Khám phá

Nghiên cứu chiết xuất lá của 1 loại cây châu Á: "Thuốc trường sinh" Tần Thủy Hoàng ao ước?

Qua nghiên cứu, các nhà khoa học thấy rằng giun tròn sống lâu hơn 40% sau khi ăn chiết xuất lá cây này.

Hai siêu lục địa ẩn trong lòng Trái Đất: Tàn tích một hành tinh khác? / Kính thiên văn bắt được tia laser lạ: tín hiệu từ thế giới mới ra đời

Nghiên cứu đầu tiên về cách chiết xuất một loài thực vật tự nhiên trên một loại cây lá ngải đặc biệt - ngải lá kim (tên khoa học là Artemisia scoparia) - có thể giúp kéo dài tuổi thọ, bao gồm cả tăng cường thể chất cho con người. Chìa khóa của nghiên cứu này nằm ở việc tăng cường sự trao đổi chất.

SỰ KẾT HỢP ĐỘC LẠ…

Nghiên cứu chiết xuất lá của 1 loại cây châu Á: Thuốc trường sinh Tần Thủy Hoàng ao ước? - Ảnh 1.

C. elegans (thường gọi là giun tròn) được nuôi bằng chiết xuất ngải lá kim, sống lâu hơn tới 40% , trở nên béo và chắc hơn. Ảnh: Bhaswati Ghosh, LSU

Một nhóm nghiên cứu thuộc khoa Khoa học Sinh học của Đại học bang Louisiana (LSU) do Phó Giáo sư Adam Bohnert chủ trì đã công bố một nghiên cứu mang tính bước ngoặt. Qua nghiên cứu về chiết xuất từ một cây có sẵn trong tự nhiên, nhóm đã thấy được mối liên hệ giữa việc hệ trao đổi chất khỏe hơn với việc kéo dài tuổi thọ trên loài giun tròn (tên khoa học:Caenorhabditis elegans).

Mặc dù giun và người dường như không có nhiều điểm chung, nhưng các nhà khoa học cho rằng có lý do chính đáng để áp dụng và mô phỏng kết quả nghiên cứu lên cơ thể người, vì công trình này được xây dựng dựa trên những phát hiện trước đó về sự tăng cường trao đổi chất ở chuột, được thực hiện tại trung tâm Nghiên cứu Y sinh Pennington của LSU do Giáo sư Jacqueline Stephens chủ trì.

Bhaswati Ghosh, nghiên cứu sinh tại LSU và là tác giả chính của nghiên cứu cho biết: "Lý do nghiên cứu này được thực hiện trên giun tròn là vì chúng chỉ sống được khoảng ba tuần. Do vậy, trong một tới hai tháng, chúng tôi đã có kết quả chính xác."

Nghiên cứu chiết xuất lá của 1 loại cây châu Á: Thuốc trường sinh Tần Thủy Hoàng ao ước? - Ảnh 2.

Ngải lá kim (Artemisia scoparia). Ảnh: Creative Commons / Mokkie

Nhóm nghiên cứu của 2 phó giáo sư Bohnert và Stephens dành sự quan tâm cho việc tìm hiểu tác dụng của chiết xuất cây ngải lá kim, một loài cây tự nhiên có nguồn gốc từ châu Á. Chiết xuất từ lá của ngải lá kim được "bón" cho giun tròn với liều lượng khác nhau trong thí nghiệm.

 

Những con giun ăn lượng chiết xuất nhiều nhất và nhiều thứ hai cho thấy hệ trao đổi chất của chúng được cải thiện gần như ngay lập tức. Tuổi thọ của chúng không chỉ kéo dài hơn tới 40% so với nhóm những con không được ăn chiết xuất mà chúng còn béo lên nhưng chậm chạp hơn một chút, có thể do khối lượng cơ thể tăng lên khiến chúng khó di chuyển hơn.

Chúng cũng trở nên khỏe mạnh và có khả năng hồi phục nhanh hơn, chịu được căng thẳng tốt hơn. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng ngải lá kim còn giúp chuyển đổi các chất béo xấu thành các chất béo tốt trong cơ thể.

Nghiên cứu này đã bổ sung vào công trình trước đây của Bohnert và Phó giáo sư Alyssa Johnson của LSU về cách mà việc thay đổi chế độ ăn uống ảnh hưởng đến quá trình lão hóa ở cấp độ tế bào. Có thể nhận định rằng ngải lá kim cũng có thể kích hoạt nhiều chức năng và các gen giúp nâng cao tuổi thọ trong cơ thể một cách có hiệu quả.

Phó giáo sư Bohnert cho hay: "Cho đến hiện tại, con người vẫn chưa thực sự biết được sự lão hóa có thể được điều chỉnh thông qua chế độ ăn uống như thế nào, hoặc các quá trình dẫn truyền tín hiệu trao đổi chất cốt lõi ảnh hưởng đến tuổi thọ ra sao. Những gì chúng tôi có thể chứng minh là chất chiết xuất từ cây ngải lá kim có thể xâm nhập và ảnh hưởng đến những quá trình này tương tự như cơ thể bị đột biến gen."

Nghiên cứu chỉ ra rằng lão hóa diễn ra không giống nhau ở các cá thể giun nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của các nhà nghiên cứu.

 

…MANG LẠI TIỀM NĂNG TRONG VIỆC KÉO DÀI TUỔI THỌ

Phó giáo sư Bohnert nói: "Điều quan trọng là nó mang lại cho giới y học một quan điểm trị liệu mới. Chúng ta biết rằng tuổi tác là yếu tố chính gây ra nhiều loại bệnh, chẳng hạn như ung thư và bệnh tim mạch. Nhưng, nếu bạn coi lão hóa là một căn bệnh có thể điều trị được, thì bạn thực sự có thể điều trị nhiều bệnh cùng một lúc."

Trong khi những con giun sống lâu nhất là những con được cho ăn chiết xuất ngải lá kim trong thời gian chúng đạt đến độ tuổi sinh sản hoặc trưởng thành, nhóm của phó giáo sư Bohnert cũng đã quan sát thấy những tác động đáng kể của dược chất này ở những con giun được cho ăn lần đầu tiên ở tuổi "trung niên". Thay vì tăng 40% tuổi thọ, những con giun này vẫn có thể sống lâu hơn khoảng 20% so với tuổi thọ trung bình.

Nghiên cứu đưa ra cái nhìn đầu tiên về cách mà ngải lá kim có thể thay đổi sự lão hóa và tuổi thọ. Nó cũng củng cố mối liên hệ giữa sự tăng cường trao đổi chất, điều hòa chất béo và kéo dài tuổi thọ.

Bohnert chia sẻ: "Thông thường mọi người nghĩ chất béo là "xấu", nhưng trong những trường hợp này, nó có vẻ đã mang lại kết quả tốt và thực sự có tác dụng kéo dài tuổi thọ. Ngải lá kim có tiềm năng trong việc trở thành một loại thực phẩm bổ sung."

Ghosh nói thêm: "Thực tế chỉ ra rằng một sinh vật thấp bé, béo mập và di chuyển chậm chạp không nhất thiết phải bị mặc định là nó có sức khỏe kém. Những nhận định này phải được xem xét trong bối cảnh đầy đủ của các thông số khác, bao gồm cả tuổi thọ."

 

Nghiên cứu chiết xuất lá của 1 loại cây châu Á: Thuốc trường sinh Tần Thủy Hoàng ao ước? - Ảnh 3.

Tần Thủy Hoàng phái một nhóm pháp sư tìm kiếm thần dược "trường sinh bất lão".

Từ thời xa xưa, không ít người cũng đã đau đáu về việc làm cách nào để có thể kéo dài tuổi thọ và cải thiện sức khỏe, thứ mà họ gọi với cái tên mỹ miều là "thuốc trường sinh". Nói đến đây, không ít người sẽ nhớ đến Tần Thủy Hoàng – vị bạo quân của Trung Hoa xưa với niềm mơ ước bất diệt là tìm bằng được loại thuốc khiến ông có thể trường sinh bất lão.

Có nhiều tài liệu ghi chép lại rằng ông đã mời hơn 460 pháp sư đến để tìm cho ông loại thuốc khiến con người trẻ mãi không già, nhưng chẳng ai đáp ứng được điều đó và đều phải nhận kết cục lìa đời. Thậm chí, câu chuyện tìm thuốc trường sinh của vị hoàng đế này đã trở thành ý tưởng để các nhà làm phim Hollywood xây dựng nên bộ phim The Mummy: Tomb of the Dragon Emperor (Xác ướp 3: Lăng mộ Tần Vương – 2008).

Dẫu cho khoa học phát triển và nghiên cứu trên cũng đã minh chứng được việc ngải lá kim có tác dụng nhất định trong việc kéo dài tuổi thọ ở sinh vật, nhưng sẽ phải mất rất lâu và thí nghiệm nhiều lần nữa thì mới có thể xác định liệu đây có phải là lời giải mà Tần Thủy Hoàng dành cả đời để tìm kiếm hay không.

Hiện tại vẫn chưa có khuyến cáo cho con người về việc sử dụng ngải lá kim làm thuốc bổ, cũng chưa có bất kỳ chỉ dẫn nào về liều lượng hiệu quả và an toàn của loài thực vật này. Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu thêm một số loại chiết xuất thực vật có liên quan và nhận ra rằng chỉ có ngải lá kim là có tác dụng tích cực đối với việc điều chỉnh chất béo và kéo dài tuổi thọ trên đối tượng được nghiên cứu.

 

Cây ngải cứu thông thường (tên khoa học là Artemisia absinthium) thường được sử dụng như một thành phần trong thức uống có cồn, có độc tính vừa phải và không được đưa vào nghiên cứu.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm