Khám phá

Người Armenia quả cảm và xuất sắc như thế nào trong Hồng quân Liên Xô thời Thế chiến 2?

Người Armenia nổi tiếng là các chiến binh quả cảm và xuất sắc. Điều này được thể hiện rõ trong Thế chiến thứ 2 và các cuộc chiến sau này.

Chùm ảnh quý hiếm về nước Uzbekistan Xô viết thế kỷ 20 / Phi công Xô Viết hy sinh thân mình ngăn hoạt động tình báo của CIA

Tinh thần ngút trời tòng quân giết giặc

Khi Đức Quốc xã mở màn cuộc xâm lược Liên Xô vào năm 1941, quốc gia Armenia (một thành viên của Liên bang Xô viết) mới đang trong giai đoạn phục hồi, công nghiệp và nông nghiệp vừa bắt đầu có đà tăng trưởng. Hơn lúc nào hết, họ cần hòa bình và ổn định.

Tuy nhiên quân thù đã giày xéo mảnh đất quê hương và thế là hàng loạt các công nhân, nông dân, kỹ sư và học sinh sinh viên Armenia đã ghi tên nhập ngũ.

Hình ảnh tái hiện về các chiến sĩ Armenia trong Hồng quân Liên Xô thời Thế chiến 2. Ảnh: ArmenPress.
Hình ảnh tái hiện về các chiến sĩ Armenia trong Hồng quân Liên Xô thời Thế chiến 2. Ảnh: ArmenPress.

Tại nước Cộng hòa XHCN Xô viết Armenia, lệnh tổng động viên được đón nhận với sự nhiệt tình cao độ. Tinh thần ái quốc và khát khao bảo vệ Tổ quốc tràn ngập khắp nơi. Cứ 5 cư dân Armenia thì có một ngườiđã lên đường ra mặt trận. Trong suốt cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại chống phát xít Đức, bảo vệ Liên Xô, hơn 300.000 công dân nước Armenia Xô viết đã gia nhập Hồng quân, và thêm 200.000 người tộc Armenia ở các nước cộng hòa Xô viết khác (cũng trong Liên Xô) đã ra tiền tuyến chiến đấu. Binh sĩ Armenia có mặt cả trong lục quân và hải quân Liên Xô, các sư đoàn cơ giới và bộ binh, cả các đơn vị không quân và kỵ binh.

Ngoài ra còn có hơn 100.000 người tộc Armenia ở hải ngoại tham gia lực lượng vũ trang của các nước Đồng minh chống phát xít, chủ yếu là trong quân đội Pháp và quân đội Mỹ.

Hơn 200.000 người Armenia đã hy sinh, số này tương đương 1/7 dân số Armenia.

Sáu sư đoàn dân tộc Armenia tham gia cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, 5 trong số đó được thành lập ngay sau khi phát xít Đức tấn công Liên Xô.

Chiến đấu với tinh thần xả thân vì Tổ quốc

 

Ngay đầu cuộc chiến, Sư đoàn súng trường 76 đã tiến hành hoạt động đặc biệt trên lãnh thổ Iran, sau đó tham gia các trận chiến từ Stalingrad tới các nước Baltic và Belarus, giải phóng khoảng 1.000 khu định cư.

Sư đoàn súng trường bộ binh 89 danh tiếng được thành lập ở Yerevan vào tháng 12/1941. Sư đoàn bắt đầu hành trình quân sự từ chân đồi Kavkaz và tham gia giải phóng Sevastopol, Balaklava, và Kerch. Họ đã giải phóng hơn 900 khu định cư. Do chiến công lớn ở bán đảo Taman, sư đoàn được vinh dự đặt tên là Tamanyan.

Dưới sự chỉ huy của Tướng Nver Safaryan, Sư đoàn 89 là một trong các sư đoàn đầu tiên vượt biên giới Liên Xô, hành quân xuyên qua toàn lãnh thổ Ba Lan, và tiến vào thủ đô Berlin của Đệ tam Đế chế (tức Đức Quốc xã) vào mùa xuân 1945. Sư đoàn đã đánh bại lực lượng đồn trú Đức tại Berlin và được tặng thưởng Huân chương Kutuzov Hạng Hai để ghi nhận công trạng của họ.

Tại Balaklava, nơi có ngôi mộ tập thể của các chiến sĩ Sư đoàn 89, nước Cộng hòa XHCN Xô viết Armenia đã dựng một đài tượng niệm các chiến sĩ sư đoàn này.

Trong khi đó, Sư đoàn Bộ binh 390, lập vào tháng 9/1941, tham gia các trận chiến giành giật Kerch. Vào tháng 10/1942, dù bị quân thù vây kín, Sư đoàn vẫn trụ vững trước vô vàn đợt tấn công của chúng và đã chọc thủng vòng vây, tuyên bố chiến thắng bên dòng sông Elbe.

 

Sư đoàn súng trường 409 được lập vào tháng 8/1941 và được trao nhiều nhiệm vụ từ ngăn ngừa một cuộc xâm lược từ Thổ Nhĩ Kỳ, cho tới các trận chiến ở Chechen-Ingush, Stavropol và Krasnodar, tham gia giải phóng Hungary. Cuối chiến tranh, sư đoàn tiến vào Vienna (Áo) trên vị thế người chiến thắng.

Các quân nhân Armenia chiến đấu đầy can đảm trước quân phát xít xâm lược. Họ có mặt trong tất cả các trận đánh và chiến dịch quân sự lớn của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Hàng ngàn chiến sĩ Armenia tham gia bảo vệ Moscow. 30.000 chiến sĩ Armenia tham gia trận Stalingrad, một phần ba trong số họ đã ngã xuống. 10.000 chiến sĩ Armenia chiến đấu trong trận Kursk.

Hovhannes Baghramyan và Sergei Khudyakov (đều người Armenia) đã bộc lộ tài năng chỉ huy trong các trận đánh và về sau họ trở thành các nguyên soái.

Hơn 100.000 người Armenia chiến đấu ở Kavkaz, Kerch và Crimea. 80.000 người chiến đấu giải phóng Ukraine, 50.000 chiến đấu ở Belarus, và 45.000 người trong số này đã hy sinh.

Tài chỉ huy quân sự và năng lực hoạt động tình báo

 

Trong những năm tháng chiến tranh đó, có 5 người Armenia trở thành nguyên soái của Liên Xô: Ivan Baghramyan, Ivan Isakov, Amazasp Babajanyan, Sergey Khudyakov, và Sergey Aganov.

Nguyên soái Baghramyan chỉ huy Phương diện quân Baltic số 1 và sau đó là Phương diện quân Belorussia số 3.

Hơn 60 viên tướng Armenia tiến hành chỉ huy trên tất cả các mặt trận của cuộc chiến. Vào cuối chiến tranh, 83 sĩ quan quân đội Liên Xô được thăng lên hàm tướng. Danh hiệu Anh hùng Liên Xô được trao cho 107 cán bộ và chiến sĩ người Armenia.

Người Armenia được biết đến không chỉ trong vai trò chỉ huy và chiến sĩ trong lực lượng chính quy, họ còn đóng góp nhân lực cho hàng ngũ dân quân du kích ở Liên Xô và các nước châu Âu.

Các điệp viên tình báo quân sự người Armenia cũng có đóng góp đặc biệt vào chiến thắng chung của Liên Xô trước phát xít Đức. Chiến công anh hùng của nhóm Gevorg Vartanyan được khắc sâu vào giáo trình lịch sử tình báo. Nhóm này đã tiết lộ kế hoạch của Đức Quốc xã ám sát các nguyên thủ tham gia Hội nghị Tehran vào tháng 4/1943.

 

Hậu phương trực tiếp

Armenia còn đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp đạn dược và lương thực cho mặt trận. Các cơ sơ ở Armenia đã sản xuất các mặt hàng chiến lược cho tiền tuyến như cao su, đồng, cacbua, nhôm, và nhiều thứ nữa.

Cộng hòa XHCN Xô viết Armenia đã tổ chức sản xuất các thiết bị quân sự, đạn, thuốc nổ, và thiết bị liên lạc. Trong các năm chiến tranh (1941-1945), khoảng 30 nhà máy và 110 công xưởng đã được đưa vào hoạt động trên đất Armenia. Quốc gia này đã chế tạo hơn 300 sản phẩm cần thiết cho quốc phòng.

Ngày nay, nhà nước Cộng hòa Armenia vẫn bảo vệ khoảng 600 đài tưởng niệm tri ân những người đã tham gia cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại năm xưa./.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm