Khám phá

Người phụ nữ quyền lực khiến hoàng đế vĩ đại nhất Trung Hoa một mực nghe lời

Hoàng đế Đường Thái Tông là người xây dựng nên một triều đại nhà Đường huy hoàng nhất trong lịch sử Trung Hoa và người có công rất lớn bên cạnh ông chính là Trưởng Tôn Hoàng hậu.

Lật tẩy dòng suối nhỏ xíu, tuyệt đẹp 'ăn thịt người' / 6 vương quốc cổ đại hùng mạnh bị lịch sử lãng quên

Trưởng Tôn Hoàng hậu (601-636) là một trong những phụ nữ nổi tiếng nhất Trung Hoa thời phong kiến. Bà là vợ của hoàng đế Đường Thái Tông Lý Thế Dân trong suốt thời gian ông ngồi trên ngai vàng.
Hoàng hậu duy nhất của Đường Thái Tông

Trưởng Tôn Thị sinh ra trong một gia đình quý tộc có cha là tướng nhà Tùy. Ông nội bà từng là người đứng đầu Dương Châu, nay là thành phố thuộc tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc.
Sinh trưởng trong gia đình vọng tộc của một danh tướng nên từ nhỏ bà đã được thừa hưởng một chế độ giáo dục rất tốt và bản lĩnh không thua kém bất cứ ai.
Ở tuổi 13, bà sớm được gả cho Lý Thế Dân, người khi đó mới 16 tuổi. Gia tộc nhà Lý từng phụng sự đắc lực cho triều Tùy, đến khi đất nước rơi vào cảnh loạn lạc thì chính Lý Thế Dân đã khuyên cha là Lý Uyên khởi nghĩa giành chính quyền.
Nguoi phu nu quyen luc khien hoang de vi dai nhat Trung Hoa mot muc nghe loi
Hình tượng Trưởng Tôn Hoàng hậu trong phim truyền hình Trung Quốc.

Sau này, Lý Thế Dân được cha phong là Tần vương nên bà nghiễm nhiên trở thành Tần vương phi. Lý Thế Dân là người trực tiếp thống lĩnh quân đội nhà Đường đánh dẹp các thế lực khác, thống nhất Trung Hoa.
Năm 626, chính biến Huyền vũ môn xảy ra, Lý Thế Dân giết chết hai anh em là Lý Kiến Thành và Lý Nguyên Cát để trở thành Thái tử, do đó Tần vương phi trở thành Thái tử phi. Không lâu sau, Đường Cao Tổ chấp thuận truyền ngôi cho Lý Thế Dân, trở thành Đường Thái Tông, bà được phong làm hoàng hậu nhà Đường.
Trong một thời gian ngắn, Trưởng Tôn Hoàng hậu sinh hạ cho hoàng đế 7 người con, 3 hoàng tử và 4 công chúa. Một trong số đó là thái tử Lý Trị, người được chọn làm hoàng đế thứ ba của nhà Đường.
Năm 636, Trưởng Tôn Hoàng hậu qua đời ở tuổi 36. Hoàng đế Đường Thái Tông hết sức đau lòng, làm đám tang long trọng. Suốt hàng chục năm ngồi trên ngai vàng, ông không lập thêm hoàng hậu thứ hai.
Người phụ nữ quyền lực

Theo Women Of China, người ta thường nói rằng “đằng sau người đàn ông thành công không thể thiếu một người vợ tốt”.
Hoàng đế Đường Thái Tông đã có công lập nên một triều đại nhà Đường thịnh vượng nhất trong lịch sử Trung Hoa, và người góp phần vào thành quả ấy không thể không nhắc đến Trưởng Tôn Hoàng hậu.
Bà được đánh giá là một hoàng hậu khiếm tốn, hòa nhã, mẫu mực và tiết kiệm. Bà đối đãi tốt với các cung nữ.
Nếu Đường Thái Tông tỏ ra tức giận với một cung nữ nào mà không có lý do, bà cũng sẽ giả vờ tức giận rồi bí mật thẩm vấn họ, sau đó đưa họ đến một nơi chăm sóc chu đáo, rồi khi hoàng đế nguôi cơn giận thì bà sẽ xin giùm tội cho họ.
Sử sách còn chép rằng, nếu một cung tần nào của Đường Thái Tông đau ốm, bà sẽ đích thân đến hỏi thăm và trích tiền tiêu dùng của mình để chữa trị.
Trưởng Tôn Hoàng hậu thường kể chuyện xưa cho Đường Thái Tông nghe để giúp ông những vấn đề khó khăn trong việc triều chính. Khi ông đang có ý muốn ban thưởng hoặc xử tội quần thần, ông có hỏi bà cho ý kiến thì bà nói rằng bổn phận không cho phép mình can dự vào chuyện triều chính.
Một lần nọ, Đường Thái Tông có ý muốn phong anh trai bà làm tể tướng, cũng vì là công thần góp sức giúp mình nắm quyền lực. Bà đã kịch liệt phản đối. “Thần thiếp đã có thể ở lại trong cung và hưởng vinh hoa phú quý, đã là phúc phận to lớn. Thiếp không muốn trèo cao, để gia tộc anh em nắm đại quyền, hoàn toàn không phải điều nên làm. Thiếp kính mong Hoàng thượng đừng lập anh trai thần thiếp chức vị Tể tướng”.
Một lần khác, sau khi bãi triều và trở về cung, hoàng đế tỏ ra hết sức giận dữ. Đường Thái Tông nói: “Ta phải giết tên ngu đần này mới được” Trưởng Tôn Hoàng hậu hỏi: “Không biết ai đã làm cho bệ hạ nổi giận như vậy?”
Thái Tông trả lời: “Là Ngụy Trưng chứ ai! Hắn đã làm xấu mặt ta trước bá quan văn võ”. Ngụy Trưng là một quan nhà Đường, nổi tiếng là người thẳng thắn, không ngần ngại chỉ trích bất cứ ai, dù đó là hoàng đế.
Sau khi biết rõ chuyện xảy ra, bà lặng lẽ rút lui và trở lại với bộ y phục trang trọng như thể sắp có một nghi lễ triều bái trịnh trọng. Đường Thái Tông rất ngạc nhiên hỏi: “Tại sao nàng ăn mặc như thế”.
Với một phong thái bình tĩnh và trang nghiêm, Trưởng Tôn Hoàng hậu nói: “Xin chúc mừng Bệ hạ! Thiếp nghe rằng chỉ khi nào Hoàng đế là một minh quân thì mới xứng đáng được quần thần dùng lời thẳng thắn mà can gián”.
Sau khi nghe xong, Thái Tông liền thay đổi thái độ, không những không trách phạt, mà còn ban thưởng cho Ngụy Trưng vì những lời khuyên chính đáng.
Trưởng Tôn Hoàng hậu được đánh giá là một trong số ít những người phụ nữ trong lịch sử phong kiến Trung Hoa có tác động lớn đến hoàng đế. Sinh thời, bà mắc bệnh hen suyễn nên chỉ 36 tuổi đã qua đời.
Trước khi chết, bà nói những lời cuối cùng với hoàng đế, mong hoàng đế “trọng dụng hiền tài, đẩy lùi những kẻ hèn hạ. Chấp nhận những lời can gián, nhưng tránh xa nịnh thần”.
“Đối với tất cả người thân của thiếp, trừ khi họ có tài đức lớn, nếu không thì không đặt họ ở vị trí cao”.
Bà cũng muốn được chôn cất một cách đơn giản nhất nhưng vì Đường Thái Tông vì quá thương tiếc nên đã không thực hiện đầy đủ nguyện ước. Hoàng đế ra lệnh cho xây dựng một lăng mộ đồ sộ, một sảnh đường ghi khắc nhiều câu chuyện về bà.
Có thể nói, Trưởng Tôn Hoàng hậu đã có những ảnh hưởng lớn đối với hoàng đế, đóng vai trò quan trọng giúp Đường Thái Tông xây dựng một nhà Đường hùng mạnh, tạo ra triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc cho tới hàng trăm năm sau.
Các nhà sử học Trung Quốc ngày nay đều đồng ý rằng sự thịnh vượng của nhà Đường gắn liền với những đóng góp không thể thiếu của Trưởng Tôn Hoàng hậu.
Theo danviet.vn
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm