến kết luận rằng, việc chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho hoạt động trên mặt đất là rất cần thiết. Người ta cho rằng, chỉ những người bản địa quen thuộc địa hình và các điều kiện di chuyển khó khăn mới có thể thực hiện thành công chiến dịch. Để hỗ trợ hoạt động tại Na Uy, một mạng lưới đặc vụ dày đặc đã được tạo ra, và đến cuối năm 1942 đã có 19 đặc vụ được cài cắm tại các khu vực khác nhau. Trong một ngôi nhà đặc biệt, một sa bàn mô phỏng các cụm máy quan trọng nhất của nhà máy D2O đã được chế tạo theo tỷ lệ 1:10. Việc huấn luyện kéo dài trong hai tháng, cho đến khi những người đánh bom tương lai bị bịt mắt học được cách đặt các khối thuốc nổ trong bóng tối nhanh và chính xác.

 

na uy tung ngan hitler che tao bom nguyen tu hinh 3
Ảnh nhà máy nước nặng Ryukan do tình báo Anh chụp từ trên không; Nguồn: rg-rb.de

Ngày 27/2/1943, hai người Na Uy và hai lính dù Anh đã vượt qua một khe núi dốc ngăn cách khuôn viên nhà máy với cao nguyên và tiếp cận nhà máy thông qua một đường hầm liên lạc. Các thành viên còn lại của nhóm chiếm các vị trí theo vòng tròn để yểm trợ họ. Chất nổ gắn đồng hồ cơ hẹn giờ đã được đặt trên các bể chứa D2O. Vụ nổ xảy ra 20 phút sau khi cả nhóm rời khỏi nhà máy. Thiệt hại rất lớn, Đức Quốc xã phải mất hơn sáu tháng để khôi phục sản xuất, và từ tháng 7/1943, nhà máy lại tiếp tục hoạt động.

Đánh bom từ trên không

Ngày 16/11/1943, hơn 160 máy bay của Không đoàn số 8 Mỹ đã thả hàng trăm quả bom hạng nặng xuống nhà máy. Tuy nhiên, các thiết bị tạo khói do người Đức bố trĩ sẵn đã hoạt động, vụ đánh bom kém hiệu quả, chỉ có một vài quả bom đánh vào các điểm quan trọng - một rơi xuống cây cầu treo, hai rơi xuống tòa nhà của nhà máy, bốn rơi xuống nhà máy thủy điện; về người -hai mươi thường dân ở Wemork và gần Ryukan đã bị chết. Mặc dù tòa nhà của nhà máy đã bị hư hại nghiêm trọng, dây chuyền sản xuất D2O vẫn không hề hấn gì do nó nằm dưới sáu tầng bê tông.

Chiến dịch “Hydro”

Nhận ra rằng, đồng minh sẽ khôngđể yên cho nhà máy hoạt động, người Đức quyết định rút toàn bộ lượng D2O được tích lũy về Đức. Theo tình báo Anh, khoảng 15 tấn nước nặng sẽ được vận chuyển trên một con tàu cùng hành khách đi qua hồ Tinsie (tiếng Na Uy là Tinnsjå) với chặng đường dài 19 dặm đến tuyến đường sắt Rjukanbanen-Tinnosbanen. Nhiệm vụ cho nổ tung chiếc tàu này được giao cho nhóm Kháng chiến Na Uy của Haugland. Những người du kích kháng chiến đã tính toán công suất của thiết bị nổ và vị trí cài đặt để con tàu chìm ở nơi sâu nhất, mặt khác, thảm họa sẽ không xảy ra ngay lập tức, hành khách kịp sơ tán bằng xuồng cao su.

 

Ngày 20/2/1944, tàu khởi hành từ nhà ga Rjukan Salpeterfabrik hướng đến ga Mæl. Kháng chiến quân Na Uy đã đặt hai khối thuốc nổ gắn đồng hồ hẹn giờ ở gầm tàu. Sau khi rời bờ 10 phút, một tiếng nổ vang lên, nước nhanh chóng lấp đầy đáy tàu, các thùng chứa D2O cùng tàu chìm ở độ sâu khoảng 200 mét. Thảm họa đã giết chết 18 người, trong đó 8 lính Đức; 29 người đã được cứu sống. Sau đó, các thùng chứa số 6, 8, 9 và 11 chứa 121 lít chất lỏng nổi lên. Chúng được gửi đến Đức nhưng hầu như tất cả D2O trong các thùng này không phù hợp để sử dụng trực tiếp, phải gửi đến một nhà máy ở Silesia để tinh chế.

Phần kết

Năm 2006, các nhà khảo cổ học Na Uy đã tiến hành một cuộc khảo sát về chiếc phà bị chìm, chuyển một số container lên bờ, trong đó thực sự có nước nặng. Nhưng tổng số lượng của nó được cho là khoảng 500kg chứ không phải 15 tấn như thông tin của tình báo Anh. Như vậy, một số câu hỏi quan trọng vẫn chưa được trả lời. Có phải việc vận tải bằng tàu là hành động nghi binh của người Đức, và thông tin khoảng 15 tấn chỉ là thông rỡm? Nếu tình báo Anh đúng, Đức Quốc xã đã tổ chức vận chuyển số D2O đó về nước như thế nào? Biết đâu, vào một ngày đẹp trời nào đó, sự thật sẽ sáng tỏ - giống như container tự nổi lên trên hồ Tinsie.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm