Khám phá

Những bí mật CIA che giấu về vụ ám sát Tổng thống Mỹ Kennedy năm 1963

Chỉ 7 tuần trước vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy năm 1963, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã chặn được một cuộc điện thoại gây tò mò gọi tới Đại sứ quán Liên Xô ở Mexico City.

CIA tiết lộ người ngoài hành tinh từng hóa đá 23 binh sĩ Liên Xô / CIA đã trợ cấp vũ khí cho phiến quân như thế nào?

Tổng thống Kennedy không lâu trước khi bị ám sát. Ảnh: Getty Images.

Tổng thống Kennedy không lâu trước khi bị ám sát. Ảnh: Getty Images.

Theo trang Yahoo News, người gọi nói bằng thứ tiếng Nga bập bẹ: “Tên tôi là Oswald” và cho biết muốn tìm kiếm thông tin về yêu cầu xin thị thực để trở lại Nga. Đó chính là Lee Harvey Oswald, kẻ sau này sẽ bị coi là thủ phạm trong vụ ám sát ông Kennedy. Trong trường hợp này, Oswald đã không hỏi được gì nhiều. Khi hắn tìm kiếm thông tin cập nhật về yêu cầu cấp thị thực, viên chức Liên Xô trả lời điện thoại với Oswald rằng mình không có thông tin cập nhật nào và sau đó cúp máy.
Phần lớn bản ghi nhớ nội bộ dài 23 trang của CIA ghi lại cuộc điện thoại đó và các chi tiết khác về chuyến đi Mexico City của Oswald trước vụ ám sát đã được công bố nhiều năm trước. Nhưng một số phần trước đây là thông tin mật vừa mới được công bố tuần trước. Đây là một phần nhỏ trong số 13.173 tài liệu nguyên gốc được Cục Lưu trữ Quốc gia tiết lộ theo luật.
Vậy CIA đã che giấu điều gì trong suốt những năm qua? Phần bị che giấu suốt thời gian dài nói lên tất cả. Bản ghi nhớ giải thích cách CIA nghe lén cuộc gọi của Oswald tới Đại sứ quán Liên Xô: “Thông tin này có được là nhờ một trung tâm nghe lén điện thoại mà chúng ta vận hành cùng với văn phòng của Tổng thống Mexico. Đó là thông tin cực kỳ bí mật, các quan chức an ninh và thực thi pháp luật Mexico cũng không được biết”.
Nói tóm lại, giống như nhiều tài liệu mới được tiết lộ về Tổng thống JFK, bản ghi nhớ nói trên không chứa thông tin gây chấn động nào chứng minh có một âm mưu phức tạp nhằm giết ông. Thay vào đó, bản ghi nhớ cho thấy CIA đang cố gắng che giấu cách thức hoạt động của mình mà trong trường hợp này là tạo dựng mối quan hệ với một quan chức nước ngoài để điều hành một trung tâm nghe lén bí mật trên đất Mexico.
Vụ ám sát Tổng thống Kennedy cho đến ngày nay vẫn làm nảy sinh nhiều thuyết âm mưu, bao gồm việc cho rằng mafia, người Cuba, người Liên Xô hoặc chính CIA đã đóng một vai trò bí mật trong vụ ám sát Tổng thống Kennedy.
Hầu như chắc chắn rằng do CIA không công bố tất cả các hồ sơ liên quan đến vụ ám sát nên người ta nghĩ ngay tới việc Chính phủ Mỹ che đậy điều gì đó.
“Họ đang che giấu điều gì?”, Robert F. Kennedy Jr., cháu trai của Tổng thống Kennedy đã đặt câu hỏi này cách đây hai tháng khi có một tổ chức đã đâm đơn kiện để buộc Chính phủ Mỹ công bố số tài liệu còn lại về vụ ám sát chấn động.
Nhưng những tài liệu mới công bố chỉ cho thấy điều mà CIA muốn che giấu chính là hoạt động thu thập thông tin rất nhạy cảm của cơ quan này mà ít liên quan tới vụ ám sát.
Vậy tài liệu có cho biết điều gì về bản thân Oswald và có trả lời câu hỏi liệu hắn ta có liên hệ bí mật nào với ai trong Chính phủ Mỹ trong những tháng trước vụ ám sát hay không? Tất nhiên, Oswald đã thuộc diện theo dõi của FBI.
Một đặc vụ ở Dallas được giao nhiệm vụ theo dõi hắn ta vì trước đó hắn ta đã đào tẩu sang Liên Xô. Những hoạt động liên quan Oswald của đặc vụ trên, nhất là lá thư mà Oswald viết cho đặc vụ sau khi người này tìm cách thẩm vấn vợ Oswald, đã bị Ủy ban Warren hủy và che giấu. Ủy ban này được Tổng thống Lyndon Johnson lập ra để điều tra vụ ám sát.
Nhưng nhiều người theo thuyết âm mưu đã tin chắc rằng có điều gì đó mờ ám hơn nhiều đang diễn ra, rằng CIA có mối quan hệ kiểu nào đó với Oswald.
Bản ghi nhớ xác định rằng CIA đã biết về Oswald và có hồ sơ về hắn ta. Nhưng tin tức về vụ bắt giữ Oswald đã gây ra hỗn loạn khi được lan truyền bên trong trụ sở CIA.
Bản ghi nhớ viết: “Khi tin tức về vụ ám sát Tổng thống Kennedy đến văn phòng của các bộ phận điều hành và nhân viên của chúng tôi vào chiều thứ Sáu ngày 22/11/1963, mọi người bật đài bán dẫn khắp mọi nơi để theo dõi thảm kịch. Khi nghe thấy tên của Lee Oswald, tác động không khác gì điện giật. Cùng lúc đó, một tin nhắn điện thoại từ FBI gửi đến, chỉ đích danh Oswald có thể là kẻ ám sát và yêu cầu tìm kiếm dấu vết”.
Vào thời điểm đó, đây là những gì đã xảy ra theo bản ghi nhớ: James Jesus Angleton, trưởng bộ phận phản gián của CIA, đã chuyển thông điệp của FBI cho Đơn vị Điều tra Đặc biệt. Một nữ đặc vụ khác tên Betty Egerter ngay lập tức nhận ra tên của Oswald và đi tìm hồ sơ của hắn ta.
Trước đó, một bức điện đã được gửi đến Mexico City yêu cầu biết thêm thông tin về Oswald. Trưởng văn phòng CIA ở Mexico đã gọi về để nhắc các đồng nghiệp rằng họ có thông tin gì đó về Oswald.
Điều nổi lên từ câu chuyện này là việc các quan chức vội vã đi tìm thông tin về kẻ ám sát Tổng thống Kennedy và lo lắng rằng họ có thể bị đổ lỗi vì không chú ý đến Oswald nhiều hơn trước vụ ám sát.
Trước đó, CIA đã thừa nhận trong một bức thư gửi Nhà Trắng rằng cơ quan này vẫn đang giữ lại một số ít tài liệu về vụ ám sát ông Kennedy mà nếu công bố, thì có thể tiết lộ tên của các nhân viên CIA cụ thể, tài sản và nguồn tin tình báo, các phương pháp tình báo vẫn đang được sử dụng, các chi tiết hoạt động cụ thể, các mối quan hệ liên lạc với tình báo nước ngoài, các cơ sở nhất định của CIA và các chương trình hành động bí mật tuyệt mật vẫn còn hiệu lực.
Lee Harvey Oswald. Ảnh: Getty Images

Lee Harvey Oswald. Ảnh: Getty Images.

Trên podcast “Skullduggery” của Yahoo News, Jefferson Morley - cựu phóng viên của Washington Post đang điều hành một trang web chuyên về vụ ám sát ông Kennedy - lập luận rằng, CIA đang chơi một “trò chơi vỏ bọc” và che giấu các tài liệu mà trong đó cho thấy Tổng thống Kennedy bị những kẻ thù trong chính phủ của ông giết hại và những người đó có khả năng lái kết quả điều tra vụ ám sát theo hướng khác. Nhưng bằng cách nào mà những người này làm được điều đó? Ông Morley nói: “Điều đó được giữ bí mật và vì vậy tôi không thể giải thích cơ chế của một âm mưu”.
Philip Shenon, cựu phóng viên của New York Times, người đã viết cuốn sách riêng về vụ ám sát ông Kennedy có tựa đề “A Cruel and Shocking Act”, đưa ra một quan điểm khác. Ông cho rằng Oswald quá thất thường và không đủ ổn định để tham gia vào âm mưu nào. Tuy nhiên, ông Shenon thừa nhận, công bố tài liệu mới nói trên không giải quyết được vấn đề và mọi người sẽ vẫn tranh luận về những thuyết âm mưu này trong cả nghìn năm tới.
John Fitzgerald Kennedy (JFK), Tổng thống Mỹ thứ 35, đã bị ám sát lúc 12 giờ 30 phút trưa 22/11/ 1963 tại Dealey Plaza, Dallas, Texas. Ông Kennedy bị Lee Harvey Oswald bắn trọng thương trong khi đang tham gia diễu hành vận động bầu cử cùng vợ là bà Jacqueline, Thống đốc bang Texas John Connally và vợ là Nellie, trên đoàn xe hộ tống tổng thống. Vào lúc 1 giờ chiều cùng ngày, Tổng thống Kennedy qua đời tại phòng cấp cứu bệnh viện Parkland. Phó Tổng thống Lyndon B. Johnson đảm nhiệm cương vị tổng thống ngay sau đó.
Một cuộc điều tra kéo dài 10 tháng từ tháng 11/ 1963 đến tháng 9/1964 của Ủy ban Warren đã kết luận rằng Oswald hành động một mình. Cái chết của ông Kennedy đánh dấu lần thứ 4 xảy ra một vụ ám sát Tổng thống Mỹ thành công.
Trái ngược với kết luận của Ủy ban Warren, Ủy ban các vụ ám sát Mỹ (HSCA) kết luận vào năm 1979 rằng vụ ám sát Kennedy là kết quả của một âm mưu. Họ xác định rằng những phân tích các bản ghi âm cho thấy có một tiếng súng nữa và có xác suất cao là hai tay súng cùng nhằm vào Tổng thống. Tuy nhiên, Ủy ban này không xác định được thêm cá nhân hoặc tổ chức nào tham gia vào âm mưu.

 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm