Đánh vào lòng người, mở lượng khoan hồng với kẻ thù là những tư tưởng quân sự đặc sắc, vượt thời đại của Nguyễn Trãi, giúp ông "tay không" thu phục hàng trăm nghìn quân thù.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư,
Nguyễn Trãi (1380-1442) hiệu là Ức Trai, tổ tiên ông ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương).
Nguyễn Trãi chính là một trong số ít những vị quân sư kiệt xuất nhất trong sử Việt. Vai trò của ông không khác gì Khổng Minh Gia Cát Lượng ở Trung Quốc, Đào Duy Từ của chúa Nguyễn. Dù không trực tiếp cầm quân ra trận, những tư tưởng về mặt quân sự của ông vẫn có tác động rất lớn đến kết cục của cuộc
khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi.
Đánh vào lòng người
Đánh vào lòng người (tâm công kế) là chiến lược cơ bản đã được Nguyễn Trãi dâng lên Lê Lợi trong Bình Ngô sách, góp phần quyết định vào cuộc kháng chiến chống quân Minh.
Trong Ức Trai di tập, Nguyễn Trãi chỉ chú trọng "đánh vào lòng người". Tâm công kế là chủ trương đánh vào lòng địch với hai phương thức chủ yếu là dụ hàng các tướng lĩnh, binh sĩ địch và ngụy quân, khi thì để hòa hoãn tạm thời với địch để bảo toàn lực lượng, khi ưu thế thuộc về nghĩa quân thì dùng lý lẽ để buộc địch chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước.
Trong khởi nghĩa Lam Sơn, Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã triệt để tiến công ngoại giao, kết hợp với đấu tranh quân sự. Khi quân địch bị dồn vào thế bất lợi, nghĩa quân Lam Sơn không tiến hành đánh địch ngay mà kết hợp giữa việc bao vây và kêu gọi kẻ địch đầu hàng. Đây là nét đặc sắc trong nghệ thuật tiến hành chiến tranh của Nguyễn Trãi.
Coi trọng đánh vào tinh thần, tư tưởng quân địch, làm suy sụp ý chí chiến đấu của chúng, thực hiện "không đánh mà thắng". Đó là một trong những tư tưởng quân sự xuyên suốt và độc đáo nhất của Nguyễn Trãi.
Thực hiện tâm công kế, trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi 5 lần trực tiếp vào thành quân Minh vận động chúng đầu hàng, bản thân ông cũng đã nhân danh Lê Lợi và nghĩa quân viết trên 60 bức thư cho các viên tướng chỉ huy của nhà Minh như Vương Thông, Sơn Thọ, Phương Chính, Thái Phúc, Dã Tung, Liễu Thăng… để lên án hành động của quân xâm lược và dụ chúng đầu hàng để tránh phải đối đầu trực tiếp.
Theo quan điểm của Nguyễn Trãi, đánh vào tinh thần là trước tiên, rồi mới đánh vào thành trì. Trong 15 thành quân Minh trấn giữ, nghĩa quân chỉ tiêu diệt hai thành bằng bạo lực vũ trang, số còn lại đều bằng vận động, dụ hàng hoặc buộc địch phải giao nộp đại bản doanh của chúng.
Nhờ chiến thuật đúng đắn này, Nguyễn Trãi vừa tránh cho nghĩa quân Lam Sơn chỗ mạnh của quân Minh trong thời điểm lịch sử lúc bấy giờ, vừa tiết kiệm xương máu binh sĩ để kháng chiến lâu dài.
Bên cạnh vận động kẻ thù, Nguyễn Trãi cũng tích cực kêu gọi ngụy quân lầm đường lạc lối quay về với chính nghĩa cũng là một chiến thuật quân sự độc đáo của Nguyễn Trãi. Đây cũng là mũi tiến công quan trọng, góp phần làm suy yếu nhanh chóng chế độ đô hộ của nhà Minh.
Mở lòng khoan dung với kẻ thù
Mở lượng khoan hồng đối với quân địch thất bại, giữ tình hòa hiếu lâu dài giữa hai nước cũng là một trong những tư tưởng quân sự chủ đạo của Nguyễn Trãi.
Ngay từ đầu cuộc khởi nghĩa, Nguyễn Trãi đã chủ trương vừa đánh, vừa tiếp xúc, trao đổi thư từ với các tướng lĩnh nhà Minh, có đánh, có hòa, đấu tranh có lý, có tình thuyết phục phù hợp với tâm lý, tư tưởng của những đối tượng khác nhau, làm cho chúng phải nể phục.
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, sau trận tập kích thành Đa Căng trên đường tiến vào Nghệ An vào tháng 9/1424, nghĩa quân Lam Sơn càng đánh càng thắng lợi. Trong trận chiến ở Tây Đô, nghĩa quân Lam Sơn bắt được nhiều vợ con quân địch, nhưng đều tha cho về nhà làm ăn, khiến danh tiếng của nghĩa quân lại càng vang dậy.
Đền thờ Nguyễn Trãi ở Chí Linh, Hải Dương. Ảnh: VOV.
Cuối năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn đã ở vào thế hoàn toàn có thể áp đảo được hàng trăm nghìn quân Minh ở Đông Quan. Một số tướng sĩ muốn đánh Đông Quan để giết hết quân xâm lược cho hả giận. Nhưng lúc ấy "hành khiển Nguyễn Trãi ở nơi màn trướng biết rõ chỗ mạnh yếu của giặc, nên mới chuyên chú về mặt nghị hòa".
Nguyễn Trãi hiểu rất rõ tính chất và đặc điểm của mối quan hệ bang giao giữa hai nước, nhất là đối với triều đình nhà Minh. Hội thề Đông Quan là một hình thức kết thúc chiến tranh sáng tạo, độc đáo trong cuộc kháng chiến chống quân Minh do ông và Lê Lợi tổ chức.
Tại hội thề này, Lê Lợi, Nguyễn Trãi đã buộc Vương Thông và 100.000 quân sĩ nhà Minh đều phải lần lượt thề trước nghĩa quân Lam Sơn và nhân dân nước ta không chỉ là rút nhanh, rút hết mà chủ yếu là không bao giờ quay lại xâm lược nước ta một lần nữa và khi về đến Trung Quốc cũng phải tâu lên với triều đình Nhà Minh như vậy.
Sử cũ ghi lại trước ngày lên đường về nước, Vương Thông đã sang chào từ biệt đại bản doanh của nghĩa quân và ở lại một đêm cùng các lãnh tụ và tướng lĩnh Lam Sơn vui chơi, trò chuyện rất cởi mở, thân mật. Sáng hôm sau, Vương Thông lên đường, các lãnh tụ nghĩa quân tiễn tặng rất trọng hậu: Trâu rượu, cờ thêu, trướng vẽ và nhiều tặng vật khác.
Hành động hòa hiếu của Lê Lợi, Nguyễn Trãi không chỉ tướng lĩnh mà cả 100.000 hàng binh địch đều rất cảm động, vui sướng trước thái độ khoan hồng, nhân đạo và cử chỉ cao đẹp của quân đội và nhân dân Đại Việt.
Đường lối kết thúc chiến tranh ấy là một trong những nghệ thuật quân sự đặc sắc của Nguyễn Trãi, là bài học cho các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của nước ta sau này.
Theo Nguyễn Thanh Điệp/Zing