Những ẩn số xung quanh cuộc đời cô Ba, hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn
Hóa ra đây là lý do Gia Cát Lượng tiên tri chính xác về cuộc đời Võ Tắc Thiên / 16 loài động vật quyến rũ nhất hành tinh thông qua cuộc bình chọn của 170.000 người
Học giả Vương Hồng Sển, trong cuốn Sài Gòn năm xưa đã mô tả vẻ đẹp của cô Ba như sau: “Đẹp tự nhiên, không răng giả, không ngực cao su nhân tạo, tóc dài chấm gót, bới ba vòng một ngọn, mướt mượt và thơm phức dầu dừa mới thắng, đẹp không vì phấn son giả tạo, đẹp đến nỗi Nhà nước in hình vào con tem Nhà dây thép (Bưu điện) và một hiệu buôn xà bông xin phép họa hình làm mẫu rao hàng: xà bông cô Ba”.
Mặc dù có khá nhiều tư liệu ghi chép của cô Ba, tuy nhiên có không ít giai thoại tam sao thất bản, chưa được đối chiếu, kiểm chứng... Điều này làm cho những thông tin về thân thế của bậc tuyệt sắc giai nhân này thêm những ẩn số.
Cô Ba đạt danh hiệu hoa hậu vào năm nào?
Hiện nay, tư liệu viết về thời gian cô Ba đạt danh hiệu hoa hậu rất khác nhau, thậm chí chênh nhau tới gần 30 năm.
Theo sách Giai thoại về các tỷ phú Sài Gòn xưa của tác giả Thượng Hồng (NXB Thanh niên, năm 2006) cô Ba được phong hoa hậu vào thập niên 90 của thế kỷ 19. Cô cũng là người Việt Nam đầu tiên được bầu là hoa hậu, được chính thức ghi danh trên báo chí Pháp ngữ ở Sài Gòn lúc bấy giờ và được người Pháp ngưỡng vọng, bốc lên tận mây xanh.
Một nhà báo viết trên tờ Le Cuorrier Saigonais rằng, nếu cô Ba chịu đi thi hoa hậu thế giới, thì chắc chắn có thứ hạng cao. Các tay phong lưu người Pháp cũng đánh hơi được điều đó, chính thức mời cô Ba ký hợp đồng để sang Pháp, giới thiệu với mọi người bên kinh đô ánh sáng, rồi sau đó sẽ tạo điều kiện cho cô Ba tham dự kỳ thi hoa hậu thế giới sắp sửa tổ chức. Nghe nói gia đình cô Ba đã không đồng ý, có lẽ vì sợ mất con vào mấy lão Tây háo sắc. Mà bản thân cô Ba cũng phản đối, bởi cô quan niệm rằng mình đi thi hoa hậu là để cho vui, để người ngoại quốc là phụ nữ Việt Nam không thua kém ai, còn chuyện thi tài với năm châu cô chưa nghĩ tới.
Chân dung cô Ba, con thầy Thông Chánh, hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn. Ảnh tư liệu.
Một số tư liệu khác thì lại cho rằng, vào năm 1865, một cuộc thi sắc đẹp mang tên Miss Sài Gòn đã được tổ chức dành riêng cho các người đẹp Việt, có gần 100 cô gái ở Sài Gòn và các vùng phụ cận đăng ký dự thi. Cuộc thi cũng trải qua các phần thi khác nhau gần giống với các cuộc thi sắc đẹp bây giờ với kết quả người đoạt vương miện hoa hậu là cô Ba Thiệu, con gái của ông Chánh, làm nghề thư ký.
Sau khi cô Ba đăng quang hoa hậu, nhiều phóng viên Pháp đã đề nghị chụp ảnh áo tắm của cô đăng trên báo Pháp nhưng cô nhất định từ chối. Sau này, cô Ba đồng ý sử dụng ảnh vẽ chân dung và sau đó được in thành tem với số lượng lớn.
Cô Ba lấy chồng Việt hay chồng Tây?
Đề cập đến thân thế cô Ba trong sách Giai thoại về các tỷ phú Sài Gòn xưa, tác giả Thượng Hồng cho biết cô là con thứ của một viên quan nhỏ người Việt, giúp việc cho chính quyền bảo hộ, được gọi là thầy Thông Chánh.
Sách Nghìn năm bia miệng (tập 2), NXB Tổng hợp TP. HCM, năm 2018 của đồng tác giả Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường cũng khẳng định điều này. Sách cho biết, hai vợ chồng thầy Thông Chánh có một người con gái sắc nước hương trời, nổi tiếng một thời, đến nỗi hãng xà bông Trương Văn Bền đã in hình cô trên hộp đựng thứ xà bông thơm hảo hạng gọi là “Xà bông cô Ba” (theo Nguyễn Đức Hiệp - tác giả sách Sài Gòn Chợ Lớn ký ức đô thị và con người - thật ra người phụ nữ ấy chính là người vợ của Trương Văn Bền).
Một tư liệu khác cho biết, cô Ba tên thường gọi là cô Ba Thiệu, con của thầy thông Chánh, còn gọi là Nguyễn Trung Chánh ở Trà Vinh. Từ nhỏ, cô Ba đã được cha cho học hành tử tế nên so với nhiều thiếu nữ cùng thời.
Tuy nhiên, chuyện cô Ba lấy chồng Việt hay Tây thì lại có những thông tin khác nhau. Sách Nghìn năm bia miệng (tập 2) thì cho rằng, cô Ba lấy chồng Tây làm chức quan ba khi mới 16 tuổi.
Cô Ba được in hình trên tem. Ảnh tư liệu.
Một tư liệu khác thì lại cho biết một thời gian sau khi đăng quang ngôi vị Miss Sài Gòn, cô Ba quyết định lấy chồng trong sự tiếc nuối của rất nhiều chàng trai. Thay vì lấy một ông quan tây giàu có, cô Ba lấy một người đàn ông Việt Nam bình thường và chọn cho mình một lối sống giản dị, bỏ lại đằng sau nhiều ánh hào quang.
Như vậy, ngoài thông tin chồng của cô Ba là quan Tây và một thông tin khác là người Việt Nam bình thường, thì những tư liệu trên đều không cho biết thêm bất cứ một thông tin gì về người chồng cô Ba.
Cô Ba có phải là người bắn chết tên biện lý Jabois?
Trong sách Nghìn năm bia miệng (tập 2) có đề cập một tư liệu hiếm hoi mà đồng tác giả Huỳnh Ngọc Trảng - Trương Ngọc Tường cho rằng nó phản ánh chính xác và chi tiết về thân thế của thầy Thông Chánh. Đó là một mẩu tin đăng trên báo của chính quyền thuộc địa ngày 15 Janvier 1894. Thế nhưng, oái oăm thay mẩu tin này lại thông báo việc xử tử thầy Thông Chánh: “Nguyễn Văn Chánh còn gọi là Nguyễn Trung Chánh bị tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19/6/1893 và bị xử tử ngày 18/1/1894”.
Thầy Thông Chánh giữa những tên tà mà. Ảnh tư liệu.
Sách Nghìn năm bia miệng (tập 2) cũng cho hay nguyên nhân dẫn đến vụ việc trên như sau: Thầy Thông Chánh có một người vợ đẹp mỹ miều và cô con gái sắc nước hương trời (cô Ba). Một tên biện lý háo sắc kỳ cục tên là Jabois đã mê vợ thầy và theo đuổi không ngừng. Thầy biết việc làm bất chính này, song chẳng còn cách nào, đành phải đổi tới đổi lui chỗ làm, chỗ ở để cách ly hắn. Thế nhưng Jabois không buông tha và cũng đổi chỗ làm, chỗ ở theo, thậm chí hắn còn ve vãn cả cô Ba con thầy. Không những thế, hắn còn ỷ thế cản trở công việc xây nhà của thầy. Thầy Thông đâm đơn kiện hắn ra tòa. Hắn dùng quyền lực để khiến thầy thua kiện.
Bị o ép đủ bề, thầy Thông xin đổi về Trà Vinh, nhưng cũng chẳng bao lâu Jabois cũng đã chuyển về đây làm việc. Tức nước vỡ bờ, thầy Thông Chánh quyết định bắn chết Jabois vào đúng ngày lễ Chánh chung năm nọ (lễ Quốc khánh cộng hòa Pháp, tức 14/7).
Trước lúc tử hình thầy Thông Chánh. Ảnh tư liệu.
Thầy bị bắt ngay sau đó và bị giam ở Trà Vinh một thời gian, trước khi bị giải về Sài Gòn xét xử. Đến ngày xét xử thầy Thông, cô Ba (lúc này 16 tuổi đã có chồng) tay cầm súng sáu, đột nhập vào tòa định bắn chết tên Chánh án, nếu hắn xử ép cha mình. Tên Chánh án thấy bất an vội thét mã tà (lính đánh thuê) chặn cô lại. Vốn có chút võ nghệ nên cô đã đá lộn nhào bọn mã tà. Sau đó cô bỏ đi. Còn thầy Thông lại được áp giải về tòa Đại hình Mỹ Tho xét xử. Thầy bị kết án tử hình tại Trà Vinh.
Đề cập đến vụ án này, có một số tư liệu khác đưa ra kết cục buồn thảm với cô Ba, theo kiểu hồng nhan bạc mệnh. Có tư liệu viết, sau khi thầy Thông Chánh bị xử tử, cô Ba toan trả thù cho cha nhưng vừa đưa súng lên bắn thì bị bắt giam. Cô Ba tự tử trong tù kết thúc cuộc đời mình. Lại có tài liệu nói rằng, cô Ba mới là người cầm súng bắn chết tên biện lý Jaboin. Cô bị Tòa đại hình Mỹ Tho kết án ngày 19/6/1893 rồi xử tử ngày 18/1/1894 tại Trà Vinh.
Tóm lại, có rất nhiều tư liệu, giai thoại khác nhau xung quanh cuộc đời cô Ba, hoa hậu đầu tiên của Sài Gòn và thông tin về cuộc đời của cô còn những ẩn số. Dẫu vậy, người đẹp vang bóng một thời này vẫn được người đời nhắc đến là một hoa hậu bậc nhất Hòn Ngọc Viễn Đông.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Người Việt Nam duy nhất được xem là triết gia: Thế giới nể trọng, tên được đặt cho 1 con đường ở TP.HCM
Loại gỗ có giá trị gấp 10 lần vàng, 1 cây cũng có giá hơn 350 tỷ nhưng không ai dám trồng, lý do là gì?
Trường THPT chuyên lâu đời nhất Việt Nam: Nhiều lãnh đạo từng học, là niềm hãnh diện của cả đất nước
Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
Khúc gỗ đen xì có giá hơn cả 'nghìn lượng vàng', tại sao lại đắt như vậy?
Mổ ‘xác ướp người ngoài hành tinh’, các nhà khoa học phát hiện ra 1 bí mật gây 'sốc'