Khám phá

Nhan sắc bí ẩn của “người đẹp vàng ròng” nổi danh lịch sử hội họa

Trong giới hội họa, người ta thường gọi bà là “người phụ nữ vàng”, bởi thực sự chân dung của bà được dát lên những lá vàng ròng.

Bí ẩn về tộc người Pygmy, đại diện cổ xưa nhất của lục địa đen / Cổ vật ẩn giấu trong tượng cổ

Trong âm nhạc, công chúng đã biết đến một Adele nữ danh ca nổi tiếng thế giới; nhưng trong hội họa, cũng có một Adele lẫy lừng không kém. Đó là Adele Bloch-Bauer, một nhan sắc “vàng ròng” từng xuất hiện trong những bức tranh nổi bật nhất trong sự nghiệp của danh họa người Áo Gustav Klimt.

Adele Bloch-Bauer là một quý bà hào phóng, chuyên bảo trợ cho những tài năng hội họa, bà là một nhân vật nổi bật trong đời sống văn hóa ở thành Vienna, Áo. Gustav Klimt là một trong những tài năng hội họa được bà Adele bảo trợ. Để đáp lại tấm thịnh tình của quý bà xinh đẹp, Gustav Klimt đã từng thực hiện ít nhất hai bức chân dung về bà.

Bức chân dung “Adele Bloch Bauer I” từng lập kỷ lục về giá khi được đem bán hồi năm 2006, đạt mức 135 triệu đô.

Người họa sĩ ấy đã thực sự khiến vị ân nhân của mình trở thành một biểu tượng với nhan sắc được muôn đời nhớ đến. Cho tới tận hôm nay, những bức chân dung Gustav Klimt khắc họa bà Adele vẫn được xem là kinh điển trong giới mỹ thuật và đạt mức giá thuộc vào hàng “khủng” nhất thế giới.

Trong những bức chân dung Gustav Klimt thực hiện về bà Adele, thật khó để có thể đọc được những gì đang diễn ra bên trong đôi mắt đen trong trẻo của bà, người phụ nữ ấy là nhan sắc duy nhất được vị danh họa khắc họa trong tranh của mình nhiều hơn một lần. Adele trong tranh Gustav Klimt là người phụ nữ của chiều sâu và bí ẩn.

Trong triển lãm mới được mở ra, mang tên “Klimt and the Women of Vienna’s Golden Age” (Klimt và người phụ nữ của thời đại vàng ở thành Vienna), hiện đang diễn ra ở New York, Mỹ, cả hai bức tranh chân dung kinh điển do Klimt thực hiện - “Adele Bloch-Bauer I” (1907) và “Adele Bloch-Bauer II” (1912) - sẽ được triển lãm cạnh nhau lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ.

Triển lãm này sẽ trưng bày nhiều bức chân dung khắc họa những người phụ nữ khác nhau từng ngồi làm mẫu cho danh họa Gustav Klimt, nhưng chắc chắn, hai bức chân dung khắc họa bà Adele vẫn sẽ là trung tâm.

Trong giới hội họa, người ta thường gọi bà Adele là “người phụ nữ vàng”, bà đã xuất hiện và in dấu ấn sâu đậm trong thời kỳ đỉnh cao phong độ của Gustav Klimt - “thời kỳ vàng”.

 

Thực tế, nhiều nhà nghiên cứu còn cho rằng quý bà Adele Bloch-Bauer cũng chính là người phụ nữ xuất hiện trong bức “The Kiss” (Nụ hôn) và “Judith and the Head of Holofernes” (Judith và đầu của Holofernes).

Trong những bức họa của Klimt, bà Adele chứa đựng cả sự yếu đuối và sức mạnh, bà đại diện cho những phụ nữ quý tộc ở thành Vienna giai đoạn cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, một thời kỳ chuyển giao mạnh mẽ của đời sống xã hội.

Quý bà Adele Bloch-Bauer trong một bức ảnh chụp vào khoảng năm 1910. Xuất thân trong một gia đình Do Thái giàu có ở thành Vienna, bà là một nhà bảo trợ hào phóng.
Quý bà Adele Bloch-Bauer trong một bức ảnh chụp vào khoảng năm 1910. Xuất thân trong một gia đình Do Thái giàu có ở thành Vienna, bà là một nhà bảo trợ hào phóng.

Những bức tranh khắc họa chân dung quý bà Adele từng được xem là biểu tượng văn hóa Áo, từ lâu, bức “Adele Bloch-Bauer I” đã được ví như “nàng Mona Lisa của nước Áo”.

Về sau, bức họa còn trở thành biểu tượng của sự công bằng và từng là chủ đề của bộ phim “Woman in Gold” (Người phụ nữ vàng - 2015) - một bộ phim kể lại câu chuyện có thật về hành trình lưu lạc của bức tranh kể từ khi bị quân đội Đức Quốc xã lấy đi khỏi gia đình gốc Do Thái Bloch-Bauer thời kỳ Thế chiến II.

Người cháu gái của bà Adele - Maria Altmann - đã có một cuộc chiến pháp lý kéo dài để cuối cùng có thể đòi lại quyền sở hữu hợp pháp hai bức chân dung của gia đình.

 

“Bản giao hưởng bằng vàng”

Quý bà Adele có tên thời con gái là Adele Bauer, bà sinh ra ở thành Vienna, Áo, năm 1881. Là con gái của một giám đốc ngân hàng kiêm chủ công ty đường sắt, cô thiếu nữ Adele lớn lên trong nhung lụa và được hưởng một tuổi thơ giàu sang, chuyên dành để học tập văn hóa - nghệ thuật, nhờ đó, Adele sớm có sự hiểu biết và tình yêu dành cho nghệ thuật.

Năm 19 tuổi, Adele kết hôn với Ferdinand Bloch, một ông trùm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu đường, người đàn ông này hơn cô 17 tuổi. Ông Ferdinand rất ngưỡng mộ vợ - một phụ nữ trẻ hiểu biết và xinh đẹp.

Ông tôn trọng người vợ trẻ đến mức để bà giữ nguyên tên họ thời con gái của mình, và đem ghép họ của hai người lại với nhau thành Bloch-Bauer, bản thân ông cũng đổi theo họ mới này.

Sau khi đến với Adele, ông Ferdinand cũng trở thành nhà bảo trợ cho các nghệ sĩ, hai người không chỉ sưu tầm tranh từ các họa sĩ mà còn đặt hàng thực hiện những bức họa. Trong số những nghệ sĩ nhận được sự quan tâm của ông bà Bloch-Bauer, có danh họa Gustav Klimt.

 

“The Kiss” (Nụ hôn)
“The Kiss” (Nụ hôn)

Ý tưởng thực hiện bức chân dung “Adele Bloch Bauer I” bắt đầu được bàn bạc qua thư năm 1903, khi đó quý bà Adele mới 22 tuổi, bà viết thư cho danh họa Klimt để bàn về việc thực hiện một bức chân dung mà chồng bà dự định đem tặng trong lễ kỷ niệm ngày cưới của cha mẹ vợ.

Thời kỳ này, Klimt đang là một họa sĩ tai tiếng nhiều hơn danh tiếng, bởi ông đã thực hiện một loạt tác phẩm phù điêu mang nặng tính phồn thực, gây tranh cãi và bị nhiều nhân vật trong giới nghệ thuật hàn lâm tẩy chay, không cho xuất hiện tại các sự kiện hội họa tầm vóc.

Bức “Adele Bloch-Bauer I” lần đầu tiên được đem triển lãm trước công chúng là vào năm 1907, một bức tranh sơn dầu ngoạn mục có gắn những lá vàng ròng, trong đó, quý bà Adele mặc chiếc váy để lộ vai trần, ngồi trên một ngai vàng được cách điệu hóa, ánh mắt của bà nhìn về phía người xem chứa đựng cả sự yếu đuối và niềm tự hào.

Bàn tay của bà đan cài vào nhau một cách kỳ lạ, thậm chí một ngón tay khi được quan sát kỹ, còn có phần bị biến dạng, đó là một điểm yếu trên hình thể của bà Adele, mà khi ngồi làm mẫu cho các họa sĩ, bà thường cố gắng tìm cách tạo dáng để che đi khiếm khuyết.

Thực tế, để thực hiện được bức tranh nổi danh này, Klimt đã phải thực hiện tới 200 bức phác họa để nghiên cứu kỹ lưỡng nhân vật. Bà Adele cũng đã kiên nhẫn xuất hiện trong rất nhiều buổi “tập dượt” của vị họa sĩ.

 

Bức họa mang vẻ rực rỡ huy hoàng đặc trưng phương Đông và đồng thời hàm chứa những biểu tượng của đam mê, dục vọng. Bức “Adele Bloch-Bauer I” là bản giao hưởng bằng vàng, một khúc ca khải hoàn độc đáo và là một siêu phẩm hội họa của nghệ thuật thế kỷ 20.

Bức chân dung “Adele Bloch Bauer II” ít được biết tới hơn, nhưng thực tế không hề kém hơn về mức độ tài hoa và cảm xúc của người họa sĩ.
Bức chân dung “Adele Bloch Bauer II” ít được biết tới hơn, nhưng thực tế không hề kém hơn về mức độ tài hoa và cảm xúc của người họa sĩ.

Bức chân dung “Adele Bloch Bauer II” được xem là một cuộc khởi hành đầy kịch tính, chứng kiến sự đổi thay của chính Klimt so với bức chân dung ngoạn mục đầu tiên. Bức “Adele Bloch Bauer II” được thực hiện 5 năm sau bức “Adele Bloch Bauer I”, và Klimt đã thực hiện theo một phong cách hoàn toàn khác, cho thấy một sự đổi thay mạnh mẽ.

Trong sự nghiệp của Klimt, “thời kỳ vàng”, gắn liền với những lá vàng ròng dát lên tranh, là thời kỳ đỉnh cao trong sự nghiệp hội họa của ông, người ta không nghĩ rằng ông vẫn có thể tiếp tục phát triển, tìm đến những phong cách mới trong nghệ thuật.

Việc có thể dũng cảm từ giã phong cách đỉnh cao từng gây choáng ngợp để tiếp tục thực hiện những cuộc hành trình mới trong nghệ thuật là một sự dũng cảm quyết liệt và đáng nể của danh họa Gustav Klimt.

Cuộc đời buồn của “nhan sắc vàng ròng”

 

Trong bức họa thứ 2, quý bà Adele thực sự mang phong cách của một quý phu nhân, với đôi mắt thể hiện nhiều hơn những nét sầu muộn. Dù sống trong sự giàu có, nhưng cuộc sống của bà không hề đơn giản, dễ dàng.

Thực tế, bà là một phụ nữ lạnh lùng, thông minh, rất cập nhật tình hình chính trị, thời sự. Với cá tính như vậy, bà không hề hạnh phúc, mãn nguyện với một cuộc hôn nhân dàn xếp, thêm nữa, năm tháng trôi đi mà Adele không được nếm trải niềm hạnh phúc của việc làm mẹ, bà từng hai lần bị sảy thai và một lần con bị chết yểu.

Quý bà Adele là một phụ nữ trang nhã, thanh mảnh, có mái tóc đen, bà luôn thích mặc những chiếc váy trắng ôm sát gợi cảm và ngậm một tẩu thuốc dài, nạm vàng.

Bức ảnh chụp chân dung danh họa lập dị Gustav Klimt.
Bức ảnh chụp chân dung danh họa lập dị Gustav Klimt.

Những người phụ nữ xuất hiện trong tranh của Gustav Klimt thường không chỉ thể hiện sự đam mê nồng nhiệt mà còn luôn toát lên sức mạnh và sự tự tin. Các nhà phê bình hội họa từ lâu đã gọi Klimt là “người am hiểu phụ nữ”.

Thậm chí nhiều người còn cho rằng việc quý bà Adele được danh họa Klimt ưu ái khắc họa chính thức tới hai lần, là bởi giữa Adele và Klimt có một mối tình.

 

Dù điều này không bao giờ được khẳng định, nhưng trong tranh ông, bà Adele luôn hiện lên đầy quyền lực, đẹp uy nghi, thậm chí có phần “tâng bốc” hơn so với thực tế. Vẻ đẹp của bà qua nét vẽ của Klimt đã được thần tượng hóa.

“Judith and the Head of Holofernes” (Judith và đầu của Holofernes)
“Judith and the Head of Holofernes” (Judith và đầu của Holofernes)

Thực tế, trong cuộc sống của mình, bà Adele là một phụ nữ quyền lực thực sự. Bà thuộc vào giới tư sản Do Thái giàu có, những phụ nữ sống trong cộng đồng này nắm giữ sức mạnh đáng kể trong xã hội và thường là những con người rất có tầm hiểu biết.

Họ thường mở ra những salon phục vụ giới thượng lưu để từ đó giúp chồng gia tăng quan hệ và nắm bắt thông tin. Danh họa Klimt có mối quan hệ mật thiết với các quý bà Do Thái giàu có, họ cũng rất quý chuộng tài năng của ông, thường giúp ông gia tăng quan hệ, mua tranh của ông; để đáp lại, Klimt khắc họa chân dung họ.

Klimt bắt đầu tập trung hoàn toàn vào việc khắc họa chân dung phụ nữ kể từ những năm đầu thế kỷ 20.

Những bức tranh của Klimt đã không chỉ phản ánh vị thế phụ nữ trong xã hội thượng lưu ở thành Vienna thời bấy giờ, mà còn cho thấy những đổi mới trong thời trang và thiết kế đương thời. Ví dụ, trong rất nhiều bản vẽ phác họa cho bức “Adele Bloch-Bauer I”, quý bà Adele đã không mặc áo nịt ngực, chiếc váy của bà cũng mềm mại, ôm sát, khoe ra vẻ đẹp cơ thể.

 

Những chiếc váy như vậy thường được các phụ nữ tư sản đương thời chọn mặc như một cách để thể hiện sự tự do, phóng khoáng, quyền lực và sự tự chủ của mình trong xã hội hiện đại.

Danh họa Gustav Klimt khắc họa rất nhiều phụ nữ thượng lưu ở thành Vienna, như trong bức tranh này là một cô gái trẻ có tên Elisabeth.
Danh họa Gustav Klimt khắc họa rất nhiều phụ nữ thượng lưu ở thành Vienna, như trong bức tranh này là một cô gái trẻ có tên Elisabeth.

Quý bà Adele qua đời năm 1925 ở tuổi 43 vì bệnh viêm màng não. Số phận có lẽ đã ban ơn để bà được ra đi sớm và không phải chứng kiến những năm tháng đen tối sắp ập đến với cộng đồng người Do Thái hồi Thế chiến II.

Sau khi bà qua đời ít lâu, những biến động lớn trong đời sống chính trị - xã hội đã khiến những tác phẩm hội họa mà đương thời bà từng sưu tập, bao gồm cả những bức chân dung mà Gustav Klimt khắc họa bà, bị lấy đi khỏi gia đình.

Cho tới tận năm 2006, sau một cuộc chiến pháp lý kéo dài, người cháu gái của bà mới nhận được quyền sở hữu hợp pháp để đưa những bức chân dung của Adele trở về với gia đình. Tuy vậy, vì không gánh vác nổi chi phí bảo hiểm - bảo quản tranh quý, người cháu gái này đã phải đem bán cả hai bức tranh.

Tháng 4/2016, thành Vienna, Áo có thêm một con phố mới, đặt tên là phố đi dạo Bloch-Bauer, để tưởng nhớ vợ chồng bà Adele và ông Ferdinand. Nước Áo hẳn rất “nhớ thương” hai bức họa về quý bà Adele, đặc biệt là bức “Adele Bloch-Bauer I”, vốn được họ coi như “nàng Mona Lisa của nước Áo”…

 

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm