Khám phá

Ngôi mộ 4.000 năm tuổi của một phụ nữ quý tộc cùng với quạt lông đà điểu hé lộ bằng chứng lâu đời nhất về dây đeo đầu

DNVN - Một khám phá khảo cổ học mới tại Sudan đã hé lộ bằng chứng lâu đời nhất thế giới về việc sử dụng dây đeo đầu (tumpline) – một công cụ thô sơ nhưng hiệu quả để mang vác hàng hóa và trẻ em. Dấu tích được phát hiện trên hài cốt 4.000 năm tuổi của một người phụ nữ quý tộc thời kỳ Đồ Đồng, được chôn cùng quạt lông đà điểu và gối da.

Loài chim khiến cả sư tử và hổ cũng phải dè chừng! / Đây là huyện có diện tích lớn nhất Việt Nam: Rộng gấp gần 3,5 lần tỉnh Bắc Ninh, dân số cực kỳ thưa thớt

Nghiên cứu do nhóm khoa học tại Đại học Tự trị Barcelona và Đại học Leiden (Hà Lan) thực hiện, công bố trên Journal of Anthropological Archaeology, chỉ ra rằng phụ nữ ở vương quốc Kush cổ đại không chỉ là người giữ vai trò quan trọng trong gia đình, mà còn trực tiếp tham gia vào việc vận chuyển hàng hóa - thậm chí trong điều kiện lao động nặng nhọc.

Một bức phù điêu thạch cao mô tả một cuộc thám hiểm quân sự do Ramesses II khởi xướng cách đây khoảng 3.300 năm. Một người phụ nữ Nubian có thể được nhìn thấy với dây đeo đầu đang bế một đứa trẻ trong giỏ.

Một bức phù điêu thạch cao mô tả một cuộc thám hiểm quân sự do Ramesses II khởi xướng cách đây khoảng 3.300 năm. Một người phụ nữ Nubian có thể được nhìn thấy với dây đeo đầu đang bế một đứa trẻ trong giỏ.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích hài cốt của 30 người (14 nữ, 16 nam) tại nghĩa trang Abu Fatima, gần ghềnh thác thứ ba của sông Nile. Họ phát hiện rằng phụ nữ có dấu hiệu thoái hóa rõ rệt ở đốt sống cổ và hộp sọ - hệ quả của việc sử dụng dây đeo đầu trong thời gian dài để chuyển trọng lượng từ trán xuống lưng trên.

Tiến sĩ Jared Carballo-Pérez, chủ nhiệm nghiên cứu, nhận định: “Đây là bằng chứng rõ ràng đầu tiên cho thấy phụ nữ Nubia thời kỳ Đồ Đồng đã dùng tumpline để mang vác. Phát hiện này không chỉ hé lộ cách lao động cổ xưa mà còn giúp viết lại vai trò giới trong xã hội Kush.”

Đáng chú ý nhất là một bộ hài cốt thuộc về người phụ nữ khoảng 50 tuổi, được chôn cất cùng quạt lông đà điểu và gối da - những vật dụng xa xỉ thể hiện địa vị xã hội cao. Dù có thân thế quý tộc, dấu hiệu hao mòn trên xương cho thấy bà vẫn trực tiếp gánh vác công việc nặng nhọc, có thể là vận chuyển thực phẩm hoặc chăm sóc trẻ nhỏ.

Phân tích đồng vị cho thấy người phụ nữ này không phải cư dân địa phương, mà đến từ vùng ghềnh thác thứ hai của sông Nile - nằm ở phía bắc nghĩa trang, nhưng vẫn thuộc vương quốc Kush cổ đại.

 

Nghiên cứu còn bổ sung bằng các bằng chứng nghệ thuật - những hình ảnh người Nubia mang giỏ và trẻ nhỏ bằng dây đeo đầu xuất hiện trong tranh tường tại các lăng mộ Theban thời Vương triều thứ 18 của Ai Cập.

“Dây đeo trán được nối với giỏ và đặt lên đầu - kỹ thuật này vẫn còn tồn tại đến ngày nay tại nhiều vùng nông thôn ở châu Phi, châu Á và Mỹ Latinh,” nhóm nghiên cứu cho biết.

Phát hiện tại Abu Fatima không chỉ làm giàu thêm hiểu biết về đời sống người Nubia cổ đại, mà còn thay đổi cách chúng ta nhìn nhận vai trò của phụ nữ trong các xã hội cổ xưa. Trong khi người đàn ông có thể giữ vai trò chiến binh hoặc cai trị, thì phụ nữ dù thuộc tầng lớp nào vẫn là lực lượng lao động không thể thiếu trong xã hội.

Như Ý (Live Science)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm