Các nhà thiên văn của Đại học Quốc gia Australia đã nghiên cứu xem vì sao ngôi sao này lại vội vàng rời khỏi dải Ngân Hà đến vậy. Kết quả nghiên cứu của họ được đăng tải trên tạp chí hàng tháng của Hội Thiên văn Hoàng gia Anh, theo CNN.
Ngôi sao này đang di chuyển với tốc độ kỷ lục - gấp 10 lần hầu hết ngôi sao khác trong dải Ngân Hà, bao gồm Mặt Trời của chúng ta.
“Chúng tôi lần theo dấu vết và thấy hành trình của ngôi sao đi từ trung tâm dải Ngân Hà - đó là một điều khá thú vị”, Gary Da Costa, tác giả nghiên cứu và giáo sư tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết.
Các nhà khoa học tin rằng ngôi sao đó bị “đá” ra ngoài rìa dải Ngân Hà từ lỗ đen ở trung tâm, mang tên Sagittarius A*, có khối lượng lớn gấp 4,2 triệu lần Mặt Trời của chúng ta.
Cụ thể hơn, hiện tượng này là do sao đôi đến quá gần lỗ đen. Sao đôi là hai ngôi sao chuyển động quanh nhau.
“Khi sao đôi đến quá gần lỗ đen, lỗ đen có thể bắt giữ một ngôi sao vào trong quỹ đạo gần lỗ đen và ‘đá’ ngôi sao kia ra xa với tốc độ rất cao”, Thomas Nordlander, đồng tác giả nghiên cứu và là giáo sư Đại học Quốc gia Australia, cho biết.
Ngôi sao này cách Trái Đất 29.000 năm ánh sáng và bị “đá” khỏi lỗ đen Sagittarius A* 5 triệu năm trước.
“Theo quy mô thiên văn, ngôi sao sẽ sớm rời khỏi dải Ngân Hà và mãi mãi đi trong vùng trống rỗng giữa các dải thiên hà”, Da Costa cho biết.
“Thật vui vì có thể xác nhận giả thuyết đã tồn tại 30 năm rằng ngôi sao có thể bị ‘đá’ ra khỏi thiên hà bởi lỗ đen siêu khối lượng ở trung tâm dải thiên hà”.
Trung tâm các dải thiên hà là khu vực khó quan sát một cách chính xác. Vì vậy, hiểu được đặc tính, thành phần của ngôi sao bị “đá” ra từ trung tâm dải thiên hà sẽ cung cấp thêm dữ kiện về khu vực vốn khó quan sát này.