Những "bịa đặt chết người" trong "Tam quốc diễn nghĩa"
Sửng sốt phát hiện hình đầu quái vật Hy Lạp trên sao Hỏa / Những loài hoa độc dị "sợ chẳng dám gần"
Trở thành một dịch giả nổi tiếng về Văn học Trung Quốc (người dịch rất thành công các tác phẩm của Mạc Ngôn; và mới đây là Totem Sói), Trần Đình Hiến đã có những tìm hiểu sâu rộng về lịch sử, văn hóa Trung Hoa và trải qua nhiều năm trực tiếp sống, làm việc tại Trung Quốc.
Khi GĐ&XH đề nghị ông viết về những “bịa đặt chết người” về mặt lịch sử trong bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Tam Quốc diễn nghĩa” (thực ra, tiểu thuyết được quyền hư cấu, nhưng khi đọc “Tam Quốc diễn nghĩa”, rất nhiều người đã tin những câu chuyện trong đó là sự thật lịch sử), ông đã hứng khởi nhận lời.
Kỳ 1: Nhào nặn, tô vẽ lịch sử
“Uống rượu luận anh hùng”, “Ba lần đến lều tranh”: Bịa
Trung Quốc có 4 danh tác:
1. “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, xuất hiện cuối Nguyên đầu Minh, thế kỷ XV.
2. “Thủy hử” của Thi Nại Am, xuất hiện dưới triều Minh (thế kỷ XV – XVI).
3. “ Tây du ký” của Ngô Thừa Ân, xuất hiện dưới triều Minh (thế kỷ XV – XVI)
4. “ Hồng lâu mộng” xuất hiện vào đời Càn Long (1736 – 1796) triều Mãn Thanh.
Trong 4 tác phẩm trên, “Hồng lâu mộng” được dánh giá cao nhất về nghệ thuật, nhưng ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội Trung Quốc và nước ngoài, thì phải kể đến “Tam quốc diễn nghĩa”.
“Tam quốc diễn nghĩa” là bộ tiểu thuyết lịch sử viết về “Tam quốc”. “Tam quốc” nhằm chỉ ba nước Ngụy, Thục, Ngô cùng tồn tại trong “thế chân vạc” trong khoảng 60 năm.
Năm 220 Tào Phi xưng Đế, năm 221 Lưu Bị xưng Đế, năm 222 Tôn Quyền xưng Đế. Đến năm 280, Tấn Vũ Đế thu phục ba nước, lập ra triều Tấn, chấm dứt “Tam quốc”. Nhưng nếu căn cứ vào những sự kiện lịch sử thì lịch sử Tam quốc phải kể từ niên hiệu Sơ Bình năm thứ nhất đời Hán Hiếu Đế (190) đến niên hiệu Thái Khang năm thứ nhất đời Tấn Vũ Đế (280), tổng cộng 90 năm. Nhà sử học Phạm Văn Lan trong Trung Quốc thông sử, gọi thời kỳ này là thời kỳ chia rẽ.
Tam quốc là thời kỳ lịch sử đầy những biến cố phi thường. Những nhân vật tạo nên các biến cố đó như Tào Tháo, Lưu Bị, anh em Viên Thiệu, Viên Thuật, anh em Tôn Sách, Tôn Quyền v.v... khi chính thức hình thành Tam quốc đều đã vắng mặt. Mà nếu thiếu họ thì không thành “Tam quốc”. Không chỉ các nhân vật lịch sử vắng mặt, mà những câu chuyện khiến người ta si mê, như “uống rượu luận anh hùng”, “ba lần đến lều tranh”... đều không có chỗ trong lịch sử “Tam quốc”.
“Nhất tướng công thành, vạn cốt khô”
Vì lẽ đó, chính sử cũng như dã sử, người ta đều phân định Tam quốc bắt đầu từ loạn Đổng Trác hoặc sớm hơn, cho đến khi vương triều Tây Tấn được thành lập. Lại nữa, “thế chân vạc” Ngụy, Thục, Ngô thực ra đã hình thành trước khi thật sự hình thành Tam quốc. Các thế lực quân phiệt ở các địa phương lớn mạnh lên qua các cuộc đàn áp nông dân khởi nghĩa cuối đời Đông Hán. Tiếp đó là cuộc hỗn chiến giữa các quân phiệt. Cuối cùng, còn lại ba thế lực lớn nhất là Tào Tháo, Lưu Bị, Tôn Quyền tranh nhau ngôi bá chủ, và sau đó cả ba bị diệt, vương triều Tấn được thành lập.
Tam quốc là thời kỳ động loạn. Đây là thời kỳ chinh chiến triền miên, khói lửa ngất trời, xác chết đầy đồng, dân sống vất vưởng. Nhưng người ta có câu: “Trai thời loạn” - Đây cũng là thời kỳ xuất hiện các anh hùng hào kiệt cùng với những giang hồ hảo hán, và cả những kẻ côn đồ. Đủ các loại người. Hùng tài đại lược như Tào Tháo, cúc cung tận tụy như Gia Cát Lượng, tài hoa lỗi lạc như Chu Du, kiên trì nhẫn nại như Lưu Bị, coi trọng tình nghĩa như Quan Công...
