Khám phá

Người đầu tiên lật tẩy sự thật về thảm sát Mỹ Lai

Ronald L. Ridenhour, một cựu binh Mỹ đã gửi thư cho Tổng thống Nixon yêu cầu điều tra vụ thảm sát Mỹ Lai, đưa vụ việc ra ánh sáng.

Trận 'Đại không kích Los Angeles' – nỗi ám ảnh hậu Trân Châu Cảng / Câu chuyện về chai tương ớt 'thống trị thế giới' được tạo ra bởi người đàn ông gốc Việt

Ronald L. Ridenhour, một binh sĩ thuộc Lữ đoàn bộ binh 11 của Mỹ tham chiến tại Việt Nam, nghe đồng đội kể về thảm sát Mỹ Lai ngày 16/3/1968 khoảng một tháng sau khi vụ việc diễn ra. Câu chuyện về những người lính Mỹ giết hại dân thường ám ảnh Ridenhour.


Ronald L. Ridenhour, người đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ Nixon năm 1969 để yêu cầu chính phủ điều tra vụ thảm sát Mỹ Lai ngày 16/3/1968. Ảnh: Sniperview.
Do không tham gia chiến dịch và trực tiếp chứng kiến cảnh chết chóc, ông đã thu thập tư liệu về vụ thảm sát từ những người tham gia và nhân chứng, New York Times cho hay.

Tháng 12/1968, Ridenhour từ Việt Nam trở về Mỹ. 4 tháng sau, ông soạn một bức thư 1.500 từ, sao 30 bản và gửi tới Tổng thống Richard M. Nixon, Bộ trưởng Quốc phòng Melvin R. Laird, giới chức bang Arizon và báo đài.

Lá thư của cựu binh Mỹ miêu tả vụ tấn công mang tính hủy diệt vào Mỹ Lai của các binh sĩ Mỹ. Thư có đoạn: "Tôi hỏi Butch về nạn nhân của vụ thảm sát. Anh ấy cho biết đàn ông, phụ nữ, trẻ em đều bị giết. Butch nhớ lại cảnh một cậu bé khoảng 3 đến 4 tuổi, bị thương ở tay đang đứng trên đường. Tay còn lại của em ôm lấy chỗ bị thương. Máu chảy ướt các ngón tay".

Đoạn tiếp theo mô tả cảnh em bé sốc và không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Sau đó, một lính Mỹ đã nổ súng về phía bé trai.

Vỡ lở

Dù chính phủ Mỹ, đứng đầu là Tổng thống Nixon, cố tình làm ngơ, che giấu vụ việc nhưng báo chí đã vào cuộc. Seymour Hersh, phóng viên của New Yorker, là nhà báo tiên phong trong cuộc điều tra. Ông đã độc lập thu thập thông tin, bằng chứng từ William Calley, viên trung úy chỉ huy chiến dịch thảm sát Mỹ Lai, và các nhân chứng khác để viết bài.

 

Nguoi dau tien lat tay su that ve tham sat My Lai-Hinh-2
Một lính Mỹ châm lửa, đốt nhà dân trong vụ sát hại dân thường ngày 16/3/1968. Ảnh: My Lai Massacre Museum.

Những bài báo của Hersh khiến dư luận Mỹ sôi sục căm phẫn. Sức ép lớn đến nỗi chính phủ phải vào cuộc điều tra các nhân vật có liên quan đến vụ thảm sát.

Tháng 11/1970, quân đội Mỹ mở tòa án binh xét xử những quân nhân liên quan trực tiếp tới vụ sát hại dân thường ở Mỹ Lai. Calley bị cáo buộc nhiều tội nhất, trong đó có ra lệnh cho binh sĩ bắn mọi mục tiêu, dồn người dân vào một con kênh rồi xả súng...

Trong phiên tòa năm 1971, viên trung úy không phủ nhận đã tham gia chiến dịch ngày 16/3/1968 nhưng nhấn mạnh ông phải tuân lệnh cấp trên, đại úy Ernest Medina. Calley nhận án tù chung thân. Sau đó, Tổng thống Nixon đã giảm án và yêu cầu hình thức giam lỏng tại gia đối với Calley. Sau 3 năm, viên trung úy được trả tự do.

Trong một bài báo đăng tải trên New York Times năm 1973, Ridenhour cho biết anh viết thư cho giới chức Mỹ để phơi bày sự thật về cuộc sát hại người dân vô tội. Anh hy vọng "sự việc sẽ cho thấy rằng chính sách quân sự của Washington ở nước ngoài không chỉ đi ngược với những nguyên tắc của xã hội dân chủ mà còn rất thấp hèn, tàn độc và tự phá hoại".

 

Sau khi tham gia điều tra vụ thảm sát dân thường ngày 16/3/1968 của quân đội Mỹ, Ridenhour tốt nghiệp đại học năm 1972 và trở thành nhà báo điều tra. Năm 1987, cựu binh giành giải báo chí George Polk Award vì những đóng góp trong vụ bê bối thuế ở New Orleans. Ông qua đời năm 1998 tại Metairie, Louisiana, ở tuổi 52 vì đột quỵ.

Những đóng góp của các nhà báo, nhất là của Ridenhour, được thế giới ghi nhận. Sau này người ta dùng tên ông để đặt cho giải thưởng báo chí uy tín bậc nhất nước Mỹ, giải Ridenhour, để vinh danh cựu binh kiêm nhà báo dũng cảm.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm