Nhiều khám phá mới về cuộc đời Hoàng hậu Nam Phương
Tử Cấm Thành vừa sang trọng, tại sao các hoàng đế của triều đại nhà Thanh lại không thích sống ở đó? / Bộ tộc có nguy cơ tuyệt chủng nhất: Phụ nữ ngủ với nhiều người đàn ông để gia tăng dân số!
Đó là “Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại”, do NXB Phụ nữ Việt Nam thực hiện, với lời nhắn cần lưu ý: “Đây không phải là công trình nghiên cứu lịch sử chuyên khảo, mà chỉ là một cuốn tư liệu lịch sử về cuộc đời Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương, được thể hiện dưới góc nhìn và lập luận của cá nhân tác giả”, nhưng vẫn được bạn đọc đánh giá là “cuốn sách đầy đủ và thuyết phục nhất về Hoàng hậu Nam Phương. Các tài liệu mới, được sưu tầm, đối chiếu công phu trong sách có vai trò phục dựng và bổ khuyết cho những khoảng trống trong lịch sử về vị Hoàng hậu xinh đẹp, trí tuệ, và còn có bản lĩnh sống vững vàng qua thời cuộc hơn cả Hoàng đế Bảo Đại”.
“Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại” của hai tác giả Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy viết về con người, cuộc đời Vua Bảo Đại (1913 - 1997) và Hoàng hậu Nam Phương (1913 - 1963) dưới thời triều Nguyễn, trong đó chủ yếu là các thông tin về Hoàng hậu Nam Phương - một người có nhiều điểm hội tụ đặc biệt về “sắc đẹp, nét duyên dáng, lòng nhân từ, trí thông minh - hiện rõ trên nét mặt và toát ra trong từng cử chỉ” mà nhiều người chưa từng biết tới.
Vua Bào Đại và Hoàng hậu Nam Phương trong ngày cưới (ảnh tư liệu). |
Tác giả Vĩnh Đào (tên đầy đủ: Nguyễn Phước Vĩnh Đào) sinh năm 1942, là cháu của Miên Định (Thọ Xuân Vương), còn Nguyễn Phước Vĩnh Thụy (Vua Bảo Đại) là cháu của Miên Tông (Vua Thiệu Trị). Ông Vĩnh Đào có bằng Tiến sĩ Văn học của Đại học Paris IV - Sorbonne (Pháp), nghiên cứu về ngữ pháp, văn học, và đã viết nhiều biên khảo, tuỳ bút bằng tiếng Pháp và tiếng Việt. Việc là hậu duệ trong hoàng tộc, sống và làm việc ở Pháp, chính là yếu tố khá thuận lợi cho ông trong việc tra cứu tư liệu về Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương.
Hai tác giả Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy đã ròng rã suốt 3 năm thực hiện nhiều chuyến đi tới những nơi lưu dấu của Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương ở Việt Nam (từ Sài Gòn tới Tiền Giang, rồi về Thủ Đức, Chợ Lớn, Biên Hòa, lên Đà Lạt, Kon Tum, ra Quy Nhơn, Huế, Hà Nội…) và ở Pháp (những nơi nhà vua, hoàng hậu đã đi qua, sinh sống) để tìm gặp hậu duệ của những người cùng thời, phỏng vấn nhiều nhân chứng trong và ngoài nước, trong đó có cựu thị trưởng làng Chabrignac, để tìm hiểu, đối chứng các tư liệu.
Bên cạnh đó là sự dày công của các tác giả khi tiến hành khảo cứu từ nhiều nguồn tài liệu, sách báo xuất bản trong và ngoài nước, như: Thư viện Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, Thư viện Quốc gia Việt Nam, Trung tâm Quốc gia Văn khố Hải ngoại (Aix-en-Provence, Pháp), các thư viện của tu viện dòng Mến Thánh giá Chợ Quán, dòng Đức Bà, Nhà thờ chính tòa Đức Bà Sài Gòn,… để kiểm chứng thông tin một cách khách quan nhất có thể.
Hoàng hậu Nam Phương thời trẻ (ảnh tư liệu). |
Nội dung “Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại” có nhiều thông tin mới, khác với những cuốn khác - như: Ngày sinh thật, quê quán đúng của Hoàng hậu Nam Phương; những hoạt động xã hội và thiện nguyện của Hoàng hậu Nam Phương, quan hệ của bà với giới thượng lưu, quý tộc Pháp; những công việc triều chính của Vua Bảo Đại; những câu chuyện tình cảm của Vua Bảo Đại và đặc biệt là quãng thời gian 16 năm ở Pháp của gia đình Hoàng hậu Nam Phương…
Theo các tài liệu lưu hành bấy lâu nay, Hoàng hậu Nam Phương (tên rửa tội: Jeanne-Mariette, còn tên Việt: Nguyễn Hữu Thị Lan) sinh ngày 4/12/1914 tại quận Gò Công, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc TP. Gò Công, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình Công giáo giàu có. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các tư liệu, TS. Vĩnh Đào và bà Nguyễn Thị Thanh Thúy đã khẳng định ngày sinh thật sự của Hoàng hậu Nam Phương là 14/11/1913, tại Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh), như đã được khắc trên bia mộ của bà tại Pháp.