Sức hấp dẫn của tác phẩm “Tam quốc diễn nghĩa” vượt lên các trứ tác lịch sử. Vì rằng tác phẩm văn nghệ cần sự tưởng tượng và hư cấu.
Trên cơ sở lịch sử, lấy lịch sử làm đề tài để tưởng tượng và hư cấu, hư hư thực thực, nửa thật nửa giả, rồi thì, do sức hấp dẫn ma mị của văn nghệ, giả biến thành thực, những hình tượng giả do văn nghệ tạo nên, lại như hình tượng lịch sử đích thực. Trường hợp “Tam quốc diễn nghĩa” là như vậy.
Từ quan điểm khoa học về lịch sử mà xét, những người nói trên không chỉ là anh hùng thời đại, mà còn là anh hùng dân tộc, vì rằng người nào cũng muốn chấm dứt chiến tranh, đất nước thống nhất, thiên hạ thái bình. Có điều, người nào cũng muốn giành lấy nhiệm vụ lịch sử ấy, không muốn nhường cho kẻ khác. Chính vì vậy mà nảy sinh mâu thuẫn, thậm chí xung đột, biến nhau thành kẻ thù không đội trời chung, một mất một còn. Rồi thì thắng lợi cuối cùng lọt vào tay một người, đúng như câu “Nhất tướng công thành, vạn cốt khô”.
Nhào nặn lịch sử, tạo sự hấp dẫn
Cho nên có thể nói rằng, chiến tranh giữa Ngụy, Thục, Ngô là không thể tránh khỏi, không còn cách nào khác. Lịch sử cứ thế tiếp diễn theo hai vế tương phản. Một vế dùng chiến tranh để kết thúc chiến tranh. Vế thứ hai là nhân dân chịu muôn vàn khổ cực để kết thúc chiến tranh. Vậy khi tán dương những anh hùng lịch sử, không được quên nỗi khổ không thể đong đếm được mà nhân dân phải gánh chịu.
Một đặc điểm của “Tam quốc” là thời gian ngắn. Ngụy, Thục, Ngô chỉ tồn tại được nửa thế kỷ, nếu cộng cả “tiền Tam quốc” cũng chỉ được 90 năm. 90 năm so với lịch sử một dân tộc chỉ một thoáng, như bóng câu qua cửa sổ. Mọi người chưa kịp suy ngẫm thì mọi chuyện đã trở thành quá khứ, trở thành lịch sử. Lịch sử thường do người chiến thắng ghi chép, không tránh khỏi thiếu công bằng. Dân gian chép sử thì năm người mười ý, “Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”. Ý kiến của các học giả cũng ít khi nhất trí. Thí dụ, Gia Cát Lượng ra khỏi lều tranh là do Lưu Bị ba lần đến thỉnh cầu, hay là ông ta tự tiến cử? Trận Xích Bích là do công của Hoàng Cái hay là Tào Tháo tự đốt chiến thuyền rồi rút lui? Vì sao có chuyện tam sao thất bản như vậy? Xin xem tiếp những phần sau sẽ rõ.
Kịch tính trong lịch sử “Tam quốc” là đối tượng lọt vào mắt xanh của những nhà sáng tác văn học nghệ thuật và luôn luôn là đề tài để đời sau bình phẩm. Ai biết Lưu Bị thì hiểu Lưu Bị hơn Lưu Tú. Ai biết Tào Tháo thì hiểu Tào Tháo hơn Vương Mãng. Nhưng định hướng những suy nghĩ và cách nhìn khác nhau về một mối là do ý đồ trong tác phẩm văn nghệ, mà ở đây là “Tam quốc diễn nghĩa”.
Ngoài những lí do trên, “Tam quốc diễn nghĩa” còn một yếu tố quan trọng khác. Đó là do tư tưởng “tôn quân”. La Quán Trung đã vừa hư cấu vừa nhào nặn lại các sự kiện và bộ mặt các nhân vật lịch sử: Ai tôn phò nhà Hán thì dù bất tài cũng được tô vẽ thành anh hùng, tài năng quán thế, nhân cách cao thượng; ai chống lại nhà Hán – mặc dù đó là một triều đại đã mọt ruỗng - thì dù tài năng quán thế cũng trở nên bất tài, tư cách hèn hạ.
Tuy nhiên, sự vật bao giờ cũng có hai mặt của nó. Mặt thành công của “Tam quốc diễn nghĩa” nói trên, đi kèm với thất bại (trớ trêu thay, cũng có thể gọi là thành công) trong việc tiêu chí hóa mẫu người anh hùng đã nhào nặn người Trung Quốc thành những con người không thực, nhân cách méo mó, giả nhân giả nghĩa.
Theo dõi lịch sử Trung Hoa từ đời Tống trở đi thì rõ.
Trên đây là tổng quan về bộ tiểu thuyết trường thiên “Tam quốc diễn nghĩa”, một tiểu thuyết chương hồi, ảnh hưởng sâu sắc đến sự hình thành nhân cách của người Trung Quốc. Biết bao thế hệ người Trung Quốc say mê “Tam quốc diễn nghĩa”, người làm tướng tìm thấy ở đây mưu thần chước quỷ, kẻ làm quan rút ra ở đây những xảo thuật trị dân, triều Mãn Thanh còn lệnh cho hoàng gia phải thuộc lòng “Tam quốc diễn nghĩa”. “Tam quốc diễn nghĩa” trở thành sách gối đầu giường từ dân đến quan ở Trung Quốc, chí ít trong khoảng 500 năm lịch sử.
“Tam quốc chí”, “Tam quốc chí chú”, “Tam quốc diễn nghĩa”: Cuốn nào đáng tin?
Nhưng chính từ “Tam quốc diễn nghĩa”, ta thấy rõ hơn văn hóa truyền thống Trung Quốc và các anh hùng hảo hán tượng trưng cho lí tưởng thời đại trong “Tam quốc diễn nghĩa” đã được nhào nặn như thế nào?
Trước hết hãy làm rõ mối quan hệ giữa “Tam quốc chí”, “Tam quốc chí chú” với tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa”.
Tây Tấn diệt Ngụy, Thục, Ngô thống nhất Trung nguyên năm 280. Sau đó 5 năm, tức năm 285, Trần Thọ biên soạn xong “Tam quốc chí”. Trần Thọ quê Tứ Xuyên, tính cách điềm đạm, trung thực và đặc biệt rất thận trọng đối với công việc chép sử. Ông là một nhà sử học chân chính. Với thái độ cực kỳ cẩn trọng, ông ghi chép những gì đã được xác minh là đúng với sự thực. Với những vấn đề tồn nghi, ông không chép nếu thấy vô lý. Với những vấn đề còn phân vân hoặc thiếu sử liệu chứng thực, ông vẫn chép nhưng có ý kiến bảo lưu để người đời sau bàn tiếp. Vì khoảng cách mới 5 năm, chứng nhân lịch sử rất nhiều và vì người ta chưa kịp quên, nên hầu hết những gì ông khẳng định đều chính xác. Nhưng cũng vì thời gian quá ngắn so với công việc sưu tầm biên khảo, nên ông chưa kịp thu thập rất nhiều sự kiện và một số nhân vật lịch sử. Do đó mới có bộ “Tam quốc chí chú” (chú giải Tam quốc chí) của Bùi Tùng Chi xuất hiện sau đó 130 năm (năm 413).
Bùi Tùng Chi quê gốc Sơn Đông, sống vào thời Lưu Tống - Nam Bắc triều. Về tính cách, ông cũng cẩn thận như Trần Thọ. Vì có độ lùi 130 năm, đủ để ông thu thập hết những gì Trần Thọ bỏ sót hoặc phân vân chưa quyết. Sử liệu trung thực và những lời bình xét xác đáng của hai ông khiến hai bộ sách này trở thành chính sử có độ tin cậy cao, người đời sau mỗi khi tranh luận về Tam quốc mà ý kiến bất đồng, đều lấy “Trần chí, Bùi chú” làm trọng tài phân xử.
Tiếp đó, sau 1.100 năm, tức vào cuối Nguyên đầu Minh (cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV) xuất hiện tiểu thuyết “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung. Ông người Sơn Tây (có thuyết nói ông quê Tiền Đường-Chiết Giang hoặc Lư Lăng-Giang Tây), nghe nói là học trò Thi Nại Am (tác giả tiểu thuyết “Thủy hử”). La Quán Trung dựa vào sử liệu Tam quốc để sáng tác bộ tiểu thuyết trường thiên “Tam quốc diễn nghĩa”.
Xuất phát từ tư tưởng bảo hoàng, bằng sức tưởng tượng và hư cấu của một nhà văn tài năng trác việt, La Quán Trung nhào nặn lại các sự kiện và nhân vật lịch sử cho phù hợp với lí tưởng tôn quân của ông. Người nào trung thành với nhà Hán thì dù bất tài cũng được ông tô vẽ thành chính nhân quân tử. Ai chống lại nhà Hán thì dù là bậc anh hùng hào kiệt, ông cũng gán cho cái tên “gian thần quốc tặc”.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Là chủ của Thiên Đình, tại sao Ngọc Hoàng lại sợ hãi đến trốn cả vào gầm bàn, phải nhờ cậy Phật Tổ Như Lai khi Tôn Ngộ Không đại náo thiên cung?
Ai được xem là ‘nhà thơ của làng cảnh Việt Nam’ ? Có bài thơ người Việt nào cũng thuộc
Nhà thơ 'lười' nhất lịch sử: Cả đời chỉ sáng tác một bài hai câu thơ, được truyền muôn đời