Xin phải nói thẳng “vợ” đây theo nghĩa của đồng bào là người sống chung với mình chứ không theo nghĩa của pháp luật phải có đăng ký kết hôn.
Họ và tên: Lường Văn Bok. Sinh ngày: 1/1/1979. Nhận dạng: cao 1m60, nặng 52 kg, tai thẳng. Nghề nghiệp: Làm ruộng. Điểm đặc biệt: 37 “vợ”…
Từ bố chọn vợ hộ
Xin phải nói thẳng “vợ” đây theo nghĩa của đồng bào là người sống chung với mình chứ không theo nghĩa của pháp luật phải có đăng ký kết hôn. Với 37 người phụ nữ từng sống chung với mình, người ít nửa năm, người nhiều vài năm, Lường Văn Bok (Đường Văn Bó) trú ở bản Mờn xã Chiềng Lương, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La xứng đáng là người đào hoa nhất gầm trời Tây Bắc.
Chuyện tình của Bó khiến cho cái ghi âm của tôi phải thay pin mấy lần, khiến cho cái bút bi của tôi gần như cạn mực. Bok trong tiếng Thái là hoa, có lẽ vì thế mà số phận đào hoa vận luôn vào anh - người con cả của một gia đình có tới 5 anh em.
Bok không biết chữ cũng chẳng có nghề nghiệp gì cụ thể nhưng được cái nhanh ý. Trông người ta làm một vài lần là anh làm được ngay, biết từ sửa cái đồng hồ, cái ti vi đến cái xe máy.
Quả không tự nhiên mọc trên lá, trên đất mà phải có dây, có cành, chuyện cưới vợ của Bó cũng phải đầy đủ nguồn cơn. Năm 1994, khi mới chỉ 15 tuổi thì bố mẹ tìm cho Bó một cô vợ. Vợ Bó hơn anh tới 10 tuổi nên thỉnh thoảng đám bạn lại trêu: “Mày lấy vợ về làm mẹ à?”. Điều đó cũng chẳng phải là chuyện lạ đối với đồng bào vùng cao.
Đó là một đám cưới không tình yêu. Hai nhà quen biết nhau, bố Bó nghe nói nhà kia có đứa con gái lớn nên đi xem mặt rồi ăn hỏi luôn cho con trai nhà mình. Sắp làm nhà rồi nhưng ông ưng cái con dâu kia quá nên phải bán cả cột gỗ đi để lo cho đủ 7 triệu đồng cưới vợ cho con. Hồi đó, 7 triệu đồng lớn lắm, trị giá còn hơn cả một con trâu mộng.
Nhà gái ở xã Chiềng Mung cũng không xa quê của Bó là mấy. Lúc lấy vợ rồi anh mới biết mặt. Bó phải ở rể, phải làm lụng cho nhà ngoại nhưng không được ngủ với vợ. Sau 3 năm thì vợ chồng mới được gần gũi, tằng cẩu (búi tóc) của vợ mới được quấn lên cao...
Vợ của Bó tên là Tòng Thị Im - một cô gái Thái khá xinh xắn. Chị đẻ liền tù tì cho anh 2 đứa con. Có vợ đẹp, con ngoan nhưng lòng Bó không được vui vì cứ phải ở rể mãi. Một buổi bó bỏ trốn về nhà mình khiến cho cả nhà ngoại nổi giận, vợ Bó đâm đơn ly dị. Cuộc ly hôn có sự chứng kiến của pháp luật bởi lúc trước họ cũng đi đăng ký kết hôn. Hai đứa con ở cùng với mẹ, Bó trở lại quê nhà sống đời cô độc..
Đến tự chọn được 36 người
Được một thời gian Bó làm quen với Lò Thị Việt - một phụ nữ ở xã Chiềng Dong. Bố mẹ tổ chức cho anh một đám cưới rất to. To đến mức 30 triệu hồi đó gán cắm nương ngô đến nay vẫn còn chưa chuộc về được. Lần này Bó không thèm rể nữa mà ở luôn nhà mình.
Tết năm ấy, khi thằng Lường Văn Nam - đứa con chung của họ đã biết ngồi trong địu thì Việt bảo với chồng rằng mình muốn về quê. Thế rồi có về mà không có trở lại. Bó đi đòi vợ, đòi con mãi không được đành tặc lưỡi: “Nó chê mình nghèo nên mới thôi”....
Người thứ 3 là Lò Thị Quên ở xã cạnh. Quên đã có con rồi mà còn chưa có chồng, Bó rước về làm vợ, mất 3 triệu tiền cưới thế là tằng cẩu quấn lên đầu ngay, không phải đợi chờ đằng đẵng. Hai vợ chồng làm một cái nhà nhỏ trên đường đi Phiêng Pằn sống hạnh phúc được 7 tháng thì người anh vợ bị nghiện gửi thuốc phiện xuống bán khiến Quên bị bắt đi. Bó nhận tội, đi tù thay cho vợ để Quên còn nuôi con nhỏ...
2 năm sau anh trở về thì vợ đã bỏ đi đâu mất, mang theo cả đứa con cùng 5 con dê, 1 đàn gà, vét sạch 1 ao cá, chỉ còn mỗi cái xác nhà. Thời gian này, Bó bị quản thúc ở địa phương, bố mẹ lại giục lấy vợ nên anh tìm hiểu cô Lò Thị Ỏm ở bên huyện Thuận Châu....
Thủ tục cưới người vợ thứ 4 mất 3 triệu, vừa ăn hỏi, vừa tằng cẩu, Bó ở rể luôn tại nhà gái. Lúc có con trong bụng rồi mà Ỏm cứ nhất định không chịu về nhà chồng. Bấy giờ nhà chỉ có mỗi đứa em gái sống cùng bố mẹ nên bố Bó bảo bỏ đi, lấy vợ khác.
Vợ thứ 5 là Lò Thị Au ở xã Mường É huyện Thuận Châu, người mà Bó quen trong một dịp đi thăm anh họ. Lúc đó nhà Bó đã khánh kiệt lắm rồi, bố nợ nần đến nỗi phải bán cả nhà, không có nơi ở. Em trai của Bó dựng tạm một cái lều gọi là lấy chỗ để chui ra chui vào. Au có chửa chừng 7 tháng thì bỗng trốn về quê trong một hôm đêm khuya vắng.
Kể từ đó, bố của Bó buồn chán không làm thủ tục cưới hỏi vợ cho anh nữa. Bó cứ yêu rồi về sống cùng những người phụ nữ mà chẳng có thủ tục gì. Lúc họ sống ở nhà trọ, lúc họ sống ở lều canh nương, lúc họ lại sống ở ngay chính nhà của Bó.
Bó bảo nhiều người yêu thương mình thật lòng nhưng về sau sợ mang tiếng là vợ của người đàn ông nhiều vợ nên bỏ. Vợ bỏ nên phải đi bước nữa, thành ra cả thảy mới là 37 người đủ cả các dân tộc Thái, Mông, Dao và đều là làm ruộng.
Bó bảo chỉ có người vợ đầu là cưới không có tình cảm còn những người phụ nữ tiếp theo anh đã yêu bằng cả tấm chân tình. Bởi thế người nào dứt áo ra đi anh đều buồn. Người buồn 1 ngày, người buồn 1 tuần, người buồn 1 tháng, người buồn đến 1 năm…
Đến người phụ nữ thứ 37 là Lò Thị Lưu ở xã Chiềng Nơi (hiện đang sống cùng) Bó quen thân rất chóng vánh. Mồng 3/9 năm 2015 đang buồn chán vì bị bỏ rơi Bó lên thăm người em gái nuôi là Lưu thì đến mồng 5/9 anh ngỏ ý yêu luôn.
Gia đình nhà Lưu tác hợp cho cuộc tình này bởi chị cũng đã một lần lỡ dở. Đúng lúc ấy, người nhà của Lưu mất, chị phải để tang kiêng cữ 1 năm. Gần hết 1 năm thì bố của Bó không may đột ngột qua đời, không kịp sống cho đến ngày con dâu sum họp.
Vậy là từ đó Bó sống cùng Lưu mà chẳng cưới xin gì cả. Họ ở trong một cái lều nương giữa một quả đồi mênh mông lúa. Gia sản của họ đâu có nhiều nhặn gì ngoài 1 con lợn nặng 5 kg nuôi rẽ người ta chia cho, 12 con gà cả to lẫn bé và 1 con mèo. Nhưng vẻ hạnh phúc vẫn long lanh trên mắt chị Lưu bởi trong bụng chị đang có một sinh linh bé nhỏ cứ máy lên từng chập. Lại một đứa con nữa của Lường Văn Bó sắp chào đời.
“Trong một dịp ăn cỗ giáp mặt tôi hỏi tổng số vợ, Bó nhẩm tính: Nếu sống chung 6 tháng trở lên có 24 người, nếu tính cả số 6 tháng trở xuống thì có 42 người. Có điều lạ là Bó không biết chữ, không đẹp trai, không nghề nghiệp, thường lang thang tìm chỗ trú chân để làm những công việc lặt vặt nhưng phải cái không biết chê gái mà chỉ biết vơ vào. Bó không chê già, không chê trẻ, không chê xấu, không chê nghèo, không chê giàu (vì tự ti là mình nghèo). Tuy nhiều vợ, đông con nhưng thường là không có ai ở cùng”, ông Cầm Văn Mười - Chủ tịch xã Chiềng Lương chia sẻ.
Theo Dương Đình Tường/Nông nghiệp Việt Nam