Theo các tác giả, ngày sinh 14/11/1913 của hoàng hậu tính theo âm lịch là 17.10. Tuy nhiên, do sinh cùng năm với vua Bảo Đại, nên triều nhà Nguyễn có thể đã lùi năm sinh của bà từ năm Sửu (1913) thành năm Dần (1914). Trong khi đó, ngày 17.10.1914 (âm lịch) là ngày 4.2.1914 (lịch dương), nên đã dẫn đến sự nhầm lẫn về ngày sinh của Hoàng hậu Nam Phương.
Trong ấn phẩm này, nhiều thông tin mới về Hoàng hậu Nam Phương đã được công bố. |
TS Vĩnh Đào cũng cho biết, sau bao vất vả kiếm tìm các nhân chứng và tư liệu về quê quán của Hoàng hậu Nam Phương, nhưng chưa có kết quả khả thi, thì tới tháng 11/2023, khi tìm trong đống hồ sơ hộ tịch lưu trữ trong thư viện số của Trung tâm Văn khố Hải ngoại tại Aix-en-Provence, đã tìm được một văn bản chính thức - tờ khai kết hôn lập tại tòa Đốc lý Sài Gòn ngày 12/11/1902 giữa chú rể Pierre Nguyễn Hữu Hào (sinh tại làng Tân Hòa, tỉnh Chợ Lớn, cư ngụ tại Sài Gòn) và cô dâu Lê Thị Bình (sinh tại Sài Gòn, cư ngụ tại làng Tân Hòa, tỉnh Chợ Lớn) - những vị thân sinh ra hoàng hậu. Theo các bản đồ vào đầu thế kỷ XX, thì làng Tân Hòa nằm trong địa phận quận 5 ngày nay, và có thể gồm cả khu vực Xóm Chiếu, Khánh Hội. Qua những thông tin trên, có thể xác định rằng Hoàng hậu Nam Phương sinh tại Sài Gòn.
Còn với tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy (sinh năm 1973 tại Lâm Đồng, cử nhân xã hội học, hiện là Hội trưởng Hội Quán các Bà mẹ, từng thực hiện nhiều chương trình trao đổi văn hóa quanh chủ đề “Hoàng hậu Nam Phương - Lụa là muôn thuở” từ năm 2018 đến nay), bà đã chia sẻ:
“Theo dự định ban đầu, cuốn sách chỉ tập trung viết về Hoàng hậu Nam Phương, sau mới bổ sung tư liệu về Vua Bảo Đại, bởi cuộc sống của bà có nhiều nét đặc biệt - là người đầu tiên đi ra khỏi cung cấm, xuất hiện bên cạnh hoàng đế trong những nghi lễ chính thức, những cuộc thăm viếng, còn có những hoạt động riêng về mặt xã hội, y tế, giáo dục…
Về hoạt động xã hội, Hoàng hậu Nam Phương là người rất năng động. Không thể kể hết những trường học, bệnh viện, nhà bảo sanh, trại dưỡng lão, trại người mù, cô nhi viện… bà đã đặt chân đến ở Trung Kỳ, Nam Kỳ và Tây Nguyên. Hoàng hậu có chương trình riêng, không tùy thuộc vào các hoạt động của Vua Bảo Đại, như tháng 3/1935, trong chuyến kinh lý các tỉnh miền Trung: Trong lúc Vua Bảo Đại cùng Khâm sứ Graffeuil thăm nhà thương Kim Long (bệnh viện chuyên trị và ngăn ngừa bệnh ngã nước), Hoàng hậu Nam Phương đã cùng bà Graffeuil ghé thăm nhà thương hủi Quy Hòa, nằm cách Quy Nhơn 8 cây số.
Vua Bảo Đại ngự trên ngai vàng (ảnh tư liệu). |
Vào cuối năm 1937, Viện Hàn lâm Y khoa Pháp đã trao tặng Hoàng hậu Nam Phương Huân chương Bạc mạ vàng (Médaille de vermeil) - huân chương cao quý nhất của Viện, tưởng thưởng những cá nhân / tổ chức có công lớn trong việc giúp đỡ người bệnh, giáo dục trị liệu, nghiên cứu y khoa và ngừa bệnh. Năm 1939, bà còn được trao tặng “Bội tinh Y tế công cộng đệ nhất đẳng” - bậc huân chương cao nhất trong lĩnh vực y tế, được thiết lập theo một nghị định ngày 18/2/1938 của chính phủ Pháp.
Ngoài ra, trong các cuộc thăm viếng các cơ sở từ thiện, bệnh viện hay viện mồ côi… hoàng hậu thường lấy tiền riêng góp vào quỹ của cơ sở từ thiện, hoặc trao thẳng cho người nghèo. Khi hoàng hậu tặng tiền cho một tổ chức hay hội đoàn (bằng cách viết ngân phiếu), người ta mới biết được số tiền, nhưng khi tặng trực tiếp, không ai có thể biết hoàng hậu đã chi bao nhiêu.
Khi xảy ra thiên tai, hoàng hậu cũng không bao giờ quên đóng góp cho việc cứu trợ; hoặc khi diễn ra một sự kiện nào đó của triều đình, cũng là dịp để hoàng hậu xuất tiền làm từ thiện - như sau khi hạ sinh Công chúa Phương Mai (năm 1937), hoàng hậu gửi 3.400 đồng đến các hội từ thiện ở Trung Kỳ, Bắc Kỳ và Nam Kỳ.
Tại buổi giao lưu, tạo đàm ra mắt sách, từ trái sang: TS Vĩnh Đào - tác giả; PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương; Khúc Thị Hoa Phượng - GĐ/Tổng biên tập NXB Phụ nữ Việt Nam và tác giả Nguyễn Thị Thanh Thúy. Ảnh: L.Q.V |
Trong một chuyến đi của Henriette Chandel - đặc phái viên tờ Échos de Paris, đến Sài Gòn ở năm 1936, nhằm điều tra về tình hình phụ nữ và nhi đồng tại Đông Dương - đã có dịp trò chuyện với Hoàng hậu Nam Phương tại Huế. Cuộc gặp gỡ đó đã để lại cho nữ ký giả này một ấn tượng sâu sắc và được thuật lại như sau:
“Bà nói rất cần giáo dục người phụ nữ, đó là một trong những điều kiện đầu tiên để bảo vệ trẻ em. Sẽ có biết bao trẻ em được cứu sống nếu người mẹ biết được vài nguyên tắc về vệ sinh. Để giáo dục số đông, người phụ nữ của tầng lớp thượng lưu phải đến với quần chúng và truyền lại những gì họ đã học được. Trên đất nước có nhiều thiên tai này, có biết bao nhiêu mảnh đời đau khổ cần được cứu vớt! Và trước khi nghĩ đến việc chữa trị, cần phải cho họ cơm ăn, áo mặc.
Tôi cảm thấy trong trái tim của hoàng hậu đầy những ưu tư về tình hình xã hội. Thật là kỳ diệu khi nghĩ rằng một con người chỉ mới 20 tuổi được cuộc đời hết sức ưu đãi, mà tinh thần trách nhiệm, ý chí làm vơi sự đau khổ của người khác lại cao đến vậy”.
Còn trên tờ báo Le Soir d’Asie, xuất bản tại Sài Gòn năm 1942, đã viết: “Sắc đẹp, nét duyên dáng, lòng nhân từ, trí thông minh, hiện rõ trên nét mặt của bà, toát ra trong từng cử chỉ. Người phụ nữ Annam lấy bà làm mẫu mực cần nhớ là bà từng khuyên là nên để lên hàng đầu các đức tính về trí tuệ và đạo đức.
Hoàng hậu Nam Phương trong trang phục cung đình (ảnh tư liệu). |
Trước hết, hoàng hậu là một người nội trợ và một người mẹ hoàn hảo. Sau khi chiếm được trái tim của mọi người trong nước, hoàng hậu đã được ngưỡng mộ tại Pháp và cả trên thế giới. Từ khi lên ngôi, hoàng hậu luôn luôn nhớ đến nhiệm vụ về mặt xã hội của một “đệ nhất phu nhân” trong đế chế, một tấm gương sáng và một người dẫn đường cho mọi phụ nữ Annam…
Bà không thích nghe nói đến “thi sắc đẹp”, “thi thanh lịch”, “trình diễn áo tắm”… Hoàng hậu quan tâm đến việc đào tạo một lớp tinh hoa mới với những nữ bác sĩ, nữ dược sĩ, nữ luật sư, nữ giáo viên, nữ giáo sư, nữ ký giả…
Đối với hoàng hậu, có một con đường mở ra cho tất cả phụ nữ, đó là vừa giữ nhiệm vụ đầu tiên làm người mẹ, người vợ, đồng thời là bàn tay cứu giúp cho mọi kẻ bất hạnh trên cõi đời này. Chính là tấm lòng bác ái của bà, cũng như lòng ngưỡng mộ trước sắc đẹp của bà, khiến cho hoàng hậu hết sức được lòng dân trong nước, được khâm phục tại Pháp và tại các nước”.
Trong khi đó, vào năm 1949, Toàn quyền tại Đông Dương Jean Decoux đã bình luận: “Trong suy nghĩ của tôi, hình ảnh hoàng đế luôn đi đôi với gương mặt dịu hiền của hoàng hậu, người bạn đường của hoàng đế những lúc vui và những lúc khó khăn. Tôi càng thấy cần phải nói đến hoàng hậu vì bà luôn luôn ảnh hưởng trên hoàng đế theo chiều hướng tốt nhất. Gốc người Nam Kỳ, theo Thiên Chúa giáo, được giáo dục phần lớn tại Paris - nơi bà có nhiều bạn bè, hoàng hậu, theo tôi, là thí dụ tốt đẹp nhất của sự kết hợp hài hòa giữa Đông và Tây mà nước Pháp đã thực hiện tại Nam Kỳ”.
Tại buổi giao lưu, tọa đàm ra mắt sách, từ trái sang: Nhà nghiên cứu giáo dục lịch sử Nguyễn Quốc Vương và hai tác giả Vĩnh Đào, Nguyễn Thị Thanh Thúy. Ảnh: P.N |
Xung quanh việc thực hiện ấn phẩm nói trên, phía NXB đã chia sẻ:
"Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương là hai nhân vật lịch sử chiếm được khá nhiều sự quan tâm của công chúng, có lẽ do họ là vua và hoàng hậu cuối cùng của chế độ quân chủ ở Việt Nam, và cũng có lẽ do cuộc đời, con người họ khá đặc biệt.
Đã có nhiều cuốn sách viết riêng về Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương, tuy nhiên trong đó có nhiều chi tiết, sự kiện chưa được kiểm chứng và đối chiếu, thậm chí có những chi tiết thêu dệt thành giai thoại.
Những sự kiện, chi tiết ấy, tiếc thay, chính người trong cuộc là Vua Bảo Đại, trong cuốn hồi ký “Con rồng An Nam” xuất bản tại Pháp, vì một lý do nào đó đã không nhắc đến hoặc ghi theo suy nghĩ của riêng ông. Thế nên, xung quanh Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương có nhiều giai thoại, nhiều sự kiện, sự việc được ghi chép khác nhau, thậm chí là bất nhất”.
Trong khi đó, hai tác giả đều có chung quan điểm: Không lặp lại các điều sai lầm, các giai thoại không được kiểm chứng được chép đi chép lại từ trước; Thông điệp chuyển tải và ước muốn lan tỏa những giá trị di sản: Áo dài, văn hóa dưới góc nhìn xã hội học và hướng dẫn du lịch; Cuộc đời của vị hoàng hậu cần được nghiên cứu kỹ, vì đây là một hình mẫu lý tưởng cho các phu nhân của giới chính khách có thể học hỏi trong công tác thiện nguyện hay xuất hiện trước truyền thông.
Dù vậy, trong buổi giao lưu ra mắt sách vừa được tổ chức tại Hà Nội, cũng đã có bạn đọc băn khoăn về vài chi tiết liên quan tới lịch sử chưa xác thực. Về việc này, phía các tác giả đã ghi nhận để tiếp tục nghiên cứu và đại diện phía NXB cũng đã hứa hẹn, nếu tái bản, sẽ chỉnh sửa phù hợp.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
200 năm sau khi bị chôn nhầm vì ngất xỉu lúc sinh con, cảnh tượng bên trong quan tài của người phụ nữ khiến hậu thế bàng hoàng
Như người ta thường nói: “Khi tre nở hoa, hãy di chuyển ngay lập tức”. Khi tre nở hoa đáng sợ thế nào?
Sự thật cặp vợ chồng mang gỗ lăng mộ đế vương về làm tủ, khiến 4 đứa con dính lời nguyền chết thảm
Lão nông đào được khúc gỗ kì dị, tưởng gỗ quý sắp phát tài nào ngờ con trai vừa thấy đã báo cảnh sát
Tôn Ngộ Không thành Phật mới hay có một nữ yêu khiến ngay cả Như Lai cũng phải kiêng dè, cung kính, nàng là ai?
Việt Nam phát hiện loại gỗ quý hiếm bậc nhất thế giới, trị giá hơn 600 tỷ đồng, là gỗ gì?