Người vợ xấu "ma chê quỷ hờn" nhưng khiến Gia Cát Lượng "mê như điếu đổ", cả đời chung tình
Những bức ảnh ấn tượng về động vật hoang dã / Bị cá chình xé toạc, bạch tuộc vẫn kịp phản đòn cực hiểm
Gia Cát Lượng không chỉ tài ba lỗi lạc mà sắc vóc cũng hơn người nhưng vợ của ông lại thuộc nhóm 5 nữ nhân xấu nhất Trung Hoa trong truyền thuyết. Hậu thế vẫn cho rằng Gia Cát Lượng là người chịu thua thiệt trong cuộc hôn nhân với người vợ xấu xí Hoàng Nguyệt Anh. Nhưng sự thật liệu có phải như vậy?
Sử cũ miêu tả: Gia cát Lượng cao chừng 7 xích, tay cầm quạt lâu, đầu chít khăn, phong lưu, phóng khoáng. Tuy nhiên, vị “Ngọa Long tiên sinh” tài trí hơn người này lại đồng ý thành thân cùng Hoàng Nguyệt Anh – một phụ nữ nổi tiếng xấu xí lúc bấy giờ.
Sinh thời, Hoàng Nguyệt Anh từng được mệnh danh là một trong năm người phụ nữ tài năng nhưng xấu nhất trong lịch sử Trung Hoa (Ngũ xú Trung Hoa). Ngoại hình thua thiệt, nhưng bản thân Nguyệt Anh lại vô cùng giỏi giang, đức hạnh.
Bà được miêu tả là người “năng lý năng ngoại” (giỏi lo toan việc trong nhà lẫn việc bên ngoài). Không những giúp chồng sắp xếp ổn thỏa việc gia sự, Nguyệt Anh còn hỗ trợ rất nhiều cho sự nghiệp của Gia Cát Lượng.
Có nhiều giai thoại còn khẳng định rằng chủ nhân của sáng kiến “Mộc ngưu lưu mã” chính là vị phu nhân túc trí này. Đây cũng là lý do vợ của Khổng Minh tuy “xấu người”, nhưng trăm ngàn năm qua vẫn được hậu thế ca tụng.
Vậy nhưng, sự thật liệu có đúng như những giai thoại truyền tai hậu thế?
Sự túc trí đa mưu của Khổng Minh từng nức tiếng trong vùng, còn được nhiều người tôn là “Ngọa Long” (rồng ẩn mình). Vậy nhưng danh tiếng của ông mới chỉ tồn tại trong phạm vi nhỏ, tài năng của Gia Cát Lượng vẫn chưa thực sự được các hào kiệt để mắt tới.
Hoàng Nguyệt Anh là một cô gái thô kệch, tóc vàng, da đen, thậm chí trên da còn nổi lên chút nhăn nheo như da gà khiến người ngoài nhìn vào không khỏi “phát run”. Nhưng phẩm chất đức hạnh của bà lại nổi tiếng khắp nơi xa gần. Bà là con gái của danh sĩ Hoàng Thừa Ngạn ở Hà Nam.
Trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” có viết một đoạn với ý chê cười Gia Cát Lượng, rằng việc thành thân của ông là do chính cha vợ Hoàng Thừa Ngạn làm mai mối. Ý rằng Hoàng Thừa Ngạn là nhà gái mà lại phá vỡ quan niệm thế tục, tự mình tìm đến nhà Gia Cát Lượng, hỏi: “Ta nghe nói tiên sinh đang kén vợ. Ta có một cô con gái xấu xí, tóc vàng, da đen, muốn được gả cho tiên sinh, tiên sinh có đồng ý không?” Gia Cát Lượng nghe xong, không nói lời nào mà lập tức đồng ý. Hoàng Thừa Ngạn liền đánh chiêng gõ trống đốt pháo và tự mình đưa con gái tới Long Trung gả cho Gia Cát Lượng.
Kỳ thực, trước đó Gia Cát Lượng sớm đã hiểu rõ đạo đức của Hoàng Thừa Ngạn đồng thời đã có nghe qua về tài đức của Hoàng Nguyệt Anh cho nên ông đã đồng ý hôn sự này.
Nói về Gia Cát Lượng, nhìn thì như thể ông đồng ý một cách tùy tiện nhưng kỳ thực là đã trải qua “nghĩ sâu tính kỹ” rồi.
Trên thực tế không phải Hoàng Thừa Ngạn tự đưa con gái tới mà là Gia Cát Lượng đã tới Hoàng phủ đề cầu hôn. Hoàng Thừa Ngạn đã chuẩn bị sẵn mọi việc và thông báo với người nhà: “Chỉ cần Gia Cát Lượng tới, không cần thông báo mà hãy mời vào."
Hoàng Đức Công, Tư Mã Huy và Hoàng Thừa Ngạn đều là những danh sĩ nổi tiếng đương thời, cũng là phụ tá đắc lực của Lưu Biểu.
Bản thân vợ của Ngạn còn là chị em với một trong các phu nhân của Lưu Biểu, nên gia tộc họ Hoàng có tầm ảnh hưởng không nhỏ tại Kinh Châu.
Nay có Bàng Đức Công, Tư Mã Huy làm chủ, Gia Cát Lượng nghiễm nhiên trở thành con rể của nhà danh gia. Cơ hội “một bước lên trời” này khiến Khổng Minh không phải lo lắng về chuyện thanh danh, tiền đồ phía trước.
Gia Cát Lượng thông minh hơn người, biết rõ cái lợi trong cuộc hôn nhân này còn gấp trăm lần cái thiệt, vì thế mà không khỏi vui mừng.
Quả nhiên sau đó, Bàng Đức Công, Bàng Thống, Tư Mã Huy và Hoàng Thừa Ngạn cật lực tiến cử Khổng Minh. Tuy rằng lúc đó, Gia Cát Lượng vẫn đang ẩn cư tại Long Trung, nhưng danh hiệu “Ngọa Long tiên sinh” đã vang khắp thiên hạ.
Dân gian cũng bởi vậy mà có câu: “Ngọa Long (chỉ Lượng), Phượng Sồ (chỉ Bàng Thống), được một trong hai là có thể an thiên hạ.”
Sự tình sau đó ai cũng đều biết rõ. Lưu Bị ba lần đến lều tranh mời Gia Cát Lượng xuống núi. Khổng Minh theo phò Lưu Bị, cùng tranh thiên hạ cho nhà Thục Hán.
Sau khi Gia Cát Lượng cưới Hoàng Nguyệt Anh về, hàng xóm láng giềng đều chỉ nhìn bên ngoài mà mỉa mai nói: “Đừng ai học Khổng Minh lấy vợ quá xấu!” Nhưng họ đâu biết được rằng, khi chứng kiến chú chó gỗ, bức tranh vẽ, hoa cỏ, Gia Cát Lượng sớm đã biết được tài năng của Hoàng Nguyệt Anh. Ngay thời điểm ở Hoàng phủ, Gia Cát Lượng biết rõ đây chính là người mà ông tìm, thậm chí ông còn cho là mình phải may mắn mới cưới được người vợ hiền đức lại tài năng này.
Sau khi Hoàng Nguyệt Anh về chung sống ở nhà Gia Cát Lượng, từ việc trồng trọt, nấu cơm, việc nặng việc nhẹ trong và ngoài nhà, bà đều một tay thu xếp thỏa đáng. Gia Cát Lượng hoàn toàn có thời gian và đặt hết tâm trí vào việc quốc sự.
Bạn bè của Gia Cát Lượng như Thôi Châu Bình ở Bác Lăng, Quảng Nguyên ở Toánh Xuyên Thạch và Từ Nguyên Trực thường xuyên đến nhà ông uống rượu làm thơ, đàm luận quốc sự. Người vợ xấu xí này luôn luôn làm cơm, rượu trắng chu đáo vui vẻ để tiếp đãi khách. Ban đầu, những người bạn này tới nhà Gia Cát Lượng mà gặp Hoàng Nguyệt Anh thì đều cảm thấy không tự nhiên, nhưng dần dà do sự chu đáo nhiệt tình của bà, mọi người lại cảm thấy như ở nhà. Thái độ của họ cũng dần dần cải biến, từ chỗ coi thường miệt thị đến chỗ cung kính, coi trọng. Gia Cát Lượng là một người có tính sĩ diện, nên thấy bạn bè vui vẻ thì trong lòng cũng thấy vô cùng ưng ý.
Đại trí đại tuệ của Gia Cát Lượng được thế nhân ca ngợi nhưng một điều cũng đáng được người đời biết đến chính là tình cảm của vợ chồng Gia Cát Lượng và Hoàng Nguyệt Anh, e rằng trên đời khó có người sánh bằng.
End of content
Không có tin nào tiếp theo